Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số

39/2004/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải

__________________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 39/2004/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

1. Sửa đổi tên các cơ quan quản lý đường thủy nội địa như sau:

Trạm Quản lý đường sông, Đoạn Quản lý đường sông, Chi cục Đường sông, Cục Đường sông Việt Nam được sửa thành Trạm Quản lý đường thủy nội địa, Đơn vị Quản lý đường thủy nội địa, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

2. Sửa đổi khoản 4, Chương I như sau:

“4. Công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 09/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 30 tháng 01 năm 2008 và các văn bản sửa đổi bổ sung hoặc thay thế Thông tư này.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3 mục I phần A Chương II như sau:

“1. Trạm Quản lý đường thủy nội địa có nhiệm vụ sau đây:

a) Định kỳ kiểm tra tuyến luồng quản lý, bảo trì theo nội dung công việc: Đi trên tuyến, kiểm tra báo hiệu, vật chướng ngại, bãi cạn, xử lý các tình huống gây mất an toàn giao thông đường thủy đột xuất xảy ra trên tuyến và kết hợp làm các công việc nghiệp vụ hiện trường khác;

b) Xây dựng và đề xuất phương án đảm bảo giao thông đường thủy.

2. Đơn vị Quản lý đường thủy nội địa định kỳ hàng tháng tổ chức kiểm tra tuyến của các Trạm Quản lý đường thủy nội địa, với các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra tình hình luồng lạch, báo hiệu, vật chướng ngại, vận tải và an toàn giao thông đường thủy trên tuyến để xây dựng phương án kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;

b) Chỉ đạo các công việc cần làm tiếp theo cho các Trạm Quản lý đường thủy nội địa;

c) Nghiệm thu các công việc quản lý, bảo trì thường xuyên của các Trạm Quản lý đường thủy nội địa.

3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Chi cục Đường thủy nội địa khu vực) định kỳ hàng quý tổ chức kiểm tra tuyến của các Đơn vị Quản lý đường thủy nội địa, với các nội dung công việc sau đây:

a) Kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành công việc của Đơn vị Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;

b) Thu thập tình trạng luồng lạch, báo hiệu, vật chướng ngại, vận tải, trật tự an toàn giao thông đường thủy và chỉ đạo Đơn vị Quản lý đường thủy nội địa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tuyến luồng;

c) Tổ chức nghiệm thu các công việc quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa của Đơn vị Quản lý đường thủy nội địa.”

4. Bổ sung điểm 2.6 khoản 2 mục II phần A Chương II như sau:

“2.6. Hành trình thay ắc quy, thay đèn.

Dùng phương tiện thủy vận chuyển con người, trang thiết bị đến các vị trí thay ắc quy, thay đèn.”

5. Điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục công việc tại phần B Chương II như sau:

“1. Điều chỉnh số lần kiểm tra đột xuất sau lũ bão đối với đường thủy nội địa loại 2, 3 và số lần bảo dưỡng báo hiệu theo Phụ lục I kèm theo Thông tư này;

2. Bổ sung số lần hành trình thay ắc quy, thay đèn và số lần thay ắc quy duy trì ánh sáng đèn LED theo Phụ lục I kèm theo Thông tư này.”

6. Bổ sung khoản 23 mục II và khoản 3 mục III phần B Chương III như sau:

Bổ sung định mức lao động, định mức ca máy công tác hành trình thay ắc quy, thay đèn theo Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

7. Bổ sung mục I, Phụ lục danh mục phân loại đường thủy nội địa quốc gia quản lý như sau:

Bổ sung phân loại các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được công bố tại Quyết định 970/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải theo Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký;

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng