THÔNG TƯ
Hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản rắn
_________________________
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 16/2005/NĐ-CP); Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 về quản lý đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 16/2005/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Bộ Công nghiệp hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản rắn (Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn việc lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ của mọi thành phần kinh tế, sử dụng mọi nguồn vốn.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến, hành nghề tư vấn thiết kế mỏ khoáng sản rắn và các tổ chức, cá nhân thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ.
2. Điều kiện lập Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ
Các Dự án mỏ sau đây được lập Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ:
a) Dự án mỏ quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hoặc Dự án mỏ được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
b) Các Dự án mỏ có trong Danh mục đầu tư của Quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Dự án mỏ nhóm A chưa có trong Quy hoạch ngành hoặc Quy hoạch ngành chưa được lập, phê duyệt nhưng có văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đồng ý bổ sung vào Quy hoạch hoặc cho phép đầu tư.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Lập Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ
Nội dung Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, bao gồm Thuyết minh dự án và Thiết kế cơ sở.
a) Nội dung Thuyết minh dự án
Nội dung Thuyết minh Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên hoặc hầm lò thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 1 và Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Nội dung Thiết kế cơ sở
Thiết kế cơ sở bao gồm Thuyết minh Thiết kế và Bản vẽ kèm theo thể hiện các phương án thiết kế, là căn cứ để xác định tổng mức đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế, lựa chọn phương án đầu tư và để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
Nội dung Thiết kế cơ sở của Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 3 và Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trình tự thẩm định
Bước 1. Thẩm định Thiết kế cơ sở.
Bước 2. Thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ và phê duyệt Dự án đầu tư.
3. Cơ quan thẩm định, hồ sơ và thời gian thẩm định
a) Cơ quan thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ được quy định tại khoản Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Hội đồng Thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư tổ chức thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định Dự án mỏ do mình quyết định đầu tư.
- Đối với Dự án khác, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định.
b) Cơ quan thẩm định Thiết kế cơ sở
- Bộ Công nghiệp tổ chức thẩm định Thiết kế cơ sở của Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ nhóm A không kể nguồn vốn và các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ nhóm B, C do Bộ Công nghiệp quyết định đầu tư. Vụ Năng lượng và Dầu khí là đầu mối thẩm định Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thuộc ngành Than; Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất là đầu mối thẩm định Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thuộc ngành khoáng sản khác ngoài Than;
- Sở Công nghiệp là cơ quan tổ chức thẩm định đối với Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thuộc nhóm B, C xây dựng tại địa phương (trừ các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thuộc nhóm B,C do các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước chuyên ngành về khoáng sản quyết định đầu tư);
- Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chuyên ngành về khoáng sản tổ chức thẩm định Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thuộc nhóm B,C do mình quyết định đầu tư, sau khi có ý kiến của địa phương về quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường.
c) Hồ sơ đề nghị phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ
- Tờ trình phê duyệt dự án theo mẫu Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;
- Hồ sơ Dự án bao gồm Thuyết minh dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ và Thiết kế cơ sở;
- Văn bản thẩm định Thiết kế cơ sở của cơ quan có thẩm quyền;
- Văn bản cho phép đầu tư đối với Dự án quan trọng quốc gia; Văn bản chấp thuận bổ sung quy hoạch của cấp có thẩm quyền đối với Dự án nhóm A chưa có trong quy hoạch ngành; Văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với Dự án nhóm A mà quy hoạch ngành chưa được phê duyệt hoặc chưa lập;
- Văn bản về quy hoạch xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Văn bản về bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Văn bản pháp lý khác có liên quan đến dự án, chủ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân làm công tác tư vấn, thiết kế;
- Số lượng hồ sơ: ít nhất 9 bộ.
d) Hồ sơ đề nghị thẩm định Thiết kế cơ sở
- Tờ trình đề nghị thẩm định Thiết kế cơ sở (theo Mẫu số 1 và 2 kèm theo Thông tư này);
- Hồ sơ pháp lý của Doanh nghiệp là chủ đầu tư và Doanh nghiệp hoặc cá nhân làm tư vấn (Giấy phép thành lập doanh nghiệp, Đăng ký kinh doanh, Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề);
- Bản sao Giấy phép đầu tư hoặc đăng ký đầu tư (nếu có);
- Bản sao các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, Giấy phép có liên quan đến công tác thăm dò, khai thác khoáng sản và văn bản phê duyệt các tài liệu địa chất, địa hình, trữ lượng khoáng sản sử dụng để thiết kế;
- Quyết định chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài của cấp có thẩm quyền trong trường hợp Thiết kế áp dụng theo tiêu chuẩn nước ngoài (thực hiện theo Quy chế áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng);
- Hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ (trọn bộ, số lượng hồ sơ ít nhất 3 bộ).
đ) Tổ chức thẩm định
Cơ quan thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ chuẩn bị tài liệu và các công việc cần thiết khác cho việc thẩm định, tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định và soạn thảo Quyết định đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan thẩm định Thiết kế cơ sở chuẩn bị tài liệu và các công việc cần thiết khác cho việc thẩm định, tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định và chuẩn bị văn bản để trình cấp có thẩm quyền ký Văn bản thẩm định gửi cho Chủ đầu tư và Người có thẩm quyền quyết định đầu tư (Văn bản kết quả thẩm định theo Mẫu số 3 và Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).
e) Thời gian thẩm định
Thời gian thẩm định Dự án không quá 40 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và 10 ngày làm việc với dự án nhóm C kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thời gian thẩm định Thiết kế cơ sở không quá 30 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia, 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và 10 ngày làm việc với dự án nhóm C kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Nội dung thẩm định
a) Nội dung thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ
Sự cần thiết và phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch mạng hạ tầng kỹ thuật liên quan; trường hợp chưa có các quy hoạch trên thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó. Sự đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước của sản phẩm dự án. Tính hợp lý, khả thi và hiện thực của giải pháp kỹ thuật. Giải pháp an toàn, vệ sinh công nghiệp.
Tính đầy đủ và phù hợp của Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ đối với phương pháp khai thác lộ thiên hoặc hầm lò (được quy định tại Phụ lục số 1 và Phụ lục số 2 của Thông tư này).
Sự phù hợp so với Báo cáo đầu tư xây dựng công trình đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ quan trọng quốc gia hoặc công trình do Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
Sự phù hợp của Thiết kế cơ sở về quy hoạch xây dựng, quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình.
Tính pháp lý, độ tin cậy của các tài liệu sử dụng trong thiết kế.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật so với yêu cầu của dự án.
Sự phù hợp của Thiết kế cơ sở với phương án kiến trúc đã được lựa chọn thông qua thi tuyển đối với trường hợp có thi tuyển phương án kiến trúc.
Tính hợp lý của các giải pháp thiết kế được lựa chọn trong Thiết kế cơ sở.
Văn bản thẩm định của cấp có thẩm quyền về Thiết kế cơ sở.
Văn bản của cấp có thẩm quyền về bảo vệ môi trường và phục hồi môi trường sinh thái.
Thẩm định nội dung phần vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá mức độ rủi ro của Dự án.
Điều kiện, tư cách pháp nhân và năng lực hành nghề của tổ chức tư vấn hoặc của cá nhân lập Dự án và Thiết kế cơ sở.
b) Nội dung thẩm định Thiết kế cơ sở
Các văn bản pháp lý của Dự án (về tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, chủ trương đầu tư, tài liệu địa chất mỏ, thoả thuận địa điểm xây dựng dự án).
Sự phù hợp của Thiết kế cơ sở với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mạng hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch khác có liên quan.
Sự kết nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bên ngoài mỏ.
Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm kỹ thuật, an toàn trong khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ.
Tính hợp lý của các giải pháp thiết kế của phương án lựa chọn trong Thiết kế cơ sở.
Tính đầy đủ và phù hợp về nội dung của Thiết kế cơ sở (được quy định tại Phụ lục số 3 và Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều kiện, tư cách pháp nhân và năng lực hành nghề của tổ chức tư vấn hoặc của cá nhân lập Thiết kế cơ sở.
5. Phê duyệt Dự án đầu tư
Nội dung Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ thực hiện theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và nội dung chi tiết được quy định tại Mẫu số 5 và 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tuỳ theo đặc điểm cụ thể của từng loại hình khoáng sản rắn (than, quặng kim loại, phi kim loại, vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng), trên cơ sở nội dung hướng dẫn tại các Phụ lục 1, 2, 3 và 4 ban hành kèm theo Thông tư này, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư được quyền bổ sung, điều chỉnh nội dung các Phụ lục nêu trên và quy định nội dung Thiết kế kỹ thuật, Bản vẽ thi công của công trình cho phù hợp.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 01/1997/TT-BCN ngày 31 tháng 12 năm 1997 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn về nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện có văn bản báo cáo Bộ Công nghiệp để nghiên cứu xem xét, giải quyết./.