• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/07/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 17/07/2007
CHÍNH PHỦ
Số: 48/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 17 tháng 7 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về tổ chức và hoạt động điện ảnh

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để củng cố và xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam dân tộc, hiện đại và nhân văn, mở rộng giao lưu quốc tế về điện ảnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá và tinh thần của nhân dân;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,

 

NGHỊ ĐỊNH: 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp. Hoạt động điện ảnh nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, nâng cao dân trí và trình độ thẩm mỹ, góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng sinh hoạt văn hoá và tinh thần của nhân dân.

Hoạt động điện ảnh bao gồm các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất phim, phổ biến phim (phát hành phim và chiếu phim), xuất, nhập khẩu phim. Hoạt động điện ảnh không mang tính chất kinh doanh đơn thuần; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên là loại doanh nghiệp hoạt động công ích.

Phim quy định trong nghị định này là tác phẩm điện ảnh được ghi trên các loại vật liệu, được phổ biến thông qua các cơ sở chiếu phim, các đài truyền hình và mạng lưới video.

Điều 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động điện ảnh trong cả nước bằng pháp luật theo nguyên tắc:

1. Phân biệt chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp với chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh, sự nghiệp của các cơ sở điện ảnh;

2. Đảm bảo quyền bình đẳng, quyền chủ động sáng tạo và quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, quyền hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của mọi công dân;

3. Phim thuộc mọi thể loại, sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài đều phải được Bộ Văn hoá - Thông tin xét duyệt và cấp giấy phép mới được phổ biến trong nước hoặc nước ngoài.

Nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu và phổ biến các phim có nội dung sau:

Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; Truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục và môi trường sinh thái;

Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư, và bí mật khác do pháp luật quy định;

Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điều 3. Nhà nước thực hiện chính sách sau đây đối với hoạt động điện ảnh:

1. Nhà nước đặt hàng, ưu đãi về thuế, cho vay vốn với lãi xuất thấp, trợ giá cho sáng tác kịch bản, sản xuất và phổ biến các loại phim: tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim thiếu nhi, phim giáo khoa, phim tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, một số phim truyện, các hoạt động điện ảnh ở vùng núi, hải đảo... và phim thể nghiệm; Trợ giá một phần đối với việc nhập khẩu phim cho thiếu nhi và một số phim của nước ngoài có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật;

Nhà nước cấp một phần vốn lưu động cho các cơ sở sản xuất phim, các cơ sở xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim và chiếu phim là doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Tài chính ban hành quy chế về đặt hàng, ưu đãi về thuế, cho vay vốn trợ giá và cấp vốn lưu động cho các cơ sở nói trên.

2. Đầu tư có mục tiêu, có trọng điểm cho việc nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thật, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại đối với các cơ sở điện ảnh của Nhà nước trên các lĩnh vực sản xuất, phổ biến và bảo quản các tác phẩm điện ảnh;

3. Củng cố và tăng cường các cơ sở điện ảnh là doanh nghiệp Nhà nước thành một hệ thống liên thông giữa sản xuất và tiêu thụ, trên cơ sở đó giữ vai trò định hướng trong hoạt động điện ảnh, đồng thời thực hiện xã hội hoá hoạt động điện ảnh;

4. Khuyến khích việc xuất khẩu, phổ biến những tác phẩm có giá trị của điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài và mở rộng giao lưu quốc tế về điện ảnh;

5. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi chính sách đối với các nghệ sĩ điện ảnh chuyên nghiệp: xếp lương cơ bản theo trình độ, chất lượng cống hiến, chứ không theo thâm niên, quy định cụ thể chế độ thưởng và phụ cấp cho nghệ sỹ tuỳ theo kết quả tham gia vào tác phẩm điện ảnh. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Văn hoá - Thông tin trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định nói ở trên.

 

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC ĐIỆN ẢNH

Điều 4. Tổ chức điện ảnh bao gồm:

a) Các cơ sở điện ảnh sự nghiệp, hoặc doanh nghiệp thuộc các cơ quan Nhà nước Trung ương và tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Các cơ sở điện ảnh sự nghiệp, hoặc doanh nghiệp của các tổ chức xã hội ở Trung ương và tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Các cơ sở điện ảnh là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phim, phát hành phim và chiếu phim.

Điều 5. Các cơ sở điện ảnh thuộc Bộ, ngành, Trung ương bao gồm:

a) Các hãng sản xuất phim;

b) các trung tâm kỹ thuật điện ảnh;

c) Công ty xuất, nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam

d) Các công ty xuất, nhập khẩu và cung ứng vật tư điện ảnh;

e) Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và lưu trữ điện ảnh.

Điều 6. Công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có một số rạp chiếu phim ở địa phương. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công ty Phát hành phim và Chiếu bóng (doanh nghiệp), hoặc trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (sự nghiệp). Các công ty hoặc trung tâm này có các rạp, đội chiếu phim kinh doanh, sự nghiệp và các cửa hàng bán và cho thuê băng hình.

Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không thành lập Công ty (hoặc Trung tâm) Phát hành phim và Chiếu bóng.

Điều 7. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân muốn thành lập cơ sở điện ảnh phải có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định.

 

CHƯƠNG III

HOẠT ĐỘNG ĐIỆN ẢNH

MỤC 1

VỀ SẢN XUẤT PHIM

Điều 8.

1. Cơ sở sản xuất phim chỉ được hoạt động sau khi được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép thành lập và hoàn thành các thủ tục khác theo quy định của pháp luật;

2. Cơ sở sản xuất phim được quyền huy động vốn của cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân để sản xuất phim. Việc huy động vốn phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 9.

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khi có nhu cầu sản xuất phim để phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước, được xét cấp giấy phép làm phim nhất thời nếu có đủ các điều kiện quy định sau:

1. Có kịch bản của bộ phim xin sản xuất;

2. Có đoàn làm phim gồm các chức danh chính: đạo diễn, quay phim, hoạ sĩ, thu thanh có chứng chỉ hành nghề;

3. Có kế hoạch sản xuất và phổ biến bộ phim đó.

Điều 10. Cơ quan, tổ chức đứng tên xin thành lập cơ sở sản xuất phim hoặc xin phép sản xuất phim nhất thời là cơ quan chủ quản của cơ sở sản xuất phim.

Thủ trưởng cơ quan chủ quản và giám đốc sơ sở sản xuất phim phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của phim do cơ sở mình sản xuất.

Điều 11. Cơ sở điện ảnh muốn hợp tác làm phim hoặc cung cấp dịch vụ làm phim với tổ chức quốc tế, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài phải được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép.

Điều 12. Đạo diễn, quay phim, hoạ sĩ thu thanh tham gia sản xuất phim phải được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp chứng chỉ hành nghề.

Điều 13.

1. Cơ sở có phim được cấp giấy phép phổ biến phải nộp một bản phim lưu chiểu cho Bộ Văn hoá - Thông tin;

2. Cơ sở sản xuất phải nộp lưu trữ vật liệu gốc phim do Nhà nước đặt hàng, hoặc trợ giá cho viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin. Bộ Văn hoá - Thông tin có quy chế cho việc lưu trữ những phim khác. Hàng năm Nhà nước cấp kinh phí mua phim có giá trị của Việt Nam và nước ngoài để lưu trữ, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, đào tạo và sáng tác điện ảnh.

Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh có trách nhiệm bảo quản vật liệu lưu trữ và đào tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng.

MỤC 2

VỀ XUẤT NHẬP KHẨU PHIM

Điều 14. Cơ sở sản xuất phim được quyền xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu phim do mình sản xuất đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép xuất khẩu.

Điều 15. Việc nhập khẩu phim để kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào đều do FAFIM Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đảm nhiệm.

Việc nhập khẩu phim để phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam do Đài truyền hình Việt Nam đảm nhiệm, có sự phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin.

Việc nhập khẩu phim để lưu trữ và nghiên cứu được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu văn hoá phẩm.

MỤC 3

VỀ PHỔ BIẾN PHIM

(Phát hành phim và chiếu phim)

Điều 16.

1. Cơ sở sản xuất phim được quyền tự phát hành, bán, hoặc uỷ thác cho cơ sở phát hành phim phát hành sản phẩm của mình đến các cơ sở chiếu phim và mạng lưới video.

Cơ sở sản xuất phim muốn tự pháp hành phim phải đăng ký kinh doanh pháp hành theo quy định của pháp luật;

2. Cơ sở sản xuất phim, cơ sở phát hành phim có đăng ký kinh doanh phát hành được mở các chi nhánh, đại lý, cửa hàng để phát hành sản phẩm thuộc sở hữu của mình ở các địa phương.

Các đại lý, cửa hàng bán và cho thuê băng hình hoạt động theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin .

Điều 17. Việc chuyển tác phẩm điện ảnh được làm bằng loại vật liệu này, sang loại vật liệu khác và in nhân bản để kinh doanh, phải thực hiện theo pháp luật về quyền tác giả.

Điều 18.

Nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động chiếu phim ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn hẻo lánh, hải đảo; Cấp 50% kinh phí hoạt động chiếu phim ở các vùng nông thôn khác.

Điều 19. Cơ sở sản xuất phim, cơ sở phát hành phim được quyền xây dựng rạp để phổ biến phim.

Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế (kể cả của nước ngoài) liên doanh, liên kết với các cơ sở điện ảnh để cải tạo, xây dựng, quản lý rạp chiếu phim, hoặc tự bỏ vốn xây dựng, quản lý rạp chiếu phim.

Điều 20.

1. Cơ sở chiếu phim phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mới được hoạt động;

2. Mọi hoạt động chiếu phim, băng hình có bán vé thu tiền, phải sử dụng vé do ngành Tài chính phát hành thống nhất trong cả nước.

Điều 21. Các cơ sở chiếu phim phải ưu tiên chiếu những phim do Nhà nước đặt hàng và trợ giá. 

MỤC 4

PHỔ BIẾN PHIM TRÊN HỆ THỐNG TRUYỀN HÌNH

Điều 22.

1. Hệ thống truyền hình là một trong những phương tiện chủ yếu tiêu thụ và phổ biến rộng rãi các phim của ngành Điện ảnh.

Các Đài truyền hình trong cả nước phải ưu tiên phổ biến trên sóng truyền hình các phim do Nhà nước đặt hàng và trợ giá.

Cơ sở sản xuất phim, cơ sở phát hành phim có trách nhiệm nhận đặt hàng để cung cấp cho đài truyền hình những phim do Nhà nước đặt hàng và trợ giá...

2. Bộ Tài chính quy định việc trả tiền bản quyền đối với phim được phát trên sóng truyền hình.

Việc phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện sau 9 tháng, kể từ ngày phim được phát hành vòng đầu trên mạng lưới chiếu phim, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Các đài truyền hình phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh.

Điều 23.

1. Các đài truyền hình trong cả nước phải nâng dần tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam; Đến năm 1998 phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 50% tổng thời lượng phát sóng phim truyện;

2. Bộ Văn hoá - Thông tin và đài truyền hình Việt Nam quy định cụ thể về quan hệ phối hợp giữa Điện ảnh và Truyền hình trong việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng, sử dụng và bảo đảm quyền tác giả đối với các phim phát sóng trên truyền hình.

 

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐIỆN ẢNH

Điều 24. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động điện ảnh trong cả nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan của Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động điện ảnh trong cả nước, có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp Điện ảnh dài hạn và hàng năm; Quản lý việc thực hiện kế hoạch hoạt động điện ảnh và chương trình quốc gia củng cố và phát triển điện ảnh Việt Nam; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghệ sỹ điện ảnh.

2. Xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh; ban hành Quyết định, Thông tư, Chỉ thị về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

3. Cùng các ngành liên quan quyết định việc cho tổ chức, cá nhân trong nước liên doanh, liên kết, hợp tác và dịch vụ với nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh.

4. Cấp, thu hồi giấy phép thành lập các cơ sở sản xuất phim, xuất, nhập khẩu phim trong cả nước và các cơ sở phát hành ở Trung ương;

Xét cấp giấy phép làm phim nhất thời theo quy định tại điều 9 nghị định này;

Xét cấp giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu phim theo quy định tại các điều 14 và 15 Nghị định này;

Quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ những phim có nội dung xấu được quy định tại điều 2 của Nghị định này;

Đình chỉ hoạt động của các cơ sở điện ảnh có vi phạm pháp luật được quy định tại điều 2 của Nghị định này;

5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ hoạt động điện ảnh và các quy định của pháp luật về hoạt động điện ảnh; thi hành các biện pháp để ngăn chặn những hoạt động điện ảnh trái pháp luật; Khen thưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý Nhà nước hoạt động điện ảnh ở địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp điện ảnh ở địa phương;

2. Cấp, thu hồi giấy phép thành lập các cơ sở phát hành phim và chiếu phim của địa phương;

3. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các hoạt động điện ảnh trên địa bàn lãnh thổ; tạm đình chỉ việc thực hiện giấy phép do Bộ Văn hoá - Thông tin cấp, nếu phát hiện thấy có vi phạm và báo cáo ngay để Bộ Văn hoá - Thông tin xử lý; tịch thu, thu hồi, cấm lưu hành hoặc quyết định tiêu huỷ phim nói tại Điều 2 của Nghị định này.

Điều 26. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ xin thành lập cơ sở điện ảnh, cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh có thẩm quyền phải trả lời; Nếu không cho phép thành lập phải nói rõ lý do. Tổ chức, cá nhân bị từ chối không cho phép thành lập cơ sở điện ảnh, có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Bộ Văn hoá - Thông tin xây dựng hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành về hoạt động điện ảnh trong cả nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức thanh tra chuyên ngành về điện ảnh được quy định theo pháp luật về thanh tra.

Nội dung thanh tra bao gồm:

1. Thanh tra việc quản lý Nhà nước về hoạt động điện ảnh;

2. Thanh tra hoạt động sản xuất phim, xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim và chiếu phim của các cơ sở điện ảnh trong cả nước;

3. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh.

Điều 28. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của đoàn thanh tra, thanh tra viên khi thanh tra cơ sở mình; có quyền khiếu nại với cơ quan thanh tra chuyên ngành về điện ảnh, hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cấp trên, đối với những kết luận và xử lý của đoàn thanh tra, hoặc thanh tra viên.

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh, hoặc cơ quan thanh tra chuyên ngành về điện ảnh những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện ảnh.

Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

 

CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 29. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động điện ảnh được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các tác giả và tác phẩm điện ảnh có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Bộ Văn hoá - Thông tin phối với Hội điện ảnh Việt Nam quy định các tiêu chuẩn, chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong các hoạt động sản xuất phim, xuất khẩu phim, phát hành và phổ biến phim.

Điều 30. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động sản xuất phim, phổ biến phim và xuất, nhập khẩu phim phải bị đình chỉ ngay các hành vi vi phạm và tuỳ theo mức độ bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 31. Thẩm quyền và thủ tục xử lý các vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, về bồi thường thiệt hại, về trách nhiệm hình sự.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32.

1. Căn cứ vào Nghị định này, Bộ Văn hoá - Thông tin quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở điện ảnh, trong đó có các đại lý, cửa hàng bán và cho thuê băng hình trong cả nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đăng ký và thành lập lại các cơ sở điện ảnh thuộc thẩm quyền;

2. Bộ Văn hoá - Thông tin quy định trách nhiệm của Công ty xuất, nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam đối với hoạt động chiếu phim trong cả nước và đối với các cơ sở sản xuất phim.

Điều 33. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ra thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định này.

Điều 34. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.