Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành "Quy chế công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại,

 tố cáo của Thủ trưởng cơ quan y tế"

___________________

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 11/12/1998;

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990;

Căn cứ Nghị đinh số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra;

Căn cứ Điều lệ Thanh tra Nhà nước về Y tế được ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/1/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan Y tế ".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ

(Đã ký)


Đỗ Nguyên Phương

 

 

 QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

 CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2442/2001/QĐ-BYT ngày 25 / 6 /2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế công tác kiểm tra, thanh tra, xét gíải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan Y tế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thủ trưởng cơ quan Y tế có trách nhiệm tổ chức và thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) theo thẩm quyền trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình; thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra của tổ chức thanh tra, đoàn thanh tra, thanh tra viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan mình hoạt động, xem xét, giải quyết kịp thời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra Nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quy chế này quy định công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch định kỳ, đột xuất của Thủ trưởng cơ quan Y tế đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan. Các trường hợp thanh tra giải quyết vụ việc, Thủ trưởng cơ quan Y tế phải thành lập Đoàn thanh tra và thực hiện theo "Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra” theo Quyết định số 1776/TTNN ngày 21/12/1996 của Tổng Thanh tra Nhà nước.

Điều 3.

1. Cơ quan Y tế nêu trong Quy chế này là các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

2. Cán bộ thanh tra của Thủ trưởng cơ quan Y tế nêu trong Quy chế này là cán bộ giúp Thủ trưởng cơ quan Y tế tổ chức thực hiện chế độ giám sát kiểm tra, thanh tra theo chế độ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Y tế nói tại Điều 1 của Quy chế này.

Chương II

CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN Y TẾ

Điều 4. Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra:

1. Tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan Y tế có trách nhiệm tự kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, chức trách công vụ, kế hoạch được giao và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Thủ trưởng cơ quan, các cấp quản lý y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trưởng Phòng, Ban, Khoa, Bộ môn, Phân xưởng... của cơ quan (dưới đây gọi tắt là Trưởng đơn vị) kiểm tra (thường xuyên, định kỳ, đột xuất) về thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, nhân viên thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.

3. Thủ trưởng cơ quan Y tế có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 5. Nội dung kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

1.Việc chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động y tế.

2. Việc tổ chức thực hiện chức năng và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách công vụ của cán bộ, công chức, nhân viên ngành y tế về quản lý các nguồn lực, về các quy trình, quy chế chuyên môn.

3. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được giao (theo năm, quý, tháng) của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan.

4. Việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị; Thực hiện công tác tiếp công dân, công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

5. Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận, quy định về công tác kiểm tra, thanh tra, khắc phục những yếu kém, sai phạm đã được phát hiện trong kỳ kiểm tra, thanh tra trước.

Điều 6. Trình tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Thủ trưởng cơ quan Y tế trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo:

1. Các Trưởng đơn vị của cơ quan và cán bộ Thanh tra của Thủ trưởng giúp Thủ trưởng cơ quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra từ đầu năm và thông báo đến các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, nhân viên của cơ quan.

2. Hướng dẫn các đơn vị và cán bộ, công chức, nhân viên chủ động thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra theo chức năng, chức trách nhiệm vụ được giao.

3. Tiến hành kiểm tra, thanh tra, phúc tra:

- Đối tượng kiểm tra, thanh tra phải báo cáo kết quả tự kiểm tra đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch được giao và kế hoạch kiểm tra, thanh tra của cấp trên đối với bản thân, đơn vị; nêu cụ thể những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân chưa làm được, biện pháp và thời gian khắc phục những khuyết điểm, sai phạm.

- Thủ trưởng cơ quan Y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra các Trưởng đơn vị và cán bộ, công chức, nhân viên những nội dung kiểm tra, thanh tra (nêu tại Điều 5) theo kế hoạch kiểm tra, thanh tra của cơ quan đã hướng dẫn đầu năm, đánh giá ưu khuyết điểm, nguyên nhân yếu kém, sai phạm, những vấn đề cần khắc phục, nêu rõ biện pháp và thời gian khắc phục.

- Báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý và Thanh tra Bộ Y tế. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan để làm các thủ tục chuyển hồ sơ sang cơ quan bảo vệ pháp luật có thẩm quyền. Theo dõi và đôn đốc thực hiện các quyết định, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Lưu và quản lý hồ sơ kiểm tra, thanh tra, phúc tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương III

CÁN BỘ THANH TRA CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN Y TẾ

Điều 7. Cán bộ Thanh tra của Thủ trưởng (dưới đây gọi tắt là Thanh tra của Thủ trưởng) là cán bộ, công chức trong biên chế của cơ quan Y tế được Thủ trưởng cơ quan quyết định giao nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác thanh tra của Thủ trưởng, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan về công tác thanh tra và chịu sự quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Y tế.

Điều 8.

1. Cán bộ Thanh tra của Thủ trưởng phải là người trung thực, thẳng thắn, liêm khiết; có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiểu biết công tác quản lý; được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra.

2. Cán bộ Thanh tra của Thủ trưởng phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và đơn vị trong cơ quan; chức trách của cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan, đơn vị; nhiệm vụ công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành, của cơ quan; nhiệm vụ kế hoạch và tình hình triển khai, tổ chức thực hiện hàng quý, năm của cơ quan, đơn vị.

Điều 9. Thanh tra của Thủ trưởng có chức trách, nhiệm vụ:

1. Chức trách:

Giúp Thủ trưởng cơ quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan.

Khi Thủ trưởng cơ quan ủy quyền, được tổ chức kiểm tra các đơn vị và cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ:

2.1. Xây dựng kế hoạch (năm, quý, tháng) công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trình Thủ trưởng cơ quan phê duyệt và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đó. Kế hoạch kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nêu rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phương pháp và thời gian.

2.2. Tổ chức triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và những công việc khác liên quan đến hoạt động thanh tra theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan. Thông báo nội dung kế hoạch từ đầu năm cho các đơn vị và cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan; Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý và công tác tự kiểm tra của mình; hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra, thanh tra, cách xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, cách giải quyết các công việc khác có liên quan đến công tác thanh tra do Thủ trưởng cơ quan giao tại các đơn vị cơ sở của cơ quan.

2.3. Đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị trong cơ quan. Khi được Thủ trưởng cơ quan uỷ quyền, tổ chức Đoàn kiểm tra, phúc tra việc thực hiện kế hoạch đó. Đôn đốc thực hiện các quyết định sau kiểm tra, thanh tra của Thủ trưởng cơ quan.

2.4. Giúp Thủ trưởng cơ quan tổ chức, chỉ đạo việc tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến cán bộ, công chức, nhân viên và chức năng nhiệm vụ của đơn vị, cơ quan theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế.

a. Đề xuất xây dựng tổ chức, cơ sở tiếp công dân của cơ quan. Xây dựng và đôn đốc thực hiện lịch tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan và các Trưởng đơn vị thuộc cơ quan. Tổ chức thường trực tiếp công dân của cơ quan; vào sổ tiếp công dân; đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết ý kiến của công dân sau các kỳ tiếp công dân. Báo cáo kết quả tiếp công dân với Thủ trưởng cơ quan và Thanh tra Bộ Y tế.

b. Tiếp nhận và đề xuất việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ, công chức, nhân viên và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế.

2.5. Tổng hợp và chuẩn bị báo cáo về hoạt động công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ quan trình Thủ trưởng cơ quan để báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và với Thanh tra Bộ Y tế theo quy định.

Điều 10. Thanh tra của Thủ trưởng có quyền hạn:

1. Đề xuất kế hoạch kiểm tra, thanh tra các hoạt động của cơ quan.

2. Đề xuất và tham gia các cuộc họp bàn về việc xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xét khen thưởng, kỷ luật của cơ quan; về việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của cấp trên trong cơ quan.

3. Tham gia các đoàn kiểm tra của cơ quan, đơn vị; tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế khi được yêu cầu.

4. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định của tổ chức thanh tra, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên đối với cơ quan, đơn vị mình; việc xét đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thủ trưởng cơ quan giao.

5. Kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan hình thức xử lý các tổ chức cá nhân thuộc cơ quan có hành vi vi phạm pháp luật và những biện pháp tăng cường công tác quản lý của Thủ trưởng cơ quan.

Điều 11. Mối quan hệ của Thanh tra của Thủ trưởng:

1. Với Thủ trưởng cơ quan:

Thanh tra của Thủ trưởng cơ quan chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan về công tác kiểm tra, thanh tra, về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong cơ quan; được đề xuất ý kiến của mình, chấp hành quyết định của Thủ trưởng.

2. Với các Trưởng đơn vị của cơ quan:

2.1. Cùng phối hợp nắm thông tin để phát hiện các mặt tích cực, các biểu hiện tiêu cực trong các mặt hoạt động của cơ quan, cùng đề xuất với Thủ trưởng cơ quan các biện pháp quản lý nhằm phòng tránh các hiện tượng tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan.

2.2. Đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra và việc chấp hành các kiến nghị, quyết định của các Trưởng cơ quan và các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong đơn vị.

2.3. Kiểm tra, thanh tra các vụ việc (theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan).

3. Với Ban Thanh tra Nhân dân:

3.1. Phối hợp trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, các quy định của Bộ trưởng, chế độ, nội quy của cơ quan đối với các tổ chức cá nhân trong cơ quan, đơn vị; giám sát việc xét giải quyết khiếu nại tố cáo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan có biện pháp kiểm tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật và khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích, xử lý các vi phạm pháp luật, khắc phục khuyết điểm trong quản lý.

3.2. Phối hợp thực hiện thanh tra vụ việc theo quyết định của Thủ trưởng; giám sát các tổ chức, cá nhân trong cơ quan thực hiện các kiến nghị, quyết định về thanh tra.

3.3. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan đề nghị Thanh tra Bộ Y tế hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra Nhân dân của cơ quan mình.

4. Với các Đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Nữ công):

4.1. Cùng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động quản lý của cơ quan.

4.2. Phối hợp thực hiện kế hoạch thường xuyên giáo dục pháp luật, tăng cường công tác quản lý của đoàn thể và cơ quan để mọi cán bộ, công chức, nhân viên thực hiện tốt chức trách công tác và làm việc có nền nếp kỷ cương.

5. Với Thanh tra Bộ Y tế :

5.1. Chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế.

5.2. Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế.

5.3. Tham dự các hội nghị giao ban, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ do Thanh tra Bộ Y tế tổ chức.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Chánh Thanh tra Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này.

Điều 13. Các Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này; Thủ trưởng cơ quan xét khen thưởng các cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế và có hình thức xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với những cá nhân không chấp hành các quy định của Quy chế này.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện, Quy chế này sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung khi có những vấn đề không phù hợp thực tế hoặc có những quy định mới của pháp luật.