THÔNG TƯ
SỐ 22/KTĐN-PC NGÀY 25-10-2989
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 199/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Cơ quan Đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bộ Kinh tế đối ngoại hướng dẫn cụ thể về một số điểm trong Quy chế để thi hành thống nhất như sau:
1. Tất cả các tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Bên nước ngoài) có quan hệ với các tổ chức kinh tế, thương mại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá, sản xuất, đầu tư, ngân hàng, tài chính, giao thông vận tải, hợp tác khoa học kỹ thuật, du lịch và dịch vụ có chương trình hoạt động phù hợp với điều 1 Quy chế, muốn được phép đặt Cơ quan đại diện thường trú tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định trong Quy chế và Thông tư hướng dẫn này.
2. Bên nước ngoài xin cấp giấy phép đặt Cơ quan Đại diện tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải làm đơn theo mẫu thống nhất của Bộ Kinh tế đối ngoại do Phòng Thương mại và Công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hành và phải thực hiện đúng các quy định tại điều 4, điều 5 Quy chế. Đơn xin đặt đại diện có thể được gửi trực tiếp đến Bộ kinh tế đối ngoại hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển đến Bộ kinh tế đối ngoại để xét cấp giấy phép.
3. Bên nước ngoài có thể đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết, lập đơn và/hoặc hoàn chỉnh hồ sơ xin đặt Cơ quan đại diện tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Kinh tế đối ngoại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xét và cấp giấy phép cho Bên nước ngoài đặt Cơ quan đại diện tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ Kinh tế đối ngoại sẽ tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan (Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) về từng lĩnh vực trước khi quyết định cấp giấy phép cho Bên nước ngoài.
5. Bộ Kinh tế đối ngoại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam sẽ thông báo cho Bên nước ngoài về kết quả của việc xin đặt đại diện và chuyển giấy phép của Bộ Kinh tế đối ngoại cho Bên nước ngoài trong trường hợp Bên nước ngoài gửi đơn thẳng đến Bộ Kinh tế đối ngoại, hoặc uỷ nhiệm cho Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam làm việc này, nếu Bên nước ngoài gửi đơn thông qua Phòng Thương mại và công nghiệp.
6. Bên nước ngoài, khi nhận giấy phép đặt Cơ quan đại diện do Bộ Kinh tế đối ngoại cấp, phải nộp một khoản phí theo biểu phí quy định.
Khoản phí này là lệ phí chính thức mà Bộ Kinh tế đối ngoại thu về việc cho phép Bên nước ngoài đặt đại diện, không bao gồm các chi phí có liên quan đến việc hướng dẫn, giúp đỡ theo yêu cầu của Bên nước ngoài trong việc lập đơn và hoặc hoàn chỉnh hồ sơ xin đặt Cơ quan đại diện tại Việt Nam nói ở điểm 3 Thông tư này.
7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép đặt Cơ quan đại diện, Bên nước ngoài phải đăng ký với Bộ Kinh tế đối ngoại việc đặt Cơ quan đại diện. Bên nước ngoài cũng có thể trực tiếp đăng ký với Bộ Kinh tế đối ngoại ngay khi nhận giấy phép, hoặc có thể thông qua Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để đăng ký với Bộ Kinh tế đối ngoại. Quá thời hạn nói trên, Bên nước ngoài phải thông báo cho Bộ Kinh tế đối ngoại biết lý do chưa đăng ký.
8. Giấy phép đặt Cơ quan đại diện do Bộ Kinh tế đối ngoại cấp cho Bên nước ngoài có quy định rõ mục đích, phạm vi và điều kiện hoạt động của Cơ quan đại diện. Cơ quan đại diện chỉ được thực hiện những nhiệm vụ theo mục đích và trong phạm vi đã được quy định tại giấy phép.
Mọi trường hợp Cơ quan đại diện vi phạm các quy định tại giấy phép đều bị xử lý theo điểm c, điều 4 của Quy chế.
9. Công dân Việt Nam do Bên nước ngoài thuê làm việc tại Cơ quan đại diện theo điều 11 Quy chế, nếu làm chức năng đại diện phải được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu nơi đặt cơ quan đại diện duyệt y. Những công dân không làm chức năng đại diện không được phép giao dịch với tư cách là đại diện. Mọi trường hợp vi phạm quy định này, Bộ Kinh tế đối ngoại sẽ xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo pháp luật hiện hành.
10. Ngoài quy định của điều 14 thuộc Quy chế, hàng năm Cơ quan đại diện phải báo cáo bằng văn bản với Bộ Kinh tế đối ngoại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các vấn đề có liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của mình.
11. Các cơ quan đại diện đã được phép thành lập trước khi ban hành Quy chế kèm theo Nghị định số 199-HĐBT ngày 28-12-1988 đều phải làm lại thủ tục theo Thông tư này.
Sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ban hành Thông tư này, nếu các Cơ quan nói trên không làm lại thủ tục, Bộ Kinh tế đối ngoại sẽ quyết định ngừng hoạt động của các Cơ quan đại diện đó tại Việt Nam cho đến khi hoàn thành thủ tục.