• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/1992
BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Số: 588-CNNg/QLTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 1 tháng 8 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Ban hành quy định nguyên tắc, thủ tục xin

khâi thác và đăng ký Nhà nước khu vực khai thác mỏ khoáng sản rắn.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

- Căn cứ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28-7-1989 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 95/HĐBT ngày 25-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành pháp lệnh về TNKS;

- Căn cứ Nghị định số 130/HĐBT ngày 30-4-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;

- Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy định nguyên tắc, thủ tục xin khai thác và đăng ký Nhà nước khu vực khai thác mỏ khoáng sản rắn" để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Điều 2. - Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác mỏ các khoáng sản rắn có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. - Các quy định trước đây về thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ các khoáng sản rắn trái với Quy định được ban hành theo Quyết định này đều bị bãi bỏ.

 

QUY ĐỊNH

NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC XIN KHAI THÁC VÀ ĐĂNG KÝ NHÀ NƯỚC

KHU VỰC KHAI THÁC MỎ CÁC KHOÁNG SẢN RẮN.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 588-CNNg/QLTN ngày 1 tháng

8 năm 1992 của Bộ Công nghiệp nặng)

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Trong quy định này:

1. Tài nguyên khoáng sản rắn được phân ra các nhóm phù hợp với nguyên tắc phân cấp về thẩm quyền cho phép điều tra địa chất và khai thác mỏ theo điều 14 Nghị định 95-HĐBT ngày 25-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (dưới đây gọi tắt là Nghị định 95-HĐBT), cụ thể gồm:

a) Các khoáng sản quý: kim loại quý (vàng, bạc, platin); quặng phóng xạ; các loại đá quý: kim cương, rubi, saphia, êmơrot.

b) Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (sét gạch ngói, cát, cuội, sỏi xây dựng, đá dăm, đá hộc, đá ong).

c) Các khoáng sản rắn khác không thuộc các nhóm (a) và (b) nói trên.

2. Khai thác mỏ là những hoạt động nhằm thu được khoáng sản từ lòng đất (kể cả ở mặt đất, có đất phủ hay không có đất phủ, có mặt nước hay không có mặt nước) bao gồm các hình thức và quy mô dưới đây:

- Khai thác thủ công cá thể, sử dụng dụng cụ thô sơ, cầm tay là chủ yếu, có thể sử dụng công cụ cơ giới nhỏ cơ động, vận tải bằng sức người hoặc súc vật.

- Khai thác quy mô nhỏ với tổng khối lượng khoáng sản và đất đá dưới 30.000 m3 hoặc dưới 50.000 t/năm, vốn đầu tư cơ bản không quá 1 triệu đôla Mỹ.

- Khai thác quy mô lớn có tổng khối lượng khoáng sản và đất đá, vốn đầu tư cơ bản không phải là khai thác quy mô nhỏ.

3. Tận thu khoáng sản là những hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản đã đào lên được từ các công trình tìm kiếm, thăm dò địa chất hoặc từ các công trình khác không phải để khai thác mỏ.

4. Quyết định giao khu vực khai thác mỏ là giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích của khu vực khai thác mỏ, trữ lượng và loại khoáng sản cũng như thời hạn được hoạt động khai thác ở đó.

5. Giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản hoặc có cùng nội dung, tính chất như Quyết định giao khu vực khai thác mỏ hoặc chỉ xác định vị trí, khối lượng và loại tài nguyên khoáng sản cùng thời hạn được tiến hành khai thác mà không giao diện tích khu vực khai thác mỏ. Trường hợp thứ hai này thường bao gồm các hình thức giấy phép khai thác thử nghiệm, lấy mẫu công nghệ (ngoài phương án thăm dò), giấy phép tận thu khoáng sản.

6. Khu vực khai thác mỏ là khu vực lòng đất có tài nguyên khoáng sản được xác định trong Quyết định giao khu vực khai thác mỏ hoặc Giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản (dưới đây gọi chung là Giấy phép khai thác mỏ) được người có thẩm quyền hoặc người được uỷ quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để khai thác tài nguyên khoáng sản ở đó.

Ranh giới khu vực khai thác mỏ được xác định theo ranh giới mỏ (khoáng sàng) hoặc một bộ phận trong ranh giới có tính đến đới bảo đảm an toàn công tác mỏ và diện tích bãi thải, nhưng không bao gồm diện tích xây dựng nhà xưởng, văn phòng, nhà ở của xí nghiệp mỏ mà ở đó không chứa tài nguyên khoáng sản được quyền khai thác theo quy định của giấy phép.

Điều 2. - Mỗi khu vực khai thác mỏ chỉ được giao cho một tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện về tài chính và kỹ thuật để được phép hoạt động (hành nghề) khai thác mỏ theo luật pháp và các qui định hiện hành của Chính phủ Việt Nam:

- Các doanh nghiệp Nhà nước,

- Các đơn vị kinh tế của lực lượng vũ trang,

- Các doanh nghiệp tư nhân, Công ty được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty,

- Các tổ chức kinh tế tập thể,

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam,

- Ngoài các doanh nghiệp nói trên cá nhân được phép khai thác thủ công cá thể thông qua hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng lao động với các doanh nghiệp là chủ giấy phép khai thác mỏ.

Không cấp giấy phép khai thác mỏ cho các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương, địa phương cũng như các cơ quan đoàn thể, các hội và tổ chức quần chúng hoặc tổ chức Đảng và đơn vị chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Điều 3. - Những căn cứ để cấp giấy phép khai thác mỏ tuân theo điều 16 của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản nay cụ thể như sau:

1. Chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khai thác mỏ của Nhà nước;

2. Kết quả điều tra địa chất và trữ lượng tài nguyên khoáng sản ở khu vực xin khai thác đã được xét duyệt hoặc đánh giá theo quy định tại điều 16 Nghị định 95-HĐBT.

3. Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc đề án khai thác mỏ (nếu qui mô nhỏ) được duyệt theo qui định hiện hành của Nhà nước có nội dung và quy trình công nghệ bảo đảm tài nguyên khoáng sản được khai thác đầy đủ, sử dụng hợp lý; bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn công tác mỏ.

4. Điều kiện tài chính và kỹ thuật cũng như tư cách pháp lý của chủ đơn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo qui định hiện hành của Chính phủ Việt Nam.

Việc cấp giấy phép đối với các trường hợp khai thác thử nghiệm, lấy mẫu công nghệ (ngoài phương án thăm dò), tận thu khoáng sản sẽ căn cứ vào đề án hoặc phương án tương ứng, mục đích, yêu cầu và điều kiện cụ thể của chủ đơn và đối tượng xin khai thác.

Điều 4. - Việc cấp giấy phép khai thác mỏ mà ở đó đã có trước các công trình cố định, khu dân cư tập trung, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, vườn rừng quốc gia, mốc trắc địa quốc gia, công trình quốc phòng hoặc các đối tượng khác có ý nghĩa quan trọng tương tự thì phải được các cơ quan có thẩm quyền quản lý các đối tượng đó thoả thuận, hoặc có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đó.

Điều 5. - Thời hạn của giấy phép khai thác quy mô lớn căn cứ vào tuổi thọ của mỏ được xác định trong Luận chứng kinh tế - kỹ thuật khai thác. Thời gian của mỗi giấy phép khai thác quy mô nhỏ tối đa là 2 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 2 năm. Thời hạn của giấy phép khai thác thủ công có thể tối đa là 1 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 1 năm.

Điều 6. - Chủ giấy phép khai thác mỏ không được chuyển giao, nhượng bán khu vực khai thác mỏ được phép khai thác cho tổ chức hoặc cá nhân khác, trừ trường hợp thừa kế quyền khai thác mỏ theo Luật định.

Chủ giấy phép khai thác mỏ có quyền chuyển nhượng, bán những công trình do mình đầu tư xây dựng để khai thác mỏ và quyền khai thác mỏ của mình cho tổ chức hoặc cá nhân khác có đủ các điều kiện theo điều 2 sau khi được người có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác mỏ đó cho phép bằng văn bản.

Điều 7. - Chủ giấy phép khai thác muốn thay đổi một hoặc các điều kiện của giấy phép đã cấp phải có người có thẩm quyền cấp giấy phép đó cho phép bằng văn bản.

Điều 8. - Thẩm quyền cho phép khai thác mỏ tuân theo điều 14 Nghị định 95-HĐBT:

a) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép khai thác mỏ các khoáng sản quý.

b) Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép khai thác mỏ các khoáng sản quý sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép, và cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản các loại trừ trường hợp nói ở các khoản (c) và (d) của điều này.

c) Chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là UBND tỉnh) cấp giấy phép khai thác mỏ các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (sét gạch ngói, cát, cuội, sỏi xây dựng, đá dăm, đá hộc, đá ong) và than bùn với qui mô sản lượng không quá 30.000m3 hoặc 50.000 tấn nguyên khai mỗi năm.

d) Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước cấp giấy phép khai thác thử nghiệm, lấy mẫu công nghệ (ngoài phương án thăm dò) và tận thu khoáng sản đối với các khoáng sản thuộc thẩm quyền cho phép khai thác của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng.

Điều 9. - Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước tiếp nhận, thẩm định đơn và hồ sơ xin khai thác mỏ, kiểm tra thực tế, dự thảo Giấy phép khai thác mỏ, trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng quyết định theo thẩm quyền hoặc đệ trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Sở Công nghiệp - thủ công nghiệp hoặc cơ quan được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền tiếp nhận, thẩm định đơn, hồ sơ xin khai thác mỏ, kiểm tra thực tế, dự thảo giấy phép khai thác mỏ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

Điều 10. - Trước khi cấp giấy phép khai thác các khoáng sản theo thẩm quyền, cơ quan được Chủ tịch tỉnh uỷ quyền phải thông báo cho Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước (hoặc chi cục khu vực thuộc Cục nếu có) về loại khoáng sản, vị trí mỏ, sản lượng mỏ sẽ được cấp giấy phép khai thác.

Trường hợp theo ý kiến bằng văn bản của Cục QLTNKSNN loại khoáng sản dự định được cấp giấy phép khai thác không đúng loại thuộc thẩm quyền cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc có chứa những thành phần vật chất khác có giá trị hơn làm vật liệu xây dựng thông thường thì Chủ tịch tỉnh không cấp giấy phép khai thác mỏ.

Điều 11. - Trước khi bắt đầu hoạt động khai thác mỏ đều phải được đăng ký Nhà nước tại Cục QLTNKS Nhà nước (hoặc Chi cục khu vực thuộc Cục nếu có) và tại cơ quan quản lý TNKS cấp tỉnh theo các điều 17, 18 và 19 của Quy định này.

II. THỦ TỤC XIN KHAI THÁC

Điều 12. - Tổ chức, cá nhân Việt Nam theo điều 2 của Quy định này muốn được quyền khai thác mỏ phải gửi đến cơ quan được uỷ quyền thẩm định theo điều 9 của Quy định này:

1. Đơn xin khai thác mỏ (mẫu số 1).

2. Luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc đề án khai thác mỏ phù hợp với nội dung yêu cầu của điều 19 Pháp lệnh về TNKS.

3. Bản đồ khu vực khai thác mỏ (KVKTM)

4. Những văn bản chứng từ gốc hoặc sao kèm theo như: công văn đề nghị của cơ quan chủ quản (Bộ, UBND tỉnh) hoặc ý kiến của UBND tỉnh (nếu chủ đơn là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần hữu hạn); Quyết định phê chuẩn hoặc văn bản đánh giá báo cáo và trữ lượng khoáng sản; Hợp đồng liên doanh, Hợp đồng kinh tế; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Điều 13. - Doanh nghiệp đã có giấy phép đầu tư để khai thác do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cấp phải gửi đến Cục Quản lý TNKS Nhà nước:

- Bản sao giấy phép đầu tư và toàn bộ hồ sơ kèm theo giấy phép đầu tư

- Bản đồ khu vực khai thác mỏ

- Đơn xin khai thác mỏ (mẫu số 2)

Trường hợp luận chứng khả thi về đầu tư chưa làm rõ qui trình công nghệ, biện pháp bảo vệ môi trường và kế hoạch tiến độ khai thác thì phải có đề án bổ sung những nội dung đó.

Điều 14. - Bản đồ khu vực khai thác mỏ được lập 3 bộ như nhau (1 lưu tại cơ quan cấp giấy phép khai thác, 1 lưu tại cơ quan đăng ký KVKTM và 1 trả lại chủ đơn)

Bản đồ KVKTM là một bản đồ (bản sao) địa hình trên trình bày ranh giới KVKTM (dự kiến) là một hình nhiều cạnh thẳng, các vết lộ và ranh giới các khoáng thể, các công trình địa chất và công trình khai thác cũ (nếu có), hệ thống sông suối đường xá, hồ ao, công trình nhà cửa, hoa màu, rừng cây, đường ranh giới của KVKTM kể bên (nếu có) những công trình mỏ dự định xây dựng...

Bên phải tờ bản đồ ghi ý kiến của cơ quan cấp giấy phép khai thác, bên trái bản đồ trình bày hình chiếu bằng KVKTM theo tỷ lệ rút gọn có ghi toạ độ các điểm góc giới hạn, diện tích KVKTM (ha) và một vài mặt cắt điển hình để biểu thị chiều sâu khai thác.

Tỷ lệ bản đồ không nhỏ hơn 1:5.000. Khi diện tích KVKTM lớn hơn 100 ha thì có thể dùng bản đồ tỷ lệ nhỏ hơn nhưng không được dưới 1:25.000. Toạ độ của tờ bản đồ phải được xác định rõ ràng, chính xác và ghi rõ hệ thống toạ độ (mẫu số 3).

Điều 15. - Trong thời hạn 25 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ xin khai thác mỏ, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm hoàn thành việc thẩm định, kiểm tra thực địa, thu thập ý kiến của các cơ quan hữu trách và trình người có thẩm quyền quyết định.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ nếu đơn xin khai thác mỏ không được giải quyết thì cơ quan tiếp nhận đơn phải thông báo bằng văn bản cho chủ đơn nói rõ lý do đơn xin không được giải quyết.

Trường hợp cần phải bổ sung hồ sơ thì thời hạn trên có thể kéo dài tương ứng với thời gian cần thiết cho chủ đơn.

Đối với những khoáng sản thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Bộ trưởng thì thời hạn giải quyết tuỳ thuộc vào Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 16. - Chủ đơn xin khai thác phải đóng lệ phí nạp đơn, lệ phí cấp giấy phép khai thác hoặc gia hạn, hoặc chuyển nhượng giấy phép khai thác theo qui định riêng.

Điều 17. - Hồ sơ cho phép khai thác mỏ bao gồm:

1. Giấy phép khai thác mỏ hoặc quyết định giao KVKTM (mẫu số 4 và 5)

2. Bản đồ KVKTM đã có chữ ký của người có thẩm quyền và dấu của cơ quan tiếp nhận đơn, số và ngày đăng ký KVKTM.

Ngoài ra tại cơ quan tiếp nhận đơn phải lưu những tài liệu khác nói ở các điều 12 và 13.

Giấy phép khai thác mỏ hoặc Quyết định giao KVKTM phải được sao gửi đến UBND tỉnh (huyện), Bộ hoặc cơ quan quản lý Nhà nước ngành kinh tế - kỹ thuật tương ứng ở trung ương (nếu có).

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHU VỰC KHAI THÁC MỎ

Điều 18. - Đối với các mỏ khoáng sản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép khai thác hoặc Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng hoặc người của Bộ trưởng uỷ quyền cấp giấy phép khai thác được đồng thời đăng ký Nhà nước tại Cục QLTNKS Nhà nước trước khi Cục giao giấy phép cho chủ đơn.

Các khu vực khai thác mỏ thuộc điều này cũng phải được chủ giấy phép khai thác đăng ký tại cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh, đồng thời với việc đăng ký sản xuất kinh doanh theo qui định hiện hành tại các cơ quan thẩm quyền ở địa phương.

Điều 19. - Đối với các mỏ khoáng sản do Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ thì chủ đơn phải làm thủ tục đăng ký KVKTM tại Cục QLTNKS Nhà nước hoặc tại Chi cục khu vực thuộc Cục (nếu có).

Hồ sơ đăng ký Nhà nước KVKTM gồm:

1. Bản sao quyết định giao KVKTM hoặc giấy phép khai thác.

2. Bản đồ khu vực khai thác mỏ đã có dấu và chữ ký của người có thẩm quyền (điều 17), hai bộ.

Điều 20. - Trong thời hạn không quá 5 ngày cơ quan đăng ký phải hoàn tất mọi thủ tục đăng ký và cấp giấy xác nhận đã đăng ký cho chủ giấy phép khai thác (mẫu số 6), ký tên, đóng dấu vào bản đồ KVKTM (bộ trả lại cho chủ giấy phép khai thác).

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. - Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định, hướng dẫn trước đây của các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, UBND các cấp trái với quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 22. - Trong thời hạn tối đa là 90 ngày những khu vực hiện đang được khai thác nhưng chưa có giấy phép hoặc có giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; chưa đăng ký khu vực khai thác mỏ hoặc chưa có đầy đủ hồ sơ mỏ theo đúng quy định thì phải làm lại hoặc bổ sung thủ tục khai thác và đăng ký theo quy định này.

Hết thời hạn trên, các hoạt động khai thác mỏ không có giấy phép khai thác mỏ hoặc Quyết định giao khu vực khai thác mỏ theo quy định này đều là hoạt động trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Lum

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.