Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ

 

 
 

 

 

 

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ, bao gồm: Tổ chức phong trào thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng; quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; tiền thưởng và chế độ ưu đãi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân

a) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân tự vệ;

b) Cá nhân không thuộc các thành phần của Dân quân tự vệ có thành tích trong công tác Dân quân tự vệ.

2. Tập thể

a) Đơn vị Dân quân tự vệ từ cấp tiểu đội và khẩu đội trở lên;

b) Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương;

c) Cơ quan, đơn vị quân đội;

d) Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan Nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức kinh tế; các tổ chức quốc tế ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có thành tích trong công tác Dân quân tự vệ.

Điều 3. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng

Thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại Điều 6 Luật Thi đua, khen thưởng; Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây viết gọn là Nghị định số 91/2017/NĐ-CP) và những quy định cụ thể sau:

1. Việc xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng thường xuyên đối với Dân quân tự vệ do cơ quan quân sự các cấp thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đảng ủy quân sự cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên và phối hợp của cơ quan thi đua, khen thưởng cùng cấp.

2. Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích, nếu đã được xét tặng danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng trong lĩnh vực khác thì không xét tặng danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng về Dân quân tự vệ hoặc đã được xét tặng danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng về Dân quân tự vệ thì không xét tặng danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng trong lĩnh vực khác.

3. Chưa xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, chưa kết luận.

Điều 4. Trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng

Thực hiện đúng quy định tại các Điều 6, 7, 8 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và những quy định cụ thể sau:

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, phát động, tổ chức các phong trào thi đua; xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng đối với Dân quân tự vệ trong phạm vi toàn quốc.

2. Thủ trưởng các quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, binh chủng, binh đoàn chỉ đạo, phát động, tổ chức các phong trào thi đua; xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với Dân quân tự vệ thuộc phạm vi quản lý của cấp mình.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong Dân quân tự vệ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

4. Cơ quan quân sự địa phương chỉ đạo, phát động, tổ chức phong trào thi đua; phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với Dân quân tự vệ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

5. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổ chức phong trào thi đua; phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng đối với lực lượng tự vệ thuộc quyền.

6. Cơ quan Dân quân tự vệ các cấp, trợ lý Dân quân tự vệ thuộc Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi đua, khen thưởng cùng cấp để tham mưu tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Chương II

TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

Điều 5. Hình thức tổ chức thi đua

1. Thi đua thường xuyên

Được tổ chức phát động vào đầu năm, nhằm động viên lực lượng Dân quân tự vệ phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch công tác Dân quân tự vệ hằng ngày, tuần, tháng, quý, năm của mỗi cá nhân hoặc tập thể.

2. Thi đua theo đợt hoặc thi đua theo chuyên đề

Được tổ chức để thực hiện những nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột xuất theo từng giai đoạn và thời gian được xác định, nhằm phát động lực lượng Dân quân tự vệ phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ đột xuất hoặc những nhiệm vụ khó khăn phức tạp như sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác.

Điều 6. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

1. Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải phù hợp với thực tế của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị Dân quân tự vệ.

2. Căn cứ đặc điểm, tính chất tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hội thi, hội thao và hoạt động của Dân quân tự vệ để xác định hình thức tổ chức phát động thi đua phù hợp, chống biểu hiện hình thức trong thi đua.

3. Triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua, theo dõi quá trình tổ chức thi đua, tổ chức chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến các kinh nghiệm tốt cho các đối tượng tham gia thi đua.

4. Sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả phong trào thi đua; đối với phong trào thi đua theo chuyên đề, đợt thi đua dài ngày có thể tổ chức sơ kết vào giữa đợt để rút kinh nghiệm; kết thúc đợt thi đua tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, bình xét, đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua.

Điều 7. Phạm vi tổ chức thi đua

1. Phạm vi tổ chức thi đua của Dân quân tự vệ nằm trong phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn với phong trào thi đua yêu nước của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và toàn quốc.

2. Phong trào thi đua trong Dân quân tự vệ được tổ chức phát động trong phạm vi toàn quốc hoặc trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Việc phát động thi đua thường xuyên hằng năm do cơ quan quân sự địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có liên quan, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương trở xuống thực hiện.

Điều 8. Danh hiệu thi đua

1. Đối với cá nhân

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”;

b) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”;

c) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

d) Danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

2. Đối với tập thể

a) Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”;

b) Danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”.

Điều 9. Đối tượng, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua

1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” xét tặng cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục trở lên đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” và phải có sáng kiến để nâng cao hiệu quả công tác hoặc có công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được hội đồng khoa học cấp Bộ nghiệm thu, áp dụng vào thực tiễn hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu mang lại hiệu quả cao, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận.

b) Thời điểm xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được thực hiện liền kề sau năm được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” lần thứ hai.

2. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” xét tặng cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, được lựa chọn trong số những cá nhân có 03 lần liên tục trở lên đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và phải có sáng kiến để nâng cao hiệu quả công tác hoặc có công trình, đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu, áp dụng mang lại hiệu quả cao hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu mang lại hiệu quả, được thủ trưởng đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng công nhận.

b) Thời điểm xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” được thực hiện sau năm được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” lần thứ ba trở lên.

3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hằng năm cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lựa chọn trong số các cá nhân đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” và phải có sáng kiến để nâng cao hiệu quả công tác hoặc có công trình, đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu, áp dụng tại đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu mang lại hiệu quả, được thủ trưởng đơn vị từ Ban chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc tương đương trở lên công nhận.

4. Danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”

Danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” xét tặng hằng năm cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động, đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao (huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác);

b) Thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình huấn luyện; 100% các nội dung thi hoặc kiểm tra đạt yêu cầu, trong đó có từ 65% đạt khá, giỏi trở lên;

c) Hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động sản xuất, học tập, công tác;

d) Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua; có đạo đức, lối sống lành mạnh.

5. Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”

Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” xét tặng hằng năm cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và đơn vị Dân quân thường trực, đơn vị Dân quân tự vệ cơ động, đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Sáng tạo, vượt khó, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; 100% các nội dung thi hoặc kiểm tra đạt yêu cầu, trong đó có từ 75% đạt khá, giỏi trở lên;

b) Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;

c) Có cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

d) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

đ) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không để xảy ra vụ việc vi phạm phải xử lý; không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

6. Danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”

Danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” xét tặng hằng năm cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và đơn vị Dân quân thường trực, đơn vị Dân quân tự vệ cơ động, đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao; 100% các nội dung thi hoặc kiểm tra đạt yêu cầu, trong đó có từ 65% đạt khá, giỏi trở lên;

b) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

c) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không để xảy ra vụ việc vi phạm phải xử lý; không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Điều 10. Tỷ lệ xét tặng danh hiệu thi đua

1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”: Không quy định tỷ lệ.

2. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”: Không quy định tỷ lệ.

3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”: Xét tặng không quá 5% so với tổng số cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động.

4. Danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”: Xét tặng không quá 10% so với tổng số cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ cơ động.

5. Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”: Xét tặng không quá 5% so với tổng đầu mối Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và đơn vị Dân quân thường trực, đơn vị Dân quân tự vệ cơ động.

6. Danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”: Xét tặng không quá 10% so với tổng đầu mối Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và đơn vị Dân quân thường trực, đơn vị Dân quân tự vệ cơ động.

Chương III

HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 11. Các hình thức khen thưởng của Nhà nước đối với Dân quân tự vệ

1. Các hình thức khen thưởng, gồm:

a) Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân";

b) "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, Nhì, Ba;

c) "Huân chương Chiến công" hạng Nhất, Nhì, Ba;

d) "Huân chương Dũng cảm";

đ) "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ".

2. Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng

a) Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân": Thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Thi đua, khen thưởng.

b) "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, Nhì, Ba: Thực hiện theo quy định tại các Điều 45, 46, 47 Luật Thi đua, khen thưởng và các Điều 25, 26, 27 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

c) "Huân chương Chiến công" hạng Nhất, Nhì, Ba: Thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Thi đua, khen thưởng và các Điều 28, 29, 30 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

d) "Huân chương Dũng cảm": Thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật Thi đua, khen thưởng và Điều 32 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

đ) "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ": Thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật Thi đua, khen thưởng và Điều 38 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Điều 12. Các hình thức khen thưởng của Bộ Quốc phòng đối với Dân quân tự vệ

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng”.

2. Bằng khen.

3. Giấy khen.

Điều 13. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng”

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” xét tặng cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân tự vệ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; cá nhân có nhiều công lao, đóng góp đối với Dân quân tự vệ Việt Nam, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng Dân quân tự vệ từ đủ 10 năm trở lên; không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

b) Đối với cá nhân không thuộc thành phần Dân quân tự vệ, phải có từ đủ 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác Dân quân tự vệ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

c) Chiến sĩ Dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng Dân quân tự vệ từ đủ 06 năm trở lên; không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

d) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân tự vệ được Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;

đ) Người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều công lao, đóng góp đối với Dân quân tự vệ Việt Nam, được cấp có thẩm quyền công nhận.

2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” chỉ tặng một lần cho mỗi cá nhân.

Điều 14. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

1. “Bằng khen của Bộ trường Bộ Quốc phòng” để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân tự vệ có 02 năm liên tục trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 lần liên tục trở lên được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

b) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, chiến sĩ Dân quân tự vệ lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc được bình xét khi tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng phát động;

c) Cá nhân không thuộc các thành phần của Dân quân tự vệ có thành tích xuất sắc trong công tác Dân quân tự vệ, được cấp có thẩm quyền công nhận.

2. “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Tập thể Dân quân tự vệ có 02 năm trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách pháp luật;

b) Tập thể Dân quân tự vệ lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc được bình xét khi tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng phát động;

c) Tập thể không thuộc tổ chức của Dân quân tự vệ có thành tích xuất sắc trong công tác Dân quân tự vệ, được cấp có thẩm quyền công nhận.

Điều 15. Bằng khen của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

1. Bằng khen của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tặng cho cá nhân, tập thể trong lực lượng Dân quân tự vệ lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng hoặc đơn vị phát động.

2. Bằng khen của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tặng cho cá nhân, tập thể không thuộc tổ chức, các thành phần của Dân quân tự vệ có thành tích xuất sắc trong công tác Dân quân tự vệ.

Điều 16. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện

1. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tặng cho cá nhân, tập thể trong lực lượng Dân quân tự vệ lập được thành tích đột xuất hoặc có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động, các đợt thi đua do Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng hoặc đơn vị phát động.

2. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tặng cho cá nhân, tập thể không thuộc tổ chức, các thành phần của Dân quân tự vệ có thành tích trong công tác Dân quân tự vệ.

Điều 17. Các hình thức khen thưởng của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Các hình thức khen thưởng của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối với Dân quân tự vệ, gồm:

a) Bằng khen.

b) Giấy khen.

2. Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng

a) Bằng khen: Thực hiện theo quy định tại các Điều 72, 73 Luật Thi đua, khen thưởng; Điều 39 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và các quy định cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

b) Giấy khen: Thực hiện theo quy định tại các Điều 74, 75, 76 Luật Thi đua, khen thưởng; Điều 40 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và các quy định cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

 

Chương IV

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH KHEN THƯỞNG VÀ TRAO TẶNG

Điều 18. Thẩm quyền quyết định khen thưởng

Thực hiện theo quy định tại các Điều 77, 78, 79, 80, 81 Luật Thi đua, khen thưởng; các Điều 43, 44 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và những quy định cụ thể như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

a) Tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”, "Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng";

b) Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng”.

2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

a) Tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”;

b) Bằng khen của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định khen thưởng đối với Dân quân tự vệ thuộc quyền với các hình thức khen thưởng quy định tại các Điều 72, 73, 74, 75, 76, 79, 80 Luật Thi đua, khen thưởng; các Điều 39, 40 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và các quy định cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp,

4. Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh

a) Tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, Giấy khen cho cá nhân cao nhất đến tiểu đoàn trưởng Dân quân tự vệ hoặc tương đương;

b) Tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, Giấy khen cho tập thể cao nhất đến cấp tiểu đoàn Dân quân tự vệ hoặc tương đương.

5. Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện

a) Tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, Giấy khen cho cá nhân cao nhất đến đại đội trưởng Dân quân tự vệ hoặc tương đương;

b) Tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, Giấy khen cho tập thể cao nhất đến cấp đại đội Dân quân tự vệ hoặc tương đương.

Điều 19. Trao tặng, đón nhân danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Khi có kết quả khen thưởng, các đơn vị tổ chức công bố quyết định khen thưởng và trao thưởng cho tập thể, cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Việc tổ chức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.

Chương V

QUY TRÌNH THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 20. Quy trình thủ tục và tuyến trình khen thưởng

1. Tổ chức báo công, bình công: Tập thể, cá nhân báo cáo thành tích tại hội nghị bình xét khen thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hội nghị tiến hành bình xét, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay.

2. Hội đồng thi đua - khen thưởng, Tổ thi đua - khen thưởng họp xem xét, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay đối với từng tập thể, cá nhân;

3. Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (nơi không có cơ quan chính trị) hoặc cơ quan, cán bộ đảm nhiệm công tác Dân quân tự vệ tổng hợp, báo cáo cấp ủy đảng (ban thường vụ) cùng cấp xem xét, quyết nghị.

4. Căn cứ quyết nghị của cấp ủy đảng (ban thường vụ), người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ra quyết định khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (qua Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu) xét, quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ.

6. Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thành tích, báo cáo Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn).

7. Cục Tuyên huấn/ Tổng cục Chính trị tổng hợp, thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét, quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 21. Hồ sơ khen thưởng

1. Quy định chung về thủ tục, hồ sơ

a) Cấp nào quản lý về tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức, thành phần của Dân quân tự vệ và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

b) Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải phù hợp với hình thức, mức hạng khen thưởng. Báo cáo thành tích thực hiện theo các mẫu (từ mẫu số 01 đến số 06b) ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung báo cáo thành tích phải có đủ các căn cứ để đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định của Chính phủ. Khi trình Bộ Quốc phòng phải đóng dấu giáp lai; đồng thời gửi file điện tử của hồ sơ đến Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước, bí mật quân sự.

2. Hồ sơ đề nghị chung của các cấp, gồm:

a) Tờ trình của đơn vị (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Danh sách đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng;

c) Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, có xác nhận của cấp trình khen (theo mẫu từ số 03 đến số 06 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Hồ sơ đề nghị tặng "Bằng khen của Bộ Quốc phòng" được lập thành 01 bộ (bản chính), "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" 03 bộ (bản chính), Huân chương 04 bộ (bản chính), gồm:

a) Các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của hội đồng thi đua - khen thưởng (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

4. Hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" được lập thành 04 bộ (bản chính), gồm:

a) Các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu kín của hội đồng thi đua - khen thưởng (theo mẫu số 02 kèm theo Thông tư này);

c) Hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

5. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản áp dụng trong trường hợp khen thưởng đột xuất được lập thành 02 bộ (bản chính), gồm:

 

a) Tờ trình kèm theo danh sách đề nghị khen thưởng (theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư này);

b) Báo cáo tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị trình khen (theo mẫu số 06a, 06b ban hành kèm theo Thông tư này).

6. Hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” được lập thành 01 bộ (bản chính), gồm:

a) Tờ trình của đơn vị (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Tờ khai của cá nhân, có xác nhận của cấp trình khen (theo mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 22. Thời điểm báo cáo hồ sơ, thời gian thẩm định, thời gian thông báo kết quả khen thưởng

1. Thời điểm báo cáo hồ sơ đề nghị khen thưởng

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo đề nghị tặng danh hiệu thi đua; khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được (khen thưởng thường xuyên); Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” về Bộ Quốc phòng (qua Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu) trước ngày 15 tháng 3 hằng năm.

2. Hình thức gửi hồ sơ: Qua đường quân bưu hoặc dịch vụ bưu chính công cộng.

3. Thẩm định hồ sơ khen thưởng

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

4. Thời gian thông báo kết quả xét khen thưởng

a) Sau khi nhận được quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong thời hạn 10 ngày làm việc, Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị sao quyết định và thông báo kết quả khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trình khen thưởng.

b) Sau khi nhận được quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, cơ quan trình khen thưởng thông báo và gửi kết quả khen thưởng cho các trường hợp được khen thưởng.

c) Đối với các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trình khen thưởng.

Chương VI

QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG; MỨC TIỀN THƯỞNG

VÀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Điều 23. Nguồn, múc trích quỹ; quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng

Thực hiện theo quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39 Luật Dân quân tự vệ; các Điều 64, 65, 66, 67 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và những quy định cụ thể về nguồn bảo đảm và việc sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng như sau:

1. Đối với các hình thức khen thưởng do Thủ trưởng cơ quan quân sự địa phương các cấp; Thủ trưởng cơ quan, tổ chức ở Trung ương quyết định khen thưởng:

a) Nguồn kinh phí khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ; các Điều 64, 65, 66, 67 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

b) Hằng năm, cơ quan quân sự địa phương các cấp; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở Trung ương lập kế hoạch dự toán, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Đối với các hình thức khen thưởng do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quyết định khen thưởng:

a) Nguồn kinh phí khen thưởng được sử dụng trong quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ Quốc phòng;

b) Hằng năm, các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch dự toán ngân sách khen thưởng báo cáo Bộ Quốc phòng;

c) Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo ngân sách, vật tư khen thưởng đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng về Dân quân tự vệ.

Điều 24. Tiền thưởng và chế độ ưu đãi

1. Cách tính tiền thưởng và chế độ ưu đãi: Thực hiện theo quy định tại Điều 87 Luật Thi đua, khen thưởng; các Điều 68, 75 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

2. Mức tiền thưởng: Thực hiện theo quy định tại các Điều 69, 70, 71, 72, 73 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 97/2010/TT-BQP ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ.

2. Các văn bản viện dẫn trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì nội dung viện dẫn cũng được điều chỉnh, thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 26. Trách nhiệm thi hành

1. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ huy Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi đua, xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng về Dân quân tự vệ theo quy định của Thông tư này.

3. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Tổng cục Chính trị) để xem xét, giải quyết./.

 

Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch