Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỊA ĐIỂM CẤM HÚT THUỐC LÁ VÀ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG THUỐC LÁ

Căn cứ Luật phòng, chng tác hại của thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sa đi, bổ sung một số điều Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung mt s điều Luật thi đua, khen thưng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định s 77/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Chính ph quy định chi tiết thi hành Luật phòng, chng tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc ;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định s 47/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Th tướng Chính ph quy định về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ t chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá;

Theo đề nghị của Vụ trưng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;

Bộ trưng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về việc thực hiện địa điểm cm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưng Môi trường không thuốc lá.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc tổ chức thực hiện đối với các địa điểm cấm hút thuốc lá tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này; nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

3. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà:

a) Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này;

b) Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.

4. Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

a) Ô tô;

b) Tàu bay;

c) Tàu điện.

5. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

a) Khu vực cách ly của sân bay;

b) Quán bar, quán karaoke, vũ trường;

c) Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;

d) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá.

Chương II

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỊA ĐIỂM CẤM HÚT THUỐC LÁ

Điều 3. Yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá

1. Có đặt, in, bố trí (sau đây gọi chung là đặt) biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá (sau đây gọi chung là biển). Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu số 1 và mẫu số 2 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn;

b) Chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài;

c) Kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền;

d) Biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.

3. Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm;

b) Đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.

4. Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Điều 4. Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên

1. Có biển tại khu vực khuôn viên.

2. Địa điểm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại khu vực khám bệnh, buồng bệnh, căng tin, nhà ăn.

3. Địa điểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại hội trường, phòng họp, phòng làm việc, khu vực phòng học, phòng bảo vệ, thư viện, phòng đa năng, căng tin, nhà ăn, khu vực phòng nghỉ nội trú, bán trú.

4. Địa điểm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại phòng họp, phòng sinh hoạt chung, nhà ăn, phòng nghỉ và các khu vực cần thiết khác có trẻ em.

5. Địa điểm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư này: đặt biển tại nơi có chứa nguồn nguy cơ cháy nổ.

Điều 5. Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà

1. Địa điểm quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển ở phòng làm việc, hội trường, phòng họp, phòng bảo vệ, căng tin, nhà ăn.

2. Trường hợp địa điểm này có khu vực ngoài trời, khuôn viên được phép hút thuốc lá thì vị trí được phép hút thuốc lá cần cách xa cửa ra vào, lối thoát hiểm, cửa sổ để bảo đảm khói thuốc không ảnh hưởng đến các địa điểm này.

Điều 6. Yêu cầu riêng đối với phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn

Biển được đặt ở vị trí phía khoang lái để mọi người ngồi trong phương tiện giao thông công cộng dễ quan sát, ở vị trí các cửa lên xuống.

Điều 7. Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá

1. Có biển với nội dung chỉ dẫn lối đi đến khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 3 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có biển với nội dung khu vực được hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 4 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phòng dành riêng cho người hút thuốc lá: Bảo đảm riêng biệt, có thông khí riêng; không mở cửa, thoát, thải khí sang các phòng, khu vực không hút thuốc lá, hành lang dùng chung với các phòng khác;

c) Có vật dụng để chứa đầu mẩu, tàn thuốc lá;

d) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

3. Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác:

a) Tối thiểu đặt biển tại sảnh, quầy lễ tân, khu vực chung, các phòng lưu trú;

b) Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (nếu có): không bố trí tại sảnh chung, không bố trí làm nơi lưu trú cho người không hút thuốc lá.

4. Tàu thủy: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bố trí trên boong tàu hoặc bố trí phòng riêng đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Tàu hỏa: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá nên bố trí phía cuối đoàn tàu, không bố trí tại khu vực tiếp nối giữa 02 toa hành khách.

Chương III

XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG THUỐC LÁ

Điều 8. Giải thưởng Môi trường không thuốc lá

1. Giải thưởng Môi trường không thuốc lá (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) được trao tặng cho tổ chức, cá nhân có địa điểm cấm hút thuốc lá đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 Thông tư này và được Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Sở Y tế, cấp Bộ Y tế (sau đây gọi chung là Hội đồng xét tặng) xét chọn.

2. Giải thưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trao tặng trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Hội đồng cấp Bộ Y tế).

3. Giải thưởng được tổ chức và xét tặng 02 năm một lần (sau đây gọi là kỳ xét tặng) và có giá trị trong kỳ xét tặng.

Điều 9. Nguyên tắc xét tặng

1. Đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục quy định tại Thông tư này.

2. Chính xác, công khai, minh bạch, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số.

3. Không đề nghị xét tặng Giải thưởng đối với tổ chức, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật, xử lý vi phạm pháp luật hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, làm rõ.

4. Mỗi Giải thưởng gắn với một loại hình địa điểm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhiều địa điểm khác nhau đạt tiêu chuẩn mà cùng thuộc 01 loại hình địa điểm thì chỉ xét tặng 01 Giải thưởng cho các địa điểm đó. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhiều địa điểm đạt tiêu chuẩn mà thuộc các loại hình địa điểm khác nhau thì mỗi loại hình địa điểm được trao tặng 01 Giải thưởng.

5. Mỗi kỳ xét tặng trao tặng không quá số lượng 30 Giải thưởng. Tùy theo điều kiện thực tế của từng kỳ xét tặng, Hội đồng cấp Bộ Y tế quyết định số lượng Giải thưởng phân bổ cho các loại hình địa điểm.

Điều 10. Chế độ Giải thưởng

1. Chế độ Giải thưởng gồm có:

a) Giấy chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Biểu trưng (vật lưu niệm) của Giải thưởng;

c) Tiền thưởng theo quy định;

2. Các tổ chức, cá nhân được trao tặng Giải thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng Giấy chứng nhận, biểu trưng của Giải thưởng để quảng bá, truyền thông hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 11. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng

1. Tiêu chuẩn để xét tặng Giải thưởng:

a) Đạt các yêu cầu về tổ chức thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá quy định tại Chương II Thông tư này;

b) Thực hiện tốt quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 25 Thông tư này;

c) Không có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá;

d) Không có hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại địa điểm quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 1 Thông tư này, trừ cửa hàng miễn thuế tại khu vực cách ly của sân bay;

đ) Không nhận nguồn kinh phí tài trợ của cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Các tiêu chuẩn ưu tiên để xét tặng Giải thưởng:

a) Có sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Đã được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng trong việc thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thứ tự ưu tiên theo cấp khen thưởng từ cao xuống thấp;

c) Bố trí kinh phí của đơn vị hoặc vận động được nguồn kinh phí tài trợ cho việc thực hiện quy định môi trường không khói thuốc lá (trừ kinh phí từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá);

d) Sử dụng camera để phát hiện các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm;

đ) Có phòng tư vấn hoặc tổ chức thường xuyên hoạt động tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá;

e) Có tài liệu giáo dục, thông điệp thúc đẩy cai nghiện thuốc lá. Có pano, áp phích, tờ rơi hoặc tài liệu truyền thông khác về tác hại của thuốc lá ở vị trí dễ nhìn, ở khu vực có nhiều người qua lại của địa điểm cấm hút thuốc lá.

3. Thời gian để đánh giá tiêu chuẩn xét tặng được tính trong khoảng thời gian 02 năm liên tục đến thời điểm xét tặng.

Điều 12. Hội đồng xét tặng Giải thưởng

1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng được tổ chức theo 02 cấp: Hội đồng cấp Sở Y tế và Hội đồng cấp Bộ Y tế.

2. Đơn vị thường trực Hội đồng cấp Sở Y tế: Đơn vị chuyên môn được Giám đốc Sở Y tế phân công.

3. Đơn vị thường trực Hội đồng cấp Bộ Y tế: Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 13. Hội đồng cấp Sở Y tế

1. Thành phần Hội đồng cấp Sở Y tế:

Hội đồng cấp Sở Y tế có từ 07 đến 09 thành viên do Giám đốc Sở ra Quyết định thành lập, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Thành viên Hội đồng có thể mời đại diện các cơ quan, đơn vị: Thanh tra Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch và một số thành viên khác do Giám đốc Sở quyết định.

2. Hội đồng có Tổ thư ký giúp việc do Giám đốc Sở Y tế quyết định. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là Tổ trưởng Tổ thư ký.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng cấp Sở Y tế:

a) Thẩm định hồ sơ, xét chọn, đề nghị tặng Giải thưởng cho đơn vị đủ tiêu chuẩn;

b) Chịu trách nhiệm về việc đề nghị xét tặng; thực hiện quy trình xét tặng tại cấp Sở Y tế.

Điều 14. Hội đồng cấp Bộ Y tế

1. Thành phần Hội đồng cấp Bộ Y tế:

Hội đồng cấp Bộ Y tế có từ 09 đến 11 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế Quyết định thành lập, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Y tế;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh và lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ;

c) Thành viên Hội đồng có thể mời đại diện các cơ quan, đơn vị: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan khác.

2. Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng bao gồm đại diện một số đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Y tế và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Cơ quan điều hành, Ban Kiểm soát) do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng cấp Bộ Y tế:

a) Thẩm định hồ sơ, xét chọn, đề nghị tặng Giải thưởng cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện do các Hội đồng cấp Sở Y tế đề xuất;

b) Chịu trách nhiệm về việc tổ chức xét tặng.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng

1. Hồ sơ tại cấp Sở Y tế:

a) Văn bản đề xuất danh sách các tổ chức, cá nhân tổ chức tốt quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá do đơn vị tham mưu về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc Sở Y tế đề xuất kèm theo các thành tích của tổ chức, cá nhân có địa điểm được đề nghị xét tặng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tài liệu chứng minh đạt yêu cầu, tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân có địa điểm cung cấp (nếu có); minh chứng về sáng kiến; các hình thức khen thưởng đã đạt; các văn bản, tài liệu khác (nếu có).

2. Hồ sơ tại cấp Bộ Y tế:

a) Văn bản của Sở Y tế đề nghị xét tặng Giải thưởng;

b) Danh sách các đơn vị đề nghị xét tặng Giải thưởng;

c) Biên bản họp Hội đồng cấp Sở;

d) Các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Các cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng.

Điều 16. Tuyến trình xét tặng và thời gian chuẩn bị, gửi hồ sơ

1. Trước ngày 15 tháng 01 của năm xét tặng Giải thưởng:

a) Các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương đề xuất, thông báo và phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc lá hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đóng trên địa bàn;

b) Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo, đề xuất, lập danh sách và phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc lá hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Y tế.

2. Trước ngày 01 tháng 3 của năm xét tặng Giải thưởng, Cơ quan thường trực Hội đồng cấp Sở Y tế tổng hợp, trình Hội đồng cấp Sở xét chọn.

Mỗi Sở Y tế được đề xuất 01 (một) đơn vị thuộc mỗi loại hình địa điểm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 1 Thông tư này.

3. Trước ngày 01 tháng 4 của năm xét tặng Giải thưởng, Sở Y tế gửi hồ sơ về Hội đồng cấp Bộ Y tế (qua Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá).

Điều 17. Quy trình xét chọn tại Hội đồng Sở Y tế

1. Tổ thư ký Hội đồng cấp Sở Y tế tổng hợp toàn bộ hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định, xem xét, đánh giá.

2. Hội đồng có trách nhiệm thẩm định Hồ sơ do Tổ thư ký trình và trình cấp có thẩm quyền trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

3. Hội đồng họp xét duyệt các hồ sơ đạt tiêu chuẩn và tiến hành bỏ phiếu kín. Trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng phiếu bầu. Các đơn vị đạt 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập thì được đưa vào danh sách trình Hội đồng cấp Bộ Y tế.

4. Tổ thư ký có nhiệm vụ ghi lại Biên bản các cuộc họp của Hội đồng, hoàn thiện thủ tục để Thường trực Hội đồng trình Hội đồng cấp Bộ Y tế. Tổ thư ký chịu trách nhiệm tính chính xác về việc tổng hợp hồ sơ.

Điều 18. Quy trình xét chọn tại Hội đồng cấp Bộ Y tế

1. Tổ thư ký Hội đồng tổng hợp toàn bộ hồ sơ và thẩm định, trình Hội đồng xem xét.

2. Trong thời gian 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày có văn bản trình của Tổ Thư ký, Hội đồng họp xét duyệt các hồ sơ đạt tiêu chuẩn và tiến hành bỏ phiếu kín. Trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng phiếu bầu. Các đơn vị đạt 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập thì được đưa vào danh sách trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định.

Trường hợp có trên 30 đơn vị đạt tiêu chuẩn thì Hội đồng xét tặng căn cứ trên các tiêu chuẩn ưu tiên quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này để xem xét và quyết định.

3. Tổ thư ký có nhiệm vụ ghi Biên bản các cuộc họp của Hội đồng, hoàn thiện thủ tục để Thường trực Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, ký Quyết định tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Tổ thư ký chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc tổng hợp hồ sơ.

Điều 19. Công bố và tổ chức trao Giải thưởng

1. Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định tặng Giải thưởng, Thường trực Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ Y tế (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét, quyết định việc tổ chức Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng.

2. Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng tổ chức vào thời điểm hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (ngày 31 tháng 5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5).

3. Lễ trao Giải thưởng tổ chức trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả.

4. Giải thưởng được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Bộ Y tế công bố danh sách tổ chức, cá nhân được trao tặng Giải thưởng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và giới thiệu các tổ chức, cá nhân đạt giải thưởng đến các cơ quan, tổ chức, hiệp hội để được quảng bá, truyền thông.

Điều 20. Kinh phí chi và nội dung chi cho việc xét, trao tặng Giải thưởng

1. Kinh phí cho việc xét, trao tặng Giải thưởng được bố trí từ nguồn kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điểm e khoản 2 Điều 11 Thông tư số 45/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu, nộp khoản đóng góp bắt buộc, chế độ quản lý tài chính và chế độ hạch toán, kế toán đối với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng kinh phí phải bảo đảm đúng quy định.

3. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá căn cứ vào tình hình thực tế của năm xét tặng Giải thưởng xây dựng mức chi cho việc xét, trao tặng Giải thưởng và trình Hội đồng quản lý quyết định theo quy định đối với các nội dung chi:

a) Xây dựng, triển khai kế hoạch xét chọn của Hội đồng;

b) Thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng;

c) Tổ chức phiên họp Hội đồng;

d) Công bố thông tin về xét chọn trên các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Chi cho các hoạt động quảng bá, giới thiệu giải thưởng, trao thưởng;

e) Họp thông tin báo chí về xét chọn danh hiệu;

g) Tổ chức Lễ trao tặng;

h) In chụp tài liệu phục vụ xét chọn: in bằng chứng nhận; mua khung Bằng chứng nhận; làm biểu trưng (vật lưu niệm) giải thưởng;

i) Tiền thưởng cho các tổ chức được xét tặng danh hiệu;

k) Chi phí đi lại, lưu trú cho một đại diện của tổ chức được trao tặng trong thời gian tổ chức lễ trao tặng;

l) Các hoạt động khác theo quy định.

Điều 21. Thu hồi, hủy bỏ Giải thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong quá trình xét tặng Giải thưởng hoặc đơn vị được tặng Giải thưởng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Hội đồng cấp Sở Y tế kiến nghị Hội đồng cấp Bộ Y tế xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Y tế thu hồi Giải thưởng hoặc hủy bỏ kết quả xét tặng.

2. Tất cả các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong quá trình xét tặng và sau khi trao tặng Giải thưởng được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá.

3. Định kỳ hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương trong báo cáo chung về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Điều 23. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; thông tin giáo dục truyền thông về thực hiện quy định cấm hút thuốc lá;

b) Thanh tra, kiểm tra, đề xuất khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá theo thẩm quyền;

c) Tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất về việc thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

2. Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về việc xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá.

3. Cục Y tế dự phòng tổ chức, hướng dẫn, lồng ghép việc thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm.

4. Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức, hướng dẫn, lồng ghép việc thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong công tác y tế trường học, cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, các hoạt động phù hợp khác trong lĩnh vực môi trường y tế.

5. Thanh tra Bộ:

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về quy định cấm hút thuốc lá;

b) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá.

6. Vụ Pháp chế tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật về địa điểm cấm hút thuốc lá.

7. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá:

a) Hỗ trợ các đơn vị trong việc thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quỹ;

b) Là cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Bộ Y tế; hướng dẫn việc thực hiện xét tặng Giải thưởng; xây dựng quy chế chi tiêu cho Giải thưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc trao Giải thưởng;

c) Tổ chức thông tin, truyền thông, phổ biến, tuyên truyền, quảng cáo, quảng bá, giới thiệu về Giải thưởng;

d) Nghiên cứu, hỗ trợ cho sáng kiến gắn biển đối với các địa điểm đạt tiêu chí môi trường không khói thuốc lá.

Điều 24. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Hướng dẫn, tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Tổ chức việc xét tặng Giải thưởng tại Hội đồng cấp Sở.

4. Tổ chức thông tin, truyền thông, phổ biến, tuyên truyền, quảng cáo, quảng bá, giới thiệu về Giải thưởng.

Điều 25. Trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá

1. Đưa quy định cấm hút thuốc lá vào nội quy, quy chế riêng hoặc lồng ghép trong nội quy, quy chế chung của đơn vị, trong đó có quy định về thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật.

2. Phân công, giao nhiệm vụ cho cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo nội quy, quy chế của đơn vị đối với việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá.

3. Tổ chức phổ biến, quán triệt cho người lao động của cơ sở; nhắc nhở khách đến địa điểm về việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá.

4. Chỉ đạo việc đặt biển tại địa điểm thuộc quyền quản lý và định kỳ kiểm tra, thay thế biển hư hỏng. Trang bị các vật dụng để chứa mẩu thuốc lá, tàn thuốc lá ở khu vực khuôn viên được phép hút thuốc lá và nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

5. Khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật. Lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền (nếu có) để xử phạt theo thẩm quyền quy định của pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

6. Khuyến khích lắp đặt camera để phát hiện các hành vi vi phạm, áp dụng các chế tài nội bộ do việc hút thuốc lá gây ra phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Khuyến khích thực hiện cấm hút thuốc lá hoàn toàn hoặc bố trí nơi dành riêng ở khu vực ngoài trời không gần nơi tập trung đông người đối với địa điểm công cộng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2023

Điều 27. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.

Bộ Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế

(Đã ký)

 

Trần Văn Thuấn