CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
-----------------------
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường. Những kết quả đó đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh ta đang đứng trước nhiều thách thức về sự phát triển bền vững, trong đó hiện trạng tài nguyên và môi trường vẫn đang tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu bởi áp lực về tăng dân số, nhất là tình trạng di dân tự do, khai thác sử dụng không hợp lý nguồn tài nguyên và những bất cập trong công tác quản lý; Nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc, cần sớm được khắc phục như:
- Công tác chỉ đạo và thực hiện chưa đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường; sự phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, việc thi hành pháp luật chưa nghiêm.
- Nhận thức của toàn xã hội đối với bảo vệ môi trường tuy có tiến bộ nhưng chưa cao, chưa biến nhận thức, trách nhiệm thành hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành, của cộng đồng dân cư và củá mỗi người dân.
- Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho công tác này gặp khó khăn, hiệu quả thấp.
Để chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại nêu trên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội của tỉnh, UBND các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan:
a. Quán triệt, triển khai thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chỉnh Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thông tư số 08/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường.
b. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
c. Tổ chức điều tra cơ bản về môi trường; thực hiện các chương trình quan trắc hiện trạng môi trường, đánh giá các tác động môi trường; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bổ sung vào danh sách các cơ sở cần xử lý triệt để.
d. Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; báo cáo đánh giá tác động môi trường của các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
đ. Phối họp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát lại những văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, báo cáo UBND tỉnh và đề nghị bổ sung, sửa đổi những quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối họp với các Sở, ngành liên quan trên cơ sở nhiệm vụ cụ thê hoạt động sự nghiệp môi trường của tỉnh, xây dựng kế hoạch đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, bố trí chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dân hàng năm phù hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế -xã hội của tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Xây dựng cơ chế khuyến khích hoạt động xã hội hoá thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường
3. Sở Tài chính: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai và thu thuế tài nguyên; phí nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ tái chế, xử lý chất thải; rà soát, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
5. Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột và các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn, chất thải gây ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực quản lý; chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. .
6. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức phổ biến rộng rãi Quy chế bảo vệ môi trường ngành xây dựng; hướng dẫn quy hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn quy phạm về các công trình kỹ thuật hạ tầng và vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, khu công nghiệp.
7. Sở Giao thông Vận tải xây dựng, triển khai kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là trọng giai đoạn thi công.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện kế hoạch đưa nội dung bảo vệ môi trường vào giảng dạy trong nhà trường với tiến trình thích hợp.
9. Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở, ngành, UBND các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông về các sự kiện môi trường hàng năm, các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước của các buôn, thôn trong toàn tỉnh.
10. Cục Thống kê tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tiêu chí môi trường trong bộ chỉ tiêu phát triển bền vững các ngành kinh tế của tỉnh.
11. UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột:
a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn đạt kết quả; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ, bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo phù hợp với yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b. Tổ chức vận động nhân dân tham gia xây dựng hương ước, cam kết bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm vê bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; có kế hoạch xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc cần giải quyết và những đề xuất trong công tác quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.