• Hiệu lực: Chưa có hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/12/2024
UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Số: 30/2024/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 2 tháng 12 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định hoạt động canh tác trên vùng canh tác cây trồng hữu cơ.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến canh tác cây trồng hữu cơ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Canh tác hữu cơ là quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ.

2. Vùng canh tác hữu cơ là vùng canh tác đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và được Ủy ban nhân dân thành phố xác định và công bố rộng rãi.

Điều 3. Nguyên tắc canh tác trên vùng canh tác hữu cơ

1. Canh tác trên vùng canh tác hữu cơ đáp ứng theo yêu cầu tại Điều 69 của Luật Trồng trọt.

2. Sản xuất trên vùng canh tác hữu cơ thực hiện theo Điều 4 Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Điều 4. Quy định canh tác trên vùng canh tác hữu cơ

1. Quy định về sử dụng đất, nước, không khí trong vùng canh tác hữu cơ

a) Về đất

Canh tác hữu cơ phải đáp ứng QCVN 03:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.

b) Về nước

Nước sử dụng trong canh tác hữu cơ cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Phải áp dụng các biện pháp bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm. Đảm bảo phải đáp ứng yêu cầu theo QCVN 08:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, QCVN 09:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.

c) Về không khí

Chất lượng môi trường không khí trong vùng canh tác hữu cơ phải được kiểm soát, tạo môi trường sống cho sinh vật, vi sinh vật có ích. Đảm bảo phải đáp ứng yêu cầu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.

2. Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ

a) Thời gian chuyển đổi theo mục 5.1.2 TCVN 11041-2:2017, tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, phải đảm bảo tối thiểu đối với cây hàng năm, là 12 tháng; đối với cây lâu năm là 18 tháng.

b) Thời gian chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có bằng chứng về việc không sử dụng chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm. Thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn không được ít hơn 6 tháng.

c) Giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan. Cây trồng thu hoạch trong vòng 36 tháng sau khi sử dụng chất cấm đối với cây trồng hoặc đối với đất thì không được ghi nhãn liên quan đến hữu cơ.

3. Yêu cầu đối với khu vực sản xuất: Phải được thực hiện theo mục 5.1.1 TCVN 11041-2:2017 tiêu chuẩn Việt Nam về Nông nghiệp hữu cơ

a) Khu vực canh tác hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

b) Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào chiều cao cây trồng khu vực sản xuất thường, nguồn gây ô nhiễm và địa hình tại cơ sở.

c) Nếu có nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài do nguồn nước thì bên ngoài vùng đệm tạo một bờ đất hoặc rãnh thoát nước triệt để nhằm tránh nước xâm lấn, ô nhiễm vào khu vực sản xuất hữu cơ.

d) Các cây trồng trong vùng đệm không được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.

4. Quản lý sinh vật gây hại: Áp dụng một trong các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật gây hại sau

a) Luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng.

b) Vệ sinh để hạn chế các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại.

c) Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường.

d) Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi: Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh; trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch; dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.

đ) Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh; được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nêu trong tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và có biện pháp ngăn chặn sự tiếp xúc với sản phẩm cây trồng.

5. Quản lý trang thiết bị và vật tư nông nghiệp

a) Quản lý trang thiết bị: Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong canh tác hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị phòng trừ sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được sử dụng trong sản xuất hữu cơ.

b) Vật tư đầu vào trong canh tác hữu cơ đảm bảo theo quy định TCVN 11041-1:2017 tiêu chuẩn Việt Nam về Nông nghiệp hữu cơ; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; không dùng sinh vật biến đổi gen, chất kích thích sinh trưởng cây trồng.

c) Giống cây trồng phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

6. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản và vận chuyển

Quá trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản và vận chuyển phải đáp ứng TCVN 11041-1:2017 về Nông nghiệp hữu cơ.

a) Thu hoạch

- Đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong vùng sản xuất, không chiếu xạ, không để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, chất khử trùng, chất phụ gia, chất làm sạch và các hóa chất khác.

- Sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm được đảm bảo và duy trì trong quá trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm nông nghiệp không hữu cơ.

b) Sơ chế, chế biến

- Sử dụng các phương pháp sơ chế, chế biến cơ học, vật lý hoặc sinh học và giảm thiểu việc dùng các chất không có nguồn gốc nông nghiệp và các phụ gia.

- Quá trình sơ chế, chế biến sản phẩm cây trồng hữu cơ không sử dụng tất cả các nguyên vật liệu và/hoặc sản phẩm (bao gồm cả phụ gia và chất hỗ trợ chế biến) có nguồn gốc biến đổi gen.

- Không sử dụng bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại, bảo quản thực phẩm và loại bỏ vi sinh vật gây bệnh hoặc vì mục đích vệ sinh.

- Không sử dụng các vật liệu nano (bao gồm cả các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm) trong sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ngoại trừ các phần tử có kích thước nano xuất hiện tự nhiên do các quá trình chế biến như nghiền bột.

- Dùng nước và các chất xúc tác theo danh mục đầu vào đáp ứng TCVN.

c) Bảo quản và vận chuyển

Mức độ nguyên vẹn của sản phẩm phải được duy trì trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển. Phải có khu vực bảo quản tách biệt giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm không hữu cơ.

7. Thu gom, xử lý, sử dụng chất thải và phụ phẩm cây trồng

a) Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng: thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và khoản 3 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

b) Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng: Thực hiện theo Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng và khoản 4 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

8. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc

a) Mỗi điểm sản xuất hữu cơ phải được nhận diện bằng tên, mã hiệu và lưu giữ lại các tài liệu, hồ sơ liên quan.

b) Lưu trữ hồ sơ mua bán vật tư, nguyên liệu đầu vào sử dụng cho quá trình canh tác hữu cơ.

c) Hồ sơ được lưu trữ ít nhất 05 năm.

9. Trường hợp xuất khẩu sản phẩm cây trồng hữu cơ thì áp dụng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

b) Xác định vùng canh tác hữu cơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố xác định và thông báo rộng rãi các vùng canh tác hữu cơ;

c) Đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền các quy định về canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố.

d) Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan trên địa bàn.

b) Tổ chức hội thảo, diễn đàn giới thiệu về công nghệ thiết bị, tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng trong canh tác hữu cơ.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường trong canh tác hữu cơ theo quy định.

4. Sở Công Thương

Phối hợp với các sở ban ngành liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sản phẩm trồng trọt hữu cơ theo quy định.

5. Sở Tài Chính

Hướng dẫn các cơ chế, chính sách và bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã, các hướng dẫn, kiểm tra, quản lý, bảo vệ và phát triển việc thực hiện quy định canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố.

7. Các tổ chức hội nghề nghiệp tại các địa phương

Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện vận động, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và gắn kết chuỗi giá trị nông sản hữu cơ.

8. Tổ chức, cá nhân canh tác trên vùng canh tác hữu cơ

Tuân thủ các quy định về canh tác hữu cơ, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cây trồng hữu cơ đúng quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2024.

2. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn viện dẫn quy định tại Quyết định này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Hè

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.