• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/09/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2005
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 297/1999/QĐ-NHNN5
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 25 tháng 8 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc ban hành "Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn

trong hoạt động của tổ chức tín dụng"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10, và Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trong các văn bản sau đây có liên quan đến "Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng" ban hành kèm theo Quyết định này hết hiệu lực thi hành:

1. "Quy chế bảo đảm an toàn trong kinh doanh tiền tệ - tín dụng đối với tổ chức tín dụng" ban hành theo Quyết định số 107/QĐ-NH5 ngày 9 tháng 6 năm 1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

2. Thông tư số 10/TT-NH5 ngày 6 tháng 7 năm 1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện "Quy chế bảo đảm an toàn trong kinh doanh tiền tệ - tín dụng đối với tổ chức tín dụng".

Điều 3: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY ĐỊNH

VỀ CÁC TỶ LỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN
TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN5
ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước )

I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phải thường xuyên duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo Quy định này, bao gồm:

1. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

2. Tỷ lệ về khả năng chi trả.

3. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

II - QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I
TỶ LỆ TỐI ĐA CỦA NGUỒN VỐN NGẮN HẠN ĐƯỢC SỬ DỤNG
ĐỂ CHO VAY TRUNG HẠN VÀ DÀI HẠN.

Điều 2.

1. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng như sau:

a. Tổ chức tín dụng nhà nước: 25%

b. Tổ chức tín dụng liên doanh: 25%

c. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 25 %

d. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 25%

đ. Tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân: 20%

e. Tổ chức tín dụng hợp tác: 10%

2. Nguồn vốn ngắn hạn của tổ chức tín dụng được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn bao gồm:

a. Tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 12 tháng của các tổ chức tín dụng khác;

b. Tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 12 tháng của tổ chức, cá nhân;

c. Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của cá nhân;

d. Nguồn vốn huy động trong nước dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn.

Điều 3. Sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn cao hơn tỷ lệ tối đa quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định này không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn mà phải có biện pháp tăng huy động vốn trong khuôn khổ quy định của pháp luật, thu hồi nợ cho vay trung hạn và dài hạn theo kỳ hạn trả nợ của các khoản cho vay để trong thời hạn 3 năm phải giảm dần tỷ lệ này cho phù hợp với quy định.

Trường hợp tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo chỉ định của Chính phủ, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi Chính phủ chỉ định.

MỤC II
TỶ LỆ VỀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ

Điều 4.

1. Kết thúc ngày làm việc, tổ chức tín dụng phải duy trì cho ngày làm việc tiếp theo tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tài sản "Có" có thể thanh toán ngay so với các loại tài sản "Nợ" phải thanh toán ngay.

2. Tài sản "Có" có thể thanh toán ngay bao gồm:

a. Tiền mặt;

b. Ngân phiếu thanh toán còn giá trị lưu hành;

c. Vàng, kim loại quý, đá quý có thể bán ngay;

d. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc);

đ. Tiền gửi không kỳ hạn (gốc, lãi) tại các tổ chức tín dụng khác trong nước và ở nước ngoài;

e. Tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác trong nước và ở nước ngoài đến hạn thanh toán (gốc, lãi);

g. Tối đa 95% các khoản cho vay đối với các tổ chức tín dụng đến hạn thu nợ ;

h. Tối đa 90% các khoản cho vay đối với tổ chức, cá nhân đến hạn thu nợ ;

i. Các loại giấy tờ có giá đến hạn thanh toán hoặc có thể bán được ngay hoặc có thể đem chiết khấu, tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước;

k. Các khoản thu từ các cam kết mua, bán ngoại tệ có kỳ hạn đến hạn thực hiện;

l. Các khoản khác đến hạn thu.

3. Tài sản "Nợ" phải thanh toán ngay bao gồm:

a. Tối thiểu 15% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức, cá nhân;

b. Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân đến hạn thanh toán (gốc, lãi);

c. Tối thiểu 15% tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của cá nhân;

d. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của cá nhân đến hạn thanh toán (gốc, lãi);

đ. Các khoản vay của tổ chức tín dụng khác đến hạn trả nợ (gốc, lãi);

e. Giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành đến hạn thanh toán (gốc, lãi);

g. Các khoản phải trả thuộc các cam kết bán, mua ngoại tệ có kỳ hạn đến hạn thực hiện;

h. Số tiền phải trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, thanh toán L/C;

i. Số tiền cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng;

k. Các khoản khác đến hạn trả.

 

Điều 5. Tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi thực hiện việc xác định tỷ lệ về khả năng chi trả quy định tại Điều 4 Quy định này phải có phương án giải quyết trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

MỤC III
TỶ LỆ AN TOÀN VỐN TỐI THIỂU

Điều 6.

1. Tổ chức tín dụng (trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài) phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 8% giữa vốn tự có so với tài sản "Có", kể cả các cam kết ngoại bảng, được điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Vốn tự có và tài sản "Có" rủi ro được xác định theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quy định này.

2. Tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng có mức tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn mức quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành phải tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bằng mức tỷ lệ quy định. Mức tăng tỷ lệ hàng năm tối thiểu bằng một phần ba (1/3) số tỷ lệ còn thiếu.

Điều 7.

1. Vốn tự có của tổ chức tín dụng bao gồm: vốn điều lệ (vốn đã được cấp, vốn đã góp) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này sẽ được thay đổi phù hợp với tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và quy định tại Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng.

3. Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần phải trừ khỏi vốn tự có khi tính toán các tỷ lệ an toàn tại Quy định này.

Điều 8.

Tài sản "Có", kể cả các cam kết ngoại bảng, được điều chỉnh theo mức độ rủi ro (sau đây gọi tắt là tài sản "Có" rủi ro) bao gồm giá trị các tài sản "Có" nội bảng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro (sau đây gọi tắt là tài sản "Có" rủi ro nội bảng) và giá trị những cam kết ngoại bảng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro (sau đây gọi tắt là tài sản "Có" rủi ro ngoại bảng).

- Tài sản "Có" rủi ro nội bảng được xác định trên cơ sở giá trị từng tài sản "Có" nội bảng và (nhân với) mức độ rủi ro của tài sản "Có" được quy định tại Điều 10 Quy định này.

- Tài sản "Có" rủi ro ngoại bảng được xác định, trước hết chuyển những cam kết ngoại bảng thành giá trị tài sản "Có" nội bảng tương ứng theo hệ số chuyển đổi quy định tại Điều 9 Quy định này, sau đó được xác định theo mức độ rủi ro được quy định tại Điều 10 Quy định này.

Điều 9.

Hệ số chuyển đổi của các cam kết ngoại bảng

1. Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 100%:

a. Bảo lãnh vay;

b. Bảo lãnh thanh toán.

2. Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 50%:

a. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng;

b. Bảo lãnh dự thầu;

c. Các hình thức bảo lãnh khác cho tổ chức, cá nhân;

d. Cam kết trong nghiệp vụ thanh toán L/C.

3. Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 2%:

Cam kết mua, bán hối đoái có kỳ hạn.

Điều 10. Tài sản "Có" nội bảng và giá trị tài sản "Có" nội bảng tương ứng của các cam kết ngoại bảng được phân nhóm theo các mức rủi ro như sau:

1. Nhóm tài sản "Có", có mức độ rủi ro 0% gồm:

a. Tiền mặt, ngân phiếu thanh toán còn giá trị lưu hành;

b. Vàng;

c. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ;

d. Giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam phát hành, bảo lãnh;

đ. Khoản cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm tại chính tổ chức tín dụng;

e. Khoản cho vay có bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành;

g. Khoản cho vay có bảo đảm bằng các loại giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam phát hành, bảo lãnh;

h. Khoản cho vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.

2. Nhóm tài sản "Có", có mức độ rủi ro 20%, gồm:

a. Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác trong nước và ở nước ngoài;

b. Giấy tờ có giá do chính quyền tỉnh, thành phố bảo lãnh, tổ chức tín dụng khác phát hành;

c. Khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác;

d. Khoản cho vay có bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính quyền tỉnh, thành phố bảo lãnh, tổ chức tín dụng khác phát hành;

đ. Khoản cho vay đối với tổ chức tín dụng khác có bảo đảm, không có bảo đảm;

e. Khoản cho vay được các tổ chức tín dụng khác bảo lãnh;

g. Khoản cho thuê tài chính đối với tổ chức tín dụng khác.

3. Nhóm tài sản "Có", có mức độ rủi ro 50%.

4. Nhóm tài sản "Có", có mức độ rủi ro 100%, gồm:

a. Khoản cho vay có thế chấp bất động sản, cầm cố động sản khác, có bảo lãnh của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

b. Khoản cho vay không có bảo đảm;

c. Khoản cho thuê tài chính đối với cá nhân;

d. Khoản cho thuê tài chính đối với tổ chức khác;

đ. Khoản góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp;

e. Giá trị tài sản "Có" nội bảng tương ứng của bảo lãnh, cam kết trong nghiệp vụ thanh toán L/C, cam kết mua, bán hối đoái có kỳ hạn;

g. Các tài sản "Có" khác (trừ các khoản góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác).

III - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức tín dụng báo cáo việc chấp hành các tỷ lệ an toàn trong hoạt động quy định tại Quy định này theo chế độ thông tin báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 12. Tổ chức tín dụng vi phạm những quy định tại Quy định này, tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 13. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Trần Minh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.