THÔNG TƯ
Quy định một số nội dung quản lý hoạt động tổ chức thi đấu
đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống
____________________
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 10 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao,
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định một số nội dung quản lý hoạt động tổ chức thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định một số nội dung quản lý hoạt động tổ chức thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống tại Việt Nam.
Điều 3. Điều kiện chung về địa điểm thi đấu
1. Địa điểm tổ chức thi đấu được thực hiện theo quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7 và 8 của Thông tư này.
2. Có khu vực lắp ráp, sửa chữa thuyền, khu vực khởi động trên cạn, khu vực vệ sinh, thay đồ, để xe.
3. Có sơ đồ và chỉ dẫn chi tiết về quy tắc giao thông trên đường đua, khu vực khởi động, thả lỏng theo quy định của luật thi đấu.
4. Có cầu hoặc bến lên, xuống thuyền kèm theo biển chỉ dẫn.
5. Khu vực neo đậu xuồng máy chuyên dụng và xuồng cứu hộ chuyên dụng được bố trí cách xa khu vực bến lên xuống thuyền của vận động viên ít nhất 20m.
6. Có hàng rào bảo vệ trên cạn tại khu vực trước vạch đích 200m, sau vạch đích 50m.
7. Hàng rào ngăn cách đường đua và khán giả được đặt cách mép nước ít nhất là 02m.
8. Điều kiện mặt nước: Khu vực thi đấu có mặt nước phẳng với điều kiện dòng chảy không lớn hơn 0,2m/giây.
9. Đối với những giải thi đấu tổ chức trên sông, trên biển phải có phao báo hiệu an toàn cách khu vực thi đấu ít nhất 150m; đường kính của mỗi quả phao không nhỏ hơn 45cm, phao có màu vàng hoặc màu đỏ.
10. Đối với các giải thi đấu thể thao thành tích cao, ranh giới giữa các làn đua trên đường đua phải được ngăn cách bởi hàng phao nổi thẳng hàng trên suốt làn đua. Quả phao có mầu vàng và đỏ được cấu tạo bằng vật liệu mềm, đàn hồi; đường kính của mỗi quả phao là 15cm, khoảng cách giữa các quả phao theo quy định của luật thi đấu.
11. Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Điều kiện về đường đua thuyền Rowing
1. Đường đua thuyền Rowing có chiều dài 2.150m thẳng theo một hướng, chiều rộng không nhỏ hơn 108m.
2. Độ sâu tối thiểu của khu vực thi đấu không nhỏ hơn 3,0m.
3. Kết cấu và cách lắp đặt trang thiết bị trên đường đua theo quy định cụ thể của Liên đoàn Rowing quốc tế (FISA).
Điều 5. Điều kiện về đường đua Canoe và Thuyền truyền thống
1. Đường đua với các cự ly thi đấu 1000m, 500m và 200m:
a) Chiều dài của đường đua là 1.200m thẳng theo một hướng, chiều rộng không nhỏ hơn 81m.
b) Độ sâu của khu vực thi đấu không nhỏ hơn 2,0m.
c) Kết cấu và cách lắp đặt các trang thiết bị trên đường đua theo quy định cụ thể của Liên đoàn Canoe quốc tế (ICF).
2. Đường đua cho các cự ly thi đấu lớn hơn 1000m:
a) Chiều dài, độ sâu của khu vực thi đấu, kết cấu và cách lắp đặt trang thiết bị trên đường đua được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 điều này.
b) Phải bố trí các điểm quay đầu: Bán kính của mỗi điểm quay đầu không nhỏ hơn 31,5m, chiều rộng của khu vực quay đầu không nhỏ hơn 63m; mỗi điểm quay đầu được đánh dấu bằng 06 lá cờ hiệu theo quy định của Liên đoàn Canoe quốc tế (ICF).
c) Vạch xuất phát đồng thời là vạch đích.
3. Đối với các giải thi đấu thể thao quần chúng: số làn đua, độ dài của đường đua thực hiện theo quy định của Điều lệ giải.
Điều 6. Điều kiện về trang thiết bị
1. Có ít nhất 04 chiếc xuồng máy chuyên dụng phục vụ Trọng tài, Ban tổ chức điều hành giải.
2. Có thiết bị liên lạc cho các thành viên tổ chức và điều hành giải đấu.
3. Có ít nhất 03 máy quay để ghi hình đích, dóng hàng xuất phát và diễn biến trên đường đua;
4. Các trang thiết bị điều hành khác theo quy định của luật thi đấu.
Điều 7. Điều kiện y tế, an toàn
1. Vận động viên tham dự thi đấu phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe thi đấu thể thao của cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép và có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe trong thời hạn 60 ngày tính đến ngày khai mạc giải.
2. Có ít nhất 01 xe cứu thương, 01 bác sỹ và 03 y tá; có đủ cơ số thuốc và dụng cụ để sơ cứu ban đầu.
3. Có ít nhất 02 xuồng cứu hộ chuyên dụng, mỗi xuồng có ít nhất 05 phao cứu sinh và 02 nhân viên cứu hộ (không kể người lái xuồng).
4. Thành viên Ban tổ chức, trọng tài, nhân viên phục vụ cuộc thi đấu khi xuống nước phải mặc áo phao cứu sinh.
5. Nhân viên lái xuồng máy phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa. Nhân viên cứu hộ phải có chứng nhận cứu hộ do Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam hoặc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
6. Đối với các giải thi đấu thể thao quần chúng: vận động viên xuống thuyền thi đấu phải mặc áo phao cứu sinh.
7. Nghiêm cấm tổ chức thi đấu trong điều kiện thời tiết bất lợi, không đảm bảo an toàn đối với tính mạng, sức khỏe của các thành viên tham gia thi đấu và điều hành giải đấu.
Điều 8. Điều kiện về trọng tài
1. Trọng tài điều hành các giải thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống trong hệ thống giải thể thao thành tích cao phải được Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam công nhận.
2. Đối với các giải thi đấu do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, trọng tài điều hành giải phải được Liên đoàn Đua thuyền địa phương hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của địa phương triệu tập.
Điều 9. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống có trách nhiệm báo cáo hoặc xin phép cơ quan quản lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.
2. Ban Tổ chức giải có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức, chương trình tập luyện và thi đấu của giải.
b) Phối hợp với các cơ quan Công an, Biên phòng, cơ quan quản lý đường thủy, Y tế và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thi đấu đảm bảo trật tự, an toàn.
Điều 10. Báo cáo kết quả tổ chức thi đấu
Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống có trách nhiệm báo cáo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật sau khi kết thúc hoạt động thi đấu.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thi đấu đua thuyền Rowing, Canoe và Thuyền truyền thống vi phạm các quy định tại Thông tư này.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, kịp thời giải quyết./.