QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020
________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển vật liệu xây dựng phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch khác liên quan;
b) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, thế mạnh về thị trường và lao động, đồng thời không ngừng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh;
c) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp;
d) Phát triển vật liệu xây dựng trước hết đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước đồng thời lựa chọn những sản phẩm công nghệ Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu, trong đó chú trọng các sản phẩm được sản xuất với trình độ công nghệ có hàm lượng chất xám cao;
đ) Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng;
e) Thống nhất quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt. Quy hoạch vật liệu xây dựng được rà soát và điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ cụ thể;
g) Sản phẩm vật liệu xây dựng phải phù hợp với điều kiện khí hậu, phù hợp với tập quán sinh hoạt ở Việt Nam, vừa có tính truyền thống vừa hiện đại, thân thiện môi trường, có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
2. Mục tiêu phát triển
a) Khai thác tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, thị trường, công nghệ, lao động để phát triển ngành vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, từ năm 2010 đáp ứng về số lượng, chất lượng và các chủng loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu;
b) Sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững;
c) Nâng cao năng lực quản lý, vận hành ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Đội ngũ cán bộ ngành vật liệu xây dựng phải nhanh chóng làm chủ công nghệ sản xuất;
d) Đến năm 2015 Việt Nam phải tự chế tạo được các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng quy mô tương đối lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, phải làm chủ trong việc sản xuất, dịch vụ cung cấp phụ tùng thay thế, đặc biệt là phụ tùng thay thế cho nhà máy xi măng.
3. Định hướng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020
Tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như: xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện, đồng thời chú trọng phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.
a) Xi măng:
- Định hướng về quy mô đầu tư, công nghệ khai thác đá vôi sản xuất xi măng và bảo vệ môi trường.
Quy mô đầu tư, công nghệ khai thác đá vôi và các nguyên liệu khác để sản xuất xi măng phải thực hiện theo các nội dung trong "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020", bảo vệ tốt môi trường cảnh quan, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:
+ Hàng năm, các cơ sở khai thác phải tiến hành xử lý hoàn nguyên theo quy định của Luật Khoáng sản về môi trường ở khu vực khai thác, bao gồm: phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động khoáng sản; xử lý nước thải theo tiêu chuẩn về môi trường trước khi thải;
+ Thường xuyên kiểm tra theo dõi đặc điểm địa hình các khu vực mỏ đang khai thác và có biện pháp bảo đảm an toàn lao động.
- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất xi măng.
Phát triển sản xuất xi măng phải căn cứ vào Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó:
+ Hoàn thành các dự án đầu tư mới và mở rộng quy mô các nhà máy xi măng theo tiến độ đã được phê duyệt. Ưu tiên phát triển dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ở các tỉnh phía Nam, nơi có thị trường tiêu thụ lớn và vùng kinh tế còn khó khăn, các dự án đầu tư mở rộng, dự án chuyển đổi từ công nghệ lò đứng sang công nghệ lò quay;
+ Phát triển các nhà máy xi măng lò quay có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, cơ giới hóa và tự động hóa cao, tiêu tốn ít nhiên liệu, nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
+ Đối với các cơ sở sản xuất hiện có, phải thường xuyên đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, thường xuyên kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, kiên quyết dừng hoạt động đối với các trường hợp không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường;
+ Không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng và các trạm nghiền không có cơ sở sản xuất clanhke;
+ Phát triển đa dạng các chủng loại xi măng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xúc tiến thương mại để xuất khẩu khi cần thiết.
b) Gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh:
- Định hướng về quy mô đầu tư, công nghệ khai thác, chế biến đất sét cao lanh và fenspat cho sản xuất gốm sứ xây dựng và bảo vệ môi trường, phải thực hiện theo các nội dung trong "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020", trong đó cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:
+ Tập trung nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ chế biến đất sét, cao lanh và fenspat cho phù hợp với đặc điểm và nguồn gốc thành tạo khoáng sản;
+ Tổ chức những cụm khai thác, chế biến cao lanh và fenspat tập trung để sản xuất các nguyên liệu thương phẩm, bảo đảm ổn định chất lượng;
+ Các cơ sở khai thác chế biến phải có những định hướng cụ thể về mục đích sử dụng đối với từng loại nguyên liệu có yêu cầu chất lượng khác nhau.
- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh.
Định hướng phát triển về đầu tư, công nghệ, chủng loại sản phẩm và xuất khẩu:
+ Các cơ sở sản xuất hiện có cần đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, hạ giá thành sản xuất và phải bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất;
+ Đầu tư các cơ sở sản xuất tập trung công suất lớn, chuyên môn hóa sản xuất nguyên liệu để nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí vật tư, năng lượng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm;
+ Quy mô công suất của một cơ sở sản xuất gạch gốm ốp lát phải đạt từ 2 triệu m2/năm trở lên;
+ Đối với các cơ sở đầu tư mới công nghệ cần đạt được các tiêu chí sau:
* Công nghệ sản xuất gạch ốp lát hiện đại phải sản xuất được nhiều loại sản phẩm với các kích thước khác nhau; có khả năng ứng dụng các công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm đa dạng có giá trị kinh tế; đồng thời có mức tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng như sau:
. Khí hóa lỏng (LPG) ≤ 0,88 kg/m2 sản phẩm;
. Dầu diezel ≤ 1,07 kg/m2 sản phẩm;
. Điện ≤ 2,58 KWh/m2 sản phẩm.
Đối với các cơ sở sản xuất có điều kiện, có thể nghiên cứu sử dụng khí hóa than để thay thế song phải tuân thủ các tiêu chuẩn về khí thải để bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm.
* Công nghệ sản xuất sứ vệ sinh hiện đại có khả năng đúc các sản phẩm có kích thước lớn với các tính năng sử dụng hiện đại, giảm tiếng ồn, giảm độ bám dính và tiết kiệm nước khi sử dụng; có khả năng sử dụng lớp phủ nano để nâng cao chất lượng bề mặt sản phẩm; đồng thời có mức tiêu hao nhiên liệu và năng lượng như sau:
. Khí hóa lỏng (LPG) ≤ 0,275 kg/kg sứ;
. Dầu diezel ≤ 0,72 kg/kg sứ;
. Điện ≤ 0,55 KWh/kg sứ;
- Đối với các cơ sở sản xuất có sử dụng các nhiên liệu khác thay thế thì yêu cầu phải đạt các chỉ tiêu tiêu hao tương ứng.
+ Chủng loại sản phẩm phải đa dạng, với nhiều mẫu mã, đặc biệt là các loại sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu:
. Mục tiêu xuất khẩu: giai đoạn từ nay đến năm 2010 khoảng 20%, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 25% và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30% sản lượng.
c) Kính xây dựng.
- Định hướng về quy mô đầu tư, công nghệ khai thác, chế biến cát trắng cho sản xuất thủy tinh xây dựng và bảo vệ môi trường: thực hiện theo các nội dung quy định tại "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020". Cụ thể cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:
+ Đầu tư công nghệ chế biến làm giàu cát phù hợp với các loại cát ở từng khu vực, để sản phẩm đạt chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của sản xuất kính;
+ Không xuất khẩu cát trắng chưa qua chế biến.
- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất kính xây dựng.
Định hướng phát triển về đầu tư, công nghệ, chủng loại sản phẩm và xuất khẩu:
+ Phải đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ của các cơ sở sản xuất kính xây dựng hiện có, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường;
+ Chú trọng sản xuất các mặt hàng kính có kích thước và độ dày lớn; các loại kính có tác dụng cách âm, cách nhiệt tiết kiệm năng lượng, kính an toàn, kính có khả năng tự làm sạch phù hợp với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta; các loại kính trang trí, nghệ thuật; các loại bloc thủy tinh...;
+ Đầu tư mới theo công nghệ kính nổi hiện đại, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Mức tiêu hao nhiên liệu và năng lượng như sau:
. Dầu FO ≤ 200 kg/tấn sản phẩm;
. Dầu DO ≤ 0,5 kg/tấn sản phẩm;
. Điện ≤ 100 KWh/tấn sản phẩm.
Tập trung nghiên cứu phát triển các công nghệ sau kính để sản xuất các chủng loại kính đặc biệt; đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng lớn và đòi hỏi thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường.
+ Việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kính cần phải chú ý tới yêu cầu, đặc thù của công nghệ (sản xuất liên tục), nhằm tránh các sự cố ảnh hưởng tới công nghệ sản xuất do các nguyên nhân khác nhau gây ra, đặc biệt là ở các khu vực hay xảy ra thiên tai bão lụt;
+ Mục tiêu xuất khẩu: giai đoạn từ nay đến năm 2010 khoảng 20%, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 25% và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30% sản lượng.
d) Vật liệu xây: khuyến khích đầu tư phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế tối đa việc sản xuất vật liệu xây từ đất nông nghiệp.
- Gạch đất sét nung:
+ Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường;
+ Phát triển các loại gạch có kích thước lớn, độ rỗng cao ≥ 50% để tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu, tăng tính cách âm, cách nhiệt;
+ Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công hiện nay để chuyển sang công nghệ lò tuynen, hoặc các công nghệ tiên tiến khác bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường của Việt Nam;
+ Phát triển sản xuất gạch nung chất lượng cao có giá trị kinh tế, đặc biệt là các loại gạch xây không trát phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu;
+ Khuyến khích việc chuyển đổi nguyên liệu sản xuất từ đất sét trong sản xuất gạch nung sang nguyên liệu đất đồi, đất bãi và phế thải công nghiệp (đá bìa trong khai thác than, đá sít than
).
- Vật liệu xây không nung:
+ Phát triển sản xuất vật liệu xây không nung từ các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát và tro xỉ nhiệt điện
; theo hướng công nghệ hiện đại, quy mô lớn, kích thước lớn, nhẹ để thay thế dần gạch xây sản xuất từ đất sét nung. Tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 là 20 ÷ 25% và năm 2020 là 30 ÷ 40% tổng số vật liệu xây trong nước;
+ Đầu tư nghiên cứu các đề án phát triển vật liệu không nung;
+ Khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng.
đ) Vật liệu lợp:
- Phát triển sản xuất ngói nung truyền thống 22 viên/m2 ở các địa phương có nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường với các chỉ tiêu về nhiên liệu và năng lượng như sau:
+ Than cám 4 - 5 ≤ 209 kg/1000 viên;
+ Điện ≤ 59 KWh/1000 viên.
- Phát triển sản xuất các loại ngói tráng men, ngói trang trí chất lượng cao có giá trị kinh tế, phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển sản xuất các loại ngói không nung có màu sắc đa dạng đáp ứng nhu cầu cho các khu vực đô thị, nông thôn, cho các vùng hay bị lụt bão.
- Phát triển đa dạng các sản phẩm tấm lợp như tấm lợp composite, tấm lợp polycarbonate, tấm lợp polycarbonate - hợp kim nhôm, tấm lợp từ sợi hữu cơ và bi tum, tấm lợp acrylic có phủ các hạt đá tự nhiên
và gia công các tấm lợp kim loại.
- Nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp.
- Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng chrysotile phải không ngừng đầu tư chiều sâu, hoàn thiện công nghệ bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế.
e) Đá xây dựng:
- Tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ sản xuất khai thác đá xây dựng ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Kiểm tra, tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác đá nhỏ ở các địa phương, nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Ngừng khai thác các mỏ đá nằm gần các khu danh lam thắng cảnh, gần các thành phố, khu dân cư để bảo đảm cảnh quan, môi trường. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tổ chức khai thác đá gần các tuyến quốc lộ, khu dân cư không tuân theo các quy định của Luật Khoáng sản.
- Phát triển sản xuất đá xây dựng theo quy hoạch ở các địa phương có tiềm năng về đá. Các cơ sở sản xuất đá phải có công nghệ nghiền sàng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng không khí, nồng độ bụi, tiếng ồn và các chất thải. Nghiên cứu, kết hợp sản xuất đá với sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế một phần nhu cầu cát tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên.
g) Cát xây dựng:
- Tiếp tục khai thác cát bê tông theo quy hoạch, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tổ chức sắp xếp lại việc khai thác cát nhỏ lẻ của tư nhân ở tất cả các địa phương, hình thành các cơ sở khai thác tập trung theo quy hoạch để tạo điều kiện cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
- Phát triển sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50 nghìn m3/năm trở lên để thay thế một phần cát tự nhiên sử dụng cho bê tông.
- Nghiên cứu việc xuất khẩu cát ở một số tỉnh miền Trung với khối lượng hợp lý, góp phần nạo vét lòng sông, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm cân đối cung cầu cát ở các địa phương, bảo vệ môi trường, không gây sạt lở, cản trở giao thông.
h) Bê tông xây dựng:
- Phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bê tông cấu kiện đúc sẵn, bê tông thương phẩm để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng dân dụng, giao thông và công nghiệp.
- Phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt, bê tông chất lượng cao, cường độ cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng.
- Phát triển các loại phụ gia cho bê tông để nâng cao các tính năng bê tông cải thiện tính chất công nghệ bê tông.
i) Đá ốp lát tự nhiên:
- Đầu tư các cơ sở gia công đá với trang thiết bị hiện đại, có thể gia công được các loại đá có độ cứng cao, đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển sản xuất đá lát đường đi, sân bãi
phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
k) Đá ốp lát nhân tạo:
Đầu tư phát triển sản xuất các loại đá ốp lát nhân tạo chất lượng cao như Terastone và Brettonstone
; để phục vụ cho các công trình xây dựng trong nước và xuất khẩu.
l) Gạch lát bê tông:
Phát triển sản xuất một số chủng loại sản phẩm mới như gạch mặt trơn, gạch mặt có khía rãnh tạo độ bám, các loại gạch giả cổ, giả đá, giả gỗ, gạch mặt sần, gạch cho người khiếm thị với nhiều màu sắc khác nhau, phạm vi sử dụng đa dạng nhằm phục vụ thỏa mãn nhu cầu về ốp lát trang trí đường đi, vườn hoa, sân bãi, vỉa hè ở các thành phố, đô thị, các trung tâm du lịch, thể thao văn hóa và vui chơi giải trí.
m) Vật liệu ốp lát với những tính năng đặc biệt:
- Phát triển sản xuất các vật liệu ốp lát nội thất có khả năng ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, ngăn ngừa sự bám bẩn, có khả năng hút mùi hôi.
- Phát triển sản xuất các loại vật liệu ốp lát ngoại thất có bề mặt là những loại hợp chất có khả năng chống thấm cao, chống bám dính, có khả năng tự làm sạch, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc.
- Phát triển sản xuất ván gỗ công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên trong xây dựng như ván MDF, các loại ván ép có bề mặt được phủ sơn hoặc tráng các lớp để bảo vệ như nhựa, ôxit nhôm... chống trầy xước và tăng khả năng trang trí bề mặt.
- Phát triển sản xuất vật liệu dùng để lát sàn như: sàn epoxi giả đá, sàn bằng tấm hợp chất polyvinyl clorua sử dụng lát trực tiếp trên bề mặt xi măng. Phát triển sản xuất sàn nâng (sàn lắp ghép) phục vụ cho các công trình văn phòng và nhà công nghiệp.
n) Vật liệu hợp kim nhôm, nhựa, thạch cao:
- Phát triển sản xuất các loại sản phẩm khung cửa nhôm, khung cửa nhựa có lõi thép gia cường với chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, không bị biến đổi hình dạng, không cong vênh, co ngót trong điều kiện thời tiết khí hậu ngoài trời.
- Phát triển sản xuất tấm hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, độ cứng cao.
- Phát triển sản xuất tấm trần từ các nguyên liệu chính là keo hữu cơ và sợi vải thủy tinh có khả năng chống cháy; tấm trần bằng nhôm có màu sắc phong phú, đa dạng về hình dáng, nhẹ và có độ bền cao; tấm trần và tấm ngăn bằng thạch cao, tấm trần bằng bông thủy tinh... có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống ẩm và chống cháy.
- Phát triển sản xuất các loại tấm nhựa cứng có thể sử dụng làm vách ngăn, hoặc làm các khối lát đường đi, sân bãi, cầu cảng ven biển.
o) Vật liệu composite:
Phát triển sản xuất vật liệu composite có độ cứng cao có khả năng chống mài mòn và bền xâm thực hóa, trên cơ sở sử dụng cốt sợi khoáng, sợi hữu cơ tổng hợp, sợi thép, bông sợi thủy tinh cùng với nền là chất kết dính vô cơ hoặc hữu cơ.
p) Sơn xây dựng:
- Phát triển sản xuất sơn phủ nội ngoại thất có độ bóng và độ bền màu cao, có khả năng chống thấm, chống bám dính, dễ cọ rửa bằng nước.
- Phát triển sản xuất sơn có khả năng chịu nhiệt, làm giảm nhiệt độ bề mặt.
- Phát triển sản xuất sơn nền công nghiệp có khả năng chống mài mòn, bền trong các môi trường nước ngọt, nước mặn, dầu, hóa chất
- Phát triển sản xuất các loại sơn biến tính, sơn bền trong môi trường khí hậu nhiệt đới, nắng nóng mưa nhiều.
q) Vật liệu cách âm, cách nhiệt:
Phát triển sản xuất các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt từ bông sợi khoáng, bông thủy tinh, bông gốm và các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt bằng các nguyên liệu vô cơ và hữu cơ.
r) Một số vật liệu khác:
Phát triển sản xuất vữa xây trát trộn sẵn đóng bao, các loại keo dán gạch, dán đá, vữa chít mạch, các loại vật liệu chống thấm cho các công trình ngầm, công trình nhà dân dụng, công nghiệp, công trình đường sắt cao tốc
s) Sản xuất frit:
Phát triển sản xuất frit với tổng công suất khoảng 300.000 tấn/năm, phục vụ cho công nghiệp gốm sứ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Xây dựng:
- Công bố, phổ biến chỉ đạo triển khai quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng.
- Phối hợp với các địa phương kiểm tra giám sát tình hình triển khai quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương, báo cáo Chính phủ hàng năm và đột xuất.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ổn định và bền vững ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
- Theo dõi và chỉ đạo phát triển công nghiệp xi măng theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng phương án cân đối cung - cầu xi măng hàng năm, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kích cầu xi măng để phát triển bền vững.
- Tổ chức lập quy hoạch đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo việc nghiên cứu nâng cao chất lượng các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của trung ương, địa phương và từng lĩnh vực sản xuất.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thiết lập, hoàn chỉnh, ban hành các định mức về nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường.
- Xây dựng chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020.
- Xây dựng kế hoạch điều tra, nghiên cứu, khai thác và sử dụng các tiềm năng hiện có để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Tổ chức triển khai công tác điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt chú ý tới các khoáng sản làm xi măng, gốm sứ và thủy tinh xây dựng, ưu tiên triển khai điều tra, khảo sát tài nguyên đá vôi ở khu vực miền Trung và Nam Bộ.
- Kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan ban hành, công bố các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.
3. Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành Quy chế quản lý công nghệ khai thác các mỏ đá làm vật liệu xây dựng và đá vôi làm xi măng nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng thay thế, các thiết bị phi tiêu chuẩn, đặc biệt là các thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất lớn.
- Tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ khai thác khoan hầm để tận dụng được tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại đẩy mạnh việc xuất khẩu vật liệu xây dựng có hiệu quả.
4. Bộ Giao thông vận tải:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng lập phương án đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như đầu tư mới, nâng cấp hệ thống giao thông ở một số khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi măng; đầu tư xây dựng các bến cảng, hệ thống vận tải đường thủy và đường sắt phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kích cầu xi măng như: xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống đường giao thông mới với công nghệ bê tông xi măng, cầu cạn bằng bê tông cốt thép ở các vùng thường xảy ra lũ lụt, lũ quét.
- Đầu tư phát triển năng lực vận tải biển Bắc - Nam phục vụ cho việc vận chuyển clanhke, xi măng và xuất khẩu vật liệu xây dựng.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Bộ xây dựng lập kế hoạch đào tạo kỹ sư đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020 theo định hướng quy hoạch tổng thể và các quy hoạch phát triển ngành.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư về vật liệu xây dựng phát triển. Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí để tiến hành lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đối với một số vùng kinh tế, các địa phương và đối với một số chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu.
7. Bộ Tài chính:
Nghiên cứu đề xuất chính sách về thuế tài nguyên, trong đó có thuế tài nguyên đất sét sản xuất gạch ngói nung, để giảm dần việc khai thác đất, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng chính sách ưu đãi tạo điều kiện để phát triển vật liệu không nung.
8. Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giới thiệu và phổ biến công nghệ hiện đại của thế giới;
- Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất khả năng phát triển các loại vật liệu cao cấp, siêu bền, siêu nhẹ tiết kiệm năng lượng, vật liệu thân thiện với môi trường; bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 theo thẩm quyền bảo đảm phù hợp với Quy hoạch này. Công bố và phổ biến quy hoạch vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền.
- Quản lý, chỉ đạo các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng đúng theo quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
- Rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất sét làm gạch, ngói nung trên địa bàn.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tại địa phương và định kỳ hàng năm gửi báo cáo về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Bộ Xây dựng căn cứ vào quan điểm, mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch để theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Hàng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch, đề xuất các nội dung cần điều chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2001, Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.