• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 06/09/2007
CHÍNH PHỦ
Số: 58/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 31 tháng 5 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về việc trả lương và giải quyết các quyền lợi khác cho
người lao động tham gia đình công trong thời gian đình công

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11 tháng 4 năm 1996;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Việc trả lương và giải quyết các quyền lợi khác cho người lao động tham gia đình công trong những ngày đình công phải căn cứ vào quyết định của Toà án về cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp và lỗi của mỗi bên trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động.

Điều 2. Khi Toà án quyết định cuộc đình công là hợp pháp theo điểm a, khoản 1, Điều 102 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động thì tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động tham gia đình công được giải quyết như sau:

1. Trong trường hợp người sử dụng lao động có lỗi thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương theo mức lương tháng trước liền kề và được tính tương ứng với các hình thức trả lương thời gian.

Người sử dụng lao động phải giải quyết những quyền lợi khác cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và phải thực hiện các yêu cầu chính đáng mà tập thể lao động đã nêu trong bản yêu cầu.

2. Trong trường hợp người sử dụng lao động không có lỗi khi đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động và thoả ước lao động tập thể, nhưng tập thể lao động đưa ra các yêu cầu về những quyền lợi chưa được pháp luật hoặc thoả ước lao động tập thể quy định, thì tiền lương trong những ngày đình công của người lao động tham gia đình công do Ban chấp hành công đoàn cơ sở thương lượng, thoả thuận với người sử dụng lao động.

Các quyền lợi khác của người lao động trong thời gian đình công được người sử dụng lao động giải quyết theo quy định của pháp luật lao động.

Điều 3. Khi Toà án quyết định cuộc đình công và bất hợp pháp và buộc tập thể lao động phải ngừng đình công theo điểm b, khoản 1, Điều 102 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động thì tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động được giải quyết như sau:

1. Trong trường hợp người sử dụng lao động có lỗi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động:

a. Cuộc đình công vi phạm một trong các điều kiện quy định tại các điểm c, d, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công được người sử dụng lao động trả 70% tiền lương theo mức lương tháng trước liền kề và được tính tương ứng với các hình thức trả lương thời gian.

b. Cuộc đình công vi phạm một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, đ, e, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công được người sử đụng lao động trả 50% tiền lương theo mức lương tháng trước liền kề và được tính tương ứng với các hình thức trả lương thời gian.

Thời gian lao động tham gia đình công trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều này vẫn được sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động.

2. Trong trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đều có lỗi hoặc không có lỗi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, cuộc đình công vi phạm một trong các điều kiện quy định tại các điểm c, d, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì tiền lương của người lao động tham gia đình công trong những ngày đình công do Ban chấp hành công đoàn cơ sở thương lượng, thoả thuận với người sử dụng lao động.

Thời gian người lao động tham gia đình công vẫn được người sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các bên có lỗi phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa lỗi theo quyết định của Toà án.

3. Trong trường hợp người sử dụng lao động không có lỗi, cuộc đình công vi phạm một trong các điều kiện quy định tại các điểm c, d, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động và người lao động có lỗi trong việc thực hiện pháp luật lao động thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công không được trả lương.

Thời gian người lao động tham gia đình công vẫn được người sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động.

4. Trong trường hợp người sử dụng lao động không có lỗi, cuộc đình công vi phạm một trong các điều kiện quy định tại các điểm a, b, đ, e, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công không được trả lương, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Thời gian người lao động tham gia đình công không được người sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật lao động.

5. Trong trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đều có lỗi trong việc thực hiện pháp luật lao động:

a. Cuộc đình công vi phạm điều kiện quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì trong những ngày nghỉ việc vì đình công, người lao động tham gia đình công không được trả lương.

Thời gian người lao động tham gia đình công không được người sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật lao động.

b. Cuộc đình công vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hoãn hoặc ngừng đình công quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì những ngày nghỉ việc vì đình công, kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, người lao động tham gia đình công không được trả lương. Thời gian này không được người sử dụng lao động tính để hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật lao động.

Tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động tham gia đình công trong những ngày nghỉ việc vì đình công trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ngừng đình công, được giải quyết theo kết luận của Toà án về tính hợp pháp của cuộc đình công.

Điều 4. Trong trường hợp cuộc đình công vi phạm điều kiện quy định tại các điểm đ, e, khoản 1, Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, thì người lao động tham gia đình công bị xử phạt theo khoản 5, Điều 12, Nghị định 38/CP ngày 25 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Điều 5. Quyết định của Toà án về việc giải quyết tiền lương và các quyền lợi khác cho người lao động tham gia đình công trơng thời gian đình công được thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 7. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.