NGHỊ QUYẾT
Về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 -2020
và định hướng đến năm 2030
___________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị Quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định 342/QĐ –TTg ngày 20/2/2013 sửa đổi một số tiêu chí về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Xét Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 05/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh ĐắkLắk, giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 37/BC-HĐND ngày 02/7/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả kinh tế cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; trong đó, chú trọng các hình thức sản xuất mang tính hợp tác; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được chú trọng bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk chuyển dịch nhanh và bền vững cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
b) Mục tiêu cụ thể:
* Giai đoạn 2015-2020.
Đến năm 2020 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 đến 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Đến năm 2020, phấn đấu 60% số xã có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, cụ thể:
+ Giao thông nông thôn: Đường trục xã, liên xã nhựa hóa hoặc bê tông xi măng đạt tỷ lệ tối thiểu 70%; đường trục thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ tối thiểu 50%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ tối thiểu 40%; đường trục chính nội đồng đảm bảo cho các phương tiện cơ giới hoạt động, được cứng hóa đạt tỷ lệ 40%.
+ Thủy lợi: Đảm bảo tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đạt tỷ lệ 60%.
+ Điện: 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia, 100% số hộ nông thôn được sử dụng điện, ưu tiên đảm bảo điện cho sản xuất nông nghiệp.
+ Trường học: 95% thôn, buôn có điểm trường hoặc nhóm, lớp mẫu giáo và có 70% trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
+ Cơ sở vật chất văn hóa: 100% thôn, buôn có đất xây dựng nhà văn hóa và 70% số thôn, buôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.
+ Chợ nông thôn: 45% xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.
+ Bưu điện: 100% số xã có có hệ thống thông tin truyền thông và 80% thôn, buôn có điểm dịch vụ internet.
+ Nhà ở dân cư: Cơ bản xóa nhà tạm, dột nát và có 75% số hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.
- Kinh tế và tổ chức sản xuất:
+ Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2020 đạt 46 triệu đồng.
+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,5-3%/năm.
+ Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 95%.
+ 100% xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.
- Văn hóa - Xã hội và Môi trường:
+ Giáo dục: Giữ vững chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp: Mẫu giáo 5 tuổi là 98%, tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 86%, đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99%, trung học cơ sở 90%, trên 90% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông, bổ túc văn hóa hoặc học nghề; lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 45%.
+ Y tế: 100% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
+ Văn hóa: 75% thôn, buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa.
+ Môi trường: 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó có 45% sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN: 02/2009/BYT; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40,1%.
- Hệ thống tổ chức chính trị xã hội và an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn:
+ 100% số xã có đủ các tổ chức chính trị, xã hội, 70% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; 80% số xã có tổ chức chính trị và đoàn thể vững mạnh toàn diện; 90% cán bộ cấp xã đạt chuẩn.
+ An ninh trật tự xã hội được giữ vững, có trên 80% số xã đạt tiêu chí 19.
* Định hướng đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2030 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đạt tối thiểu từ 12 tiêu chí trở lên, cụ thể:
- Có 80% số xã có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Giao thông nông thôn: Đường trục xã, liên xã nhựa hóa hoặc bê tông xi măng đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ tối thiểu 75%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ tối thiểu 70%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt tỷ lệ 70%.
- Trường học: Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 85%.
- Chợ nông thôn: 100% số xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.
- Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 70% trở lên, trong đó đào tạo nghề đạt 60%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động còn 38%.
- Nâng thu nhập của người dân nông thôn gấp 3,5 lần so với thu nhập đầu người khu vực nông thôn của năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.
- Người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%.
- Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, 100% cán bộ cấp xã đạt chuẩn.
- An ninh, trật tự xã hội được giữ vững, phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí 19.
2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền vận động cho cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức; phát động phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Cả hệ thống chính trị phối hợp trong công tác thực hiện Đề án.
b) Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch tại các xã.
c) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; trong đó chú trọng cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hoá - xã hội trên địa bàn xã; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững.
d) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý theo hướng gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ - du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
e) Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và an sinh xã hội; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
f) Nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng.
g) Thực hiện đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý để triển khai thực hiện chương trình đạt được mục tiêu đề ra.
3. Kinh phí thực hiện
3.1. Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 29.589.000 triệu đồng, trong đó:
a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 12.560.000 triệu đồng, chiếm 42,4% tổng nhu cầu vốn, gồm:
- Vốn trực tiếp chương trình nông thôn mới: 2.240.000 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 10.320.000 triệu đồng.
b) Ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp chương trình xây dựng nông thôn mới: 757.000 triệu đồng, chiếm 2,6% tổng nhu cầu vốn.
c) Các nguồn vốn khác (Tín dụng, Doanh nghiệp, nhân dân đóng góp…): 16.272.000 triệu đồng, chiếm 55% tổng nhu cầu vốn.
3.2. Nội dung đầu tư:
a) Hạ tầng kinh tế - xã hội: 21.753.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 73,5%), trong đó ngân sách là 11.819.000 triệu đồng.
b) Hỗ trợ phát triển sản xuất: 7.651.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 25,8%), trong đó ngân sách 1.313.000 triệu đồng.
c) Xây dựng hệ thống chính trị: 185.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,7%), trong đó 100% vốn ngân sách.
3.3. Tiến độ đầu tư:
a) Giai đoạn 2015-2020: đầu tư 19.308.000 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 8.317.000 triệu đồng, gồm:
+ Vốn trực tiếp chương trình nông thôn mới: 1.489.000 triệu đồng.
+ Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 6.828.000 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp chương trình xây dựng nông thôn mới: 400.000 triệu đồng.
- Các nguồn vốn khác (Tín dụng, Doanh nghiệp, nhân dân đóng góp…): 10.591.000 triệu đồng.
b) Giai đoạn 2021-2030: đầu tư 10.281.000 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 4.243.000 triệu đồng, gồm:
+ Vốn trực tiếp chương trình nông thôn mới: 1.532.000 triệu đồng.
+ Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 2.711.000 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp chương trình xây dựng nông thôn mới: 357.000 triệu đồng.
- Các nguồn vốn khác (Tín dụng, Doanh nghiệp, nhân dân đóng góp…): 5.681.000 triệu đồng.
3.4. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư:
a) Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:
- Thực hiện phân bổ theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội khóa XIII và văn bản khác của Quốc hội, Quyết định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; trong đó ưu tiên bố trí cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các xã phấn đấu đạt chuẩn hàng năm và các xã đăng ký đạt từ 15-18 tiêu chí của giai đoạn 2015-2020.
- Mức bố trí cụ thể cho từng xã hàng năm do UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
b) Đối với nguồn vốn ngân sách:
- Căn cứ nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách, hàng năm bố trí tối thiểu 0,5% tổng chi ngân sách địa phương trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung phân bổ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2015-2020; trong đó ưu tiên cho các xã về đích trong năm, các xã điểm của tỉnh, huyện có khả năng huy động được nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện chương trình.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp;
Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2015./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính; Bộ KHĐT; Bộ NN&PTNT;
- Cục KTVB – Bộ Tư pháp;
- Ban Công tác đại biểu;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Văn phòng ĐĐBQH-HĐND tỉnh;
- Sở KHĐT; Sở Tài chính;
Sở NN-PTNT; Sở Tư pháp;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh, Website tỉnh;
- Lưu: VT, Ct.HĐND.
|
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Niê Thuật
|