• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2014
BỘ Y TẾ
Số: 15/2014/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 15 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế

_________________

 

Căn cứ Luật số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 về Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

Căn cứ Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế.

Chương I

NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ, HÌNH THỨC, NỘI DUNG, QUY TRÌNH VÀ THỜI GIAN THÔNG TIN,

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG KIỂM DỊCH Y TẾ

Điều 1. Nguyên tắc thông tin, báo cáo

1. Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời và trung thực.

2. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và theo các mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Cơ quan thực hiện báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) bao gồm: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế.

2. Viện khu vực bao gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Điều 3. Chế độ, hình thức thông tin, báo cáo

1. Chế độ báo cáo:

a) Báo cáo định kỳ gồm: báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo sáu tháng, chín tháng và báo cáo năm;

b) Báo cáo đột xuất:

- Phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu (Tên bệnh theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Phát hiện sự kiện liên quan đến phóng xạ, hóa chất, sinh học và các yếu tố nguy cơ khác có khả năng gây tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng tại khu vực cửa khẩu (sau đây gọi tắt là sự kiện khẩn cấp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng).

c) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

2. Hình thức thông tin, báo cáo:

Báo cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng phần mềm báo cáo. Trường hợp báo cáo đột xuất có thể thực hiện thông qua fax, thư điện tử, điện thoại hoặc báo cáo trực tiếp sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản trong vòng 24 giờ.

Điều 4. Nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo

1. Báo cáo định kỳ:

a) Đối với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh:

- Báo cáo tuần: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo tháng: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo sáu tháng, báo cáo chín tháng: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo năm: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với Viện khu vực: Thực hiện việc báo cáo sáu tháng, báo cáo năm theo nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo đột xuất:

a) Báo cáo trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A phát hiện tại khu vực cửa khẩu: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo các sự kiện khẩn cấp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: nội dung và chỉ số theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Điều 5. Quy trình thông tin, báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách đồng thời gửi thông tin, báo cáo cho Sở Y tế.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh khi phát hiện trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu ngoài việc thực hiện thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách và Sở Y tế còn phải thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

2. Viện khu vực:

a) Đối với báo cáo định kỳ:

- Tiếp nhận, phân tích, phản hồi thông tin, báo cáo của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thuộc địa bàn phụ trách;

- Thực hiện báo cáo sáu tháng, báo cáo năm về Cục Y tế dự phòng;

b) Đối với báo cáo đột xuất: tiếp nhận, đánh giá, xác minh thông tin, báo cáo đột xuất từ tổ chức kiểm dịch y tế biên giới của các tỉnh thuộc địa bàn phụ trách và báo cáo về Cục Y tế dự phòng.

Điều 6. Thời gian thông tin, báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh có trách nhiệm thông tin, báo cáo theo thời gian sau:

a) Báo cáo tuần (số liệu được tính trong 7 ngày, từ 00h00 ngày thứ hai đến 24h00 ngày chủ nhật của tuần báo cáo): báo cáo trước 14h00 ngày thứ năm tuần kế tiếp;

b) Báo cáo tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng báo cáo): báo cáo trước ngày 15 của tháng kế tiếp;

c) Báo cáo sáu tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng 6): báo cáo trước ngày 15 tháng 7 của năm báo cáo;

d) Báo cáo chín tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng 9): báo cáo trước ngày 15 tháng 10 của năm báo cáo;

đ) Báo cáo năm (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của năm báo cáo): báo cáo trước ngày 15 tháng 01 của năm kế tiếp;

e) Báo cáo trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và các sự kiện khẩn cấp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng tại khu vực cửa khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

g) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: thời gian do cơ quan cấp trên yêu cầu.

2. Viện khu vực có trách nhiệm báo cáo theo thời gian sau:

a) Báo cáo sáu tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng 6): báo cáo trước ngày 20 tháng 7 của năm báo cáo;

b) Báo cáo năm (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của năm báo cáo): báo cáo trước ngày 20 tháng 01 của năm kế tiếp;

c) Báo cáo đột xuất: báo cáo trong vòng 24h sau khi nhận được thông tin từ tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh;

d) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: thời gian do cơ quan cấp trên yêu cầu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng

1. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

2. Tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

4. Phối hợp chia sẻ thông tin về hoạt động kiểm dịch y tế với các Bộ, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng và quốc tế theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của Viện khu vực

1. Hướng dẫn, giám sát, đánh giá việc thực hiện thông tin, báo cáo của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thuộc khu vực phụ trách.

2. Xác minh, tổng hợp, phân tích và đánh giá hoạt động của tổ chức kiểm dịch y tế tỉnh thuộc khu vực phụ trách.

3. Phối hợp và chia sẻ thông tin hoạt động kiểm dịch y tế giữa các Viện khu vực.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Y tế

Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo đúng quy định.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.