NGHỊ QUYẾT
Về phát triển cây ca cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2015
----------------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 2678/QĐ-BNN-KH ngày 14/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt đề án Phát triển cây ca cao đến 2015 và định hướng đến 2020;
Xét Tờ trình số 103/TTr - UBND ngày 02/11/2011 của UBND tỉnh về phát triển cây ca cao tỉnh Đăk Lăk đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra số 64/BC-HĐND ngày 13/12/2011 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành thông qua Nghị quyết về phát triển cây ca cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2015, với các nội dung cụ thể như sau:
I. Mục tiêu.
1. Mục tiêu chung:
Tận dụng tối đa các lợi thế để phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đúng quy hoạch, tăng cường trồng xen cây ca cao trong các vườn điều, cây ăn quả, vườn tạp, vườn cà phê thanh lý, chuyển đổi… , tạo ra vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu tập trung với quy mô lớn để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Mục tiêu cụ thể đến 2015:
Rà soát quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tiếp tục trồng mới và thực hiện đầu tư thâm canh trên diện tích ca cao hiện có, đảm bảo đạt 6.000 ha ca cao, trong đó có 2.000 ha thu hoạch, năng suất hạt ca cao khô (đã qua lên men) bình quân 15 tạ hạt/ha đạt sản lượng từ 2.800 - 3.000 tấn hạt ca cao khô đến năm 2015. Trong đó:
+ Diện tích ca cao trồng mới của các Công ty cà phê trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015 là: 2.150 ha, trồng tập trung trên các diện tích cà phê chuyển đổi.
+ Diện tích ca cao trồng mới trong các hộ dân, các tổ chức khác: 1.850 ha;
+ Tăng cường đầu tư thâm canh trên diện tích ca cao hiện có (2.008 ha).
- 100% sản phẩm hạt ca cao sản xuất ra đều được sơ chế lên men đạt chất lượng tốt.
- Năm 2015 tổng sản phẩm hạt ca cao xuất khẩu đạt 2.200-2.500 tấn/năm, chiếm 80% tổng sản lượng thu hoạch và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ ca cao đạt trên 5,5 triệu USD.
II. Giải pháp phát triển.
1. Quy hoạch vùng sản xuất:
Vùng sản xuất ca cao bao gồm các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện phù hợp với cây ca cao. Phát triển theo hướng trồng xen, trồng thuần với nhiều hình thức: Nông hộ, trang trại, các Công ty, hình thành vùng sản xuất tập trung ở những nơi có điều kiện, phát triển ca cao đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng trọng điểm:
Trên cơ sở quy hoạch, các vùng chuyên canh trọng điểm phải được xem như vùng phát triển ưu tiên có chế độ đầu tư hoặc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, tưới tiêu, bảo quản; hệ thống giao thông thuận tiện cho vận chuyển, thu mua, xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp được thực hiện kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2011-2020 nhằm huy động vốn để phát triển cơ sở hạ tầng.
3. Giải pháp kỹ thuật:
a) Giống ca cao.
- Công tác giống cây ca cao cần được chú trọng ngay từ đầu, các địa phương cần khuyến cáo người dân trồng bằng giống ghép, tuyệt đối không trồng bằng giống thực sinh, giống không rõ nguồn gốc. Sử dụng các dòng ca cao vô tính có chất lượng tốt đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận. Đối với những vườn cây trồng bằng hạt lai F1 hoặc các giống không rõ nguồn gốc trong các mô hình thử nghiệm trước đây không đạt yêu cầu thì được hướng dẫn tiến hành ghép cải tạo giống hoặc thanh lý trồng lại.
- Tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới song song với công tác điều tra, tuyển chọn giống từ các cây giống ca cao đã trồng và theo dõi, khảo nghiệm đánh giá chất lượng các giống ca cao có tiềm năng, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình thâm canh, chế biến ca cao trên địa bàn tỉnh.
- Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã trồng ca cao cần khuyến khích xây dựng các vườn nhân giống nhằm cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu giống trồng mới cho địa phương và cho các nơi khác có nhu cầu, diện tích vườn nhân giống phụ thuộc vào nhu cầu giống trồng hàng năm của từng địa phương hoặc có thể kết hợp tổ chức sản xuất giống ca cao nơi có vườn nhân giống các cây lâu năm khác.
b) Khoa học kỹ thuật.
- Chủ trương thực hiện thâm canh ngay từ đầu trong canh tác ca cao và lên men khi sơ chế, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt ca cao.
- Chú trọng cải tạo diện tích ca cao đã có kết hợp với áp dụng kỹ thuật thâm canh (chú ý đến những vùng trồng tập trung); đồng thời mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện sinh thái thích hợp với ca cao.
- Tăng cường đào tạo lao động, khuyến nông có chuyên môn kỹ thuật và quản lý, thông tin tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây ca cao, tăng vốn Nhà nước đầu tư cho các Chương trình Khuyến nông về ca cao.
Hoàn chỉnh các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cho cây ca cao theo từng vùng sinh thái, bao gồm cơ cấu giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Thực hiện thâm canh ngay từ đầu và hướng đến một ngành công nghiệp ca cao bền vững.
Áp dụng sản xuất theo hướng có trách nhiệm, tạo sản phẩm có chứng nhận, an toàn cho người tiêu dùng.
Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật lên, men sơ chế hạt sau thu hoạch cho các điểm thu mua, các câu lạc bộ sản xuất ca cao. Các cơ sở thu mua phải được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm ca cao.
4. Thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ:
Khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng và tổ chức mạng lưới thu mua, chế biến ca cao.
Khuyến khích việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giữa người trồng và người thu mua, ưu tiên cho các đơn vị có sự đầu tư gắn kết với vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán hoặc sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được.
Giá cả thu mua phải được công bố rộng rãi, kịp thời để người sản xuất yên tâm đầu tư, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng hạt.
Xác định vùng trọng điểm sản xuất ca cao để quy hoạch, xây dựng các cơ sở chế biến có thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Từng bước đầu tư sản xuất chế biến theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm từ ca cao.
Xúc tiến việc xây dựng, đăng ký và khai thác thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hoá cho sản phẩm ca cao của tỉnh.
Ngành Công thương phối hợp với các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xúc tiến thương mại, tăng cường tìm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm ca cao, chú trọng các thị trường có tiềm năng cao như: Châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, … , đồng thời khuyến khích đầu tư chế biến sâu các sản phẩm ca cao, tiêu thụ ca cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng và vận hành lồng ghép có hiệu quả hệ thống thông tin thị trường đến các vùng sản xuất, cơ sở kinh doanh và chế biến ca cao.
5. Công tác quản lý nhà nước:
Rà soát lại quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển trồng cây ca cao, mạng lưới thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm cây ca cao.
Tiếp tục xác nhận vườn cây đầu dòng, vườn nhân giống để đưa vào sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
6. Giải pháp về tổ chức sản xuất:
Khuyến khích tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình Kinh tế hợp tác, củng cố các Tổ kinh tế hợp tác, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã có sẵn, các Câu lạc bộ ca cao của dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ (SUCCESS Alliance ĐakLak). Đồng thời có chế độ hỗ trợ, khuyến khích thành lập Hợp tác xã hay Tổ hợp tác sản xuất, tạo điều kiện để các mô hình kinh tế hợp tác phát huy hiệu quả.
Tuyên truyền, vận động để nông dân tham gia xây dựng các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyên canh ca cao. Phát huy thế mạnh của kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm ca cao đầu tư vốn để phát triển các điểm thu mua, sơ chế ca cao trong vùng nguyên liệu và hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho người sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
III. Chính sách khuyến khích phát triển ca cao.
Để cây ca cao sớm trở thành một trong những cây trồng tiềm năng của nền kinh tế của tỉnh, có khả năng tham gia xuất khẩu, thì ngoài các chính sách của Trung ương còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh như sau:
1. Chính sách hỗ trợ:
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để hỗ trợ một phần cây giống và tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm phát triển trồng mới thêm 4.000 ha ca cao đến 2015, cụ thể như sau:
* Hỗ trợ 25 % chi phí mua cây giống ca cao ghép cho các doanh nghiệp (TW và địa phương đóng chân trên địa bàn) để trồng mới hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả sang trồng mới ca cao:
2.780 ha x 1.200 cây/ha x 6.000 đ/cây x 25% = 5 tỷ đồng
* Hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống ca cao ghép cho các hộ gia đình trồng mới hoặc chuyển đổi từ cây trồng khác không hiệu quả sang trồng ca cao:
1.220 ha x 1.200 cây x 6.000 đ/cây x 50% = 4 tỷ đồng
* Kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, sơ chế ca cao: 01 tỷ đồng.
2. Chính sách tín dụng:
- Hỗ trợ 30% lãi suất ngân hàng đối với hộ vay vốn để chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng ca cao, đầu tư thâm canh vườn ca cao ở những xã nghèo, khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 03 năm kể từ khi bắt đầu trồng mới
- Đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cây ca cao, xây dựng Nhà máy chế biến ca cao sẽ được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư của tỉnh sau khi có dự án đã được duyệt. Trường hợp không vay vốn được từ quỹ hỗ trợ đầu tư của tỉnh mà vay từ các tổ chức tín dụng khác thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% mức chênh lệch lãi suất so với lãi suất vay từ Quỹ hỗ trợ đầu tư của tỉnh, thời gian hỗ trợ chênh lệch lãi suất tối đa không quá 3 năm.
3. Chính sách khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ:
- Hàng năm bố trí tỷ lệ kinh phí hợp lý (tối thiểu 25% kinh phí khuyến nông hàng năm) cho công tác khuyến nông để đầu tư cho Chương trình khuyến nông cây ca cao, chủ yếu tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhanh, hiệu quả từ nhà nghiên cứu đến người sản xuất thông qua các nội dung: Xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình, thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng.
- Phối hợp các nguồn vốn của các dự án hợp tác quốc tế về khoa học và khuyến nông để nghiên cứu và hỗ trợ về giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây ca cao, mô hình sơ chế, lên men hạt ca cao.
- Đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ca cao cần dành một tỷ lệ vốn hợp lý cho công tác khuyến nông, khuyến công đối với người sản xuất trong vùng nguyên liệu, trực tiếp hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, thông báo tiêu chuẩn sản phẩm thu mua, phát tài liệu về cây ca cao, thông tin giá cả thị trường…
- Tuyên truyền, vận động để nông dân tham gia xây dựng các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyên canh ca cao. Phát huy thế mạnh của kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Điều 2. Căn cứ kế hoạch phát triển diện tích ca cao hàng năm, UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí trong tổng dự toán chi của ngân sách tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả tại các kỳ họp HĐND tỉnh;
Giao cho Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2011./.