• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/09/2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 26/2020/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 14 tháng 9 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 973/2020/UBTVQH14 NGÀY 08 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI QUY ĐỊNH VỀ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư công.

b) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công

1. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và Quyết định này là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 của cả nước, các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước; là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

2. Các cấp, các ngành thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, tính toán hợp lý cơ cấu nguồn lực ngân sách trung ương và địa phương, bảo đảm ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Điều 3. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025

Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho các đối tượng được quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 36 của Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:

1. Quốc phòng: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu quốc phòng, cơ yếu, ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị chuyên trách trung ương và địa phương theo phân cấp; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng.

2. An ninh và trật tự, an toàn xã hội: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, điều tra phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự, ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị chuyên trách Trung ương và địa phương theo phân cấp.

3. Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mục tiêu giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp thuộc các cấp học từ mầm non đến đại học.

4. Khoa học, công nghệ: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, thí nghiệm, thực nghiệm, phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, thiết kế chuyên dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

5. Y tế, dân số và gia đình: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mục tiêu về y tế (bao gồm y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu, phục hồi chức năng; y học cổ truyền; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; kiểm định, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm và các hoạt động khác thuộc lĩnh vực y tế), dân số, gia đình, sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Văn hóa, thông tin: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:

a) Văn hóa: Bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển văn học nghệ thuật, điện ảnh, thư viện, bảo tàng, văn hóa cơ sở, các loại hình nghệ thuật biểu diễn; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa;

b) Thông tin: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động xuất bản, báo chí của Nhà nước.

7. Phát thanh, truyền hình, thông tấn: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu phát thanh, truyền hình, thông tấn nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu.

8. Thể dục, thể thao: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu phát triển thể dục, thể thao.

9. Bảo vệ môi trường: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:

a) Môi trường: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trắc, cảnh báo môi trường, bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải, nước thải, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;

b) Tài nguyên: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn, thăm dò địa chất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

10. Các hoạt động kinh tế: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:

a) Nông nghiệp, lâm nghiệp, điểm nghiệp, thủy lợi và thủy sản: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nông nghiệp, lâm nghiệp, điểm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; kinh tế nông thôn (bao gồm xây dựng nông thôn mới, cung cấp nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với hộ gia đình và hợp tác xã, bố trí, sắp xếp lại dân cư nông thôn, định canh, định cư, ổn định di dân tự do và tái định cư); phát triển giống cây trồng, vật nuôi; trồng, bảo vệ và phát triển rừng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh;

b) Công nghiệp: cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực dầu khí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở vật chất và trang thiết bị in, đúc tiền;

c) Giao thông: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không;

d) Khu công nghiệp và khu kinh tế: hạ tầng các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

đ) Thương mại: chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu;

e) Cấp nước, thoát nước;

g) Kho tàng: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị kho tàng, kho lưu trữ chuyên dụng, kho dự trữ quốc gia, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, kho vật chứng;

h) Du lịch: cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch;

i) Viễn thông: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu viễn thông nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu;

k) Bưu chính: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu bưu chính nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu;

l) Công nghệ thông tin: hạ tầng thông tin số, kinh tế số; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; an toàn, an ninh mạng;

m) Quy hoạch: các nhiệm vụ quy hoạch;

n) Công trình công cộng tại các đô thị, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới.

o) Cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã.

11. Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ mục tiêu xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở, nhà công vụ, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, nhà nước; dự án mua mới, xây dựng và cải tạo trụ sở làm việc, cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

12. Xã hội: các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng người có công; hỗ trợ việc làm; chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe người lao động; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ; cơ sở cai nghiện và trợ giúp xã hội khác;

13. Các nhiệm vụ, chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật: Hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng, chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc đối tượng đầu tư công chưa phân loại được vào 12 ngành, lĩnh vực nêu trên.

Trường hợp dự án có nhiều hạng mục đầu tư thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thì việc phân loại dự án theo ngành, lĩnh vực sẽ căn cứ vào mục tiêu chính của dự án. Riêng đối với dự án có nhiều hạng mục đầu tư thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có mục tiêu quốc phòng, an ninh nhưng không phải là mục tiêu chính, phân loại dự án theo ngành quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Điều 4. Nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025

1. Nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

2. Trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước sử dụng theo quy định tại Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước, đối với phần vốn dành cho đầu tư phát triển (nếu có) báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ưu tiên bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.

Điều 5. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương

1. Nguyên tắc phân bổ vốn

a) Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

b) Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

2. Tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương:

a) Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công.

b) Đối với vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước:

- Dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Mức vốn còn lại được phân bổ như sau:

+ Phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định tại Quyết định này.

+ Phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

c) Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài:

Phân bổ trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với các dự án đang triển khai, các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

Điều 6. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho bộ, cơ quan trung ương

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Quyết định này và phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí cụ thể như sau:

a) Ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn còn thiếu của các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, thu hồi vốn ứng trước, cụ thể như sau:

- Hoàn trả vốn ứng trước thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương nhưng chưa có nguồn để hoàn trả và được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn hoàn trả trong giai đoạn 2016-2020.

- Số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 chưa được bố trí trong kế hoạch hằng năm của các dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

b) Số vốn còn lại bố trí cho các dự án mới thuộc các ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 3 của Quyết định này và phân bổ theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

2. Vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư công theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

Điều 7. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương

1. Nguyên tắc phân bổ vốn: Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và Khoản 1 Điều 6 của Quyết định này.

2. Tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

3. Xác định số điểm của từng tiêu chí cụ thể:

a) Tiêu chí dân số: bao gồm số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số năm 2019. Cách tính cụ thể như sau:

(1) Điểm của tiêu chí dân số trung bình

Số dân trung bình

Điểm

Các địa phương có dân số trung bình đến 500.000 người

10

Các địa phương có dân số trung bình trên 500.000 đến 1.000.000 người, từ 0 đến 500.000 người được tính 10 điểm, phần còn lại cứ 100.000 người tăng thêm được tính

2

Các địa phương có dân số trung bình trên 1.000.000 đến 2.000.000 người, từ 0 đến 1.000.000 người được tính 20 điểm, phần còn lại cứ 100.000 người tăng thêm được tính

1

Các địa phương có dân số trung bình trên 2.000.000 người, từ 0 đến 2.000.000 người được tính 30 điểm, phần còn lại cứ 100.000 người tăng thêm được tính

0,5

Dân số trung bình của các địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2019.

Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng 10 điểm.

(2) Điểm của tiêu chí số người dân tộc thiểu số

Số người dân tộc thiểu số

Điểm

Cứ 100.000 người dân tộc thiểu số được

0,5

Số người dân tộc thiểu số của các địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2019.

b) Tiêu chí về trình độ phát triển, bao gồm 04 tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa (không bao gồm số thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết), tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương và tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Cách tính cụ thể như sau:

(1) Điểm của tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo:

Tỷ lệ hộ nghèo

Điểm

Cứ 1% hộ nghèo được

0,1

Tỷ lệ hộ nghèo để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019.

(2) Điểm của tiêu chí số thu nội địa (không bao gồm số thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết):

Số thu nội địa

Điểm

Các địa phương có số thu nội địa từ 0 đến 5.000 tỷ đồng

4

Các địa phương có số thu nội địa trên 5.000 tỷ đồng đến 40.000 tỷ đồng

3

Các địa phương có số thu nội địa trên 40.000 tỷ đồng đến 80.000 tỷ đồng

2

Các địa phương có số thu nội địa trên 80.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng

1

Các địa phương có số thu nội địa trên 100.000 tỷ đồng

0,5

Số thu nội địa (không bao gồm số thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết) để tính toán điểm được xác định căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ giao.

(3) Điểm của tiêu chí tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương:

Tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương

Điểm

Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương trên 0% đến 5%

3

Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương trên 5% đến 20%

2

Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương trên 20% đến 50%

1

Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương trên 50%

0,5

Tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào dự toán ngân sách trung ương năm 2020 do Quốc hội quyết nghị.

(4) Điểm của tiêu chí tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi ngân sách địa phương:

Tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương

Điểm

Các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 0% đến 10% được tính

10

Các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 10% đến 30%, từ 0% đến 10% được tính 10 điểm, phần còn lại cứ 2% tăng thêm được tính

3

Các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 30% đến 50%, từ 0% đến 30% được tính là 40 điểm, phần còn lại cứ 2% tăng thêm được tính

1

Các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 50% trở lên, từ 0% đến 50% được tính là 50 điểm, phần còn lại cứ 2% tăng thêm được tính

0,5

Tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi ngân sách địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào dự toán ngân sách trung ương năm 2020 do Quốc hội quyết nghị.

c) Tiêu chí diện tích: bao gồm diện tích đất tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương. Cách tính cụ thể như sau:

(1) Điểm của tiêu chí diện tích đất tự nhiên:

Diện tích đất tự nhiên

Điểm

Các địa phương có diện tích đất tự nhiên đến 2.000

 

Các địa phương có diện tích đất tự nhiên trên 2.000 km2 đến 5.000 km2, từ 0 đến 2.000km2 được tính là 8 điểm, phần còn lại cứ 1.000 km2 tăng thêm được tính

4

Các địa phương có diện tích đất tự nhiên trên 5.000 km2 đến 10.000 km2, từ 0 đến 5.000km2 được tính là 20 điểm, phần còn lại cứ 1.000 km2 tăng thêm được tính

2

Các địa phương có diện tích đất tự nhiên trên 10.000 km2, từ 0 đến 10.000km2 được tính là 30 điểm, phần còn lại cứ 1.000 km2 tăng thêm được tính

0,5

Diện tích đất tự nhiên của các địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2019.

(2) Điểm của tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương:

Tỷ lệ che phủ rừng

Điểm

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đến 10%

0,5

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng trên 10% đến 50%

1

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng trên 50% trở lên

2

Tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2019.

d) Tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 04 tiêu chí: đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); huyện miền núi; huyện vùng cao, hải đảo; huyện biên giới đất liền.

(1) Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện:

Đơn vị hành chính cấp huyện

Điểm

Mỗi huyện được tính

0,5

Số đơn vị hành chính cấp huyện để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Bộ Nội vụ về số đơn vị hành chính cấp huyện tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

(2) Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện miền núi:

Đơn vị hành chính cấp huyện miền núi

Điểm

Mỗi huyện được tính

0,2

Số đơn vị hành chính cấp huyện miền núi để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Ủy ban Dân tộc về số đơn vị hành chính cấp huyện miền núi tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

(3) Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo:

Đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo

Điểm

Mỗi huyện được tính

0,2

Số đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Ủy ban Dân tộc về số đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

(4) Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền:

Đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền

Điểm

Mỗi huyện được tính

0,2

Số đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Bộ Ngoại giao về số đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

e) Các tiêu chí bổ sung

Địa phương

Điểm

01 xã đảo

0,1

01 xã biên giới đất liền (Việt Nam - Trung Quốc Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia)

0,1

01 xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến (ATK lịch sử)

0,1

Địa phương thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

50

Địa phương thuộc Vùng Miền núi phía Bắc

18

Địa phương thuộc Vùng Tây Nguyên

18

Địa phương thuộc Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

15

Địa phương thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng

2

Địa phương thuộc Vùng Đông Nam Bộ

2

Địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm

2

Số xã đảo để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu cung cấp của Bộ Nội vụ tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

Số xã biên giới đất liền (các xã biên giới Việt Nam Trung Quốc và các xã biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu cung cấp của Bộ Ngoại giao tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

Số xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến của các địa phương để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu cung cấp của Bộ Nội vụ tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020.

Trong trường hợp có sự thay đổi về phân vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh điểm số của tiêu chí vùng.

4. Phương pháp tính mức vốn được phân bổ

a) Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số điểm của từng tỉnh, thành phố và tổng số điểm của 63 tỉnh, thành phố làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, theo các công thức sau:

- Điểm của tiêu chí dân số:

+ Gọi tổng số điểm tiêu chí dân số của tỉnh thứ i là Ai

+ Gọi số điểm của tiêu chí dân số trung bình tỉnh thứ i là hi.

+ Gọi số điểm của tiêu chí số người dân tộc thiểu số tỉnh thứ i là ki.

Điểm của tiêu chí dân số tỉnh thứ i sẽ là:

Ai = hi + ki

- Điểm của tiêu chí trình độ phát triển:

+ Gọi tổng số điểm tiêu chí trình độ phát triển của tỉnh thứ i là Bi

+ Gọi số điểm của tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo tỉnh thứ i là ni.

+ Gọi số điểm cuả tiêu chí số thu nội địa (không bao gồm số thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết) tỉnh thứ i là pi

+ Gọi số điểm của tiêu chí tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương tỉnh thứ i là qi

+ Gọi số điểm của tiêu chí tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi ngân sách địa phương tỉnh thứ i là ri.

Điểm của tiêu chí trình độ phát triển tỉnh thứ i sẽ là:

Bi = ni + pi + qi+ ri

- Điểm của tiêu chí diện tích:

+ Gọi tổng số điểm tiêu chí diện tích của tỉnh thứ i là Ci

+ Gọi số điểm của tiêu chí diện tích đất tự nhiên tỉnh thứ i là mi

+ Gọi số điểm của tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương tỉnh thứ i là li

Điểm của tiêu chí diện tích tỉnh thứ i sẽ là:

Ci = mi + li

- Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện:

+ Gọi tổng số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh thứ i là Di

+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện tỉnh thứ i là si

+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện miền núi tỉnh thứ i là ti.

+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo thứ i là ui.

+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền tỉnh thứ i là vi.

Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện tỉnh thứ i sẽ là:

Di = si + ti + ui +vi

- Điểm của tiêu chí bổ sung:

+ Gọi tổng số điểm của tiêu chí bổ sung của tỉnh thứ i là Li

+ Gọi số điểm của tiêu chí xã đảo là Ei.

+ Gọi số điểm của tiêu chí xã biên giới đất liền là Fi.

+ Gọi số điểm của tiêu chí xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến là Gi.

+ Gọi số điểm của tiêu chí vùng là Hi.

Điểm tiêu chí bổ sung của tỉnh thứ i sẽ là:

L= Ei + Fi + Gi + Hi

- Tổng điểm của tỉnh thứ i:

+ Gọi tổng số điểm của tỉnh thứ i gọi là Xi:

Xi = Ai + Bi + C+ D+ Li

- Tổng sổ điểm của 63 tỉnh, thành phố là Y, ta có:

https://thuvienphapluat.vn/doc2htm/00452690_files/image001.png1/01/clip_image002.jpg" width="170" />

b) Số vốn định mức cho 1 điểm phân bổ được tính theo công thức:

Gọi K là tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Z là số vốn định mức cho một điểm phân bổ vốn đầu tư, ta có:

Z=

K

Y

 

c) Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương của từng địa phương được tính theo công thức:

Gọi Vi là số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương:

Vi = Z x Xi

Điều 8. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương

1. Vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo quy định tại Điều 3 và các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

2. Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương (không bao gồm số thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, bội chi ngân sách địa phương) giai đoạn 2021-2025 được định hướng tính trên tốc độ tăng bình quân chung từ 5% - 6%, riêng năm 2021 thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Định hướng này được áp dụng để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; số vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương thực tế các năm giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội quyết định và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Điều 9. Quy định chuyển tiếp

Thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 -2025.

2. Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định này, khả năng tài chính và đặc điểm tình hình của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

3. Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan trung ương và các địa phương phải quán triệt thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí; bảo đảm công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tính chính xác các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quản lý.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.