QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức chi hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và mức hỗ trợ, bồi dưỡng khác đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
2. Đối tượng áp dụng
Nghị quyết này áp dụng đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mức hỗ trợ thường xuyên, bồi dưỡng đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
1. Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng:
a) Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ hằng tháng bằng 0,8 nhân với mức lương cơ sở;
b) Trợ cấp chức danh đối với Tổ trưởng, Tổ phó:
- Tổ trưởng: 300.000 đồng/người/tháng.
- Tổ phó: 200.000 đồng/người/tháng.
c) Hỗ trợ theo trình độ đào tạo:
- Đại học trở lên: 500.000 đồng/người/tháng.
- Cao đẳng: 300.000 đồng/người/tháng.
- Trung cấp: 200.000 đồng/người/tháng.
2. Mức bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền:
a) Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật về lao động được bồi dưỡng 100.000 đồng/đêm, ngày/người, nhưng không quá 10 đêm/người/tháng;
b) Khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được bồi dưỡng 95.000 đồng/người/ngày;
c) Khi làm nhiệm vụ tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm là 7.000 đồng/ngày/người.
Điều 3. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
1. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Ngân sách địa phương hỗ trợ 99.000 đồng/người/tháng, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đóng phần còn lại theo mức đóng do thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự lựa chọn.
2. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế: Ngân sách địa phương hỗ trợ 2/3 mức đóng, thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đóng 1/3 mức đóng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Không áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Mức hỗ trợ đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ
1. Mức hỗ trợ đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ:
a) Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
b) Hỗ trợ tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện là 95.000 đồng/người/ngày.
2. Mức hỗ trợ đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ hoặc trong khoảng thời gian và tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi thực hiện nhiệm vụ:
a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày bằng với mức hỗ trợ được quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp một lần hoặc hằng tháng tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động bằng với mức người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;
b) Trường hợp tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng với mức người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng với mức người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Điều 5. Kinh phí thực hiện
Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định tại Nghị quyết này do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.
2. Các Nghị quyết sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành:
a) Nghị quyết số 08/2012/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố về số lượng, mức phụ cấp lực lượng Công an xã, thị trấn; Ban bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn, Tổ bảo vệ dân phố ở ấp, khu vực;
b) Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 sửa đổi Nghị quyết số 08/2012/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố về số lượng, mức phụ cấp lực lượng Công an xã, thị trấn; Ban bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn, Tổ bảo vệ dân phố ở ấp, khu vực;
c) Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
3. Sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho Công an viên ở ấp và Ấp đội trưởng, Khu vực trưởng quân sự như sau:
“Điều 1. Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế
Ấp đội trưởng, Khu vực trưởng quân sự được hỗ trợ đóng 3% bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành về bảo hiểm y tế.”.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa X, kỳ họp thứ mười sáu thông qua ngày 05 tháng 7 năm 2024./.