NGHỊ QUYẾT
Về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 – 2015
--------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP, ngày 02/02/2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại,
Xét Tờ trình số 38/TTr-UB ngày 10 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án về chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 38/BC-HĐND, ngày 07/7/2009 của Ban KTNS của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2015, với các nội dung cụ thể như sau:
- Mục tiêu chung:
Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, vốn và áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất trên cơ sở bảo vệ tốt môi trường nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường; góp phần phân công lại lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún của người nông dân, tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá với quy mô lớn, chất lượng cao,đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
- Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
Số lượng trang trại đạt tiêu chí là 1.930 trang trại, trong đó số trang trại áp dụng công nghệ mới vào sản xuất khoảng 30%.
- Giải quyết việc làm cho khoảng 8.685 lao động.
- Số chủ trang trại được đào tạo tập huấn: 1.200 người
- Cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại.
- Tổng giá trị sản lượng nông sản hàng hoá phấn đấu đạt 1.273.800 triệu đồng.
- Số trang trại được cấp giấy chứng nhận tối thiểu đạt 80% tổng số trang trại.
Một số giải pháp, chính sách phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2010 - 2015.
* Giải pháp:
- Công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế trang trại:
- Tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, để người dân mà đặc biệt là các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Các ngành liên quan có trách nhiệm tham mưu đầy đủ, kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế trang trại.
- Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân trong việc dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê đất, để tích tụ ruộng đất theo quy định của Pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư để phát triển kinh tế trang trại.
a. Xây dựng mô hình điển hình và tổ chức nhân rộng mô hình:
Hàng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố cần hỗ trợ kinh phí xây dựng từ 1 đến 2 mô hình trang trại điển hình phù hợp với loại hình trang trại địa phương; tổ chức giới thiệu, nhân rộng mô hình; tổ chức tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.
* Một số chính sách của tỉnh để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại:
a. Đối tượng áp dụng:
Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông, lâm, thuỷ sản hoặc sản xuất nông, lâm, thuỷ sản là chính trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk (gọi chung là hộ) đạt các tiêu chí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, ngày 23/6/2000 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại và Thông tư số 74/2003/TT-BNN, ngày 04/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi mục III của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, được công nhận kinh tế trang trại và được hưởng các chính sách của Trung ương đối với kinh tế trang trại.
b. Chính sách của tỉnh:
Để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển theo hướng hình thành các trang trại có quy mô lớn, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì ngoài các chính sách của Trung ương, chủ trang trại còn được hưởng các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế trang trại của tỉnh như sau:
b.1. Chính sách hỗ trợ đầu tư :
b.1.1. Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại:
Trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại phù hợp cho từng loại cây, con, các vùng nguyên liệu tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng đối với quy hoạch trang trại cấp tỉnh và không quá 200 triệu đồng đối với quy hoạch trang trại cấp huyện.
b.1.2. Hỗ trợ di dời:
Đối với những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ở các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột phải di dời ra khu vực trang trại tập trung được hỗ trợ:
- 50% tiền tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển đối với các trang trại di dời ra vùng trang trại chăn nuôi tập trung; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/trang trại.
- Đối với những tài sản không di dời được, Nhà nước hỗ trợ 50% theo giá quy định của UBND tỉnh phục vụ cho công tác đền bù tài sản, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất sau khi trừ đi phần thu hồi (nếu có) và giá nhà xây dựng mới; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/trang trại.
b.2. Chính sách đào tạo và sử dụng lao động:
- Đối tượng áp dụng: tất cả các chủ trang trại có giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
- Mức hỗ trợ: 70% kinh phí đào tạo; nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 1 triệu đồng/trang trại/năm khi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn.
- Chủ trang trại tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc được ngân sách tỉnh hỗ trợ nộp thay tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải trích nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với số lao động dân tộc thiểu số được được tuyển vào và ký hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên. Thời gian hỗ trợ nộp thay không quá 60 tháng đối với trường hợp ký hợp đồng theo hình thức không xác định thời hạn, không quá 36 tháng đối với trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, kể từ ngày người lao động chính thức làm việc.
b.3. Chính sách đất đai:
- Tiến hành rà soát quỹ đất của các trang trại, xác minh nguồn gốc đất tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
- Trang trại mới thành lập được miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động ở địa bàn thuộc các huyện và thị xã Buôn Hồ, ngoại trừ thành phố Buôn Ma Thuột; theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 14 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước của Chính phủ.
b.4. Chính sách thuế:
Trang trại có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản II, phần A Thông tư 134/2007/TT-BTC, ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP, ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. b.5. Chính sách khoa học và công nghệ: b.5.1. Đối tượng áp dụng:
- Có giấy chứng nhận kinh tế trang trại;
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới vào một số mô hình sản xuất phù hợp với quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theohướng sản xuất hàng hoá;
- Chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước và không thuộc đối tượng vay hỗ trợ lãi suất.
b.5.2. Mức hỗ trợ:
+ Đối với mô hình công nghệ cao: hỗ trợ tối đa 40% mức chi phí về giống và tối đa 20% chi phí vật tư chính và một phần chi phí chuyển giao công nghệ; mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/mô hình;
+ Đối với mô hình cơ giới hoá nông nghiệp, bảo quản chế biến sản phẩm và ngành nghề khác: hỗ trợ tối đa 50% trang thiết bị chính nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/mô hình.
Quy mô mô hình, mức hỗ trợ cho từng mô hình cụ thể do Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định, trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của từng mô hình và đơn giá vật tư của từng năm, đảm bảo phù hợp với tính chất của từng mô hình, nhưng không vượt quá tỷ lệ tối đa và tổng mức hỗ trợ quy định ở trên. Nguồn kinh phí được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến nông của Trung ương và địa phương.
b.6. Chính sách tín dụng:
b.6.1. Hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng:
b.6.1.1. Đối tượng áp dụng:
- Có giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
- Chưa được vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh.
- Trang trại trồng cây hàng năm: diện tích từ 10 ha trở lên, có áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất (giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt...).
- Trang trại trồng cây lâu năm:
- Trang trại cà phê: diện tích từ 10 ha trở lên, hiện đang áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như: Gap, 4C, bộ tiêu chuẩn UTZ ; ưu tiên các trang trại có đầu tư máy móc thiết bị sân phơi xi măng phục vụ sơ chế - bảo quản.
- Trang trại cao su: diện tích từ 30 ha trở lên, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Trang trại hồ tiêu: diện tích từ 03 ha trở lên
- Trang trại chăn nuôi:
+ Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò): có thường xuyên từ 100 con trở lên đối với chăn nuôi lấy thịt và 50 con trở lên đối với chăn nuôi sinh sản, tỷ lệ bò lai tối thiểu đạt 50% tổng đàn, có chuồng trại và điều kiện chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
+ Chăn nuôi gia súc (lợn): có thường xuyên từ 300 con trở lên đối với lợn thịt và 50 con trở lên đối với lợn sinh sản, có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và quy trình chăn nuôi theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Gia cầm: có thường xuyên từ 5.000 con trở lên đối với gia cầm thịt và 2.000 con đối với gia cầm lấy trứng, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và quy trình chăn nuôi theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trang trại nuôi trồng thủy sản: diện tích từ 5 ha trở lên, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: giống, quy trình sản xuất an toàn theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trang trại lâm nghiệp: có quy mô từ 50 ha trở lên, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: giống, quy trình sản xuất theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ưu tiên áp dụng cho các trang trại đầu tư trồng rừng phòng hộ,sản xuất loài cây lấy gỗ lâu năm có giá trị kinh tế, có tính bền vững môi trường.
- Trang trại sản xuất có tính chất đặc thù: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thủy sản: có đầu tư công nghệ cao trong các công đoạn về giống (kỹ thuật lai tạo giống mới, cấy mô,...) và giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân một năm đạt từ 300 triệu đồng trở lên.
b.6.1.2. Hỗ trợ lãi suất vay:
- Các nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất: chủ trang trại vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
- Điều kiện được hỗ trợ lãi suất vay: chủ trang trại có phương án sản xuất kinh doanh được các tổ chức tín dụng chấp thuận và hợp đồng vay có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.
- Mức hỗ trợ lãi suất tiền vay:
- Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ lãi suất cho các chủ trang trại ở phạm vi vay tối đa từ 500 triệu đồng trở xuống, mỗi trang trại chỉ được hỗ trợ lãi suất duy nhất một lần vay.
+ Thời gian hỗ trợ lãi suất: theo dự án của trang trại được phê duyệt nhưng tối đa không quá 36 tháng.
+ Mức hỗ trợ: 30% lãi suất tiền vay.
Phương thức hỗ trợ: trên cơ sở dự toán ngân sách tỉnh phân bổ từ đầu năm để phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ lãi suất tiền vay; theo kết quả 6 tháng một lần,Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức họp xét duyệt, trình UBND tỉnh quyết định mức chi hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho từng chủ trang trại.
b.6.2. Vay vốn ưu đãi:
Các trang trại đủ điều kiện theo quy định tại điểm b.5.1, thì được vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh tại Ngân hàng Phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày vay vốn, trừ các trang trại đã được vay vốn có hỗ trợ lãi suất.
Điều 2. Kinh phí thực hiện, trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế trang trại, hàng năm UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí trong dự toán Ngân sách của tỉnh.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Giao cho Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND và Đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2009./.