• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/02/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2020
UBND TỈNH CAO BẰNG
Số: 252/2011/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 18 tháng 2 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về phòng, chống tham nhũng

trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

                                                                         __________________                                                                                                                                                                                                                             

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

 

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Luật Thương mại năm 2005;

Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 896/TTr-SCT ngày 25 tháng 10 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

                                                                                                                                                 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Lý Hải Hầu

 

QUY ĐỊNH

Về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực

Thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 252/2011/QĐ-UBND

Ngày 18/02/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

                                                                                 ____________________                                                                                                                                                                                                                                          

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này qui định chi tiết việc thi hành các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bao gồm quy định về các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, đơn vị liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại; chế độ thông tin, báo cáo; chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng và các nội dung có liên quan trong hoạt động phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn và các cá nhân và tổ chức khác trong việc thực hiện quản lý, giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động thương mại, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm, công vụ đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tham nhũng trong lĩnh vực thương mại: là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong công tác quản lý, xử lý công việc trực tiếp hoặc liên quan các hoạt động thương mại, dịch vụ thương mại (theo quy định của Luật thương mại) lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

2. Hoạt động thương mại: là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Điều 4. Mục đích

Quy định này cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trong điều kiện cụ thể của địa phương, ngăn chặn và loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng trong lĩnh vực thương mại; góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác quản lý thương mại trên địa bàn tỉnh trong sạch, vững mạnh; củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội cũng như phát triển hoạt động thương mại tại địa phương.

Điều 5. Các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thương mại

Các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại, bao gồm:

1. Tham ô tài sản

2. Nhận hối lộ

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi

6. Lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương để vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi

Việc xác định các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định của Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.

Điều 6. Trách nhiệm về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại.

       1. Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi tổ chức và công dân. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng (Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng) và các cơ quan bảo vệ pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại được thực hiện theo quy định từ Điều 5 đến Điều 10 của Luật phòng, chống tham nhũng và quy định tại Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Chương II

PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

Điều 7. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc lập và quản lý các quy hoạch, kế hoạch ngành thương mại

1. Việc xây dựng và quản lý các dự án quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực thương mại phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nội dung các quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực thương mại sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục phải bảo vệ phí mật Nhà nước) phải được niêm yết công khai tại cơ quan thực hiện công tác quản lý thương mại địa phương, được đăng tải trên công báo tỉnh, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Cao Bằng và trên website của Sở Công thương.

Điều 8. Công khai minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại.

1. Trình tự, thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại phải được niêm yết công khai, đầy đủ tại nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý các cấp. Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách thủ tục hành chính.

2. Tập trung đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ thương mại.

Điều 9. Công khai, minh bạch trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường

1. Nội dung hoạt động thanh tra kiểm tra, kiểm soát phải rõ ràng, minh bạch về mục đích, địa điểm, đối tượng và thời gian kiểm tra. Khi tiến hành kiểm tra phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, lưu thông hàng hóa trong nước nhằm mục đích vụ lợi và tham nhũng.

2. Việc kiểm tra, thẩm định thực tế tại cơ sở kinh doanh theo quy trình thực hiện của thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, công bố rõ ràng kết quả cho đối tượng, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

3. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) của thương thân, doanh nghiệp phải được thể hiện rõ ràng bằng văn bản và được thông báo công khai đến đối tượng kiểm tra và cơ quan quản lý cấp trên.

Điều 10. Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thương mại phải thực hiện công khai minh bạch về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, về công tác quản lý công sản và tài chính công.

2. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 11. Công khai, minh bạch trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Việc có phần hóa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thương mại hoặc có tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ thương mại phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 19 của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Việc xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa giải được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải được thông báo công khai trước đại hội công nhân viên chức và người lao động của doanh nghiệp.

Điều 12. Công khai minh bạch về tài sản và thu nhập

Các đối tượng theo quy định tại Điều 3 (đối tượng áp dụng) của quy chế này phải thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập theo quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập.

Điều 13. Thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại

Cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Luật cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 14. Về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực thương mại

Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại phải thực hiện công tác luân chuyển (đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo) hoặc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành.

Điều 15. Xây dựng kế hoạch hành động phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan, đơn vị

1. Hàng năm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng cụ thể của cơ quan, đơn vị, đưa việc thực hiện kế hoạch phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị thành một trong những chỉ tiêu của công tác thi đua.

2. Nội dung kế hoạch phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại của cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tập trung vào công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống, tham nhũng; công tác cải cách thủ tục hành chính; các nội dung về công khai, minh bạch; kế hoạch kiểm tra, phát hiện phòng ngừa tham nhũng.

 

Chương III

PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÍ THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

Điều 16. Tiếp nhận và xử lý thông tin về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại

1. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại (Sở Công Thương) có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng của cơ quan. Ban chỉ đạo thực hiện phòng chống tham nhũng cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, báo cáo, các khiếu nại tố cáo về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về phòng, chống tham nhũng tỉnh trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh.

Điều 17. Thẩm quyền tiếp nhận, xử lý vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực thương mại

1. Ban chỉ đạo thực hiện phòng chống tham nhũng của Sở Công Thương, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng, cơ quan Công an, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo có nghĩa vụ thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thương mại.

2. Trách nhiệm, thủ tục tiếp nhận, thẩm quyền thụ lý và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thương mại được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.

Điều 18. Chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại

1. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách thường xuyên và được coi là một trong những nội dung xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị.

2. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

3. Nội dung, cách thức, trình tự, thẩm quyền của công tác thanh tra, kiểm tra về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 19. Xử lý tài sản do tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng

1. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Sở Công Thương có thẩm quyền xử lý áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng trong phạm vi quản lý của Sở hoặc kiến nghị xử lý tài sản do tham nhũng theo Điều 70, Điều 71 Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng được thực hiện áp dụng, xử lý theo Nghị định 107/2006 ngày 22/9/2006 của Chính phủ qui định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 20. Quy định về điều kiện áp dụng

1. Quy định về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được áp dụng thống nhất với các nội dung của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành có liên quan. Trường hợp có nội dung trong Quy định này chưa thống nhất hoặc chưa đầy đủ thì nội dung đó được áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.

2. Các nội dung khác của Luật phòng, chống tham nhũng chưa nêu cụ thể trong quy định này được thực hiện theo quy định của Luật, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Điều 21. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, văn phòng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Quy định này.

Điều 22. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Sở Công Thương; Thanh tra tỉnh và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, chưa phù hợp, đề nghị các ngành liên quan phản ánh về Sở Công Thương Cao Bằng để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

                                                             

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lý Hải Hầu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.