BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2021/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2021
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG, HUY ĐỘNG TRỰC TIẾP CHỮA CHÁY, PHỤC VỤ CHỮA CHÁY, THÀNH VIÊN ĐỘI DÂN PHÒNG, ĐỘI PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ VÀ CHUYÊN NGÀNH THAM GIA HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn một số chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số chế độ quy định tại khoản 8 Điều 50 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là Nghị định số 136/2020/NĐ-CP), bao gồm:
1. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền trong trường hợp bị tai nạn, bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bị thương, bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bị chết, bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
3. Chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thuộc các trường hợp sau:
a) Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy.
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.
c) Người có thẩm quyền điều động, huy động người trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy.
d) Người có thẩm quyền điều động thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
đ) Cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành (sau đây gọi là đơn vị quản lý trực tiếp).
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện các quy định tại Thông tư này.
Chương II
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG, HUY ĐỘNG TRỰC TIẾP CHỮA CHÁY VÀ PHỤC VỤ CHỮA CHÁY BỊ TAI NẠN, BỊ THƯƠNG, BỊ CHẾT
Điều 3. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị tai nạn, bị thương
1. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh
a) Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; được đơn vị quản lý trực tiếp thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí y tế không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.
b) Người không tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động
a) Người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị tai nạn, bị thương đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ theo mức suy giảm khả năng lao động và số năm đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
b) Người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động khi bị tai nạn, bị thương được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ theo mức suy giảm khả năng lao động (trừ các khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội). Mức trợ cấp bằng mức trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Người có đủ điều kiện xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được cơ quan có thẩm quyền xét hưởng chính sách thương binh hoặc hưởng chính sách như thương binh.
Điều 4. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị chết
1. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị chết do chữa cháy, phục vụ chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi chữa cháy, phục vụ chữa cháy thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần; cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Người không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần bị chết do chữa cháy, phục vụ chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi chữa cháy, phục vụ chữa cháy thì thân nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả trợ cấp như sau:
a) Thân nhân được trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động hoặc trợ cấp tuất hằng tháng bằng mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng phải đảm bảo điều kiện về thân nhân như quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội.
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được trợ cấp mai táng. Mức trợ cấp mai táng bằng mức trợ cấp mai táng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Người có đủ điều kiện xét công nhận là liệt sỹ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được cơ quan có thẩm quyền xét công nhận là liệt sỹ.
Chương III
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ĐỘI DÂN PHÒNG, ĐỘI PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ VÀ CHUYÊN NGÀNH KHI THAM GIA HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Điều 5. Trợ cấp, tiền bồi dưỡng đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Mỗi ngày tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, thành viên đội dân phòng được trợ cấp một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng, thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành được hưởng tiền bồi dưỡng bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng do đơn vị quản lý trực tiếp chi trả.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định bằng mức lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở doanh nghiệp trên địa bàn vùng I do Chính phủ quy định tại thời điểm thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy chia cho 26 ngày.
Điều 6. Chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, bị thương
1. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh
a) Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; được đơn vị quản lý trực tiếp thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí y tế không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả;
b) Người không tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Chế độ tai nạn lao động
a) Người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, tổn hại sức khỏe được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
b) Người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, tổn hại sức khỏe được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả các chế độ tương tự chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (trừ các khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội).
Điều 7. Chế độ đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị chết
1. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chết do tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì thân nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được hưởng các chế độ:
a) Thân nhân được hưởng các chế độ, bao gồm:
a1) Trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
a2) Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
a3) Hỗ trợ tiền bằng mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động do đơn vị quản lý trực tiếp chi trả đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Người không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần chết do tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì thân nhân được hưởng khoản tiền hỗ trợ bằng mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng và cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện mai táng được hưởng trợ cấp mai táng do đơn vị quản lý trực tiếp chi trả. Mức và điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng, trợ cấp mai táng như quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Chương IV
KINH PHÍ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ
Điều 8. Nguồn từ Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm xã hội
1. Quỹ bảo hiểm y tế chi trả phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2. Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả chế độ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 4; điểm a khoản 2 Điều 6; các điểm a1, a2 và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
Điều 9. Nguồn từ ngân sách Nhà nước
1. Ngân sách Trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị thương, bị chết đủ điều kiện xem xét công nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hoặc được công nhận là liệt sỹ quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
2. Ngân sách địa phương đảm bảo bố trí trong dự toán hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chế độ gồm:
a) Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy; thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bị tai nạn, bị thương, bị chết thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Thông tư này.
b) Chi phí đồng chi trả và các khoản chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3; chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3; chế độ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 4 Thông tư này để hoàn trả cho đơn vị quản lý trực tiếp đối với trường hợp đơn vị quản lý trực tiếp không do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.
Điều 10. Nguồn từ đơn vị quản lý trực tiếp
1. Đơn vị quản lý trực tiếp chi trả các chế độ tại Thông tư này như sau:
a) Chi phí đồng chi trả và các khoản chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 và điểm a khoản 1 Điều 6, chi phí khám chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
b) Các chế độ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 4; điểm b khoản 2 Điều 6; điểm a3 khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
c) Trợ cấp, tiền bồi dưỡng quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Đối với đơn vị quản lý trực tiếp do ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên thì nguồn kinh phí của đơn vị để chi trả các chế độ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước và chế độ tự chủ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đối với đơn vị quản lý trực tiếp không do ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên thì kinh phí chi trả các chế độ gồm: chi phí đồng chi trả và các khoản chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3; chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3; chế độ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 4 Thông tư này do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được điều động, huy động đăng ký hộ khẩu thường trú hoàn trả cho đơn vị quản lý trực tiếp.
4. Đơn vị quản lý trực tiếp đối với người không thuộc quản lý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.
Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu trong Thông tư này cũng được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Người có thẩm quyền điều động, huy động có trách nhiệm khai báo, điều tra, báo cáo thống kê tai nạn, xác nhận đối với trường hợp bị tai nạn, bị thương, bị chết; phối hợp với đơn vị quản lý trực tiếp và các cơ quan liên quan lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục thực hiện các chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Thông tư này.
2. Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan lập hồ sơ đề nghị xét hưởng các chế độ; đảm bảo nguồn kinh phí và thực hiện chi trả chế độ thuộc trách nhiệm của đơn vị.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Đảm bảo nguồn kinh phí, thực hiện chi trả chế độ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Thông tư này.
b) Hoàn trả phần kinh phí mà đơn vị quản lý trực tiếp đã chi trả các chế độ bao gồm: chi phí đồng chi trả và các khoản chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3; chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3; chế độ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 4 Thông tư này đối với trường hợp đơn vị quản lý trực tiếp không do Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bổ sung, hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể và các Hội;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ LĐTBXH;
- Lưu: Văn thư, Cục QHLĐTL (30 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|