NGHỊ QUYẾT
Về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách và kinh phí
đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh
____________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công an - Bộ Lao động Thương binh Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Xét Tờ trình số 1121/TTr-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị phê chuẩn Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách, trang bị phương tiện và kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách và kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh (có nội dung bản quy định kèm theo).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 15 thông qua./.
CHỦ TỊCH
|
(Đã ký)
|
|
Hà Ngọc Chiến
|
QUY ĐỊNH
Về Cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách và kinh phí đảm bảo cho hoạt động của
Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 17/2008/NQ-HĐND
ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)
____________________
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị quyết này quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách, trang bị phương tiện và kinh phí phục vụ cho hoạt động của Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh. Các nội dung khác thực hiện theo Nghị định số 38/2006/NĐ- CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố và các quy định khác do Nhà nước ban hành.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Cơ cấu tổ chức Ban Bảo vệ dân phố và Tổ Bảo vệ dân phố
a) Ban Bảo vệ dân phố tại các phường, thị trấn:
- Mỗi phường, thị trấn được thành lập một Ban Bảo vệ dân phố, gồm: Trưởng ban, từ 1 đến 2 Phó trưởng ban và các Ủy viên.
- Số lượng Phó trưởng ban và các thành viên của Ban Bảo vệ dân phố được cơ cấu như sau:
+ Ban Bảo vệ dân phố của phường hoặc thị trấn có từ 5 đến 7 cụm dân cư có 02 Phó trưởng ban;
+ Ban Bảo vệ dân phố có dưới 5 cụm dân cư có 01 Phó trưởng ban;
+ Thành viên Ban Bảo vệ dân phố đồng thời là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố;
+ Số lượng thành viên của Ban Bảo vệ dân phố ở mỗi phường, thị trấn không vượt quá số lượng các cụm dân cư.
b) Tổ Bảo vệ dân phố được thành lập theo cụm dân cư:
- Mỗi phường, thị trấn được thành lập tối đa không quá 7 cụm dân cư.
- Mỗi cụm dân cư được thành lập một Tổ Bảo vệ dân phố, gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên;
- Số lượng Tổ phó và các Tổ viên Tổ Bảo vệ dân phố được cơ cấu như sau:
+ Mỗi Tổ Bảo vệ dân phố có từ 3 đến 7 tổ viên;
+ Tổ Bảo vệ dân phố có từ 05 tổ viên trở lên có 02 Tổphó.
2. Chế độ, chính sách
a) Mức phụ cấp hàng tháng của từng chức danh được tính theo hệ số mức lương tối thiểu như sau:
- Trưởng ban Bảo vệ dân phố: hệ số 0,5
- Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố: hệ số 0,4
- Tổ Trưởng tổ Bảo vệ dân phố: hệ số 0,35
- Tổ phó tổ Bảo vệ dân phố : hệ số 0,3
- Tổ viên tổ Bảo vệ dân phố: hệ số 0,2
- Trường hợp Bảo vệ dân phố giữ nhiều chức danh khác nhau thì phụ cấp được hưởng theo chức danh cao nhất.
b) Chế độ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự cho Bảo vệ dân phố áp dụng như quy định đối với Công an xã.
c) Trang bị phương tiện hỗ trợ phục vụ hoạt động của Bảo vệ dân phố
- Phương tiện phục vụ hoạt động: gậy, dùi cui, roi điện, gậy điện, còi, đèn pin, sổ ghi chép.
- Trang bị quần, áo theo nhiệm kỳ 5 năm mỗi người được trang bị: 2 bộ quần, áo thu đông, 3 bộ quần, áo xuân hè.
- Cấp giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh của Bảo vệ dân phố.
d) Khen thưởng đối với Bảo vệ dân phố thực hiện theo quy định của công tác thi đua khen thưởng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Luật Thi đua khen thưởng.
3. Nguồn kinh phí đảm bảo và quản lý, sử dụng kinh phí
a) Nguồn kinh phí đảm bảo
- Từ nguồn ngân sách địa phương (chi cho quốc phòng, an ninh);
- Đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
b) Quản lý sử dụng kinh phí
- Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ dân phố được lập dự toán và cân đối chi từ lĩnh vực quốc phòng, an ninh của ngân sách phường, thị trấn và các khoản đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Việc quản lý, cấp phát và quyết toán nguồn kinh phí này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành./.