CHỈ THỊ
Về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm khắc phục
tình trạng sạt lở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau
_______________
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống giao thông, thuỷ lợi, lưới điện… phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế –xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa được quan tâm xử lý như công tác điều tra cơ bản, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng xoáy lở bờ sông, kênh, rạch do tác động của các phương tiện giao thông thủy - bộ; chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình xây cất, quản lý khai thác kiến trúc ven sông, kênh rạch; chưa quan tâm đúng mức công tác nghiên cứu quy hoạch ổn định lâu dài của một số tuyến hạ tầng kỹ thuật thiết yếu... nên đã gây lãng phí, tổn thất về công sức, tài sản của nhân dân và Nhà nước; phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên khu vực ven sông, kênh, rạch nhất là trong mùa mưa, bão. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát, lập danh mục tuyến - đoạn sông, kênh, rạch theo thứ tự ưu tiên 02 cấp độ nguy hiểm gồm:
a) Cấp I: Tuyến sông, kênh, rạch sạt lở tiếp giáp đồng thời với hệ thống giao thông thủy - bộ chính trên khu vực; hiện tượng sạt lở diễn biến thường xuyên trong 03 năm gần đây, khu vực sạt lở có mật độ dân cư đông đúc (có từ 02 nóc gia trở lên/10m bờ sông, kênh, rạch) và tối thiểu 40% kiến trúc ven sông rạch từ bán cơ bản trở lên hoặc tuyến hạ tầng kỹ thuật ở trên khu vực có cự ly cách mép bờ sạt lở dưới 10m.
b) Cấp II: Khu vực sạt lở không tiếp giáp đồng thời với hệ thống giao thông thủy - bộ chính trên khu vực; có mật độ dân cư trung bình (từ 02 nóc gia trở xuống/10m bờ sông, kênh, rạch) và tối đa 20% kiến trúc ven sông rạch từ bán cơ bản trở lên hoặc tuyến hạ tầng kỹ thuật trên khu vực có cự ly cách mép bờ sạt lở từ 10m đến 30m.
2. Trên các tuyến - đoạn sông, kênh, rạch cấp độ nguy hiểm I, đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện đông bộ các giải pháp sau đây trong quý III năm 2006:
a) Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức cho các tổ chức liên quan, cộng đồng dân cư trên khu vực để chủ động phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra do sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
b) Nghiêm cấm mọi hành vi xây cất công trình mới trong giới hạn 30m ven bờ sông, kênh, rạch kể từ mức nước triều cường trong năm.
c) Những công trình kiến trúc hiện có, chủ công trình phải chủ động liên hệ các đơn vị chức năng để thực hiện các giải pháp gia cố tường chắn, hệ khung chịu lực công trình. Riêng đối với các cửa hàng mua bán, cơ sở sản xuất tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ; chủ công trình phải có biện pháp giảm tải đặt lên nền công trình thấp hơn 300kg/m2.
d) Có giải pháp kè bờ tạm bằng cọc dừa, cừ tràm... trong khu vực sạt lở không có dân cư, nhằm hạn chế gây mất ổn định tuyến hạ tầng kỹ thuật hiện có.
e) Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng có kế hoạch di dời, tái định cư đối với những hộ nghèo, sống tạm bợ trên các tuyến công trình có nguy cơ sạt lở cao.
f) Phối hợp với ngành Giao thông - Vận tải thực hiện công tác cắm biển báo hiệu giao thông; giới hạn phương tiện, tốc độ vận chuyển thủy - bộ khi tham gia giao thông trên các tuyến - đoạn có nguy cơ sạt lở theo cấp độ nguy hiểm.
3. Trên các tuyến - đoạn sông, kênh, rạch cấp độ nguy hiểm II, đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng có liên quan khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế nguy cơ sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.
4. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác nghiên cứu khoa học bao gồm điều tra cơ bản, xác định nguyên nhân và kiến nghị giải pháp tối ưu để khắc phục cơ bản tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch; tích cực huy động nguồn vốn xã hội thực hiện đầu tư các tuyến - đoạn có nguy cơ sạt lở ở các cấp độ nguy hiểm.
5. Các tuyến dân cư ven sông, kênh, rạch trên địa bàn đô thị phải được nghiên cứu quy hoạch xây dựng, làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn; có giải pháp hướng dẫn nhân dân trên khu vực trong công tác thiết kế, thi công và quản lý khai thác sử dụng. Không cấp phép, không cho phép nâng cấp, xây dựng mới công trình kiến trúc trên các tuyến, đoạn sông, kênh, rạch chưa có quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Vấn đề này, Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất, phối hợp cùng chính quyền huyện, thành phố tổ chức thực hiện.
6. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý quy hoạch, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn; có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền xã, phường, thị trấn trong kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm Chỉ thị này và các văn bản quy định khác của pháp luật hiện hành.
7. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; các cơ quan Báo, Đài phát thanh - truyền hình, các Đài truyền thanh huyện, thành phố Cà Mau, các Trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn trong phạm vi quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị này đến tận các hộ dân trên địa bàn.
Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.