CHỈ THỊ
Về một số công tác cấp bách chấn chỉnh hoạt động bóng đá
______________________
Trong những năm gần đây, hoạt động bóng đá nước ta có nhiều tiến bộ: Tổ chức bộ máy từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam tới các câu lạc bộ cơ sở từng bước được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp; công tác đào tạo vận động viên, trình độ chuyên môn của đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài có nhiều tiến bộ; hệ thống tổ chức thi đấu từng bước được hoàn thiện; đã hình thành thị trường chuyển nhượng, trao đổi cầu thủ ở trong và ngoài nước; xã hội hoá trong hoạt động bóng đá ngày càng phát triển. Bóng đá nước ta đã vươn lên trình độ cao ở khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bóng đá Việt Nam còn một số tồn tại, yếu kém là: Công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá ở một số khâu còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp; đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài chưa tốt; Tiêu cực trong hoạt động bóng đá như gian lận, bạo lực, mua bán, dàn xếp tỷ số, hối lộ, cá độ,... lan rộng đã gây nên sự bất bình trong người hâm mộ cả nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bóng đá nước nhà.
Những tồn tại, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chính là: Tổ chức bộ máy của Liên đoàn bóng đá Việt Nam bước đầu được kiện toàn nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới; nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý về vị trí, nhiệm vụ của bóng đá không đầy đủ, còn nặng tư tưởng thành tích đơn thuần; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức còn yếu; thiếu kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; cơ chế quản lý bóng đá còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển hoạt động bóng đá trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT yêu cầu Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn, thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban Thể dục thể thao, Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt một số việc cấp bách sau đây:
1. Tổ chức sơ kết và xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, trong đó chú trọng tới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài và chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá.
2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bóng đá.
3. Vụ Thể thao thành tích cao II chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài; hướng dẫn Sở Thể dục thể thao, liên đoàn bóng đá các địa phương, các câu lạc bộ tổ chức thực hiện các quy định.
b) Chủ trì phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, các vụ, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài và đổi mới cơ chế quản lý hoạt động bóng đá trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trình cấp có thẩm quyền ban hành.
4. Liên đoàn bóng đá Việt Nam chịu trách nhiệm:
a) Kiện toàn tổ chức, nhân sự của Liên đoàn; phối hợp với Sở Thể dục thể thao các địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn kiện toàn tổ chức và nhân sự liên đoàn, câu lạc bộ bóng đá các địa phương.
b) Khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khoá V, Quy định kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt nam, Quy hoạch phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Tiếp tục hoàn thiện Quy chế bóng đá chuyên nghiệp;
c) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ.
d) Củng cố các đội tuyển quốc gia; lựa chọn, bổ nhiệm các cán bộ, huấn luyện viên có tài, có đức, có thái độ tích cực chống tiêu cực vào các ban huấn luyện. Chuẩn bị tốt về mọi mặt cho đội tuyển quốc gia để tham dự các giải thi đấu quốc tế trong năm 2006 và những năm sau. Tổ chức thật tốt các giải thi đấu quốc gia, quốc tế.
5. Sở Thể dục thể thao các địa phương, các trường, Trung tâm Thể dục thể thao, câu lạc bộ bóng đá tăng cường đào tạo năng khiếu bóng đá trong các trường phổ thông; xây dựng kế hoạch đào tạo toàn diện cho các vận động viên, trong đó chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, học tập văn hoá cho các vận động viên trẻ, năng khiếu; không để tình trạng vận động viên trong lứa tuổi đi học không được học tập văn hoá đầy đủ theo quy định.
6. Thanh tra Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì phối hợp với Vụ Thể thao thành tích cao II hướng dẫn thanh tra các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về hoạt động bóng đá của các liên đoàn, trung tâm đào tạo vận động viên, câu lạc bộ bóng đá theo thẩm quyền nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong bóng đá.
7. Vụ pháp chế tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về Thể dục thể thao trong toàn ngành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tuyên truyền nêu gương các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài có thái độ kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của bóng đá, đồng thời tăng cường phê phán các biểu hiện bạo lực, tiêu cực trong hoạt động bóng đá.
8. Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và Liên đoàn bóng đá Việt Nam xây dựng các đề án xã hội hoá hoạt động bóng đá cá cược bóng đá hợp pháp, xổ số thể thao trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
9. Các công việc trên phải triển khai ngay trong Quý I năm 2006. Giao Vụ Thể thao thành tích cao II chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao./.