Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản

trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau

_____________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản;

Căn cứ Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm;

Căn cứ Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và qui định chi tiết Điều 3 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 411/TTr-SNN ngày 12 tháng 11 năm 2015 và Báo cáo thẩm định số  361/BC-STP ngày 11 tháng 11 năm 2015  của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 18/6/2007 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về quản lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển tỉnh Cà Mau và Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 30/8/2012 của UBND tỉnh Cà Mau về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 18/6/2007 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về quản lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

Về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản

trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau

(Ban hành kèm theo Quyết định số  43/2015/QĐ-UBND

ngày  15/12/2015 của UBND tỉnh Cà Mau)

_____________________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về khu vực khai thác, thời gian, ngành nghề và hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tuyến bờ trên vùng biển tỉnh Cà Mau: Là các đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm: Từ điểm 13 đến điểm 16. Tọa độ các điểm này được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định cụ thể trong Phụ lục III Phân vùng, tuyến khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.

2. Vùng biển ven bờ: Là vùng biển được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ.

3. Tuyến lộng trên vùng biển Cà Mau: Là các đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm: Từ điểm 13’ đến điểm 16’. Tọa độ các điểm này được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định cụ thể trong Phụ lục III Phân vùng, tuyến khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ.

4. Vùng lộng: Là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng.

Chương II

KHU VỰC, NGÀNH NGHỀ VÀ THỜI GIAN

 KHAI THÁC THỦY SẢN

 

Điều 4. Đối với Phân khu chức năng phần trên biển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Các hoạt động thủy sản trong Phân khu chức năng phần trên biển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Điều 5. Đối với vùng biển ven bờ

1. Chỉ các tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc không lắp máy mới được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ.

2. Không được thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản dưới mọi hình thức trong khoảng thời gian và khu vực cấm quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm.

3. Không được hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực).

4. Đối với nghề rớ, câu tay mực kết hợp ánh sáng tuân thủ quy định về độ sáng tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.

Điều 6. Đối với vùng lộng

1. Chỉ các tàu lắp máy có công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV mới được hoạt động khai thác thủy sản tại vùng lộng.

2. Các nghề khai thác nhuyễn thể, khai thác bằng nghề lưới vây cá nổi nhỏ không bị giới hạn công suất máy chính tàu.

            3. Hoạt động khai thác thủy sản bằng các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng không được vượt quá quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.

Điều 7. Quy định về phát triển, hoạt động ngành nghề và cỡ loại tàu khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ và vùng lộng

1. Chỉ được phát triển mới loại tàu có công suất máy chính từ 50 CV trở lên hành nghề khai thác thủy sản.

2. Không được phát triển mới các nghề khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng; các nghề te, trủ, xiệp, đáy; nghề khai thác banh lông và các nghề khai thác thủy sản sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.

3. Không được khai thác thủy sản bằng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hoá chất hoặc chất độc trên các vùng biển.

4. Các nghề khai thác nhuyễn thể, khai thác bằng nghề lưới vây cá nổi nhỏ không bị giới hạn công suất máy chính.

Điều 8. Quy định về kích cỡ ngư cụ khai thác thủy sản

Kích thước mắt lưới các loại ngư cụ khai thác thủy sản không được nhỏ hơn kích thước theo quy định tại Phụ lục 2, ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

TRONG QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

 

Điều 9. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản phải chấp hành nội dung Quy định này và các quy định khác có liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Tích cực tham gia với các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.

2. Trong quá trình khai thác thủy sản, các tổ chức, cá nhân phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng về nghề khai thác, ngư cụ và phương pháp khai thác; khu vực, thời gian không được khai thác; chủng loại, kích cỡ sản phẩm thủy sản khai thác; trang bị an toàn và thủ tục của người, phương tiện tham gia khai thác thủy sản.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan, cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau kiểm tra, quản lý các phương tiện hoạt động nghề cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; kiểm tra, quản lý, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Quy định này và các quy định hiện hành khác có liên quan về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng

Các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, bằng nhiều hình thức, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển tỉnh Cà Mau.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

1. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức thực hiện Quy định này và các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý. Ngăn chặn tình trạng phát sinh phương tiện khai thác thủy sản trái quy định.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định hiện hành.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 13. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này hoặc các quy định khác về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực thủy sản.

Điều 14. Áp dụng các văn bản dẫn chiếu

Khi các văn bản dẫn chiếu trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định của các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung quy định

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Hải