NGHỊ QUYẾT
Về giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011-2015
------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;
Xét Tờ trình số 106/TTr-UBND ngày 02/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra số 53/BC-HĐND ngày 12/11/2011 của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành thông qua Nghị quyết về giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung như sau:
1. Mục tiêu của Chương trình:
a) Mục tiêu chung:
Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các huyện biên giới, huyện khó khăn và xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg).
- Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hoá, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện biên giới, huyện khó khăn và xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu: Giao thông, điện, nước sinh hoạt.
2. Các chính sách giảm nghèo:
a) Các chính sách giảm nghèo chung:
- Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh, học nghề, làm nhà ở... Ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo ở các, huyện khó khăn, huyện biên giới và xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
- Thực hiện chương trình quốc gia khuyến nông - lâm - ngư miễn phí đối với người nghèo; gắn khuyến nông - lâm - ngư với cung cấp tín dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người nghèo.
- Đẩy mạnh thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đào tạo lao động nghèo; gắn dạy nghề với tạo việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
- Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ để cấp sách giáo khoa và vở viết cho học sinh dân tộc thiểu số không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động, tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ cùng với nguồn cho vay vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở.
- Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí trực tiếp cho người nghèo bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, phối hợp xác minh, kiến nghị giải quyết vụ việc. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
b) Các chính sách giảm nghèo đặc thù:
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở các huyện biên giới, huyện khó khăn và các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Trong đó:
+ Mức đầu tư cơ sở hạ tầng đối với hai huyện biên giới (Ea Súp và Buôn Đôn): Đề nghị Ngân sách Trung ương đầu tư bằng 70% mức đầu tư cho huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ, bình quân 21.000 triệu đồng/huyện/năm.
+ Mức đầu tư cơ sở hạ tầng đối với ba huyện khó khăn (Lắk, M’Drắk và Krông Bông): Ngân sách tỉnh đầu tư bằng 50% mức đầu tư cho huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, bình quân 15.000 triệu đồng/huyện/năm.
- Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo để hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực ở các vùng đặc thù, khu kinh tế quốc phòng, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với địa phương và hộ nghèo để phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo.
c) Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá:
- Thực hiện đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực của cộng đồng và đội ngũ cán bộ nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách và giúp người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện đảm bảo các nguồn lực đến đúng đối tượng và có hiệu quả.
- Thực hiện bố trí một cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, với mức phụ cấp bằng một lần mức lương tối thiểu.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình:
a) Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 8.684.314 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đề nghị Trung ương hỗ trợ, bổ sung thêm là 8.306.464 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 374.060 triệu đồng, vốn huy động cộng đồng 3.790 triệu đồng. Cụ thể như sau:
- Kinh phí phân bổ trực tiếp cho chương trình (hỗ trợ cơ sở hạ tầng các huyện biên giới, huyện khó khăn, xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực, giám sát đánh giá): 607.900 triệu đồng, trong đó:
+ Đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 425.000 triệu đồng
* Đầu tư CSHT cho 2 huyện biên giới: 168.000 triệu đồng
* Đầu tư CSHT các xã, thôn, buôn ĐBKK: 235.000 triệu đồng
* Xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo: 16.000 triệu đồng
* Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá: 6.000 triệu đồng
+ Ngân sách địa phương: 182.900 triệu đồng
* Đầu tư CSHT cho 3 huyện khó khăn: 180.000 triệu đồng
* Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá: 2.900 triệu đồng
- Kinh phí phân theo ngành, lĩnh vực (y tế; giáo dục; khuyến nông - lâm - ngư; dạy nghề; nhà ở; trợ giúp pháp lý): 3.706.414 triệu đồng, trong đó:
+ Đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 3.651.464 triệu đồng
+ Ngân sách địa phương: 51.160 triệu đồng
+ Huy động cộng đồng: 3.790 triệu đồng
- Nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2015 là 4.370.000 triệu đồng, trong đó:
+ Cân đối từ Trung ương: 4.230.000 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn đề nghị bổ sung thêm là 2.180.000 triệu đồng);
+ Nguồn vốn từ Ngân sách địa phương (tỉnh và huyện): 140.000 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn đề nghị bổ sung thêm là 70.000 triệu đồng).
b) Tranh thủ tối đa và thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn được phân bổ theo ngành, lĩnh vực của các chương trình, chính sách và nguồn lực được huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2011./.