• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/09/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 11/06/2004
CHÍNH PHỦ
Số: 94/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

_________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế Bộ) có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình; xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ; quy định việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế Bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế Bộ.

Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước có Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

Điều 4. Trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức pháp chế Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

2. Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

3. Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

4. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

Điều 5. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức pháp chế Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

2. Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để:

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do Bộ, ngành mình ban hành.

Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

Điều 6. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, tổ chức pháp chế Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành;

2. Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ;

3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành;

4. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Điều 8. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ những quy định trong Nghị định số 178/HĐBT ngày 17 tháng 6 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trái với Nghị định này.

Điều 9. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.