THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 22/BXD-QLNĐ NGÀY 21 THÁNG 9 NĂM 1978 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ NHÀ CỦA NGƯỜI HOA VÀ NGƯỜI VIỆT
GỐC HOA Ở CÁC THÀNH PHỐ THỊ XÃ, THỊ TRẤN BỎ ĐI TRUNG QUỐC
Gần đây ở một số thành phố, thị xã trị trấn có những người Hoa và người Việt gốc Hoa bỏ đi Trung quốc đã bỏ lại nhà, kể cả những nhà họ thuê của Nhà nước, thuê của tập thể và tư nhân, nhà tự xây cất hoặc mua từ trước... Trừ một số rất ít nhà trước khi đi họ đã tự tay tháo rỡ, nói chung những nhà của họ bỏ lại đều được UBND các cấp ngay từ đầu đã có chủ trương, phương hướng giải quyết đúng đắn, tiến hành kiểm kê, niêm phong và quản lý tốt. Tuy nhiên lẻ tẻ một số nơi nhất là cấp cơ sở đã có những vi phạm chính sách thống nhất quản lý nhà cửa, đến nay vẫn còn một số việc cần uốn nắn lại nhằm giải quyết cho đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, trị trấn theo các chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, căn cứ thực tiễn diễn biến về tình hình nhà ở các địa phương, sau khi đã trao đổi ý kiến với những ngành có liên quan, Bộ xây dựng hướng dẫn một số điểm cụ thể về việc quản lý nhà cửa của người Hoa và người Việt gốc Hoa ở các thành phố, thị xã, thị trấn đã bỏ đi Trung quốc như sau:
I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG:
Đối với người Hoa và người Việt gốc Hoa ở các thành phố, thị xã, thị trấn bỏ đi Trung quốc lần này nói chung họ đều thuộc thành phần nhân dân lao động, chính sách của ta đôí với nhà của họ bỏ lại cần được Nhà nước thống nhất quản lý, bất cứ nhà đó thuộc loại nào, và dưới hình thức sở hữu nào. Nghiêm cấm mọi hành động lợi dụng tình hình này tự huỷ hoại lấn chiếm nhà, tháo rỡ hoặc đánh cắp thiết bị tiện nghi nhà cửa, mọi trường hợp vi phạm phải kịp thời xử lý nghiêm khắc theo luật pháp hiện hành.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Đối với nhà của Nhà nước cho thuê.
a. Người thuê nhà trước khi đi phải trả lại hợp đồng thuê nhà và bàn giao lại nhà cho cơ quan quản lý nhà đất sở tại. Nếu khi đi họ không giao trả nhà thì nay chính quyền địa phương thu hồi lại.
b. Mọi trường hợp lẫn chiếm nhà trái phép, uỷ quyền và chuyển nhượng nhưng không hợp pháp đều coi là vi phạm pháp luật Nhà nước chính quyền địa phương phải kiên quyết thu hồi lại nhà.
c. Sau khi đã thu hồi nhà và quản lý, cơ quan quản lý nhà đất địa phương kịp thời lập phương án phân phối, sử dụng trình chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, xét duyệt ưu tiên phân phối cho các yêu cầu và lợi ích công cộng như: nhà trẻ mẫu giáo, cửa hàng, đồn công an, trụ sở các ban đại diện hành chính tiểu khu, sau đó là phân phối cho các gia đình công nhân và nhân dân lao động là người Hoa, người Việt gốc Hoa có thái độ chính trị tốt và những người trong khu vực chưa có nhà ở hoặc ở quá chật.
2. Nhà tư nhân nay đã bỏ đi:
a. Đối với nhà của tư nhân chủ nhà đã bỏ đi, không phân biệt loại nhà hay cấp nhà, nhà tự xây cất hoặc mua từ trước đều do Nhà nước cấp tỉnh, thành phố thống nhất quản lý, không cho phép bất cứ ai, hoặc bất cứ tổ chức nào được quyền tự ý chiếm dụng những ngôi nhà này.
b. Mọi trường hợp mua bán chuyển nhượng và uỷ quyền không hợp pháp đều không có giá trị, chính quyền địa phương có nhiệm vụ giải thích chính sách kiên quyết thu hồi nhà cửa ấy.
c. Nghiêm cấm mọi hành động huỷ hoại, tháo rỡ nhà cửa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc đối với các trường hợp lợi dụng tham ô ăn cắp tài sản.
d. Nhà tư nhân của người Hoa bỏ đi thì có thể phân phối lại cho những người Hoa chưa có nhà ở hoặc dùng cho nhà trẻ của nhân dân trong khu vực cần giành lại một số diện tích thoả đáng để giải quyết cho những người Hoa tốt nếu họ trở lại Việt Nam mà ta cần chiếu cố. Nhất thiết không phân phối cho người Việt Nam và các cơ quan của Nhà nước.
e. Trong Tình hình hiện tại, đối với các loại nhà nói trên, đủ là nhà dưới cấp 4 nói chung đặt thành vấn đề tháo dỡ nhà cửa và thu hồi vật liệu, mà phải tiến hành bảo quản tốt và sử dụng hợp lý. Tuy nhiên cá biệt có những ngôi nhà nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng, để xây dựng theo quy hoạch hoặc những ngôi nhà đã quá ọp ẹp, nếu không phá dỡ sẽ gây tai nạn, không bảo đảm an toàn đối với người ở, thì cơ quan quản lý nhà, đất và các ngành có liên quan phải làm đầy đủ các thủ tục hiện hành trình chủ tịch UBND tỉnh thành phố xét duyệt, quyết định, đối với từng trường hợp.
d. Một số trường hợp khác:
a. Đối với nhà do Nhà nước để lại, cho chủ cải tạo ở, nay chủ hộ đã bỏ đi thì xử lý như nhà của Nhà đất cho thuê.
b. Nếu là nhà thuê của chủ dưới diện, cải tạo và của tư nhân mà chủ nhà đã đi, thì người thuê phải báo cáo kịp thời với chính quyền - và cơ quan quản lý nhà đất sở tại biết để trực tiếp quản lý, người thuê nhà được tiếp tục thuê để ở và trực tiếp thanh toán tiền nhà với cơ quan quản lý nhà đất nơi đó, cơ quan quản lý nhà đất phải quản lý như nhà vắng chủ.
c. Những nhà thuê của tập thể và tư nhân dưới diện cải tạo nay người thuê đã bỏ đi thì chủ sở hữu (có nhà cho thuê) phải báo cáo kịp thời với chính quyền sở tại để tiến hành lập biên bản, kiểm kê niêm phong. Sau 3 tháng kể từ ngày người thuê đã bỏ đi. Chủ sở hữu được quyền tiếp tục cho người khác thuê, dưới sự hướng dẫn phân phối của cơ quan quản lý nhà đất, chủ nhà không được phép tự ý giữ lại nhà cửa nếu không có lý do chính đáng. Hợp đồng thuê nhà phải được chính quyền khu phố hợp pháp hoá.
d. Đối với hộ có người đi, có người ở lại, trước mắt người ở lại vẫn phải tuân thủ hợp đồng cũ nếu là nhà của Nhà nước quản lý, được tạm thời sử dụng số diện tích đó, cơ quan quản lý nhà đất không điều động người khác đến ở thêm, người ở lại có trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn nhà cửa và không được phép tự ý đưa thêm người khác đến ở những ngôi nhà này. Nếu là nhà tư mà muốn đưa thêm người vào ở thì phải theo đúng điều lệ về quản lý hộ khẩu và điều lệ cho thuê nhà ở các thành phố thị xã.
Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở, Ty quản lý nhà đất địa phương kịp thời phản ảnh báo cáo về Bộ xây dựng để nghiên cứu, hướng dẫn bổ xung thêm.