Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh

phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) từ nay đến 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chủ yếu:

a) Mục tiêu chung:

- Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về du lịch biển, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

- Phấn đấu từ năm 2010 trở đi, du lịch giữ vai trò là một trong những ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và là động lực đẩy mạnh phát triển du lịch cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010 khu vực miền Trung - Tây Nguyên đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 10 triệu lượt khách du lịch nội địa.

- Thu nhập từ hoạt động du lịch tăng gấp 6,2 lần so với năm 2000.

- Mức tăng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt bình quân thời kỳ 2006 - 2010 từ: 20 - 22%/năm.

- Việc làm tạo ra từ hoạt động du lịch tăng từ 5 - 6 lần so với năm 2000.

2. Phương hướng phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên:

a) Các địa bàn hoạt động du lịch:

- Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về các loại hình du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, du lịch biển với trung tâm du lịch là thành phố Vinh và vùng phụ cận.

- Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được xếp hạng di sản thế giới trên địa bàn, di tích lịch sử, cách mạng, các giá trị thiên nhiên của núi và biển để phát triển du lịch. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển, khu vui chơi giải trí thể thao biển đạt trình độ quốc tế. Chú trọng cả phát triển du lịch theo tuyến hành lang Đông - Tây. Trung tâm du lịch là tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn.

- Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận: phát triển du lịch dựa trên việc phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch biển là chủ yếu. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch có thu nhập cao. Phát triển các loại hình du lịch có khả năng đáp ứng được nhu cầu đa dạng với thời gian dài cho khách du lịch thông qua việc xây dựng các chương trình du lịch tạo được sự gắn kết giữa sinh thái biển của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với sinh thái rừng núi, cao nguyên và bản sắc văn hoá của các dân tộc Chăm và Tây Nguyên. Trung tâm du lịch là thành phố Nha Trang, Phan Thiết.

- Các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng): đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái rừng núi, hang động, thác, hồ nước... và văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên gắn với văn hoá của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Trung tâm du lịch là thành phố Đà Lạt.

b) Tuyến du lịch:

- Tuyến du lịch ven biển dọc quốc lộ 1: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch của các khu, điểm du lịch dọc theo quốc lộ 1 từ Thanh Hoá đến Bình Thuận về văn hoá, lịch sử cách mạng, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao biển, các di sản đã được xếp hạng di sản thế giới và các đô thị du lịch (Sầm Sơn, Cửa Lò, Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết) để hình thành và phát triển các khu du lịch có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch có thu nhập cao như: Khu du lịch Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Khu du lịch Vịnh Nha Trang (Khánh Hoà); Khu du lịch Kim Liên (Nghệ An), Khu du lịch Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu du lịch Hội An gắn với di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), Khu du lịch Phương Mai - Núi Bà (Bình Định)...

- Xây dựng các tuyến du lịch dựa vào việc khai thác giá trị du lịch của các di tích lịch sử - văn hoá, di tích chiến tranh và di sản đã được thế giới công nhận (di tích văn hoá - lịch sử Kim Liên, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, di tích chiến tranh, khu giới tuyến quân sự (Quảng Trị), cố đô Huế, khu di tích Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An) để tạo tính độc đáo, hấp dẫn thúc đẩy phát triển du lịch.

- Phát triển các tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hoá ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Lâm Đồng) trên cơ sở phát huy giá trị du lịch của thành phố Đà Lạt, Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng), Khu du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk).

- Khai thác giá trị về du lịch của Khu Lịch sử cách mạng đường mòn Hồ Chí Minh để phát triển du lịch.

- Khai thác các khu du lịch, điểm du lịch sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng biển và núi bằng phương tiện giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ 8, 9, 12, 40 qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Bờ Y (Kon Tum) ....

c) Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch:

- Đường bộ: ngoài việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tuyến đường được xác định là lộ trình du lịch với hành trình dài cần xây dựng và hình thành trạm dịch vụ (bãi đỗ, bảo dưỡng xe kết hợp ăn uống, giải khát, bán các sản phẩm lưu niệm, vệ sinh ...) dọc theo các tuyến đường bộ với khoảng cách hợp lý.

- Xây dựng lộ trình mở, khai thác các tuyến bay quốc tế đến miền Trung - Tây Nguyên và các tuyến bay nội địa trực tiếp giữa các thành phố lớn đến miền Trung - Tây Nguyên; nâng cấp, cải tạo nhà ga, phương tiện vận chuyển đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng lượng khách du lịch bằng tàu hoả.

- Nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch bằng đường biển đến các tỉnh miền Trung, kể cả tuyến nối với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Những nơi có cảng biển lớn cần quy hoạch và nâng cấp để tiếp nhận được các tàu du lịch biển quốc tế tải trọng lớn và có tiện nghi phục vụ khách du lịch.

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật ở các cửa khẩu quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi đối với khách du lịch.

d) Có sở vật chất kỹ thuật du lịch:

Nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú; dự báo nhu cầu về lưu trú và cơ sở lưu trú du lịch thời kỳ 2006 - 2010 và các năm tiếp theo làm cơ sở để xây dựng và công bố quy hoạch phát triển cơ sở lưu trú (khách sạn) ở từng địa phương và khu vực đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Quy hoạch phát triển các khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tại các khu du lịch biển, các đô thị du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đặc thù văn hoá Việt Nam của khách du lịch, đồng thời tạo khả năng khắc phục khó khăn về cơ sở lưu trú theo thời vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân tại địa phương.

Tại các trung tâm du lịch lớn, cần có các khu vui chơi giải trí đa dạng, quy mô lớn.

đ) Xúc tiến, quảng bá du lịch:

Quảng bá, xúc tiến du lịch là nhiệm vụ quan trọng ðể thúc đẩy du lịch miền Trung - Tây Nguyên, trước hết tập trung vào các sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch sinh thái, văn hoá, các giá trị tài nguyên nhân văn, kết hợp với du lịch thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển và núi, các thương hiệu của miền Trung - Tây Nguyên (Con đường di sản, Con đường huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh, Cố đô Huế, thành phố Nha Trang, thành phố Đà Lạt, Con đường xanh Tây Nguyên, di tích chiến tranh và khu giới tuyến quân sự (tuyến du lịch DMZ), tuyến du lịch đường bộ bằng phương tiện tự lái (CARAVAN)... Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch miền Trung - Tây Nguyên cả trong và ngoài nước, trước hết là những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực; có giải pháp thích hợp huy động các nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên.

3. Giải pháp và chính sách phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên

a) Tãng cường công tác quy hoạch và quản lý phát triển du lịch:

Các tỉnh, thành phố thuộc miền Trung - Tây Nguyên chủ động điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch theo nguyên tắc gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010. Quy hoạch phát triển du lịch của địa phương phải gắn với quy hoạch phát triển du lịch vùng, liên vùng, gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và gắn với quy hoạch sử dụng đất. Các khu du lịch quốc gia phải có quy hoạch chi tiết và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Đối với các quy hoạch khu du lịch lớn, hiện đại, quy hoạch các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao và có tầm chiến lược trong phát triển du lịch quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, toàn vùng và cả nước nếu khả năng trong nước chưa đáp ứng được thì có thể thuê nước ngoài thực hiện.

b) Đầu tư phát triển du lịch:

Có cơ chế, chính sách thích hợp về vốn, nhân lực, đất đai, thuế, huy động đầu tư nước ngoài, phát hành trái phiếu công trình và cải tiến các thủ tục hành chính để mọi thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên.

Căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu đầu tư phát triển du lịch, từng tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên chủ động bố trí kinh phí, đồng thời có cơ chế chính sách thích hợp để huy động các nguồn lực hợp pháp phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển du lịch.

Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư hạ tầng du lịch của Trung ương và các nguồn kinh phí khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tổng cục Du lịch cần dành ưu tiên cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

c) Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch:

Xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch miền Trung - Tây Nguyên hàng năm theo các chuyên đề, gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan thông tin đối ngoại, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xúc tiến, quảng bá du lịch của khu vực ra nước ngoài.

Tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch vào nước ta ngay tại các cửa khẩu quốc tế và các trung tâm du lịch lớn của khu vực.

d) Phát triển nguồn nhân lực: xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực. Đào tạo hướng dẫn viên du lịch đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Khuyến khích các trường đại học trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên tổ chức đào tạo chuyên ngành về du lịch, tăng cường đào tạo từ xa... Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch theo các loại hình dân lập, bán công...

đ) Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch: các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên phải nâng cao năng lực quản lý của bộ máy và cơ quan chức năng đối với hoạt động du lịch về việc xây dựng chiến lược, quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch của từng địa phương và toàn khu vực nhằm đạt được mục tiêu chung đã đề ra.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trước hết là tạo nguồn lực về vốn, về nguồn nhân lực để khai thác mọi nguồn lực phát triển du lịch.

3. Bộ Giao thông vận tải: chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng quy hoạch về việc lập trạm dịch vụ du lịch dọc theo các quốc lộ chính; nâng cấp, cải tạo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ đường sắt, đường biển và đường hàng không nhằm phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

4. Các Bộ, ngành khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì hoặc phối hợp tham gia thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên:

a) Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chủ trì hoặc tham gia tổ chức thực hiện.

b) Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của địa phương mình cho phù hợp; quản lý chặt chẽ việc đầu tư các dự án phát triển du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch theo quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải