QUYẾT ĐỊNH
Vể việc Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
giai đoạn 2006 đến 2010, có xét đến năm 2020
_________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số: 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số: 209/2004/NĐ-CP, ngày 04/06/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số: 05/2003/TT-BKH, ngày 22/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc hướng dẫn nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch và phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ;
Căn cứ Công văn số: 4445/BCN-CNĐP, ngày 18/8/2005 của Bộ Công nghiệp về việc Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn đến năm 2010 có xét đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 165/TTr-SKH-TĐ, ngày 17 tháng 10 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 đến năm 2010, có xét đến năm 2020, với các nội dung như sau:
I. Tên quy hoạch.
Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 đến năm 2010, có xét đến năm 2020.
II. Nội dung quy hoạch.
1. Quan điểm phát triển công nghiệp.
- Khẳng định việc khai thác tối đa các nguồn lực có lợi thế so sánh là yếu tố quyết định và việc thu hút đầu tư từ bên ngoài là động lực quan trọng…, để rút ngắn khoảng cách phát triển so với cả nước. Đặt mục tiêu ưu tiên trước mắt là phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp thủy điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp khai khoáng, dịch vụ, du lịch là mục tiêu cơ bản lâu dài để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Tập trung đầu tư, phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo yêu cầu về môi trường, tích cực chuẩn bị mọi mặt để phục vụ cho dự án khai thác Bauxít.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chủ động hội nhập kinh tế. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hợp tác với các tỉnh lân cận đặc biệt là với thành phố Hồ Chí Minh để phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề ở nông thôn.
2. Phương hướng phát triển công nghiệp.
- Phát triển công nghiệp tỉnh Đăk Nông phải phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp của vùng, khu vực và của cả nước, đồng thời phù hợp với địa bàn và những lợi thế cạnh tranh của tỉnh cần được tập trung khai thác như khoáng sản, thuỷ điện, nguyên liệu nông, lâm sản. Do đó định hướng phát triển công nghiệp phải gắn với nông nghiệp, nông thôn và thị trường; đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; khai thác lợi thế của địa hình tự nhiên để xây dựng thuỷ điện, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương.
- Phấn đấu đến năm 2015 đưa kinh tế của tỉnh Đăk Nông ở mức bình quân chung của cả nước với cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp.
3. Mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp.
+ Tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010: 58,6%/năm;
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 phấn đấu đạt: 3.911 tỷ đồng và giá trị tăng thêm là 1.200 tỷ đồng (giá cố định 1994);
+ Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP (theo giá cố định) phấn đấu đạt: 30,36%;
+ Vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 là: 22.500 tỷ đồng; Trong đó: Đầu tư cho khai thác Bauxít luyện Alumin là: 13.500 tỷ đồng, đầu tư thuỷ điện là: 7.800 tỷ đồng, đầu tư cho công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp là 1.200 tỷ đồng.
+ Phát triển lưới điện: Đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia và trên 90% số hộ dân được dùng điện.
4. Nhiệm vụ quy hoạch.
4.1. Quy hoạch phát triển công nghiệp theo chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
4.1.1. Công nghiệp sản xuất và phân phối nước sạch.
- Mục tiêu đến năm 2010: 100% dân số thị xã và thị trấn được dùng nước sạch hợp vệ sinh.
- Giá trị sản xuất và phân phối nước sạch đạt: 259,4 tỷ đồng; chiếm 6,63% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành.
- Đến năm 2020, toàn bộ dân số trên địa bàn tỉnh được dùng nước sạch.
4.1.2. Công nghiệp năng lượng.
* Về thủy điện:
- Đến năm 2010 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác 27 công trình thuỷ điện; tổng công suất lắp đặt 340MW. Tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng. Tổng sản lượng điện hàng năm là 1.550 triệu KWh.
- Giá trị sản xuất điện năng là: 738 tỷ đồng, chiếm 18,87% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.
- Giai đoạn năm 2011 đến năm 2020: trên địa bàn tỉnh Đăk Nông còn có 40 vị trí khác có tiềm năng khai thác thủy điện, tổng công suất 84,07MW. Sản lượng điện đến cuối thời kỳ này có thể khai thác thêm khoảng 17,2 triệu Kwh.
* Về lưới điện:
Phấn đấu đến năm 2010: 100% số thôn buôn có điện lưới quốc gia; có 90% số hộ được sử dụng điện.
Quy hoạch phát triển lưới điện:
- Lưới điện 500kV: xây dựng mới trạm biến áp 500kV Đăk Nông, công suất (2x450) MVA tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp.
- Lưới điện 220kV: đầu tư xây dựng mới đường dây dài 142km đấu nối các thủy điện vào trạm biến áp 500kV.
- Lưới điện 110kV:
+ Xây dựng mới 128km đường dây 110kV gồm: đường dây 110kV Cư Jút - Đăk Mil - Gia Nghĩa, đường dây 110kV Đăk Song - Quảng Sơn.
+ Đầu tư xây dựng mới 04 trạm biến áp 110/22kV trên địa bàn các huyện: Đăk Mil, Đăk R’Lấp, Đăk Song và Đăk G’Long, tổng công suất 132MVA.
+ Đầu tư nâng cấp trạm biến áp 110/35/22kV Gia Nghĩa lên (2x16)MVA.
- Lưới điện trung áp: Xây dựng mới 672km đường dây trung áp và cải tạo khoảng 16km.
4.1.3. Công nghiệp chế biến cà phê.
* Những mục tiêu chung:
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010: 35,61%/năm và 15,93% vào năm 2020.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực chế biến cà phê đến năm 2010 đạt: 192,5 tỷ đồng, chiếm 4,92% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 1.023 tỷ đồng vào năm 2020;
+ Phấn đấu đưa tỷ lệ cà phê trên địa bàn tỉnh được chế biến bằng phương pháp ướt đạt tỷ lệ 30% trở lên.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến cà phê đến năm 2010:
+ Trên cơ sở các nhà máy hiện có, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng công suất chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê xuất khẩu; đầu tư một số nhà máy ở các vùng trọng điểm cà phê để đảm bảo có trên 30% sản lượng cà phê được chế biến bằng phương pháp ướt.
+ Đầu tư 01 nhà máy chế biến cà phê bột, công suất 1.500 tấn bột/năm.
+ Đầu tư 01 nhà máy chế biến cà phê hòa tan, công suất 2.500 tấn/năm.
4.1.4. Công nghiệp chế biến cao su.
* Mục tiêu phát triển đến năm 2010:
+ Giá trị sản xuất công nghiệp: 1.344 tỷ đồng; chiếm 34,4% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp là 2.500 tỷ đồng vào năm 2020.
+ Sản lượng cao su sơ chế: 12.000 tấn/năm; trong đó: loại RSS và TSR chiếm 60%; mủ kem chiếm 40%.
+ Đến năm 2020, sản lượng cao su sơ chế là: 15.000 tấn/năm.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến cao su:
+ Đầu tư 03 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất: 6.500 tấn/năm; vốn đầu tư là 42,5 tỷ đồng.
+ Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cao su công nghiệp tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp; công suất 2 triệu chiếc xăm lốp ôtô và 5 triệu mét băng tải cao su; vốn đầu tư 540 tỷ đồng.
+ Đến năm 2020: đầu tư mở rộng và đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm cao cấp từ cao su tại các nhà máy hiện có.
4.1.5. Công nghiệp chế biến hồ tiêu.
+ Mục tiêu về sản lượng hồ tiêu: đến năm 2010 là 10.000 tấn và năm 2020 là 14.000 tấn.
+ Quy hoạch phát triển: Đầu tư xây dựng 01 nhà máy sơ chế hồ tiêu với công suất 10.000 tấn/năm, tại huyện Đăk R’Lấp, vốn đầu tư: 15 tỷ đồng.
4.1.6. Công nghiệp chế biến hạt điều.
+ Về giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 là: 80 tỷ đồng; chiếm 1% giá trị toàn ngành.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến hạt điều:
- Đầu tư mới 01 nhà máy chế biến hạt điều nhân xuất khẩu, công suất 3.000 tấn/năm, tại Đăk R’Lấp.
- Nâng công suất nhà máy chế biến hạt điều nhân tại Cư Jút (Công ty 722) lên: 5.000 tấn/năm.
- Đầu tư nhà máy chiết suất dầu vỏ điều tại Đăk R’Lấp, công suất 500 tấn dầu/năm.
4.1.7. Công nghiệp chế biến tinh bột ngô, sắn, khoai.
* Mục tiêu phát triển:
Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 là 151 tỷ đồng; chiếm 3,86% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành và phấn đấu đạt 200 tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 5,1% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến tinh bột:
+ Đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến tinh bột ngô ở huyện Đăk Song công suất 50.000 tấn/năm.
+ Đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến tinh bột ngô ở huyện Krông Nô, công suất 30.000 tấn/năm.
+ Đầu tư ổn định vùng nguyện liệu để đảm bảo phát huy hết công suất của 02 nhà máy chế biến tinh bột sắn hiện có trên địa bàn 02 huyện Đăk Song và Đăk R’Lấp, tập trung đầu tư xử lý môi trường triệt để theo đúng quy định hiện hành.
4.1.8. Công nghiệp chế biến mía đường.
+ Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư các phân xưởng chế biến các sản phẩm sau đường tại Công ty mía đường Đăk Nông như: cồn (6.000 lít/ngày), bánh kẹo (10 tấn/ngày) v.v…; vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
+ Giai đoạn đến 2020, mở rộng vùng nguyên liệu, hoạt động 100% công suất thiết kế, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nhiều sản phẩm sau đường.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 140 tỷ đồng, chiếm 3,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành; đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp là 200 tỷ đồng.
4.1.9. Công nghiệp chế biến súc sản.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 100 tỷ đồng, chiếm 2,6% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp là 140 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư mới 01 nhà máy chế biến súc sản tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp; công suất 5.000 tấn/năm, vốn đầu tư 40 tỷ đồng.
+ Giai đoạn đến 2020, đầu tư xây dựng nhà máy giết, mổ hiện đại công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 50 tỷ đồng.
4.1.10. Công nghiệp chế biến lâm sản.
* Phương hướng:
- Đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.
- Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến gỗ, gồm cả công nhân sản xuất, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, kỹ thuật thiết kế mẫu mã sản phẩm…
-Tăng cường liên doanh, liên kết với các tỉnh biên giới của Campuchia và Lào để bổ sung nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm gỗ cho hoạt động chế tác gỗ xuất khẩu ở Đăk Nông.
- Tập trung tăng cường sản xuất hàng tinh chế xuất khẩu, đổi mới thiết bị ở các cơ sở sản xuất hiện có, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, công suất lớn để có nhiều hàng chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
* Mục tiêu phát triển:
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 48%/năm. Năm 2020 đạt giá trị sản xuất 1.764,5 tỷ đồng (khoảng 50.000 - 60.000m3 gỗ sản phẩm), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn này là 15 - 16%/năm.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gỗ:
Giai đoạn 2006 - 2010:
+ Nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ hiện có lên 20.000m3/năm, vốn đầu tư 40 tỷ đồng.
+ Đầu tư 01 nhà máy chế biến giấy và bột giấy ở xã Đăk Som, huyện Đăk G’Long; công suất 18.000 tấn bột giấy/năm và 8.000 tấn giấy/năm, vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
+ Đầu tư 01 nhà máy sản xuất ván dăm công suất 10.000 m3 tại Cụm công nghiệp Đăk Ha.
+ Đầu tư và phát triển 02 làng nghề truyền thống/huyện; tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng.
+ Đầu tư 01 nhà máy sản xuất đồ mộc mỹ nghệ xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ, công suất 100.000 sản phẩm/năm, vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 226,5 tỷ đồng, chiếm 5,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 16%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 350 tỷ đồng.
4.1.11. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
* Định hướng: Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở nguồn tài nguyên tại địa phương, kết hợp giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
* Mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 80 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 37,8%/năm, chiếm 2,04% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành và đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 28,8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp là 283,6 tỷ đồng.
* Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng giai đoạn đến 2010:
- Công nghiệp khai thác đá xây dựng:
+ Đầu tư dự án khai thác đá chẻ, đá xây dựng, đá cây trên địa bàn Thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Mil, công suất 50.000m3/năm, vốn đầu tư 5 tỷ đồng.
+ Đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo chế biến có hiệu quả đi đôi với bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; sản lượng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 4,2 triệu m3/năm.
- Công nghiệp khai thác cát:
Đầu tư mở rộng, nâng công suất khai thác của 03 mỏ cát có trữ lượng lớn ở sông Krông Nô, Sông Sêrêpôk và sông Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu xây dựng trọng điểm và xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh; sản lượng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 650.000 m3/năm.
- Công nghiệp sản xuất gạch:
Đầu tư trên địa bàn huyện Đăk G’Long, Thị xã Gia Nghĩa và huyện Krông Nô mỗi huyện 01 nhà máy sản xuất gạch xây dựng tổng công suất 24 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng và một số cơ sở gạch thủ công khác.
- Công nghiệp sản xuất vật liệu lợp:
Đầu tư 01 nhà máy sản xuất tole màu, công suất 1 triệu m2/năm, vốn đầu tư 10 tỷ đồng tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ.
- Công nghiệp sản xuất bê tông:
Đầu tư xây dụng 01 nhà máy sản xuất bê tông tươi và bê tông đúc sẵn tại Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Đăk Ha, công suất 100.000 m3/năm, vốn đầu tư 20 tỷ đồng và một số nhà máy khác tại Cư Jút, Đăk R’Lấp.
4.1.12. Công nghiệp khai thác khoáng sản.
* Khai thác Bau Xít:
+ Đầu tư khai thác bau xít và xây dựng nhà máy luyện Alumin giai đoạn đầu công suất 100.000 tấn/năm, nâng công suất lên 300.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng (vốn trong nước).
+ Liên doanh khai thác bauxit, luyện Alumin để đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm.
+ Giai đoạn đến 2020: Triển khai các dự án mới về khai thác bau xít và luyện Alumin để đạt công suất trên 3 triệu tấn Alumin/năm và nghiên cứu điện phân nhôm với quy mô thích hợp.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 600 tỷ đồng, chiếm 15,3% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
* Khai thác khí CO2 và sản xuất nước khoáng:
+ Đầu tư dây chuyền sản xuất CO2 lỏng và đá CO2 khô, công suất 6 tấn/ngày, vốn đầu tư 7 tỷ đồng.
+ Đầu tư công nghệ sản xuất nước khoáng có gas, công suất 3.500 lít/h, vốn đầu tư 10 tỷ đồng.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 80 tỷ đồng, chiếm 2,04% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và đạt 120 tỷ đồng vào năm 2020.
* Sét cao lanh:
Khai thác mỏ cao lanh ở xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa; xã Đăk Ha, huyện Đăk G’Long để sản xuất gốm sứ hoặc gạch ceramic xây dựng, công suất 1.000 tấn/tháng. Vốn đầu tư 2,1 tỷ đồng.
4.1.13. Công nghiệp dệt may và giày da.
+ Đầu tư xây dựng 01 xí nghiệp may mặc công suất 2 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 20 tỷ đồng, tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ.
+ Giai đoạn sau 2010 đến 2020, nâng công suất của xí nghiệp may mặc tại Cụm Công nghiệp Nhân Cơ lên 3 - 5 triệu sản phẩm/năm.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này năm 2010 là 75 tỷ đồng, chiếm 1,92% trong toàn ngành và đạt 150 tỷ đồng vào năm 2020.
4.1.14. Công nghiệp sản xuất phân bón.
+ Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất của các xí nghiệp chế biến phân vi sinh hiện có; tổng công suất 25.000 tấn/năm.
+ Giai đoạn sau 2010 đến 2020, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại cụm công nghiệp Nhân Cơ, công suất 100.000 tấn/năm; vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất phân bón năm 2010 là 20 tỷ đồng và đạt 130 tỷ đồng vào năm 2020.
4.1.15. Công nghiệp cơ khí giai đoạn đến 2010.
+ Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng và sửa chữa máy, thiết bị chế biến nông sản tại cụm công nghiệp Nhân Cơ, vốn đầu tư 15 tỷ đồng.
+ Giai đoạn sau 2010 đến 2020: Đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa cơ khí, sản xuất các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và thiết bị khai khoáng; vốn đầu tư 100 tỷ đồng.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí năm 2010 là 200 tỷ đồng chiếm 5,1% tổng giá trị toàn ngành và đạt 2.000 tỷ đồng vào năm 2020.
4.2. Quy hoạch phát triển khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề có xét đến năm 2020.
* Mục tiêu:
- Phấn đấu đến năm 2010, lấp đầy 70 - 80% diện tích khu công nghiệp Tâm Thắng và 2 Cụm công nghiệp đã phê duyệt: Nhân Cơ và Đăk Ha;
- Các huyện còn lại mỗi huyện có ít nhất 01 cụm công nghiệp, thành lập một số điểm công nghiệp và làng nghề.
* Quy hoạch phát triển khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề xét đến 2020:
a) Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thị xã Gia Nghĩa.
+ Diện tích quy hoạch chi tiết: 30 đến 50 Ha
+ Địa điểm: Thị xã Gia Nghĩa
+ Kinh phí quy hoạch dự kiến khoảng: 400 triệu đồng, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 80 tỷ đồng.
b) Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đăk Mil.
+ Diện tích quy hoạch chi tiết: 35 Ha
+ Địa điểm: Dự kiến xã Thuận An, nằm sát quốc lộ 14
+ Kinh phí quy hoạch: 350 triệu đồng; vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 60 tỷ đồng.
c) Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đăk Song.
+ Diện tích quy hoạch chi tiết: 30 Ha
+ Địa điểm: Dự kiến xã Nâm N’Jang, sát trục quốc lộ 14
+ Kinh phí quy hoạch: 360 triệu đồng; vốn đầu tư hạ tầng: 65 tỷ đồng.
d) Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Krông Nô.
+ Diện tích quy hoạch chi tiết: 30 Ha.
+ Địa điểm: xã Đăk Rồ, huyện Krông Nô.
+ Kinh phí quy hoạch chi tiết: 370 triệu đồng, vốn đầu tư hạ tầng 65 tỷ đồng.
e) Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đăk G’Long.
+ Diện tích quy hoạch chi tiết: 30 Ha
+ Địa điểm: Thị trấn Quảng Khê, huyện Đăk G’Long.
+ Kinh phí quy hoạch: 365 triệu đồng, vốn đầu tư hạ tầng: 65 tỷ đồng
f) Quy hoạch các làng nghề truyền thống và điểm công nghiệp trên địa bàn..
Kế hoạch đến năm 2010 phát triển được 18 làng nghề truyền thống và 08 điểm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp.
Điều 2. Giao cho Sở Công nghiệp tỉnh Đăk Nông chủ trì, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành có liên quan của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện đúng nhiệm vụ đề án quy hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.