Sign In

PHÁP LỆNH

CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

________________________

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm và nâng cao chất lượng hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh doanh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lao động; bảo đảm an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng; góp phần mở rộng thương mại và hợp tác quốc tế;

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này quy định việc quản lý chất lượng hàng hoá.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất quản lý chất lượng hàng hoá trên cơ sở tiêu chuẩn, theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 2

Mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân bảo đảm và nâng cao chất lượng hàng hoá; bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá do mình sản xuất hoặc bán ra.

Điều 3

Hội đồng bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý chất lượng hàng hoá trên cơ sở tiêu chuẩn trong phạm vi cả nước.

Việc quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá bao gồm:

1- Lập quy hoạch, kế hoạch và quy định chế độ, thể lệ về quản lý chất lượng hàng hoá;

2- Tổ chức, quản lý hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;

3- Ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam; quy định việc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến chất lượng hàng hoá;

4- Đăng ký và cấp đăng ký về chất lượng hàng hoá; chứng nhận chất lượng hàng hoá, hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam và công nhận phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá;

5- Thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá.

Điều 4

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan Nhà nước khác và tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm, nâng cao chất lượng hàng hoá.

Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá; kiến nghị các biện pháp về quản lý chất lượng hàng hoá với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Các cơ quan này trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Điều 5

Nghiêm cấm việc kinh doanh hàng giả và mọi hành vi gian dối về chất lượng hàng hoá.

CHƯƠNG II

CƠ QUAN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Điều 6

Cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý của ngành, của cơ sở về chất lượng hàng hoá.

Điều 7

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá bao gồm:

1- Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước;

2- Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực;

3- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương.

Trong một số lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giao cho cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

Hội đồng bộ trưởng quy định tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

Điều 8

Để đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng hàng hoá, cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá của ngành, của cơ sở có thể được thành lập và hoạt động theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

Điều 9

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng dự án pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá; ban hành văn bản pháp quy về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá thuộc thẩm quyền; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá;

2- Tổ chức xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam; tham gia xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế và kiến nghị việc áp dụng các tiêu chuẩn đó;

3- Đăng ký và cấp đăng ký về chất lượng hàng hoá;

4- Chứng nhận chất lượng hàng hoá, hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam và công nhận phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá;

5- Kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

6- Thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá theo thẩm quyền;

7- Hướng dẫn tổ chức và nghiệp vụ cho cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá của ngành, của sơ sở;

8- Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá;

9- Thông tin về tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá;

10- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá;

11- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá.

Hội đồng bộ trưởng quy định việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá nói tại Điều này.

CHƯƠNG III

BAN HÀNH VÀ ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN

Điều 10

Tiêu chuẩn là văn bản kỹ thuật quy định quy cách, chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản hàng hoá và các vấn đề khác liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Điều 11

Tiêu chuẩn Việt Nam là Tiêu chuẩn Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến và Tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tiêu chuẩn Việt Nam do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Trong một số lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng có thể giao cho thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng quyền ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Điều 12

Tiêu chuẩn Việt Nam gồm Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng và Tiêu chuẩn Việt Nam tự nguyện áp dụng.

Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong phạm vi quyền hạn có thể tuyên bố Tiêu chuẩn Việt Nam tự nguyện áp dụng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với đơn vị mình.

Điều 13

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng.

Nhà nước khuyến khích việc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam tự nguyện áp dụng.

Điều 14

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố theo quy định của pháp luật tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của mình và có trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn đã công bố.

Các ngành, địa phương có quyền công bố tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương để áp dụng đối với cơ sở thuộc ngành, địa phương mình.

Các tiêu chuẩn nói tại Điều này không được trái với Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng và được xây dựng theo sự hướng dẫn chung của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Điều 15

Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá có quyền đăng ký chất lượng hàng hoá của mình với cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá. Tuỳ theo yêu cầu quản lý chất lượng hàng hoá trong từng thời kỳ, Uỷ ban Khoa học Nhà nước quy định danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng. Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá thuộc danh mục này phải đăng ký chất lượng hàng hoá của mình.

Tổ chức, cá nhân sản xuất có trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn đã đăng ký.

CHƯƠNG IV

CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

Điều 16

Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá thuộc diện Tiêu chuẩn Việt nam bắt buộc áp dụng phải xin chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam cho hàng hoá của mình.

Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá thuộc diện Tiêu chuẩn Việt Nam tự nguyện áp dụng có quyền đề nghị chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam cho hàng hoá của mình.

Điều 17

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có hệ thống bảo đảm chất lượng hàng hoá có quyền đề nghị chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam cho hệ thống của mình.

Điều 18

Tổ chức, cá nhân có phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá có quyền đề nghị chứng nhận là "Phòng thử nghiệm được công nhận".

Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành tiêu chuẩn về "Phòng thử nghiệm được công nhận".

Điều 19

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và cấp giấy chứng nhận, dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam cho hàng hoá quy định tại Điều 16; chứng nhận và cấp giấy chứng nhận cho hệ thống bảo đảm chất lượng hàng hoá quy định tại Điều 17; chứng nhận và cấp giấy chứng nhận là "Phòng thử nghiệm được công nhận" quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có quyền huỷ bỏ các giấy chứng nhận, tước quyền sử dụng dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chứng nhận.

Điều 20

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1- Kinh doanh hàng hoá thuộc diện Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng mà không có giấy chứng nhận và dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam;

2- Ghi dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam trên hàng hoá khi chưa được cấp giấy chứng nhận và cấp dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam;

3- Công bố, quảng cáo hàng hoá phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam, hệ thống bảo đảm chất lượng hàng hoá phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam, "Phòng thử nghiệm được công nhận" mà chưa được cấp giấy chứng nhận.

CHƯƠNG V

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Điều 21

Tổ chức, cá nhân sản xuất tổ chức kiểm tra để bảo đảm sản phẩm xuất xưởng đạt chất lượng đã đăng ký hoặc công bố; thông tin trung thực về chất lượng; có nhãn sản phẩm, trên đó ghi rõ đặc tính, công dụng của sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình sản xuất ra.

Điều 22

Tổ chức, cá nhân bán hàng phải biết rõ nguồn gốc và chất lượng hàng hoá mà mình bán ra; thông tin trung thực về chất lượng, hướng dẫn khách hàng lựa chọn, sử dụng, bảo quản hàng hoá và chịu trách nhiệm trực tiếp trước khách hàng về chất lượng hàng hoá.

Điều 23

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố thời hạn, điều kiện và hình thức bảo hành đối với từng loại hàng hoá và có trách nhiệm bảo hành hàng hoá.

Điều 24

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nộp lệ phí đăng ký chất lượng hàng hoá, lệ phí chứng nhận chất lượng hàng hoá, hệ thống bảo đảm chất lượng hàng hoá phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam và "Phòng thử nghiệm được cộng nhận".

Hội đồng bộ trưởng quy định lệ phí nói tại Điều này.

Điều 25

Người tiêu dùng có quyền được thông tin và lựa chọn hàng hoá khi mua hàng, yêu cầu bảo hành; có quyền đòi hỏi tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại do hàng hoá không đạt chất lượng gây ra.

CHƯƠNG VI

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 26

Tuỳ theo yêu cầu quản lý chất lượng hàng hoá trong từng thời kỳ, Uỷ ban Khoa học Nhà nước quy định danh mục những mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra Nhà nước về chất lượng.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục nói tại đoạn 1 Điều này phải đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc với cơ quan được uỷ quyền.

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc cơ quan được uỷ quyền tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hoá này theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 27

Nghiêm cấm việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục nói tại Điều 26 của Pháp lệnh mà không qua kiểm tra và xác nhận cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc cơ quan được uỷ quyền.

Hàng hoá đã được chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này có thể được miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng khi xuất khẩu.

CHƯƠNG VII

THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Điều 28

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

Tổ chức và hoạt động của thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 29

Nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá là thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hoá và kiến nghị biện pháp phòng ngừa, khắc phục và chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá.

Việc thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá do đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về chất lượng hàng hoá thực hiện.

Điều 30

Khi tiến hành thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá, trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về chất lượng hàng hoá có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra; tiến hành biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;

2- Lấy mẫu hàng hoá để thử nghiệm theo chế độ, thể lệ quy định;

3- Kiến nghị Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng huỷ bỏ giấy chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc giấy chứng nhận "Phòng thử nghiệm được công nhận", nếu có vi phạm quy định về chứng nhận;

4- Tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh, nếu xét thấy có thể gây hậu quả nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh, môi trường và kinh tế; kiến nghị biện pháp xử lý với thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;

5- Lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử phạt với cơ quan có thẩm quyền;

6- Chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá sang cơ quan điều tra hình sự, nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về chất lượng hàng hoá chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận và biện pháp xử lý trong quá trình thanh tra.

Điều 31

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá tiến hành thanh tra để làm cơ sở cho việc xem xét, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hoá.

Kết luận về chất lượng hàng hoá của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hoặc thủ trưởng cơ quan được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giao quyền quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá là kết luận có giá trị pháp lý cao nhất.

Điều 32

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền khiếu nại với cơ quan tiến hành thanh tra hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá cấp trên trực tiếp về kết luận và biện pháp xử lý khi thanh tra chất lượng hàng hoá tại cơ sở mình.

Quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

CHƯƠNG VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 33

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá hoặc có công phát hiện các vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 34

Người nào không tuân thủ Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng; không đăng ký chất lượng hàng hoá theo quy định của pháp luật; không bảo đảm chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc đã công bố; vi phạm quy định về chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam; giả mạo giấy chứng nhận và dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái hoặc cản trở việc thực hiện quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá hoặc vi phạm các quy định khác của Pháp lệnh này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IX

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 35

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 36

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1991.

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1990

Hội đồng Nhà nước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Chí Công