• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/05/1981
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 10 TC/CTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 25 tháng 5 năm 1981

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành thu thuế công thương nghiệp vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản

__________________________

 

- Căn cứ vào điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo quyết định số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 01 năm 1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

- Căn cứ vào lệnh số 120 LCT ngày 24 tháng 6 năm 1980 của Quyền Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điểm về thuế công nghiệp và thuế sát sinh.

- Căn cứ vào quyết định số 150 CP ngày 9 tháng 4 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ về việc thu thuế công thương nghiệp vào nghề đánh cá.

Sau khi thống nhất với Bộ Hài sản, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thi hành như sau:

I. Mục đích yêu cầu của việc thu thuế:

Thuế công thương nghiệp thu vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản nhằm thực hiện việc quản lý của Nhà nước đối với ngành khai thác, đánh bắt thuỷ sản, hải sản, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hỗ trợ công tác thu mua, nắm nguồn hàng của Nhà nước, và thực hiện chính sách đóng góp công bằng, hợp lý giữa các ngành nghề trong xã hội.

II. Đối tượng phải nộp thuế CTN:

Tất cả các cơ sở tập thể, cá thể hay tư nhân làm nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản ở bãi cá cố định hay lưu động, đánh bắt thường xuyên hay theo mùa vụ; đều phải chịu thuế công thương nghiệp như sau:

1. Thuế doanh nghiệp:

a) Thuế doanh nghiệp tính trên doanh thu bán sản phẩm của các cơ sở tập thể, cá thể hay tư nhân làm nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản chưa trừ một khoản phí tổn nào.

Đối với các cơ sở tập thể, cá thể vừa đánh bắt, vừa chế biến:

Nếu sản phẩm đem vào chế biến toàn bộ và doanh thu được thực hiện qua khâu chế biến thì thuế doanh nghiệp sẽ thu trên doanh số do bán sản phẩm chế biến thu được ở khâu chế biến.

Nếu đem một phần sản phẩm đánh bắt được vào chế biến và một phần bán ra khi đánh bắt được thì thuế doanh nghiệp thu trên doanh thu bán hàng của 2 loại đó.

b) Thuế doanh nghiệp thu vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản theo thuế suất 2% trên doanh thu bán hàng ra như nghề chế biến hoa màu và sản xuất thực phẩm khác ghi trong biểu thuế doanh nghiệp ban hành theo quyết định số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 01 năm 1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nếu sản phẩm chế biến ra thuộc loại phải chịu thuế hàng hoá như mắm tôm, nước mắm, yến, vây, bào ngư... thì không phải nộp thuế doanh nghiệp mà chỉ nộp thuế hàng hoá theo thuế suất quy định cho loại hàng hoá đó.

c) Các trường hợp miễn, giảm thuế doanh nghiệp:

- Những người làm nghề đánh bắt lặt vặt, giá yếu, tàn tật chỉ đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân thì được miễn thuế doanh nghiệp.

- Những cơ sở tập thể, cá thể, tư nhân chịu thuế gặp khó khăn do thiên tai địch hoạ được xét giảm hoặc miễn thuế doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định.

- Các trường hợp trên do UBND từ cấp huyện trở lên quyết định theo đề nghị của cơ quan thuế.

2. Thuế lợi tức doanh nghiệp:

a) Thuế lợi tức áp dụng theo biểu thuế đối với các hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp đã được sửa đổi và bổ sung theo pháp lệnh số 120 LCT ngày 24 tháng 6 năm 1980 của Quyền Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam.

Biểu thuế này áp dụng cho các đơn vị cơ sở sản xuất tập thể về đánh bắt thuỷ, hải sản, các đơn vị trong đó tư liệu sản xuất là của chung và phân phối theo lao động của xã viên. Đối với hộ cá thể, tư nhân thuế lợi tức  được tính trên lợi tức chịu thuế của cả hộ theo biểu thuế quy định trên. UBND tỉnh thành phố, tuỳ theo yêu cầu tổ chức hợp tác hoá đánh bắt thuỷ hải sản mà quyết định việc cộng thêm 5% hoặc 10% hoặc không cộng thêm vào số thuế đã tính cho các hộ cá thể và tư nhân.

b) Tính thuế lợi tức doanh nghiệp:

- Thuế lợi tức tính từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 31 tháng 12 mỗi năm.

- Cơ sở tính thuế là tổng số doanh thu trừ (-) các khoản hao phí vật chất, tiền khấu hao tài sản cố định, các phí tổn hợp lệ và suất miễn thu cộng (+) các khoản lợi tức phụ (nếu có) cụ thể là:

+ Doanh thu: như đã hướng dẫn ở phần thuế doanh nghiệp

+ Các khoản hao phí vật chất bao gồm chi phí về nguyên nhiên vật liệu, tiền công trả cho lao động phải thuê ngoài.

+ Khấu hao tài sản cố định tính theo chế độ khấu hao ban hành theo quyết định số 215 TC/CĐTC ngày 2 tháng 10 năm 1980 của Bộ Tài chính. Ở những nơi chưa tính được theo chế độ trên đây thì cơ quan tài chính phối hợp với cơ quan thuỷ, hải sản để định một mức khấu hao hợp lý.

+ Các phí tốn hợp lệ gồm: phí tổn về vận chuyển, bảo quản, bao gói, tiền nộp thuế doanh nghiệp, hoặc thuế hàng hoá, tiền lãi vay ngân hàng, phí tổn về quản lý, các khoản tiền chi trả và đấu thầu cho chính quyền địa phương về sử dụng khúc sông, cắm đăng, cắm chà,... các hao hụt theo định mức cho phép v.v... Các khoản chi tiêu quá mức cần thiết của các hộ tập thể, cá thể, các khoản thiệt hại không có lý do xác đáng hoặc không liên quan đến năm chịu thuế, không được tính là chi phí để trừ vào lợi tức chịu thuế.

+ Xuất miễn thu: Trước khi tính thuế, lợi tức chịu thuế được tính trừ cho mỗi xã viên, tổ viên, hội viên, mỗi người trong hộ cá thể, tư nhân có thực sự tham gia sản xuất kinh doanh một khoản miễn thu tương đương với mức bình quân lương chính (lương thời gian) của công nhân xí nghiệp quốc doanh cùng ngành ở địa phương.

Để chiếu cố đến lao động nặng nhọc của nghề đánh cá, nhất là đánh cá trên biển, mức miễn thu có thể quy định cao hơn các ngành nghề khác và cao hơn nghề đánh cá trên sông; Các Chi cục thuế công thương nghiệp tỉnh, thành phố cần phối hợp với Sở, Ty hải sản, thuỷ sản xem xét cụ thể mức bình quân lương chính của công nhân xí nghiệp đánh cá quốc doanh của địa phương hoặc ngành nghề tương đương trong năm 1980 để trình UBND tỉnh, thành phố quyết định mức miễn thu cho ngành đánh bắt cá biển, cá sông ở địa phương cho hợp lý. Đối với các cơ sở tập thể, cá thể, tư nhân ngoài ngành nghề đánh bắt thuỷ, hải sản ra, còn kinh doanh nhiều ngành nghề khác thì xã viên làm ngành nghề nào được hưởng mức miễn thu của ngành nghề đó, do UBND tỉnh, thành phố quy định theo thông tư hướng dẫn số 07 TC/CTN ngày 30 tháng 6 năm 1980 của Bộ Tài chính để thi hành Pháp lệnh số 120 LCT ngày 24 tháng 6 năm 1980 của Quyền Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố sửa đổi bổ sung một số điều về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh.

- Trường hợp có những cơ sở tập thể ngoài nghề đánh bắt thủy, hải sản , còn kinh doanh nhiều ngành nghề khác như chế biến, đóng thuyền, đan lưới, vận tải, sửa chữa v.v thì:

+ Nếu các ngành, nghề đã hạch toán riêng thì tính thuế lợi tức riêng của từng ngành, nghề.

+ Nếu các ngành, nghề đó, chưa hạch toán riêng thì lợi tức chịu thuế tính chung.

- Trường hợp là hộ cá thể hay tư nhân, lợi tức chịu thuế là của cả hộ bao gồm của tất cả những người có sản xuất kinh doanh trong hộ cùng sản xuất và sinh sống chung; trường hợp sản xuất riêng, tài sản và sinh sống riêng thì tính thuế lợi tức riêng.

c) Phương pháp thu:

Phương pháp thu  chủ yếu trước mắt đối với hoạt động đánh bắt thuỷ sản- hải sản là hình thức mức doanh thu và tỷ lệ lãi theo từng ngành, nghề có xem xét chiếu cố đúng mức đến tính chất thời vụ, tình trạng phương tiện, đặc điểm mỗi nghề đánh bắt để tính mức thuế phải nộp cho đơn vị, cá thể hay tư nhân và ổn định trong một thời gian thích hợp khoảng một đến hai năm và tiến hành thu dứt khoát hàng tháng hay trong từng mùa vụ.

Đối với các cơ sở có điều kiện giữ được sổ sách, ngành thuế cần phối hợp với các ngành thuỷ sản, hải sản hướng dẫn giúp đỡ thực hiện việc hạch toán đúng đắn, áp dụng phương pháp tạm thu hàng tháng, thanh toán hàng quý, quyết toán cuối năm.

d) Các trường hợp miễn, giảm thuế lợi tức doanh nghiệp:

Đối với các hợp tác xã đánh bắt thuỷ, hải sản hoạt động theo nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước được hưởng việc miễn, giảm thuế lợi tức doanh nghiệp theo các điều 17, 19, 20 của điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo quyết định số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Đối với các cơ sở hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp kiêm nghề đánh cá cược nộp thuế lợi tức doanh nghiệp về phần sản xuất kiêm doanh nay theo thuế suất thấp nhất là 8%, được trừ mức miễn thu (do UBND tỉnh, thành phố quy định) và miễn giảm thuế lợi tức như đã nói ở trên.

III. Điều khoản đề thi hành:

1. Các cơ sở đánh bắt thuỷ sản, hải sản có trách nhiệm:

a) Phải kê khai đăng ký kinh doanh với UBND xã, phường theo đúng nghị định số 119 CP ngày 9 tháng 4 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ.

b) Khai báo với Uỷ ban Nhân dân xã, phường nơi sản xuất kinh doanh chậm nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu hành nghề, thôi hay tạm ngừng hoạt động mỗi khi có thay đổi về tổ chức kinh doanh, tính chất kinh doanh.

c) Chấp hành các điều khoản quy định trong điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành kèm theo quyết định số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

d) Trong khi thi hành nhiệm vụ cán bộ thuế phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thuế, phải liêm chính, chí công, vô tư, có tác phong thái độ đúng đắn và lễ độ với nhân dân - cán bộ thu thuế phải có giấy chứng minh của cơ quan thuế, mang phù hiệu, số hiệu và xuất trình giấy chứng minh khi cần thiết.

2. Cơ sở kinh doanh vi phạm những điều khoản trên đây sẽ bị xử lý theo điều 44, 45 của điều lệ thuế công thương nghiệp như sau:

a) Nếu hoạt động kinh doanh không có đăng ký ngoài việc phải xử lý theo thể lệ đăng ký kinh doanh hiện hành còn phải cộng thêm 1% đối với doanh nghiệp.

b) Nộp thuế không đúng kỳ hạn, sẽ phải nộp thêm mỗi ngày nộp chậm 0,5% số thuế nộp chậm.

c) Nếu vi phạm các điều khoản về khai báo, giữ sổ sách kế toán, chứng từ, có hành động khai man, trốn thuế hay vận chuyển hàng hoá không có chứng từ hợp lệ thì có thể bị phạt từ 1 đến 5 lần số thuế gian lận.

d) Nếu vi phạm nghiêm trọng như tái phạm nhiều lần, cố tình không nộp thuế, làm chứng từ giả, có hành động chống đối việc thu thuế thì có thể bị truy tố trước toà án nhân dân...

3. Thuế công thương nghiệp thu vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản được thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 1981 theo quyết định số 150 CP ngày 09 tháng 4 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ.

IV. Tổ chức thức hiện:

Việc thực hiện chính sách thuế công thương nghiệp thu vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần đảm bảo thi hành chu đáo, phát huy đầy đủ tác dụng của chính sách thuế.

Đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các ngành các cấp ở địa phương thực hiện những công tác chính dưới đây:

1. Phải thực hiện tốt điều lệ đăng ký kinh doanh  công thương nghiệp ban hành theo Nghị định số 119 CP ngày 9 tháng 4 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ đối với ngành thuỷ sản, hải sản: tất cả các cơ sở đánh bắt thuỷ sản, hải sản đều phải kê khai đăng ký, những cơ sở đã kê khai nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, phải kê khai bổ sung đầy đủ các chỉ tiêu, phục vụ cho việc nắm chắc tình hình:

- Số lượng cơ sở (hợp tác xã, tổ, đội, tập đoàn, cá thể, tư nhân...).

- Số lượng lao động chính phụ .

- Ngành nghề: đáy cháy, đáy sông , rao, lưới ...

- Phương tiện đánh bắt (tàu, thuyền buồm, thuyền gắn máy, thuyền chèo, lưới, câu...).

- Phạm vi hoạt động (địa bàn xa, gần, nước mặn, nước lợ, nước ngọt, trong sông lạch, bờ biển hoặc ở biển khơi...).

- Loại sản phẩm đánh bắt chủ yếu: cá, tôm, mực...

- Sản phẩm bình quân hàng tháng, hàng quý, hàng năm đối với từng loại...

- Tỷ lệ bán cho nhà nước, bán tự do...

- Doanh thu, chi phí từng loại...

- Thu nhập chung của cơ sở, của bình quân xã viên, tổ viên, thu nhập của các hộ đánh bắt cá tư nhân...

- Vốn tự có, vay ngân hàng...

- Số cơ sở, hộ phải quản lý để thu thuế, số thuế phải thu theo từng loại: Doanh nghiệp, lợi tức doanh nghiệp, thuế hàng hoá (nếu có) cả năm, hàng quý và hàng tháng.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách thuế công thương nghiệp nói chung và chính sách thuế thu vào hoạt động đánh bắt thuỷ sản, hải sản nói riêng đảm bảo sự nhất về chủ trương chính sách thuế đối với các cấp, các ngành và đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện. Phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho nhân dân đặc biệt là ngư dân và cán bộ đảng viên ở cơ sở hiểu rõ chính sách, chế độ thuế để đề cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng và đề cao việc làm nghĩa vụ đóng góp của người dân.

3. UBND tỉnh, thành phố cần có quyết định về:

- Mức miễn thu cho hoạt động đánh cá biển, cá sông.

- Các trường hợp miễn, giảm thuế ở thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức cho nghề cá ở địa phương.

4. Chỉ đạo ngành tài chính (thuế) và ngành hải sản có kế hoạch quản lý thu mua, thu thuế cũng như giao nhiệm vụ cho từng đơn vị quận, huyện sát với tình hình thực tế.

Trong việc thực hiện chính sách thuế cần theo dõi chặt chẽ những trọng điểm đánh bắt tập trung để đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

5. Riêng đối với ngành tài chính (thuế công thương nghiệp) ngoài những điểm đã nêu chung trên; cần làm tốt các công việc sau:

- Phối hợp với ngành thuỷ sản, hải sản, công an để nắm được đầy đủ các hoạt động của các cơ sở tập thể, cá thể tư nhân đánh cá ở địa phương.

- Dựa vào cấp uỷ và chính quyền 1ịađịa phương , phối hợp với các ngành, tổ chức việc phổ biến, tuyên truyền giải thích chính sách thuế trong nhân dân và trong các cơ sở đánh bắt cá.

- Tổ chức phổ biến, bồi dưỡng nghiệp vụ cụ thể cho cán bộ tài chính (thuế), trước mắt làm tốt công tác sau:

+ Điều tra điển hình đối với từng loại nghề, hiệp thương mức doanh thu, xác định tỷ lệ lãi và tính mức thuế để cố định và ổn định mức đóng góp trong một thời gian.

+ Hướng dẫn các cơ sở tập thể, cá thể, tư nhân đã có điều kiện giữ sổ sách kế toán, ghi chép đầy đủ trung thực.

6. Trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách thuế, cần chú ý đúng mức việc miễn giảm thuế cho các cơ sở, các hộ thu nhập, có khó khăn; và các trường hợp cần miễn giảm khác; Khẩn trương triển khai việc thu thuế, tránh để chậm trễ, phải thu dồn nhiều tháng.

Thuế công thương nghiệp thu vào nghề đánh bắt thuỷ sản, hải sản là chính sách mới thực hiện có liên quan đến sản xuất và đời sống của hàng chục vạn người làm nghề cá; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo chặt chẽ việc phối hợp công tác giữa các ngành ở địa phương thực hiện tốt chính sách thu thuế của Nhà nước đối với nghề đánh bắt cá, phát huy được tác dụng của thuế đối với việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, động viên sự đóng góp công bằng hợp lý của các đơn vị tập thể, cá thể và tư nhân đánh bắt cá vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Dương Văn Dật

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.