• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/07/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 17/2015/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 6 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế quản lý rừng phòng h

_____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý rừng phòng hộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2015.

Bãi bỏ các Điều 25; 26; 27; 28; 29; 30; 31; 32; 33; Điểm a Khoản 4 Điều 42; Khoản 2 Điều 12 tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


 

THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

Quản lý rừng phòng h
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015

của Thủ tướng Chính phủ)

_________________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng và hưởng lợi từ rừng phòng hộ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức và cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ tại Quy chế này được hiểu như sau:

1. Cây phù trợ: Là cây được trồng với cây trồng chính trong một thời gian nhất định nhằm tạo sinh cảnh, hỗ trợ cho cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

2. Cây trồng xen: Là cây được trồng kết hợp với cây trồng chính, nhằm tận dụng đất đai, không gian dinh dưỡng để tăng sản phẩm và thu nhập trên diện tích rừng mà không ảnh hưởng có hại đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng chính.

3. Cây trồng chính: Là cây lâm nghiệp được trồng nhằm mục đích phòng hộ.

Chương II

QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 4. Phân loại rừng phòng hộ

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn

a) Rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng hồ và khu vực hạ du;

b) Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn.

Quy mô của rừng phòng hộ đầu nguồn phù hợp với quy mô của lưu vực sông, hồ và việc quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông, hồ.

2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

a) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay nhằm giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, khu đô thị, vùng sản xuất và các công trình khác;

b) Diện tích rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay.

3. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

a) Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển nhằm ngăn cản sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê và các công trình ven biển, ven sông, duy trì diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái;

b) Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường

a) Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường góp phần điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan ở khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi;

b) Diện tích rừng phòng hộ bảo vệ môi trường gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Điều 5. Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn được phân ra cấp xung yếu và rất xung yếu khi có đủ các tiêu chí sau:

a) Cấp rất xung yếu

- Lượng mưa lớn hơn 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

- Địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc lớn hơn 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc lớn hơn 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc lớn hơn 15 độ.

- Độ cao thuộc một phần ba phía trên của núi (đỉnh).

- Thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: Loại đất cát, cát pha, tầng đất trung bình hay mỏng có độ dày tầng đất nhỏ hơn hoặc bằng 80 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 centimét.

b) Cấp xung yếu

- Lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.000 đến dưới 1.500 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

- Địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc từ 26 độ đến 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc từ 15 độ đến 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc từ 8 độ đến 15 độ.

- Độ cao thuộc một phần ba khoảng giữa của núi (sườn).

- Loại đất cát hoặc cát pha, tầng đất dày lớn hơn 80 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất từ 30 centimét đến 80 centimét.

c) Tiêu chí bổ sung

Trong quá trình phân cấp xung yếu rừng phòng hộ, tăng cấp xung yếu thành cấp rất xung yếu đối với các trường hợp khu rừng phòng hộ liền kề với các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trọng điểm, các thành phố, thị xã, thị trấn, đường giao thông miền núi; khu rừng phòng hộ ven hai bên bờ sông, suối chính hoặc ven hồ, ven đập.

2. Tiêu chí xác lập rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

a) Đụn cát, cồn cát di động, bãi tiếp giáp với địa hình cát di động, thung cát: Cát di động theo nước mưa, lũ, bão hoặc khu vực nội địa đang bị cát san, cát lấp, gây nguy hại đến thành phố, thị xã, vùng đã quy hoạch phát triển, các công trình hạ tầng, văn hóa xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cơ sở nông, công nghiệp tập trung, nơi làng mạc, đường xá, cầu, cống có diện tích lớn hơn 100 hecta;

b) Cồn cát cố định, bãi cát ven biển, vùng nội địa sẽ bị cát san, cát lấp từ 5 đến 10 năm, gây nguy hại cho các thị trấn, thị tứ, vùng trung tâm cụm xã, các công trình hạ tầng, văn hóa xã hội cấp huyện, liên huyện, cụm xã, nơi đồng ruộng ít, nhà máy nhỏ, rải rác, nơi làng mạc, đường xá, cầu, cống chưa có nguy cơ bị cát vùi lấp trong 5 năm tới, diện tích nhỏ hơn 100 hecta.

3. Tiêu chí xác lập rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

a) Vùng ven biển, cửa sông có đê, đập khoảng cách tính từ chân đê, chân đập ra phía biển là 200 mét lúc triều cao trung bình;

b) Vùng ven biển, cửa sông bị xói lở không có đê, đập khoảng cách tính từ mép nước ra phía biển đến 500 mét lúc triều cao trung bình. Trong trường hợp cửa sông không xói lở thì rừng phòng hộ kết hợp sản xuất có thể được xác định đến 200 mét tính từ mép nước ra phía biển lúc triều cao trung bình.

4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được xác lập cho từng công trình cụ thể, diện tích do địa phương quyết định theo quy định hiện hành.

Điều 6. Tiêu chuẩn định hình khu rừng phòng hộ

1. Các khu rừng phòng hộ định hình khi đạt các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này.

2. Tiêu chuẩn định hình chung đối với các khu rừng phòng hộ khi đạt các tiêu chí sau:

a) Tỷ lệ diện tích đất có rừng trên diện tích của toàn khu rừng phòng hộ phải từ 70 phần trăm trở lên;

b) Diện tích có rừng liền khoảnh từ 0,5 hecta trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 mét và có từ 03 hàng cây trở lên;

c) Là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa, tre nứa có chiều cao vút ngọn từ 5,0 mét trở lên (trừ một số loài cây rừng ngập mặn ven biển).

3. Tiêu chuẩn định hình cụ thể bổ sung đối với từng loại rừng phòng hộ

a) Khu rừng phòng hộ đầu nguồn đạt tiêu chuẩn định hình khi rừng có khả năng duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, giảm xói mòn. Độ tàn che của rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu phải từ 0,8 trở lên; độ tàn che của rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu phải từ 0,6 trở lên;

b) Khu rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay đạt tiêu chuẩn định hình khi cây rừng đã khép tán, rừng đã phát huy tác dụng ngăn chặn hoặc làm suy giảm tác hại của gió, cát cho vùng sản xuất và khu dân cư, nâng cao hoặc ổn định năng suất cây nông nghiệp;

c) Khu rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển đạt tiêu chuẩn định hình khi cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển, rừng phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc làm giảm sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, ven sông;

d) Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn định hình khi rừng đã có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm ô nhiễm không khí, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan, môi trường trong sạch cho khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, nghỉ ngơi.

Điều 7. Phân cấp quản lý nhà nước đối với rừng phòng hộ

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ trong phạm vi cả nước trên các lĩnh vực sau:

a) Chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng phòng hộ;

b) Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng phòng hộ;

c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp và xử lý các vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo và hướng dẫn việc thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và lập hồ sơ quản lý rừng phòng hộ;

đ) Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về rừng phòng hộ trên địa bàn cấp tỉnh về các lĩnh vực sau:

a) Tổ chức việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ cấp tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng phòng hộ của địa phương;

b) Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng phòng hộ;

c) Thành lập, sát nhập, chia tách và giải thể các Ban quản lý khu rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức việc phân loại rừng, xác định ranh giới, xác lập các khu rừng phòng hộ của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, công nhận quyền sử dụng rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật; việc lập và quản lý hồ sơ giao, cho thuê rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn;

e) Tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại đối với diện tích rừng phòng hộ ở địa phương; tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng phòng hộ, huy động các lực lượng phối hợp với lực lượng kiểm lâm ngăn chặn các hành vi hủy hoại rừng phòng hộ trên phạm vi toàn tỉnh;

g) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp và xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về rừng phòng hộ trên các lĩnh vực theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quản lý nhà nước về rừng phòng hộ trên địa bàn về các lĩnh vực sau:

a) Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ của cấp huyện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đã được phê duyệt;

b) Ban hành văn bản theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng phòng hộ ở địa phương;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phương án giao rừng, cho thuê rừng phòng hộ, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định, hợp đồng về giao rừng, cho thuê rừng, khoán rừng phòng hộ cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân (sau đây viết tắt là người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ) trên địa bàn;

d) Tổ chức thực hiện xác định ranh giới các khu rừng phòng hộ trong phạm vi địa phương;

đ) Tổ chức thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng phòng hộ trong phạm vi của địa phương;

e) Tổ chức việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng phòng hộ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn;

g) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xử phạt vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về rừng phòng hộ trên địa bàn về các lĩnh vực sau:

a) Chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn;

b) Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ của địa phương, phương án giao rừng, cho thuê rừng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

c) Thực hiện việc bàn giao rừng phòng hộ tại thực địa cho người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ trên địa bàn và xác nhận ranh giới rừng phòng hộ của các chủ rừng phòng hộ trên thực địa;

d) Hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ; tổ chức và huy động lực lượng quần chúng trên địa bàn phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trên địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại đến rừng phòng hộ;

đ) Kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;

e) Trực tiếp tổ chức quản lý những diện tích rừng phòng hộ chưa được giao, cho thuê trên địa bàn xã; trình Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa vào sử dụng đối với những diện tích rừng phòng hộ chưa được Nhà nước giao, cho thuê.

6. Trường hợp khu rừng phòng hộ được thành lập có diện tích nằm trên địa bàn liên huyện, thì việc quản lý khu rừng phòng hộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ trong phạm vi địa giới hành chính.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm của mình, nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Quy chế về quản lý, quy hoạch, đầu tư sai mục đích sử dụng rừng phòng hộ, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật, cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định hiện hành của Nhà nước trong những trường hợp sau:

a) Những khu rừng phòng hộ tập trung có diện tích từ 5.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; từ 3.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay;

b) Những khu rừng phòng hộ không tập trung nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay, tổng diện tích các khu rừng này thuộc phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh 5.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ đầu nguồn và 3.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay;

c) Trường hợp đặc biệt, những khu rừng phòng hộ không đảm bảo diện tích quy định tại Điểm a và Điểm b Điều này, nhưng yêu cầu cấp thiết phải thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thuận bằng văn bản.

2. Những khu rừng phòng hộ không đủ điều kiện thành lập Ban quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều này, thì Nhà nước giao, cho thuê cho đơn vị vũ trang đóng quân tại khu vực có rừng phòng hộ, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn cư trú hợp pháp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quy định về Ban quản lý rừng phòng hộ

1. Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm quản lý đối với diện tích rừng phòng hộ được nhà nước giao. Quyền hạn và nghĩa vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện theo quy định tại các Điều 59, 60 và 62 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

2. Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu từ khai thác lâm sản, hoạt động du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các dịch vụ lâm nghiệp khác được cân đối trong kế hoạch tài chính của Ban quản lý rừng phòng hộ, chia sẻ lợi ích trên cơ sở cơ chế đồng quản lý và chi cho lao động hợp đồng theo cơ chế tự trang trải.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật.

5. Biên chế sự nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ được xác định trên nguyên tắc về vị trí việc làm theo quy định của nhà nước. Ban quản lý khu rừng phòng hộ xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Tổng biên chế của Ban quản lý rừng phòng hộ bao gồm cả viên chức, lực lượng kiểm lâm (nếu có) và người lao động được xác định trên cơ sở tối đa 700 hecta rừng có một biên chế.

Điều 10. Quy định về lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ

1. Hạt Kiểm lâm khu rừng phòng hộ

Hạt Kiểm lâm được thành lập tại các Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Kiểm lâm và Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ;

b) Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.

2. Tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách

Những khu rừng phòng hộ không đủ điều kiện thành lập Hạt Kiểm lâm theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách như sau:

a) Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức, quản lý lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị mình;

b) Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ.

Chương III

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 11. Bảo vệ rừng phòng hộ

1. Nội dung bảo vệ rừng phòng hộ

a) Bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học;

b) Bảo vệ thực vật, động vật rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học;

c) Phòng cháy, chữa cháy trong rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y.

2. Trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng phòng hộ

a) Ban quản lý rừng phòng hộ, người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ chịu trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng phòng hộ được giao;

b) Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí Kiểm lâm địa bàn và phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ rừng;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ chủ rừng phòng hộ; bảo vệ diện tích rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân cấp xã chưa giao, cho thuê trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

3. Khoán rừng phòng hộ, đồng quản lý và chia sẻ lợi ích rừng phòng hộ

Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm tổ chức khoán rừng phòng hộ gắn với thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng, chia sẻ lợi ích từ sản phẩm rừng, dịch vụ môi trường rừng ổn định, lâu dài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 12. Phát triển rừng phòng hộ

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn phải duy trì và từng bước tái cấu trúc rừng tự nhiên đặc trưng của khu vực; loài cây có bộ rễ sâu, bám chắc.

2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay phải đảm bảo có ít nhất một đai rừng chính rộng tối thiểu 20 mét, kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín; rừng phòng hộ sản xuất nông nghiệp và các công trình theo băng, theo đai rừng có đặc tính thân dẻo dai, bộ rễ sâu, bám chắc.

3. Những nơi ven biển có thể trồng khôi phục rừng phải có dải rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Đối với rừng chắn sóng ven sông, suối đai rừng rộng tối thiểu bằng một phần ba bề rộng của sông, suối, nếu có nhiều đai rừng thì các đai bố trí so le nhau; cây rừng là những loài cây chịu nước, có bộ rễ sâu, bám chắc.

4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường phải tạo thành các đai rừng, dải rừng, khu rừng và hệ thống cây xanh xen kẽ trong các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch, tạo môi trường trong sạch, kết hợp với vui chơi, giải trí, tham quan du lịch; cây rừng là cây thường xanh, có tán lá rộng, nhiều hoa, hình thái đẹp và không gây độc cho con người.

5. Các loài cây trồng rừng phòng hộ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, đồng thời kết hợp phát triển cây đa mục đích nhằm tăng thu nhập từ rừng phòng hộ.

Chương IV

SỬ DỤNG RỪNG PHÒNG HỘ VÀ CƠ CHẾ HƯỞNG LỢI

Điều 13. Nguyên tắc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Sản lượng khai thác quy định tại các Điều 14, 15 và 16 của Quy chế này.

3. Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tận thu, tận dụng gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên

1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ.

2. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là rừng tự nhiên chỉ được phép tận thu gỗ là những cây, lóng, khúc, bìa bắp gỗ đã khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; cành, ngọn, gốc, rễ gỗ và khai thác bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; khai thác tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác ở những đối tượng rừng tự nhiên là rừng giàu và rừng trung bình. Sau khi khai thác, rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình rừng phòng hộ quy định tại Điều 6 của Quy chế này và các quy định hiện hành về khai thác lâm sản.

Điều 15. Khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng trồng

1. Rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải bảo đảm mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/hecta.

2. Rừng phòng hộ là rừng trồng có hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hỗ trợ của chương trình, dự án có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

a) Khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ;

b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 20 phần trăm trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại Điều 6 của Quy chế này hoặc khai thác trắng theo băng, đám xen kẽ nhau, với tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 20 phần trăm diện tích rừng trồng đã đạt tiêu chuẩn định hình và diện tích mỗi khu chặt trắng tối đa không quá 03 (ba) hecta; sau khai thác phải trồng lại vào vụ trồng rừng kế tiếp.

Băng khai thác phải thiết kế theo đường đồng mức, có chiều rộng tối đa là 20 mét đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và 30 mét đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu; đám khai thác có diện tích tối đa là 01 (một) hecta đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và 02 (hai) hecta đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu.

3. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư

a) Được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ;

b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30 phần trăm trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại Điều 6 của Quy chế này. Phương thức khai thác thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy trình kỹ thuật khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Điều 16. Khai thác tre, lâm sản ngoài gỗ từ rừng phòng hộ

Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ được khai thác tre, nứa với cường độ không quá 30 phần trăm trữ lượng; sau khi khai thác, rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình rừng phòng hộ quy định tại Điều 6 của Quy chế này. Khai thác các lâm sản ngoài gỗ khác phải đảm bảo các nguyên tắc về khai thác lâm sản quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

Điều 17. Hoạt động du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ

1. Ban quản lý rừng phòng hộ được tự tổ chức, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ.

2. Phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về Doanh nghiệp, Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các quy định có liên quan và quy định tại Quy chế này;

b) Có kế hoạch nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu rừng phòng hộ được chủ rừng phòng hộ chấp thuận;

c) Chỉ thu thập mẫu vật, nguồn gien loài sinh vật với số lượng đã được xác định trong kế hoạch nghiên cứu, giáo dục, đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được chủ rừng phòng hộ chấp thuận;

d) Thanh toán chi phí dịch vụ cho chủ rừng phòng hộ.

Điều 18. Sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ

Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ lâu dài được tổ chức sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trên diện tích đất chưa có rừng, diện tích rừng trồng chưa khép tán; mặt nước theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển của khu rừng phòng hộ.

Điều 19. Hưởng lợi từ rừng phòng hộ

1. Hưởng lợi từ khai thác lâm sản được quy định tại các Điều 14, 15 và 16 của Quy chế này

a) Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao rừng phòng hộ được hưởng toàn bộ lâm sản khai thác tận thu, tận dụng từ rừng phòng hộ là rừng tự nhiên sau khi nộp các khoản thuế, phí theo quy định hiện hành;

b) Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao rừng phòng hộ được hưởng toàn bộ lâm sản khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng bằng ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ các chương trình, dự án có nguồn gốc ngân sách nhà nước sau khi nộp các khoản thuế, phí theo quy định hiện hành;

c) Lâm sản khai thác từ rừng phòng hộ do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư sau khi nộp các khoản thuế, phí được hưởng toàn bộ sản phẩm thu được;

d) Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm đảm bảo cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán rừng được hưởng lợi từ giá trị lâm sản thu được trên phạm vi diện tích khoán và thanh toán tiền khoán bảo vệ rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao rừng phòng hộ được hưởng giá trị thu được từ dịch vụ ngoài lâm sản; thực hiện chi trả cho người nhận khoán; chia sẻ lợi ích cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đồng quản lý rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ lâu dài theo quy định tại Điều 18 Quy chế này được hưởng toàn bộ sản phẩm nông, ngư nghiệp kết hợp.

Chương V

KINH PHÍ SỰ NGHIỆP VÀ ĐẦU TƯ CHO BẢO VỆ,

PHÁT TRIỂN RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 20. Kinh phí sự nghiệp nhà nước

Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí sự nghiệp cho quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, bao gồm:

1. Kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền quyết định; phân bổ trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Kinh phí quản lý, bảo vệ rừng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

3. Mức khoán bảo vệ rừng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, bình quân 200.000 đồng/hecta/năm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

4. Nhà nước hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng và lập hồ sơ để trồng và chăm sóc rừng; khoán bảo vệ rừng hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

5. Kinh phí tổ chức quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Điều 21. Đầu tư cho rừng phòng hộ

1. Nhà nước đảm bảo đầu tư phát triển rừng theo những nội dung sau:

a) Trồng rừng phòng hộ theo thiết kế, dự toán đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh theo định mức kinh tế, kỹ thuật với suất đầu tư bình quân 4 triệu đồng/hecta đối với khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và 8 triệu đồng/hecta với khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung trong thời gian 5 năm.

2. Đầu tư các công trình cho Ban quản lý rừng phòng hộ

Đầu tư kết cấu hạ tầng cho các Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

a) Văn phòng làm việc của Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 và Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Trạm quản lý, bảo vệ rừng mức trung bình 200 mét vuông/trạm và các công trình phụ trợ khác. Nhà ở tạm trú (tập thể) và công trình phụ trợ khác gắn với nơi làm việc của cán bộ, nhân viên không có chỗ ở trên địa bàn, mức trung bình 12 mét vuông/người. Hệ thống điện lưới quốc gia hoặc hệ thống điện độc lập (điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ...);

b) Đầu tư đường giao thông

- Đường giao thông kết nối từ trục giao thông chính đến văn phòng của Ban quản lý rừng phòng hộ theo tiêu chuẩn từ cấp III đến cấp V.

- Đường nội bộ trong Ban quản lý rừng phòng hộ, khu nhà ở của cán bộ nhân viên Ban quản lý; biển chỉ dẫn; đường tuần tra rừng có chiều rộng không quá 1,5 mét.

- Bến đỗ tàu, thuyền đối với địa điểm văn phòng, trạm quản lý, bảo vệ rừng nằm cạnh sông, biển phù hợp với quy hoạch phát triển rừng phòng hộ và khả năng cân đối nguồn vốn.

c) Công trình, trang thiết bị, phương tiện dự báo, cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng, chòi canh lửa rừng, hệ thống kênh rạch, hồ đập, bể dự trữ nước, đường băng cản lửa, hệ thống bảng biển, các phương tiện và trang thiết bị, dụng cụ khác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 22. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách nhà nước bố trí thông qua Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng được phê duyệt tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và các nguồn đầu tư khác.

2. Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng nguồn thu từ khai thác lâm sản, dịch vụ rừng, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, dịch vụ môi trường rừng quy định tại Quy chế này.

3. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp

Những Ban quản lý rừng phòng hộ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trước khi Quy chế này có hiệu lực tiếp tục duy trì và rà soát lại theo quy định của Quy chế này.

Điều 24. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn thực hiện Quy chế này;

b) Kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế này, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Quy chế;

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, giám sát việc đầu tư cho các khu rừng phòng hộ;

d) Tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách quy định tại Quy chế này và các chính sách liên quan;

đ) Vận động các nhà tài trợ hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối nguồn vốn đầu tư cho rừng phòng hộ.

3. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp cho rừng phòng hộ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách hàng năm, 3 năm và 5 năm để thực hiện Quy chế này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Chỉ đạo, tổ chức, rà soát toàn bộ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn theo Quy chế này. Đối với những diện tích không đáp ứng tiêu chí rừng phòng hộ quy định tại Quy chế này theo quy hoạch trước đây, điều chỉnh sang quy hoạch rừng sản xuất;

b) Tổ chức giao, cho thuê theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên giao, cho thuê đối với diện tích đất này cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn;

c) Tổ chức rà soát, ổn định tổ chức quản lý rừng phòng hộ theo quy định tại Quy chế này; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn hoàn thành trong năm 2016;

d) Cân đối, bảo đảm kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

đ) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy chế này ở địa phương. Hàng năm báo cáo tình hình thực hiện Quy chế này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.