• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/09/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 324-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 11 tháng 9 năm 1992

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về việc tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ .

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Nghị định số 35-HĐBT ngày 28 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác quản lý khoa học và công nghệ;

Sau khi tham khảo kiến nghị của Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia;

Căn cứ đề nghị của Uỷ ban Khoa học Nhà nước về việc tổ chức lại mạng lưới nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, công văn số 768/VP ngày 23 tháng 6 năm 1992;

Để phát huy tối đa tiềm lực khoa học và công nghệ hiện có, nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (dưới đây gọi tắt là cơ quan khoa học và công nghệ) theo các nguyên tắc sau:

Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo: Coi các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ là một hệ thống thống nhất, cần có sự sắp xếp, phân công hợp lý và kết hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa năng lực của lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp nhu cầu do sản xuất đặt ra, bố trí lại các cơ quan khoa học và công nghệ theo hướng gắn chặt với các cơ sở sản xuất, rút ngắn chu trình nghiên cứu - triển khai - sản xuất.

Bố trí hợp lý lực lượng nghiên cứu khoa học trên các vùng lãnh thổ.

Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các cơ quan khoa học và công nghệ thực hiện các hướng trọng điểm quốc gia, tập trung giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ, mang tính lợi ích toàn quốc gia; các doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, tư nhân tự tổ chức thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ của mình trên cơ sở lợi ích chung của xã hội.

Mọi tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và được khuyến khích tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ theo các cơ chế, chính sách hiện hành và sẽ được bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh cho phù hợp với cơ chế kinh tế mới.

Cần có những bước đi thích hợp trong việc tổ chức lại, tạo cơ chế, chính sách cho cán bộ và các cơ quan khoa học và công nghệ hoạt động có hiệu quả phục vụ cho phát triển, kinh tế, văn hoá và xã hội.

Điều 2. Tổ chức lại mạng lưới các cơ quan khoa học và công nghệ theo các hướng khoa học và công nghệ trọng điểm, ưu tiên cho đến năm 2000 như sau:

Về khoa học xã hội và nhân văn: Triết học, kinh tế học, khoa học quản lý, luật học, khoa học chính trị, các vấn đề về văn hoá, lịch sử, xã hội, dân tộc Việt Nam, quan hệ quốc tế.

Về khoa học tự nhiên và công nghệ: Điện tử, tin học, vật liệu mới, năng lượng, công nghệ sinh học, dầu khí và các khoáng sản mũi nhọn, chế tạo máy, tự động hoá, tài nguyên và môi trường.

Về khoa học nông nghiệp (kể cả lâm nghiệp, ngư nghiệp): cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, công nghệ chế biến nông lâm sản, phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

Về khoa học y dược: Các bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiễm khuẩn nhiệt đới.

Điều 3. Mạng lưới các cơ quan khoa học và công nghệ bao gồm các trung tâm khoa học quốc gia, các trường đại học, các cơ quan khoa học và công nghệ thuộc các ngành, địa phương, vùng lãnh thổ và các cơ quan khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tư nhân.

1. Các trung tâm khoa học quốc gia, thực hiện hoạt động nghiên cứu và triển khai những vấn đề khoa học và công nghệ trọng điểm; ưu tiên, tạo ra các kết quả khoa học và công nghệ mới có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trung tâm được giao nhiệm vụ phục vụ trực tiếp cho các hướng lựa chọn của Nhà nước về kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ.

2. Các trường đại học, thực hiện hoạt động nghiên cứu và triển khai trên tất cả các lĩnh vực khoa học và công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm và áp dụng các kết quả đạt được vào sản xuất, đời sống.

Các bộ môn, khoa là các đơn vị vừa làm công tác giảng dạy vừa làm công tác nghiên cứu khoa học. Có thể có các viện nghiên cứu khoa học liên bộ môn, liên ngành trong các trường đại học.

Trong hệ thống các trường đại học, có các trường đại học trọng điểm quốc gia là những trung tâm nghiên cứu khoa học trình độ cao và đào tạo cán bộ có chất lượng cao, nhất là trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.

3. Các cơ quan khoa học và công nghệ thuộc các ngành, thực hiện hoạt động nghiên cứu và triển khai những vấn đề khoa học và công nghệ trọng điểm có tính chất chuyên ngành và những vấn đề khác phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành.

4. Các cơ quan khoa học và công nghệ vùng lãnh thổ thực hiện hoạt động nghiên cứu và triển khai những vấn đề đặc thù của địa phương hoặc vùng lãnh thổ. Các cơ quan khoa học và công nghệ vùng lãnh thổ do Nhà nước thành lập hoặc do một số địa phương trong vùng đề xuất và cùng các viện, một số ngành có liên quan phối hợp thành lập.

5. Các cơ quan khoa học và công nghệ do doanh nghiệp, tổ chức xã hội hoặc tư nhân lập ra, hoạt động theo các nguyên tắc được quy định trong Nghị định 35-HĐBT ngày 28 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 4. Tất cả các loại hình cơ quan khoa học và công nghệ nói ở Điều 3 có quyền và nghĩa vụ:

1. Tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu và triển khai của mình trên cơ sở những nhiệm vụ được Nhà nước giao (nếu có) và ký hợp đồng với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác; tự chủ về tài chính, về lao động, hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình;

2. Tham gia đào tạo cán bộ, kể cả đại học và sau đại học, nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

3. Chịu sự quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ của Uỷ ban Khoa học Nhà nước, sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo.

Điều 5. Việc tổ chức lại các cơ quan khoa học và công nghệ được thực hiện theo các hướng sau:

1. Thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia (về khoa học tự nhiên và công nghệ, về khoa học xã hội và nhân văn) và một số trường đại học trọng điểm quốc gia, trên cơ sở sắp xếp lại các viện quốc gia và một số trường đại học hiện có.

2. Tổ chức lại các bộ môn, khoa, viện trong các trường đại học với sự phân công hợp lý giữa các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ khác.

3. Tổ chức lại các cơ quan khoa học và công nghệ thuộc Bộ, ngành:

a) Hình thành một số cơ quan khoa học và công nghệ chuyên ngành mạnh, có ý nghĩa toàn quốc, đặt tại một số Bộ.

Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước có thể lập đơn vị nghiên cứu về chiến lược và chính sách phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của mình.

Các cán bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật có thể lập một cơ quan nghiên cứu những vấn đề khoa học và công nghệ chủ yếu của ngành.

b) Chuyển những tổ chức khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu những vấn đề gắn liền với các sản phẩm cụ thể vào các doanh nghiệp hoặc chuyển thành các Liên hiệp khoa học - sản xuất.

4. Các trung tâm khoa học vùng được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ hiện có ở các vùng, có nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai những vấn đề khoa học và công nghệ đặc thù của vùng.

Điều 6. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành như sau:

1. Uỷ ban khoa học Nhà nước cùng các viện hiện có và Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia và xây dựng phương án hình thành các trường đại học trọng điểm quốc gia trên cơ sở sắp xếp lại các viện quốc gia và các trường đại học hiện có trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt trong quý IV năm 1992.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đề án tổ chức mạng lưới đại học, trong đó phối hợp với Uỷ ban khoa học Nhà nước thể hiện rõ các loại hình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong trường.

3. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với các Bộ tổ chức lại các cơ quan khoa học và công nghệ ngành.

4. Uỷ ban Khoa học Nhà nước và hai Trung tâm khoa học quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các tỉnh, thành phố lớn xây dựng phương án tổ chức các trung tâm khoa học vùng.

Điều 7. Việc phân cấp quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động cho các cơ quan khoa học và công nghệ được quy định như sau:

1. Đối với các trung tâm khoa học quốc gia và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước trong các trường đại học, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và cấp kinh phí nghiên cứu thông qua việc giao nhiệm vụ.

2. Đối với các cơ quan khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành chủ yếu do Bộ, ngành đầu tư và cấp kinh phí hoạt động. Nhà nước đầu tư và cấp kinh phí hoạt động cho các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm ngành có ý nghĩa quốc gia thông qua giao nhiệm vụ.

3. Đối với các cơ quan khoa học và công nghệ của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tư nhân thì do địa phương, doanh nghiệp, tư nhân tự chủ về tài chính.

Điều 8. Để thực hiện quyết định này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho các ngành, các cấp có liên quan thực hiện các công việc sau:

1. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước soạn thảo chính sách đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

2. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ soạn thảo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan khoa học và công nghệ.

3. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan soạn thảo Quy chế sử dụng chung các thiết bị khoa học trong các cơ quan khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và một số Bộ có liên quan khác soạn thảo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của các loại hình cơ quan khoa học và công nghệ nói ở Điều 3.

Điều 9. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.