THÔNG TƯ
Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 1/01/clip_image001.png" width="2" />“Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Đề án).
2. Riêng đối với việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo Thông tư số 68/2016/TT-BTC ngày 5 tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước.
2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ
1. Nội dung chi do các cơ quan Trung ương thực hiện:
1.1. Chi các hoạt động triển khai, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và các Đề án thành phần, gồm:
a) Chi tổ chức hội nghị giới thiệu, hội nghị tập huấn triển khai Đề án; hội thảo trao đổi kinh nghiệm; các hội thảo triển khai nội dung của Đề án; các hội nghị sơ kết, tổng kết cấp Trung ương: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC) và Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
b) Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
c) Chi thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng từ nguồn kinh phí của Đề án.
1.2. Chi khảo sát về tình hình, nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức, lao động nông thôn và học sinh, sinh viên để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 109/2016/TT-BTC).
1.3. Xây dựng tài liệu cho các cuộc bồi dưỡng, tập huấn; tài liệu truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên và cán bộ chủ chốt của các hội về công tác xóa mù chữ, công tác quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng[n1] và công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận/xếp loại các mô hình học tập[n2] : Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định xây dựng chương trình, giáo trình cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
1.4. Chi công tác tuyên truyền, gồm:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
b) Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, phát hành ấn phẩm, sản phẩm truyền thông và tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định lựa chọn nội dung, hình thức ấn phẩm, sản phẩm truyền thông trên cơ sở dự toán được giao và thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.
c) Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông, diễn đàn về các mô hình học tập (“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/bản/ấp hoặc cấp xã/phường/ thị trấn, “Thành phố học tập” và “Công dân học tập”), học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
1.5. Chi cho hoạt động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng xã hội học tập ở nước ngoài: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
2. Nội dung chi do các địa phương thực hiện:
2.1. Chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội... về mục đích, ý nghĩa, vai trò và ích lợi của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; chi tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hàng năm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
2.2. Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương; chi tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết các cấp ở địa phương; chi văn phòng phẩm và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động triển khai Đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.3. Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng thuộc các hoạt động của Đề án; chi bồi dưỡng cho báo cáo viên/hướng dẫn viên tham gia giảng dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng (bao gồm công tác chuẩn bị, soạn bài và báo cáo); chi cho đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý của Trung tâm học tập cộng đồng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
2.4. Chi cho kiểm tra, đánh giá, xếp loại/công nhận các mô hình học tập (“Gia đình học tập, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/bản/ấp/tổ dân phố hoặc cấp xã/phường/thị trấn”, “Thành phố học tập” và “Công dân học tập”), gồm:
a) Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị triển khai kế hoạch đánh giá, xếp loại/công nhận các mô hình học tập: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
b) Chi thu thập minh chứng, chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo đánh giá: căn cứ quy mô, tính chất của từng cuộc điều tra, Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại/ công nhận “Gia đình học tập, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” áp dụng mức chi quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC
2.5. Chi cho công tác điều tra nhu cầu học tập; chi tiền điện (hoặc dầu đèn) đối với các lớp học tại Trung tâm học tập cộng đồng ban đêm; chi hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng: Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng quyết định mức chi/khoán chi cụ thể trong phạm vi dự toán được giao và tình hình cân đối ngân sách nhà nước của đơn vị để bố trí thực hiện nhiệm vụ.
2.6. Chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:
a) Chi điều tra, khảo sát đối với các nội dung: Số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15-60; phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục và xóa mù chữ: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC.
b) Chi hỗ trợ học phẩm, tài liệu học tập thực hiện xóa mù chữ và chống tái mù chữ:
- Đối với các học viên các lớp học xóa mù chữ được nhà nước hỗ trợ học phẩm, tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh mục tên học phẩm, số lượng học phẩm hỗ trợ trong phạm vi danh mục hỗ trợ học phẩm đối với cấp trung học cơ sở quy định tại Khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
- Đối với các lớp học phổ cập, xóa mù chữ ban đêm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thắp sáng ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung. Mức hỗ trợ thực tế do địa phương quyết định căn cứ nguồn kinh phí được cân đối, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ.
c) Chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ. Mức hỗ trợ thực tế do địa phương quyết định căn cứ nguồn kinh phí được cân đối, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ.
d) Chi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở: Chi hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đảm bảo các điều kiện quy định về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia mức độ (1). Việc mua sắm thực hiện theo quy định hiện hành về mua sắm hàng hoá, vật tư thiết bị và các văn bản liên quan.
đ) Chi trả thù lao đối với giáo viên, người ngoài biên chế dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ, cụ thể:
- Đối với giáo viên thuộc biên chế: Mức chi thù lao tính theo số giờ thực dạy. Trường hợp số giờ dạy vượt định mức giờ chuẩn được thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
- Đối với những người ngoài biên chế, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ:
+ Đối với trường hợp trả thù lao: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ trả thù lao cho các đối tượng này theo hợp đồng thỏa thuận. Mức thù lao tối đa theo hợp đồng tương đương với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
+ Đối với tình nguyện viên: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho các đối tượng này theo chế độ công tác phí. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.7. Chi công tác phí cho hoạt động học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng xã hội học tập hiệu quả trong nước: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.8. Chi thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán
Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung như sau:
1. Hàng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Đề án lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Đề án phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ của Nhà nước và quy định tại Thông tư này.
3. Cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung của Đề án phải mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán và tổng hợp trong quyết toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, báo cáo quyết toán. Các khoản chi ngân sách nhà nước thực hiện Đề án được hạch toán, quyết toán vào loại, khoản, mục và tiểu mục tương ứng theo quy định Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2018.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chín h để nghiên cứu, giải quyết./.
[n1]Bỏ do không có chế độ
[n2]Trùng với nội dung tại Khoản 1.3 – bỏ