• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 08/1998/CT-NHNN14
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 3 tháng 10 năm 1998

CHỈ THỊ

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
SỐ 08/1998-CT-NHNN14 NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 1998 VỀ VIỆC
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG, GÓP PHẦN TĂNG TRƯỞNG
KINH TẾ VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN, HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG
NGÂN HÀNG

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả đối với hệ thống Ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nợ quá hạn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Các Ngân hàng tiến hành đợt phân loại, đánh giá thực trạng dư nợ và nợ quá hạn đến thời điểm 30/6/1998 theo nội dung phương pháp phân loại tín dụng áp dụng theo Quyết định 299/QĐ-NH5 ngày 13/11/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc "Ban hành quy chế phân loại dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng". Trên cơ sở đó, từng ngân hàng phải xây dựng phương án thu hồi và xử lý nợ quá hạn, phấn đấu giảm thấp dư nợ quá hạn xuống dưới 5% trong năm 1999.

a) Đối với dư nợ quá hạn bình thường: Các Ngân hàng áp dụng biện pháp thu nợ thông thường.

b) Đối với dư nợ quá hạn khó đòi: Căn cứ quy định hiện hành, cần thực hiện các biện pháp xử lý như sau:

- Đối với các khoản nợ đã quá hạn trước 30/6/1998, nếu doanh nghiệp (bên vay) đang thật sự gặp khó khăn, các ngân hàng được phép thu hồi phần vốn gốc trước và thu hồi lãi sau. Trong trường hợp bên vay vốn đã trả xong nợ gốc, chưa trả lãi thì khế ước vẫn lưu lại tại ngân hàng và có kế hoạch thu dần theo thoả thuận của hai bên.

- Đối với những khoản nợ đã quá hạn trên 12 tháng, bên vay vốn chỉ có khả năng trả gốc và lãi theo lãi suất thông thường, Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển xem xét và quyết định không thu lãi quá hạn (thu lãi theo lãi suất thông thường) cho từng trường hợp cụ thể.

- Đối với nợ quá hạn mà Ngân hàng đã xiết nợ hoặc được gán nợ bằng tài sản mà các tài sản đó có đầy đủ hồ sơ và quyền sở hữu hợp pháp thì thực hiện việc phát mại, hoá giá để thu hồi nợ. Trường hợp chưa thể xử lý ngay do không có thị trường, hoặc tiêu thụ chậm, các ngân hàng có phương án sử dụng và phương án xử lý tài sản xiết nợ, gán nợ báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Việc hạch toán giảm nợ được thực hiện khi Ngân hàng có quyền sở hữu tài sản (nếu là đất thì có quyền sử dụng đất). Vụ kế toán -tài chính có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ hạch toán giảm dư nợ cho các Ngân hàng thương mại.

- Đối với những tài sản các Ngân hàng đang quản lý chưa đủ thủ tục để hạch toán giảm nợ phải tích cực làm việc với cơ quan hữu quan để xử lý nợ theo nội dung trên.

- Đối với những tài sản liên quan đến vụ án đang trong thời gian chờ các cơ quan luật pháp phán xét, cho phép các Ngân hàng căn cứ hồ sơ vay nợ và các hồ sơ có liên quan, hạch toán theo dõi nợ riêng cho từng trường hợp cụ thể (không hạch toán nợ quá hạn). Việc xử lý nợ sẽ được thực hiện khi có quyết định xử lý đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với các trường hợp tình hình tài chính của doanh nghiệp bình thường nhưng thể hiện sự cố tình dây dưa chậm trả thì báo cáo Bộ chủ quản (nếu là các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là doanh nghiệp địa phương) và thông báo đến Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn sở tại (nếu là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ tư nhân) để đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp trả nợ, hoặc dùng các biện pháp cưỡng chế buộc phải trả nợ; hết thời gian gia hạn nợ mà bên vay vẫn chưa hoàn trả thì các ngân hàng khởi kiện trước toà kinh tế hoặc toà án nhân dân (đối với những nơi chưa có toà kinh tế) đồng thời được phép đăng báo việc khởi kiện nếu xét thấy cần thiết.

c) Đối với dư nợ có ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, hạn hán được xử lý theo các văn bản, quy định hiện hành.

d) Đối với dư nợ Ngân hàng quá hạn do doanh nghiệp không thực hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh dẫn đến thua lỗ..., ngoài biện pháp gia hạn nợ, giãn nợ theo quy định tại Chỉ thị 09/CT-NH1 ngày 27/8/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "Xử lý một số vấn đề cụ thể về điều kiện và thủ tục tín dụng", các ngân hàng được phép xem xét quy định lại thời hạn vay phù hợp với khả năng hoàn vốn của dự án (đã được tính toán điều chỉnh theo các biến động) và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dư nợ của các khoản vay được định lại thời hạn nợ chỉ được phép tối đa bằng 15% tổng dư nợ của toàn bộ hệ thống Ngân hàng đó. Thủ tục hồ sơ và hạch toán kế toán được áp dụng theo quy định hiện hành.

e) Đối với dư nợ quá hạn mới phát sinh từ 1/7/1998: Các Ngân hàng cũng phân loại nợ và thực hiện các biện pháp thu nợ như đã nêu trên đây.

Trong xử lý nợ quá hạn theo các quy định tại phần 1 này các Ngân hàng cần chú ý không để quá thời hiệu khởi kiện (06 tháng) dẫn đến mất vốn.

2. Đối với các khoản cho vay mới phát sinh sau chỉ thị này các ngân hàng phải nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cụ thể:

a. Đối với các khoản cho vay theo lãi suất thông thường: các Ngân hàng chịu trách nhiệm thẩm định hiệu quả, khả năng hoàn vốn của dự án. Qua thẩm định nếu xét thấy hồ sơ vay vốn không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, không có khả thi về thị trường, công nghệ lạc hâu, không đáp ứng yêu cầu về tài chính và khả năng trả nợ, ngân hàng được quyền từ chối cho vay, đồng thời thông báo đến đơn vị vay vốn và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là các doanh nghiệp địa phương), Bộ, ngành chủ quản (nếu doanh nghiệp trực thuộc Bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân sở tại (nếu là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ tư nhân, hộ sản xuất); trong đó phải nói rõ lý do từ chối cho vay. Định kỳ 15 ngày (1, 16 hàng tháng) các ngân hàng tổng hợp theo hệ thống các trường hợp từ chối cho vay báo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với các khoản cho vay lãi suất ưu đãi theo kế hoạch Nhà nước: các ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay phải tiến hành như quy trình khoản vay theo lãi suất thông thường. Qua thẩm định nếu xét thấy dự án không khả thi hoặc việc đầu tư không mang lại hiệu quả, không đảm bảo khả năng an toàn vốn tín dụng thì không được cho vay, đồng thời có thông báo kết quả thẩm định cho chủ dự án, nêu rõ lý do từ chối; và báo cáo ngay đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là doanh nghiệp địa phương) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án đang cho vay dở dang, do nguyên nhân khách quan dẫn đến không có hiệu quả, doanh nghiệp chưa có các biện pháp khắc phục, các ngân hàng được phép tạm thời đình chỉ cho vay. Việc đình chỉ cho vay phải thông báo cho doanh nghiệp lý do và thời gian cụ thể đồng thời báo cáo ngay đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là doanh nghiệp địa phương) xin ý kiến và chỉ được thực hiện cho vay tiếp khi có văn bản chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan về phía khách hàng các Ngân hàng phải chấm dứt việc cho vay và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trước hạn.

c) Đối với các khoản cho vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hiện hành, trong trường hợp phát sinh vướng mắc báo cáo về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý.

3. Các Ngân hàng đẩy mạnh huy động và tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án có hiệu quả, thực hiện các mục tiêu, các chương trình kinh tế quan trọng của Nhà nước, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chú trọng đầu tư phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu, phát triển kinh tế nông thôn... thực hiện tốt các chương trình chỉ định của Chính phủ: cho vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5, hạn hán, cho hộ nghèo và sinh viên vay...

4. Các Ngân hàng kiện toàn và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ tín dụng theo hướng lựa chọn và bố trí những cán bộ có trình độ chuyên môn, trung thực và tâm huyết với ngành, với công việc tín dụng. Bố trí (từng loại) cán bộ thích hợp, đối với những cán bộ không đủ khả năng đảm nhiệm công việc thì bố trí công tác khác, nếu có khuyết điểm thì tuỳ mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Nhằm nâng cao năng lực công tác của cán bộ, Học viện Ngân hàng có kế hoạch tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ năng đánh giá, thẩm định và cho vay theo dự án. Nội dung đào tạo phải phù hợp với đối tượng học viên, quy trình thẩm định dự án ở các quy mô khác nhau.

Vụ Tổ chức cán bộ đào tạo Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khảo sát, xây dựng đề án triển khai thí điểm về tiêu chuẩn hoá cán bộ tín dụng và tiến hành tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra sát hạch, đánh giá năng lực chuyên môn từng loại cán bộ tín dụng làm cơ sở bố trí đúng người, đúng việc; trong khuôn khổ đề án, cán bộ tín dụng được phân thành các nhóm chính: Cán bộ tín dụng đảm nhiệm cho vay dự án quy mô lớn, vừa và nhỏ, các dự án, chương trình chỉ định của Chính phủ, hộ sản xuất, cho vay cầm cố. Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo tiến hành nghiên cứu đề xuất các bộ, ngành liên quan có chế độ lương phù hợp với công việc và trách nhiệm từng loại cán bộ tín dụng. Việc tiến hành thí điểm bắt đầu từ 01/10/1998 và sơ kết trước ngày 31/03/1999. Trên cơ sở kết quả này sẽ triển khai áp dụng cho các ngân hàng khác.

Cán bộ tín dụng phải chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành về thể lệ tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể của Chủ Tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với hoạt động tín dụng. Việc kiểm tra này là trách nhiệm của kiểm soát nội bộ mỗi tổ chức tín dụng. Từng Ngân hàng có kế hoạch tăng cường cả về số lượng, chất lượng đội ngũ kiểm soát nội bộ.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tập trung một số cán bộ thanh tra viên có kinh nghiệm về công tác tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương, thành lập 6 đoàn kiểm tra chất lượng tín dụng tại các tỉnh Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Định, Đắc Lắc, Hà Tây và Lạng Sơn (đối với tất cả các NHTM quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triền, Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn). Thời gian triển khai từ ngày 01/10/1998 đến 31/03/1999.

6. Thủ trưởng các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và Phát triển có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vướng mắc, các đơn vị báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và giải quyết.

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đỗ Quế Lượng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.