Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do Cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

___________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC

(Đã ký)

 

Bành Tiến Long

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN VĂN BẰNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM DO CƠ SỞ GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

____________________________

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

2. Văn bản này được áp dụng đối với bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ (sau đây gọi chung là văn bằng), do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

3. Văn bản này không áp dụng đối với các loại chứng chỉ, giấy chứng nhận kết quả học tập do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam sau khi hoàn thành một phần trong chương trình đào tạo hay kết thúc một khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng ngắn hạn.

Điều 2. Cơ sở giáo dục nước ngoài

Cơ sở giáo dục nước ngoài quy định tại văn bản này bao gồm:

1. Các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Các cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

Điều 3. Công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

1. Văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp  được công nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;

b) Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;

c) Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

2. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

3. Văn bằng thuộc trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này được công nhận theo những quy định của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng theo quy định của văn bản này.

Điều 4. Thẩm quyền công nhận văn bằng

1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông.

2. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, công nhận các văn bằng sau đây: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

Chương II:

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN VĂN BẰNG

Điều 5. Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng

1. Đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông:

a) Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật của người có văn bằng hoặc người được ủy quyền, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hai (02) bộ hồ sơ quy định tại Điều 6 của văn bản này tới sở giáo dục và đào tạo; 

b) Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sở giáo dục và đào tạo cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ (Mẫu 2 kèm theo), nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ. Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị (Mẫu 3 kèm theo). Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản cho đương sự.

2. Đối với bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ:

a) Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người có văn bằng, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hai (02) bộ hồ sơ quy định tại Điều 6 của văn bản này tới Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); 

b) Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ (Mẫu 2 kèm theo), nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ. Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị (Mẫu 4 kèm theo). Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản cho đương sự.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng

1. Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (Mẫu 1 kèm theo);

b) Một (01) bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

c) Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

3. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; Luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào Thư viện quốc gia Việt Nam (đối với người có bằng tiến sĩ); bản sao hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; văn bản công nhận chương trình giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nơi cấp văn bằng đã được kiểm định chất lượng.

Điều 7. Văn bằng sau khi được công nhận

1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

2. Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng văn bằng, chứng chỉ

1. Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo các Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

a) Tổ chức thực hiện công nhận văn bằng giáo dục của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo quy định tại văn bản này;

b) Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các cơ sở giáo dục nước ngoài đã được cơ quan kiểm định giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng.

3. Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Vụ Đại học và Sau đại học, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trong quá trình xem xét công nhận văn bằng giáo dục của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.  

4. Hội đồng văn bằng, chứng chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng và thực hiện các quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Điều 9. Các sở giáo dục và đào tạo

Các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo quy định.

Định kỳ hàng năm báo cáo việc thực hiện công nhận văn bằng về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trước ngày 25 tháng 12.

Chương IV:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại; việc tố cáo, giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc công nhận văn bằng được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 11. Xử lý vi phạm

Cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của văn bản này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng thường trực

(Đã ký)

 

Bành Tiến Long