THÔNG TƯ
Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và xe chở tiền
của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và xe chở tiền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về:
1. Tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền tại trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng và trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tiêu chuẩn kỹ thuật xe chở tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kho tiền là kho của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dùng để bảo quản tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá.
2. Gian kho kho tiền được chia thành một số gian khác nhau để bảo quản riêng từng loại tài sản hoặc sử dụng làm dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ két an toàn.
3. Gian đệm là gian ngăn cách cửa kho tiền với bên ngoài và là nơi kiểm tra lại tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá trước khi xuất, nhập kho.
4. Hành lang bảo vệ kho tiền là khu vực bao quanh kho tiền, ngăn cách tường kho tiền với các khu vực xung quanh.
5. Các hệ thống thiết bị an toàn kho tiền (gọi tắt là các hệ thống thiết bị), gồm: Hệ thống điện; báo động chống đột nhập; camera; báo cháy, chữa cháy; thông gió và các hệ thống thiết bị khác.
6. Xe chở tiền là xe ô tô chuyên dùng vận chuyển tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chương II
TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT KHO TIỀN
Điều 4. Quy định chung về kho tiền
1. Kho tiền được xây dựng trong trụ sở của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; có diện tích sử dụng đáp ứng yêu cầu bảo quản tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá.
Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc xây dựng kho tiền ở địa điểm ngoài trụ sở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật kho tiền quy định tại Thông tư này.
2. Kho tiền phải có vị trí hợp lý, đảm bảo thuận tiện cho hoạt động kho quỹ được khép kín, an toàn.
3. Kho tiền được lắp đặt các hệ thống thiết bị.
4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn phải sử dụng gian kho có cửa riêng theo tiêu chuẩn cửa kho tiền hoặc kho riêng biệt; hoặc trang bị tủ, két sắt riêng đặt trong kho, gian kho để làm dịch vụ bảo quản tài sản.
Điều 5. Kết cấu và tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền
1. Nền, tường và trần kho bằng bê tông cốt thép liên kết với nhau thành một khối hộp và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
a) Mặt nền kho tiền bằng phẳng. Nền kho từ trên xuống gồm các lớp: Lớp bề mặt chống trượt, chịu nén, va đập; bê tông cốt thép; bê tông đá; cát vàng; đất tự nhiên và được xử lý chống mối, chống ẩm;
Trong trường hợp kho tiền xây dựng ở trên tầng thì nền kho phải có tiêu chuẩn kỹ thuật như trần kho, nhưng có thêm lớp bề mặt chống trượt, chịu nén, va đập;
b) Tường kho có chiều cao phù hợp với chiều cao của tầng trụ sở nơi xây dựng kho tiền;
c) Trần kho bằng bê tông cốt thép liền khối;
d) Hành lang bảo vệ kho tiền (nếu có) có cửa riêng và lắp đặt hệ thống báo động chống đột nhập;
đ) Ô thông gió được bố trí thích hợp tại tường kho, tường gian kho và gian đệm (nếu có);
e) Thang máy vận chuyển lắp đặt cho kho tiền xây dựng ở tầng trên hoặc tầng hầm để vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá.
2. Kho tiền tại trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng và trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Cửa kho tiền
1. Cửa kho tiền được đặt ở vị trí kín đáo, mở ra gian đệm (nếu có), có hai lớp cánh bằng thép, khoảng cách hai lớp cánh phù hợp với bề dày của tường kho và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
a) Khung cửa kho tiền bằng thép, hình U, có chiều rộng phù hợp với chiều dày tường kho, được gia cường bằng các tấm thép; mặt dưới khung lắp bằng với nền kho tiền, gian đệm (nếu có) và được đổ bê tông liền khối với tường và nền kho tiền;
b) Lớp cánh ngoài khung cánh bằng thép, tạo dáng hình hộp chắc chắn. Mặt ngoài bằng thép tấm, liền bản, có hàn gắn lớp thép lá xoắn phía mặt tiếp giáp trong; kế tiếp là một lớp bê tông, cốt lưới thép hoặc loại thép chống khoan, phá. Mép cánh có nẹp viền bằng thép. Giữa hệ thống khóa và lớp bê tông có vách ngăn bằng thép tấm dày tối thiểu 3mm. Tại các vị trí trọng yếu của hệ thống then, khóa được tăng cường một lớp thép gấp dích-dắc hoặc thép tấm dày tối thiểu 6mm có khả năng chống khoan, cắt nhiệt bằng khí. Bên thành cửa gắn bản lề có 3 chốt hoặc gờ cố định và bên thành cửa đối diện có 5 then hoặc gờ di động. Lắp 02 ổ khóa số, tổ hợp 3 hoặc 4 mã số có chìa định vị, có vành che số và đảm bảo việc thay đổi mã số thuận tiện, dễ dàng;
c) Lớp cánh trong kích thước bằng lớp cánh ngoài; khung cánh cửa bằng thép hình hộp, có hai thanh ngang và các chắn song đứng bằng thép, đặt cách đều 50mm. Bên thành gắn bản lề có 2 chốt cố định và bên thành đối diện có 3 then di động được điều khiển bằng tay nắm. Có ốp chặn cánh bên thành cửa di động. Lắp một ổ khóa nhíp chìm; khóa được từ hai phía trong và ngoài;
d) Khóa cửa kho tiền phải có xuất xứ rõ ràng, có tài liệu về thông số kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng.
2. Cửa gian kho: Trường hợp cửa gian kho ở bên trong kho tiền thì theo tiêu chuẩn lớp cánh trong cửa kho tiền.
3. Cửa kho tiền tại trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng và trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu được quy định tại khoản 1 Điều này và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Yêu cầu về các hệ thống thiết bị lắp đặt tại kho tiền
1. Kho tiền phải được trang bị các hệ thống thiết bị như sau:
a) Nguồn điện cung cấp cho các hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, có nguồn điện dự phòng khi mất điện lưới. Thiết bị đóng, ngắt nguồn điện lắp đặt ở ngoài kho tiền; bố trí công tắc, ổ cắm trong kho tiền để phục vụ cho hoạt động của các thiết bị khác phục vụ cho kho tiền;
Trong kho tiền lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tỏa nhiệt thấp có khung hoặc hộp bảo vệ, sử dụng điện lưới và đèn chiếu sáng khẩn cấp (nếu có);
b) Lắp đặt quạt đủ công suất tại các ô thông gió có vị trí thích hợp để đảm bảo không khí trong kho thông thoáng, giảm ô nhiễm. Không khí đẩy từ trong kho tiền ra ngoài không gây ô nhiễm khu vực làm việc xung quanh;
c) Trang bị và lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo Tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy, chữa cháy;
d) Trang bị và lắp đặt hệ thống báo động chống đột nhập có các thiết bị phát hiện đột nhập như:
(i) Đầu báo hồng ngoại lắp đặt trong kho tiền; gian đệm kho tiền và hành lang bảo vệ kho tiền (nếu có) để kiểm soát sự di chuyển trong các khu vực này;
(ii) Công tắc từ lắp đặt tại mặt trong các cửa: lớp cánh ngoài cửa kho tiền; cửa gian kho, cửa gian đệm, cửa hành lang bảo vệ kho tiền (nếu có) và một số cửa cần thiết khác;
(iii) Nút ấn báo động khẩn cấp lắp đặt trong kho tiền; gian đệm (nếu có) và một số khu vực cần thiết khác để báo động khi có sự cố bất trắc xảy ra;
đ) Camera quan sát lắp đặt tại những vị trí cần thiết để đảm bảo quan sát khu vực cửa kho tiền; gian đệm, hành lang bảo vệ kho tiền, thang vận chuyển (nếu có); trong kho tiền (nếu cần thiết) và một số khu vực cần thiết khác. Hệ thống camera phải đảm bảo việc ghi, phát hình và trích xuất hình ảnh phục vụ công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát.
2. Các hệ thống thiết bị được quản lý, sử dụng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động. Bảng điều khiển thiết bị phải đặt ở vị trí kín đáo, đảm bảo bảo mật các thông số, đồng thời thuận tiện trong công tác quản lý và sử dụng.
3. Các hệ thống thiết bị lắp đặt tại kho tiền trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng và trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương III
XE CHỞ TIỀN
Điều 8. Xe chở tiền
1. Xe ô tô chở tiền có khoang chở tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá; được trang bị thiết bị chữa cháy, thiết bị định vị giám sát hành trình (nếu có) và có chỗ cho lực lượng áp tải, bảo vệ.
2. Khoang chở tiền phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật sau:
a) Đối với xe tải: Được đóng thùng kín, có 3 lớp. Lớp ngoài và lớp trong bằng thép chống gỉ hoặc thép được xử lý chống gỉ dày tối thiểu 1mm (đối với lớp ngoài) và tối thiểu 2mm (đối với lớp trong); lớp giữa là vật liệu chống cháy. Cửa khoang chở tiền có 01 lớp cánh;
b) Đối với các loại xe còn lại: Được đóng thùng kín, có 3 lớp (không tính lớp vỏ xe theo nguyên gốc của nhà sản xuất). Lớp ngoài và lớp trong bằng thép chống gỉ hoặc thép được xử lý chống gỉ dày tối thiểu 1mm (đối với lớp ngoài) và tối thiểu 2mm (đối với lớp trong); lớp giữa là vật liệu chống cháy. Cửa khoang chở tiền có 02 lớp cánh, trong đó lớp cánh ngoài sử dụng cửa xe theo nguyên gốc của nhà sản xuất. Trường hợp khoang chở tiền thiết kế ô cửa sổ nhìn sang buồng lái thì kết cấu ô cửa có hai lớp: lớp trong chắn song thép đứng ɸ12, cách đều nhau không quá 60mm; lớp ngoài vật liệu trong suốt và lưới thép;
c) Lớp cửa khoang chở tiền có bản lề, then và khóa chắc chắn (khóa nhíp hoặc khóa số cơ, khóa số điện tử), kích thước thuận tiện cho việc bốc xếp;
d) Khoang chở tiền được trang bị đèn chiếu sáng, thiết bị báo động chống đột nhập, thiết bị báo cháy, camera (nếu có).
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Cục Phát hành và Kho quỹ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ vào khả năng thực tế, yêu cầu về bảo quản tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá để quy định, hướng dẫn trong hệ thống về:
a) Diện tích kho tiền; cách bố trí gian kho, gian đệm và cửa gian đệm, hành lang bảo vệ kho tiền (nếu có) phù hợp với kho tiền trụ sở chính, chi nhánh;
b) Tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và yêu cầu về các hệ thống thiết bị lắp đặt tại kho tiền Phòng giao dịch;
c) Quy định về thời gian lưu trữ dữ liệu hình ảnh camera;
d) Quy định về phương tiện vận chuyển khác (ngoài xe chở tiền) ở những địa bàn giao thông khó khăn, đặc thù hoặc theo khả năng, yêu cầu thực tế và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền, tài sản;
đ) Quy định về việc quản lý, sử dụng, vận hành các hệ thống thiết bị; nội quy hoặc văn bản hướng dẫn quy định việc theo dõi và xử lý các tình huống khi nhận được tín hiệu sự cố xảy ra đối với các hệ thống thiết bị; định kỳ bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật các hệ thống thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đơn vị lắp đặt.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện thực tế, các quy định tại Thông tư này để nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về xây dựng kho tiền và trang bị các hệ thống thiết bị, phương tiện vận chuyển trong hệ thống và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền, tài sản.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự chịu trách nhiệm việc lựa chọn và lắp đặt cửa kho tiền, các hệ thống thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tại Thông tư này.
4. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô:
a) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có đủ khả năng và điều kiện, khi tiến hành xây dựng kho tiền và mua sắm xe chở tiền thực hiện đúng theo các quy định có liên quan tại Thông tư này;
b) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô chưa có đủ điều kiện xây dựng kho tiền và mua sắm xe chở tiền theo đúng tiêu chuẩn tại Thông tư này, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp kho tiền; bố trí phương tiện, hình thức bảo vệ, vận chuyển tiền phù hợp để đảm bảo an toàn trong quá trình bảo quản và vận chuyển tiền của Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Điều 11. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với xe chở tiền đã được mua sắm, trang bị; kho tiền đã được xây dựng, cải tạo, nâng cấp và lắp đặt các hệ thống thiết bị theo tiêu chuẩn quy định tại các văn bản ban hành trước ngày Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 25/10/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp hư hỏng hoặc cần thay thế, các đơn vị phải sửa chữa, thay thế hoặc bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.
2. Đối với xe chở tiền đã được mua sắm, trang bị; kho tiền đã được xây dựng, cải tạo, nâng cấp và lắp đặt các hệ thống thiết bị hoặc đã được ký kết hợp đồng mua sắm, xây dựng theo Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 25/10/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng và thực hiện chế độ bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2024
2. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 25/10/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và xe chuyên dùng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 13. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.