Sign In

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh

vận tải hành khách bằng ôtô trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

______________________________

Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn thành phố đã đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của nhân dân. Các doanh nghiệp vận tải ngày càng phát triển về số lượng và đa dạng về loại hình hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã tích cực trong việc đổi mới phương tiện và phương thức quản lý để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân vì vậy đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị.

 Tuy nhiên, công tác quản lý vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập thể hiện trên các mặt như sau:

Công tác quản lý Nhà nước về vận tải hành khách chưa theo kịp tình hình thực tiễn; Các sở, ban, ngành và địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp vận tải thực hiện đúng quy định của pháp luật, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, kiểm tra sau khi cấp đăng ký kinh doanh và việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và chủ phương tiện, phát triển các loại hình vận tải trên địa bàn thành phố chưa đồng bộ.

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời khắc phục những tồn đọng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng ô tô, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chỉ đạo Phòng đăng ký kinh doanh thường xuyên tiến hành công tác hậu kiểm sau đăng ký kinh doanh, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đúng loại hình vận tải đã được cấp phép và thực hiện đúng đầy đủ các quy định của pháp luật;

b) Thông báo kịp thời danh sách doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh vận tải khách cho các sở, ban, ngành và địa phương liên quan để phối hợp theo dõi, kiểm tra và xử lý các trường hợp kê khai vốn khống, không đủ vốn theo đăng ký, không nộp báo cáo tài chính; không điều chỉnh vốn kịp thời theo quy định, có hành vi trốn thuế, hoạt động kinh doanh sai nội dung giấy phép.

2. Sở Giao thông Công chính.

a) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các quy định của Nhà nước về quản lý vận tải cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực vận tải khách;

b) Chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng trong công tác kiểm định thực hiện đúng các quy định của Nhà nước;

c) Tiến hành điều tra và xây dựng định hướng phát triển đồng bộ các loại hình vận tải. Tham mưu cho UBND thành phố ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới phương tiện;

d) Hằng năm đánh giá thực trạng về năng lực phương tiện, nhu cầu đi lại của hành khách trên các tuyến cố định từ đó định hướng số lượng xe ô tô kể cả số lượng ô tô của địa phương khác được tham gia kinh doanh trên tuyến cố định bố trí phương tiện cho năm sau nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

e) Tăng cường kiểm tra về chức năng kinh doanh vận tải khách theo quy định của Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về “điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô” và các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức các lớp tập huấn về quản lý vận tải cho các đơn vị, cá nhân làm công tác vận tải nhằm nâng cao trình độ quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

f) Chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên giáo dục đội ngũ lái xe và nhân viên về đạo đức; văn hóa giao tiếp; không ngừng nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lái xe và nhân viên; bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, kiến thức ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của thành phố; có kế hoạch thay đổi, nâng cấp phương tiện nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn phục vụ hành khách và nhu cầu của thị trường; phương tiện vận chuyển theo từng loại hình kinh doanh vận tải ô tô phải đúng tiêu chuẩn và đúng các quy định của Nhà nước;

g) Kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách theo đúng pháp luật nhằm thiết lập trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng ô tô.

3. Cục Thuế thành phố

a) Hướng dẫn, phổ biến và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh vận tải hành khách thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế và thực hiện công tác quản lý thu, chống thất thu thuế theo quy định pháp luật;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương để tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên đối với các tổ chức kinh doanh vận tải hành khách về các nội dung đăng ký kinh doanh, tài chính và kết quả kinh doanh, chống thất thu thuế và phí;

c) Hướng dẫn các tổ chức kinh doanh vận tải hành khách thực hiện chế độ quản lý sử dụng hóa đơn, chứng từ; in và quản lý các loại vé, cước vận chuyển hành khách theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp.

4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

a) Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động; yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi thuê, mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động, nhất là việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động.

5. Liên minh HTX thành phố

a) Có kế hoạch tổ chức vận động các HTX vận tải tham gia vào thành viên của Liên minh HTX thành phố.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã và các quy định của Nhà nước cho đối tượng là thành viên HTX và các cán bộ chuyên trách ở các ngành và địa phương.

6. Công an thành phố

Tăng cường kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ; có biện pháp khắc phục tình trạng phương tiện vận tải kinh doanh theo tuyến cố định đi vào trung tâm thành phố để đón và trả khách, tình trạng xe quần đảo, dừng đón bắt khách không đúng quy định; “xe dù”, “bến cóc”, phương tiện vận tải khách để xe qua đêm dưới lòng đường không đúng quy định gây cản trở giao thông.

7. UBND các quận, huyện

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, HTX vận tải khách bằng ô tô, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Cần chú trọng đến công tác vận động phát triển HTX, xây dựng điều lệ HTX, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý điều hành doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.

b) Có biện pháp chấn chỉnh tình trạng “cơm tù”, nạn “chèo kéo” khách trên địa bàn quản lý.

8. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến từng cán bộ công chức của các ngành và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn quản lý; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để tạo chuyển biến rõ rệt trong kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Giao Giám đốc Sở Giao thông Công chính theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình và kết quả thực hiện. Mỗi năm một lần tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và các văn bản liên quan khác về công tác quản lý vận tải  hành khách bằng ô tô để kịp thời biểu dương các đơn vị có thành tích, đồng thời chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan đơn vị kịp thời phản ảnh về Sở Giao thông Công chính để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Văn Minh

 

 

 

UBND thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Minh