• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/06/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 14/11/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 99/1998/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 26 tháng 5 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định này quy định việc Nhà nước thống nhất quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông bao gồm giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước, quốc tế.

Điều 2. Cước dịch vụ bưu chính bao gồm cước các dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thư, tiền, bưu phẩm, bưu kiện, phát hành báo chí, ấn phẩm và các dịch vụ khác thông qua mạng lưới khai thác bưu chính. Giá và cước dịch vụ viễn thông bao gồm cước các dịch vụ truyền đưa, lưu trữ, cung cấp thông tin, giá lắp đặt điện thoại thông qua mạng lưới điện thoại, điện báo, telex, internet, kênh thông tin và các dịch vụ khác thuộc mạng lưới khai thác viễn thông.

Điều 3. Nguyên tắc hình thành giá và cước bưu chính, viễn thông:

1. Giá và cước các dịch vụ thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông của ngành Bưu điện được xây dựng phù hợp với chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông quốc gia

2. Giá và cước bưu chính, viễn thông được hình thành trên cơ sở giá thành của các sản phẩm và dịch vụ; bảo đảm cho các doanh nghiệp bù đắp được chi phí, có lãi hợp lý và làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; phù hợp với khả năng thanh toán của người sử dụng; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.

3. Giá và cước bưu chính, viễn thông quốc tế được quy định bằng đô la Mỹ (USD), áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; được thu bằng đô la Mỹ hoặc bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu.

Điều 4. Nhiệm vụ và thẩm quyền về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông:

1. Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định các chủ trương, chính sách, cơ chế, nguyên tác hình thành giá và cước bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế.

b) Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về giá và cước bưu chính, viễn thông.

c) Uỷ quyền cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định cước chuẩn trong nước: Thư thường đến 20 gam; tiếng điện báo; điện thoại.

2. Ban Vật giá Chính phủ:

a) Thẩm định các đề án của Tổng cục Bưu điện về chính sách, cơ chế, nguyên tắc hình thành giá và cước bưu chính, viễn thông trình Thủ tướng Chính phủ. Thẩm định các phương án cước chuẩn các dịch vụ bưu chính, viễn thông ghi tại Điểm c, Mục 1 Điều 4 do Tổng cục Bưu điện chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Sau khi trao đổi với Bộ Tài chính và các ngành liên quan quyết định cước các dịch vụ được thanh toán từ nguồn ngân sách: Cước truyền báo Nhân dân và báo Quân đội nhân dân;

Cước phát sóng phát thanh, truyền hình trong nước;

Phí phát hành báo Nhân dân và báo Quân đội nhân dân.

c) Phối hợp với Tổng cục Bưu điện kiểm soát chi phí sản xuất các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông khi cần thiết.

d) Tổ chức hoặc phối hợp với Tổng cục Bưu điện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về giá và cước bưu chính, viễn thông theo các quy định của pháp luật.

3. Tổng cục Bưu điện:

a) Xây dựng chính sách, cơ chế, nguyên tắc hình thành giá và cước bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Xây dựng phương án cước chuẩn các dịch vụ ghi tại Điểm c, Mục 1, Điều 4 trình Thủ tướng Chính phủ.

c) Được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền quyết định cước chuẩn trong nước: Thư thường đến 20 gam; tiếng điện báo; điện thoại.

d) Được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về giá và cước bưu chính, viễn thông.

đ) Sau khi trao đổi với Ban Vật giá Chính phủ, quy định khung giá và cước hoặc giá và cước cụ thể các dịch vụ sau đây:

Cụ thể hóa mức cước chuẩn các dịch vụ ghi tại Điểm c, Mục 1, Điều 4 của Quyết định này;

Khung giá lắp đặt điện thoại;

Khung cước hoặc cước cụ thể thuê bao điện thoại và cước đàm thoại nội hạt;

Truyền số liệu.

e) Quy định khung cước hoặc cước các dịch vụ: Điện thoại di động; Cước thuê kênh điện thoại đường dài trong nước và quốc tế,

Internet;

Đàm thoại đường dài trong nước;

Thư và điện thoại quốc tế chiều đi;

Bưu phẩm trong nước.

g) Thông dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông:

Thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Xây dựng các phương án giá và cước các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục Bưu điện hoặc Ban Vật giá Chính phủ.

h) Quy định giá hoặc khung giá thanh toán giữa các doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông.

i) Quy định nguyên tắc miễn, giảm cước bưu chính, viễn thông cho các đối tượng sử dụng dịch vụ sau khi thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ.

k) Quy định nguyên tắc và chính sách cước thanh toán quốc tế giữa doanh nghiệp bưu chính, viễn thông Việt Nam với các tổ chức bưu chính, viễn thông quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

l) Quy định cơ chế quản lý cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông đối với các tổ chức được phép bán lại theo quy định của pháp luật.

m) Quyết định đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ các quyết định về giá và cước bưu chính, viễn thông của các doanh nghiệp trong trường hợp các quy định này trái với các quy định của Nhà nước.

n) Thống nhất với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định cước vận chuyển túi gói bưu phẩm qua đường hàng không.

o) Chủ trì, phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ kiểm soát chi phí sản xuất của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông khi cần thiết.

p) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về giá và cước theo các quy định của pháp luật hiện hành.

4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.

a) Chấp hành các mức giá và cước do cơ quan thẩm quyền quy định. Thực hiện các quy định của Nhà nước về quy chế quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông.

b) Xây dựng các phương án giá và cước hoặc khung giá và cước bưu chính, viễn thông trình Tổng cục Bưu điện quyết định hoặc đề nghị Ban Vật giá Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.

c) Căn cứ vào khung giá và cước và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Bưu điện, Ban Vật giá Chính phủ, quyết định các mức giá và cước cụ thể của các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông; quyết định và hướng dẫn thực hiện giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngoài danh mục Nhà nước quy định.

Điều 5. Niêm yết giá, cước bưu chính, viễn thông.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các đại lý nhà hàng, khách sạn và các tổ chức khác được phép bán lại dịch vụ bưu chính, viễn thông phải niêm yết giá và cước công khai, rõ ràng, phù hợp với chủng loại dịch vụ cung cấp.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Trưởng Ban Vật giá Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quyết định này.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.