QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
_____________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi lập quy hoạch:
Phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31.860ha, được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Tam Đảo và huyện Tam Dương;
- Phía Nam giáp huyện Yên Lạc;
- Phía Tây giáp huyện Lập Thạch và huyện Vĩnh Tường;
- Phía Đông giáp thị xã Phúc Yên và Thủ đô Hà Nội.
2. Tính chất:
- Là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc;
- Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước với các ngành chủ đạo là: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo - khoa học và du lịch - nghỉ dưỡng;
- Là trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cả nước và quốc tế;
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
3. Quy mô dân số:
a) Năm 2020 là 660.000 người;
b) Năm 2030 là 1.000.000 người.
4. Quy mô đất đai:
- Đến năm 2020, đất xây dựng đô thị là 19.330ha, trong đó đất dân dụng là 11.420ha, chỉ tiêu 173m2/người và đất ngoài dân dụng là 7.910ha;
- Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị là 31.860ha, trong đó đất dân dụng là 14.500ha, chỉ tiêu 145m2/người; đất ngoài dân dụng là 10.570ha và đất khác: 6.790ha.
5. Định hướng phát triển không gian đến năm 2030:
a) Hướng phát triển đô thị
- Gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội, lấy thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận;
- Xây dựng đô thị tập trung, đa cực, kết nối với các khu chức năng dựa trên hệ thống giao thông công cộng hiện đại và đồng bộ;
- Phát triển đồng tâm, tạo vành đai xanh ven đô và các hành lang xanh cách ly bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị;
- Hình thành trục không gian xanh Bắc - Nam với chức năng là trục giao thông, kiến trúc cảnh quan, thoát nước gắn kết với các di tích văn hóa lịch sử và các công trình phục vụ quan trọng của đô thị Vĩnh Phúc.
b) Cấu trúc đô thị và phân khu chức năng
- Các trọng điểm đô thị gồm:
+ Trọng điểm cấp thành phố: Khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên;
+ Các trọng điểm cấp khu vực: Trọng điểm khu vực phía bắc; trọng điểm khu vực phía Nam tại điểm giao cắt đường vành đai 2 và trục không gian Bắc Nam; trọng điểm phía Tây Bắc tại điểm giao cắt đường vành đai 2 và trục hướng tâm Lập Thạch - Đầm Vạc và trọng điểm Đông Nam tại điểm giao cắt đường vành đai 2 và trục xuyên tâm Phúc Yên - Hương Canh - Vĩnh Yên;
+ Các trọng điểm khác: Trọng điểm giáo dục, giao lưu ở phía Bắc thành phố Vĩnh Yên và ở thị xã Phúc Yên; trọng điểm lưu thông hàng hóa phía Đông Tây thành phố Vĩnh Yên; trọng điểm du lịch nghỉ ngơi hồ Đầm Vạc và Đại Lải; trọng điểm nước và cây xanh phía Nam thành phố Vĩnh Yên.
- Các trục gồm:
+ Trục liên kết vùng: Đường cao tốc nối trung tâm Hà Nội với Lào Cai; đường vành đai 5 Hà Nội nối Thái Nguyên, Sơn Tây và đường sắt Hà Nội - Lào Cai;
+ Trục liên kết đô thị: Quốc lộ 2B, quốc lộ 2C nối Tam Đảo, Hợp Hòa với trung tâm đô thị Vĩnh Phúc; tỉnh lộ 305 nối với Lập Thạch, Yên Lạc; các trục đường phố nối thành phố Vĩnh Yên - thị xã Phúc Yên;
+ Trục vành đai: Đường vành đai số 1 (trung tâm); đường vành đai số 2 (kết nối với trọng điểm khu vực) và vành đai số 3; đường vành đai 4,5 và số 5 Hà Nội;
+ Trục đô thị là trục nối kết giữa các khu phố hiện có với các khu đô thị mới;
+ Trục không gian Bắc Nam: Tam Đảo - Vĩnh Yên và Sông Hồng;
+ Trục giao thông công cộng trong đô thị kết nối các trọng điểm cấp thành phố với các trọng điểm cấp khu vực và các trọng điểm khác.
- Ba vùng chức năng gồm: Vùng các khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, vùng các khu dân cư và vùng các khu công nghiệp tập trung phía Tây Bắc và phía Đông Bắc, Đông Nam của đô thị Vĩnh Phúc.
6. Quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng đến năm 2030:
a) Quy hoạch khu dân dụng
Diện tích đất dân dụng là 14.500ha bằng 45,5% đất đô thị bao gồm:
- Đất xây dựng các khu ở diện tích khoảng 9.570ha;
- Đất các trung tâm phục vụ công cộng diện tích khoảng 1.880ha: Tại khu vực thành phố Vĩnh Yên, bố trí trung tâm tổng hợp của Tỉnh; trung tâm công cộng của đô thị Vĩnh Phúc tại Đầm Vạc và các trung tâm phục vụ cấp khu vực diện tích đất khoảng 820ha; tại khu vực thị xã Phúc Yên; bố trí trung tâm tổng hợp của đô thị Vĩnh Phúc và các trung tâm phục vụ cấp khu vực diện tích đất khoảng 470ha; tại khu vực Nam thành phố Vĩnh Yên, bố trí các trung tâm phục vụ công cộng cấp đô thị và khu vực diện tích đất khoảng 460ha và khu vực Bắc Vĩnh Yên (Khu vực Gia Khánh) bố trí các trung tâm phục vụ công cộng cấp đô thị và khu vực diện tích đất khoảng 130ha;
- Đất cây xanh, thể dục thể thao bố trí tại các khu ở của đô thị, có diện tích khoảng 620ha.
- Đất giao thông đô thị có diện tích khoảng 2.430ha.
b) Quy hoạch khu chức năng ngoài dân dụng
Các khu chức năng ngoài khu dân dụng có diện tích 10.570ha bằng 33,2% đất đô thị, gồm:
- Các khu công nghiệp:
+ Diện tích đất các khu công nghiệp là 5.020ha bao gồm các khu công nghiệp đã hình thành và các khu công nghiệp dự kiến, bố trí tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Đông Nam của Đô thị Vĩnh Phúc;
+ Giữa các khu công nghiệp và dân dụng bố trí hành lang xanh cách ly và hệ thống giao thông công cộng, có chiều rộng phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
- Các khu trung tâm chuyên ngành:
+ Các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có diện tích 1.502ha, bố trí tại các khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và trục không gian xanh Bắc Nam;
+ Các cơ sở y tế điều dưỡng có diện tích là 89,50ha bố trí tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Tam Dương và huyện Yên Lạc;
+ Các cơ sở du lịch có diện tích 170ha bố trí tại khu vực Đầm Vạc thành phố Vĩnh Yên và hồ Đại Lải thị xã Phúc Yên;
+ Các khu cây xanh, mặt nước, công viên và thể dục thể thao có tổng diện tích 2.278,5ha gồm: Trục cây xanh Bắc Nam, vành đai xanh, hành lang xanh ven các sông, kênh dẫn nước và các trục đường giao thông chính của đô thị, mặt nước thoáng và các công viên từ cấp đô thị có diện tích 2.162,1ha; các trung tâm thể dục thể thao: 116,4ha gồm: Khu liên hợp thể thao quốc gia ở thành phố Vĩnh Yên 40ha và các trung tâm thể thao cấp vùng và đô thị ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên 76,4ha.
- Giao thông đối ngoại và các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối có diện tích: 1.160ha, trong đó đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối khoảng 70ha và đất giao thông đối ngoại khoảng 1.090ha.
- Đất quốc phòng: Khoảng 350ha bố trí theo Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng.
c) Quy hoạch các loại đất khác
Diện tích đất khác là 6.790ha, chiếm 21,30% đất đô thị bao gồm: Đất nông nghiệp, mặt nước và đất dự trữ phát triển.
7. Thiết kế đô thị:
a) Nguyên tắc chung
Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc trở thành đô thị đẹp, hài hòa với thiên nhiên, đặc biệt là trục không gian xanh Bắc Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư có thể tiếp cận dễ dàng các di tích văn hóa, lịch sử và môi trường đô thị thông qua mạng lưới giao thông công cộng.
b) Bố cục không gian kiến trúc - cảnh quan
- Hệ thống các vùng cảnh quan gồm:
+ Các khu cơ quan hành chính Vĩnh Yên; trung tâm Phúc Yên, Đầm Vạc, khu thương mại văn phòng nhà ở và khu chợ Vĩnh Yên;
+ Các khu nhà ở đô thị, khu nhà ở vùng đồi; khu nhà vườn và khu làng xóm nông thôn;
+ Các khu công nghiệp.
- Hệ thống các trục không gian gồm:
+ Trục không gian xanh Bắc Nam (LRT - Lignht Rail Transit - Tàu điện nhẹ đô thị); trục BRT (Bus Rapid Transit - xe buýt nhanh);
+ Trục cửa ngõ đô thị: Quốc lộ 2A, quốc lộ 2B, quốc lộ 2C;
+ Trục sông ngòi và cây xanh dọc các sông: Phan, Cà Lồ, Phó Đáy và các kênh dẫn nước.
- Hệ thống các đầu mối gồm:
+ Đầu mối thương mại, dịch vụ công cộng: Khu thương mại văn phòng Bắc Đầm Vạc, trung tâm Vĩnh Yên, trung tâm Phúc Yên, khu vực quanh ga LRT và BRT;
+ Đầu mối nghỉ ngơi thư giãn: Các công viên văn hóa nghỉ ngơi công cộng; công viên thể thao, các công viên vườn hoa khu vực;
+ Đầu mối du lịch nghỉ dưỡng: Khu vực quanh Đầm Vạc và khu vực hồ Đại Lải.
8. Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2030:
a) Giao thông
- Mạng lưới đường bộ:
+ Giao thông đối ngoại: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục chính: Quốc lộ 2A, đường tránh quốc lộ 2A, quốc lộ 2B, quốc lộ 2C, quốc lộ 23, đường vành đai 4,5 và đường vành đai 5 Hà Nội;
+ Giao thông đô thị gồm: 9 đường hướng tâm nối với trung tâm Vĩnh Yên, các đầu mối, 3 đường vành đai và các đường phố.
- Giao thông công cộng:
+ Mạng lưới đường giao thông công cộng gồm Đường sắt khổ rộng Hà Nội - Lào Cai; tuyến LRT xuyên Vĩnh Yên theo hướng Bắc Nam; tuyến đường sắt hiện hữu được cải tạo nâng cấp;
+ LRT: Tuyến LRT xuyên Vĩnh Yên theo hướng Bắc Nam;
+ Xe buýt gồm: Tuyến BRT (Phúc Yên - Vĩnh Yên); tuyến Vĩnh Yên - Tam Đảo; Vĩnh Yên - Chợ Chang; Vĩnh Yên - Tam Sơn; Vĩnh Yên - Việt Trì; Vĩnh Yên - Hà Nội; tuyến vành đai ngoài, vành đai giữa và vành đai trong.
b) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng
- Quy hoạch thủy lợi:
+ Thoát nước cưỡng bức ra sông Hồng bằng bơm; trữ nước bằng hồ chứa; xây dựng và cải tạo sông;
+ Xây dựng các công trình thủy lợi tại 3 lưu vực chính: Lưu vực thượng lưu sông Phan: Lưu vực xung quanh Vĩnh Yên và lưu vực sông Cà Lồ;
+ Cải tạo các sông Phan, sông Cà Lồ và nhánh sông Cà Lồ cụt trong khu vực đô thị.
- Cốt nền:
+ Cốt nền khống chế theo các dòng sông Phan, sông Cà Lồ và nhánh sông Cà Lồ cụt theo mực nước lũ thiết kế khi có mưa lớn nhất và mực nước lũ thiết kế khi có mưa tần suất 1% và chiều cao an toàn;
+ Cốt nền khống chế tại các khu vực phát triển mới được xác định bằng cốt nền tại thời điểm thoát nước mưa cộng thêm thủy lực từ nơi tính đến nơi thoát. Cốt nền nhà máy và công trình quan trọng được nâng thêm +0,5m.
- Thoát nước mưa:
+ Khu đô thị phát triển mới: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng;
+ Khu vực nội thị: Hệ thống thoát nước mưa đảm bảo thoát nhanh đồng thời phát huy tác dụng các hồ chứa nước, khu cây xanh, vui chơi để giữ nước tạm, giảm thiểu ngập úng cục bộ do mưa.
c) Cấp nước
- Chỉ tiêu cấp nước theo tiêu chuẩn đô thị loại I;
- Nhu cầu lượng nước cấp: 140.465 m3/ngày đêm đến năm 2020 và 326.218 m3/ngày đêm đến năm 2030.
- Nguồn nước và trạm xử lý nước cấp:
+ Nguồn nước: Từ sông Lô, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm;
+ Trạm thu nước với nhà máy nước mới gần cửa sông Lô Qtr = 375.500 m3/ngày đêm. Giữ nguyên các nhà máy nước ở Vĩnh Yên và Phúc Yên.
- Mạng lưới phân phối nước:
+ Đường chính dẫn nước từ nhà máy nước sông Lô đến bể phân phối gồm 2 tuyến: Phía Bắc D = Ф1.300 - Ф1.000; phía Nam D = Ф1.200 - Ф900;
+ Các bể phân phối tại Vĩnh Yên, Nam Vĩnh Yên, Gia Khánh, Phúc Yên, đảm bảo lượng nước cấp theo thiết kế có dung tích và quy mô hợp lý;
+ Các đường ống phân phối theo mạng vòng, kết nối với các đường ống hiện có ở thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên với đường kính Ф200 - Ф700.
d) Cấp điện
- Tổng phụ tải là 1.600 MW;
- Trạm biến thế gồm: Trạm 220kV hiện có với lưới 220kV, trạm 220kV mới với lưới 220kV, trạm 110kV với lưới 110kV hiện có và trạm 110kV với lưới 110kV mới.
đ) Thông tin liên lạc
- Dung lượng thuê bao đối với khu ở: 100 m2/máy, công nghiệp 300 m2/máy;
- Dung lượng tính toán cho các khu vực thành phố Vĩnh Yên 146.800 máy, Nam thành phố Vĩnh Yên 53.900 máy, Gia Khánh 39.200 máy, thị xã Phúc Yên 126.700 máy.
e) Xử lý chất thải, vệ sinh môi trường
- Xử lý nước thải:
+ Chỉ tiêu nước thải: Năm 2020 là 38.000 m3/ngày đêm và năm 2030 là 157.000 m3/ngày đêm;
+ Xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại 5 khu vực phía Tây, Nam, Đông Bắc thành phố Vĩnh Yên, trung tâm thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên, mỗi khu vực có dân số khoảng 200.000 người;
+ Bố trí trạm xử lý tập trung tại hạ lưu của mỗi phân khu và gần với sông lớn: Sông Phan, sông Cầu Bồn, sông Cà Lồ và sông Phó Đáy …;
+ Xây dựng ống thoát nước thải Ф150 - Ф1.200.
- Xử lý chất thải rắn:
+ Lượng chất thải rắn: Năm 2020 là 900 tấn/ngày và năm 2030 là 2.850 tấn/ngày;
+ Xây dựng 4 trạm xử lý đốt, trong đó có 3 trạm trong khu vực đô thị. Quy mô xây dựng một cơ sở xử lý đốt khoảng 4 - 5ha;
+ Bố trí các bãi chôn lấp theo đúng quy chuẩn xây dựng bảo đảm vệ sinh môi trường cho đô thị.
g) Công viên nghĩa trang
- Nhu cầu đất xây dựng đến năm 2030 là 200ha;
- Địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam Đảo: 100ha; khu vực huyện Bình Xuyên: 100ha.
9. Đánh giá môi trường chiến lược:
a) Xử lý hiện trạng ô nhiễm môi trường
Có biện pháp xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay để bảo đảm an toàn cho các nguồn nước cấp cho sinh hoạt, tưới tiêu và môi trường không khí, đặc biệt bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái.
b) Các biện pháp giảm thiểu tác động của môi trường
- Giám sát, xử lý các vi phạm ô nhiễm;
- Đánh giá tác động môi trường đối với từng dự án;
- Tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
c) Bảo vệ môi trường
Có các giải pháp phù hợp, bảo vệ môi trường đất, không khí, tiếng ồn, môi trường nước, chất thải rắn.
10. Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020:
a) Các chương trình và dự án ưu tiên phát triển đô thị
- Các dự án công trình cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị;
- Dự án tổ chức giao thông công cộng;
- Dự án bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu;
- Các dự án phát triển đất.
b) Các biện pháp quản lý thực hiện quy hoạch
- Thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng thể chế, bộ máy quản lý quy hoạch đô thị cấp Tỉnh;
- Áp dụng các giải pháp huy động các nguồn lực và đảm bảo nguồn vốn.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện các công việc sau:
1. Ban hành Quy định quản lý theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được duyệt; lập và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc toàn đô thị.
2. Công bố công khai đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được duyệt.
3. Triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
4. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý đầu tư xây dựng theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được duyệt.
5. Đối với các khu đô thị, khu công nghiệp phải quản lý chặt chẽ và đảm bảo đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối được với mạng lưới hạ tầng chung của đô thị.
6. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính, đất đai, con người thực hiện các dự án hạ tầng chung của đô thị Vĩnh Phúc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ, Ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.