Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định quản lý cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

________________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 54/2006/QĐ-BBCVT ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-254: 2006 “Công trình ngoại vi viễn thông - Quy định kỹ thuật”;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công Thương; Chủ tịch UBND các quận, huyện; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình cáp trên địa bàn thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Văn Minh

 

 

QUY ĐỊNH

Quản lý cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39  /2010/QĐ-UBND ngày 29   tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

_________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về quản lý cáp thông tin bao gồm: Yêu cầu kỹ thuật công trình cáp thông tin; quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng công trình cáp thông tin; dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin và sắp xếp, chỉnh trang, ngầm hóa cáp thông tin treo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin hoặc hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý cáp thông tin

1. Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin và hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin phải phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông, quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.

2. Ưu tiên và tạo điều kiện trong việc phối hợp xây dựng và dùng chung cáp thông tin, hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật đi ngầm.

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin. Đồng thời, khuyến khích các nhà khai thác dịch vụ cùng dùng chung cáp thông tin.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cáp thông tin là tên gọi chung cho các loại cáp được sử dụng với mục đích truyền dẫn thông tin viễn thông hoặc truyền hình.

2. Công trình cáp thông tin là các công trình sử dụng cáp thông tin (cáp đồng, cáp quang,...) đi treo, đi ngầm (chôn trực tiếp hoặc đi trong hạ tầng kỹ thuật đi ngầm).

3. Hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin bao gồm cột treo cáp và hạ tầng kỹ thuật đi ngầm.

4. Cột treo cáp bao gồm cột viễn thông và cột điện lực.

5. Hạ tầng kỹ thuật đi ngầm bao gồm cống, bể, hầm, hào, tuynel kỹ thuật.

6. Cáp thuê bao là đoạn cáp thông tin từ tủ/ hộp cáp hoặc bộ chia tín hiệu đến trực tiếp thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ thoại, internet, truyền hình.

7. Chủ sở hữu là các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin hoặc hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin.

Chương II

ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH CÁP THÔNG TIN

Điều 5. Điều kiện lắp đặt cáp thông tin đi treo

1. Cáp thông tin đi treo phải thỏa mãn các quy định tại Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-254: 2006 (sau đây gọi tắt là Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006) ban hành theo Quyết định số 54/2006/QĐ-BBCVT ngày 25/12/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

2. Cáp thông tin không được đi treo trong các trường hợp sau:

a) Những tuyến đường Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cấm treo cáp, được quy định tại Phụ lục I đính kèm.

b) Các tuyến đường, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại cải tạo, xây dựng mới.

Điều 6. Yêu cầu kỹ thuật công trình cáp thông tin đi treo

Ngoài những quy định bắt buộc của Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006, công trình cáp thông tin đi treo phải đảm bảo đúng các yêu cầu sau:

1. Không xây dựng tuyến cột mới đối với các tuyến đường đã có cột treo cáp. Trên mỗi cột treo cáp, mỗi chủ sở hữu chỉ được treo 01 (một) tủ/ hộp cáp.

2. Không đi mới cáp thông tin có dung lượng trên 200 đôi; không treo tủ/ hộp cáp, bộ chia tín hiệu, măng-sông, cáp dự phòng trên cột điện chiếu sáng, cây xanh, cột có lắp các thiết bị điện (trạm biến áp, thiết bị đóng cắt, tụ bù).

3. Tại các vị trí giao nhau của đường giao thông, tủ/ hộp cáp, bộ chia tín hiệu, măng-sông, cáp dự phòng phải được bố trí cách vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường về phía ngoài khu vực đường giao nhau trên 20 (hai mươi) mét.

4. Cáp thông tin đi qua các cột có lắp thiết bị điện phải được lồng trong ống nhựa (cách điện) để bảo vệ và phải đi vòng phía dưới thiết bị điện đó.

5. Cáp dự phòng có chiều dài tối đa không quá 10 (mười) mét, phải quấn thành cuộn với đường kính ngoài cùng không quá 0,6 mét. Các cuộn cáp dự phòng được cố định chắc chắn vào thân cột, điểm thấp nhất cách mặt đất tối thiểu là 03 (ba) mét. Không được bố trí các cuộn cáp gần nhau dưới 200 (hai trăm) mét (kể cả cuộn cáp của các chủ sở hữu khác).

6. Điểm thấp nhất cáp thông tin đi treo dọc lề đường không được dưới 3,5 mét. Cáp treo vượt đường có độ cao tối thiểu là 5,5 mét và phải gắn biển báo độ cao tại vị trí thấp nhất của cáp (quy định tại Hình 1, Phụ lục II).

 7. Cáp thông tin đi treo phải được gắn thẻ sở hữu trên sợi cáp, cách cột treo cáp dưới 0,5 mét. Thẻ sở hữu cáp được treo tại các điểm giao nhau của đường giao thông và các vị trí cách nhau không quá 200 mét đối với các tuyến cáp treo đi thẳng (quy định tại Hình 2, Phụ lục II).

8. Cáp thông tin vào/ ra từ nhà trạm hoặc nhà thuê bao phải tuân thủ những quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Điều này. Cáp thông tin đi dọc tường nhà, tường rào phải được đi trong ống nhựa hoặc thang cáp, máng cáp.

9. Bất kỳ một bộ phận nào của công trình cáp thông tin bị hỏng hoặc ngưng sử dụng phải được tháo dỡ khỏi công trình và thu hồi theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Yêu cầu kỹ thuật đối với công trình cáp thông tin đi ngầm

1. Công trình cáp thông tin chôn trực tiếp hoặc đi trong hạ tầng kỹ thuật đi ngầm phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật được quy định tạị các khoản 3, 4, 5 Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006.

2. Cáp thông tin đi ngầm phải được gắn thẻ sở hữu trên sợi cáp tại bể cáp, hố ga và tại kết cuối tủ/ hộp cáp. Thẻ sở hữu cáp thông tin đi ngầm được quy định tại Hình 2, Phụ lục II và được làm bằng chất liệu chịu được ẩm ướt.

Điều 8. Yêu cầu kỹ thuật đối với tủ/ hộp cáp, măng-sông nối cáp, bộ chia tín hiệu

1. Tủ/ hộp cáp phải được lắp đặt đúng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006.

2. Không lắp mới các tủ/ hộp cáp có kích thước ngoài vượt quá:

a) 850 x 250 x 200 mm (cao x rộng x sâu) đối với tủ cáp điện thoại;

b) 500 x 400 x 150 mm (cao x rộng x sâu) đối với tủ cáp quang.

3. Tủ/ hộp cáp lắp trên cột phải bố trí ở mặt sau cột (phía trong của lề đường), cố định chắc chắn vào thân cột bằng đai chống rỉ; điểm thấp nhất của tủ/ hộp cáp so với mặt đất không nhỏ hơn 2,2 mét. Không lắp bệ ghế kiểm tra cáp đối với các tuyến đường thuộc nội thành và quốc lộ, tỉnh lộ.

4. Tủ cáp lắp đặt trên bệ phải sát phần giao nhau giữa lề đường và đất sử dụng hoặc sát tường nhà.

5. Tại các tủ/ hộp cáp, cả cáp vào và cáp ra đều phải được luồn trong ống nhựa, đi song song thân cột (từ chân cột đến đỉnh cột), cố định chắc chắn bằng đai chống rỉ với khoảng cách giữa các đai khoảng 0,5 mét (quy định tại Hình 3 và Hình 4, Phụ lục II).

6. Tủ/ hộp cáp phải ghi tên chủ sở hữu theo dạng ký hiệu (quy định tại Phụ lục II).

7. Măng-sông nối cáp và bộ chia tín hiệu phải được bố trí trong các tủ/ hộp cáp hoặc cố định vào thân trụ. Điểm thấp nhất của măng-sông, bộ chia tín hiệu phải cách nền đất tự nhiên tối thiểu 3 mét.

Điều 9. Yêu cầu kỹ thuật đối với cáp thuê bao

1. Cáp thuê bao (đi treo và đi ngầm) theo quy định tại khoản 7 Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006.

2. Cáp thuê bao phải kéo thẳng, bó gọn, đảm bảo độ cao như cáp chính và không để dự phòng trên cột. Độ dài cáp thuê bao không quá 100m (trong khu vực nội thành), 200m (ở khu vực ngoại thành) và không quá 300m (ở khu vực miền núi).

3. Mỗi chủ sở hữu không đi quá 05 cáp thuê bao trên cùng một tuyến.

Điều 10. Yêu cầu tiếp đất và chống sét

Cáp thông tin và tất cả các thành phần khác thuộc công trình cáp thông tin đều phải tiếp đất chống sét theo quy định tại Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006. Dây nối đất phải được đặt trong ống nhựa bảo vệ và cố định vào thân cột.

Chương III

DÙNG CHUNG HẠ TẦNG ĐI CÁP THÔNG TIN

Điều 11. Nguyên tắc dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin

1. Chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin phải tạo điều kiện cho các đơn vị khác dùng chung theo nguyên tắc đảm bảo công bằng, hợp lý về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên tham gia; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, không gian và hạ tầng viễn thông.

2. Giá dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin do các đơn vị liên quan tự thỏa thuận trên cơ sở khung giá do cơ quan quản lý nhà nước quy định.

3. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan môi trường hoặc quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trong các trường hợp cụ thể.

Điều 12. Đối tượng được tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin

1. Các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, bao gồm:

a) Doanh nghiệp có phép thiết lập mạng viễn thông, truyền hình cáp.

b) Tổ chức cần đi cáp thông tin để thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Tổ chức có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây dựng công trình viễn thông, truyền hình cáp tham gia xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm để các chủ sở hữu cáp thông tin dùng chung.

2. Các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm dùng chung được ưu tiên cấp giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè, cầu đường giao thông, mặt bằng trong khu công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư và được hỗ trợ ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của các chủ sở hữu trong dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin

1. Hàng năm, các chủ đầu tư lập kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin theo quy hoạch phát triển viễn thông, xây dựng của thành phố Đà Nẵng, bao gồm: Vị trí tuyến, quy mô đầu tư sử dụng và cho đơn vị khác dùng chung,... gửi Sở Thông tin và Truyền thông để thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt.

2. Chủ sở hữu cáp thông tin phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung về tài chính và kỹ thuật đã cam kết trong hợp đồng dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin.

3. Chủ sở hữu hạ tầng dùng chung phải cử cán bộ giám sát thi công trong suốt quá trình đơn vị dùng chung thi công công trình và phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin đúng quy định của pháp luật.

4. Chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin không cho hoặc cản trở đơn vị khác dùng chung với lý do không chính đáng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật và không được cấp phép thi công các công trình cáp thông tin khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương IV

CẤP PHÉP, PHÊ DUYỆT, THÔNG BÁO THI CÔNG CÔNG TRÌNH CÁP THÔNG TIN

Điều 14. Điều kiện thi công và thời gian thông báo thi công công trình cáp thông tin

1. Thi công công trình cáp chôn trực tiếp hoặc hạ tầng kỹ thuật đi ngầm phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và thông báo khởi công trước 07 (bảy) ngày làm việc cho các cơ quan, đơn vị có liên quan (theo mẫu tại Phụ lục III).

2. Thi công công trình cáp treo phải được cơ quan quản lý phê duyệt phương án kỹ thuật và phải thông báo khởi công trước 07 (bảy) ngày làm việc cho các cơ quan, đơn vị có liên quan (theo mẫu tại Phụ lục III).

3. Thi công công trình kéo cáp thông tin trong hạ tầng kỹ thuật đi ngầm sẵn có, kéo treo cáp thuê bao phải thông báo khởi công trước 07 bảy) ngày làm việc cho cơ quan quản lý và các cơ quan, đơn vị có liên quan (theo mẫu tại Phụ lục III).

Điều 15. Phê duyệt phương án công trình cáp thông tin đi treo

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Công văn hoặc đơn đề nghị phê duyệt;

b) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập, giấy phép hoạt động hoặc giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức đề nghị cấp phép;

c) Bản sao quyết định phê duyệt đầu tư công trình của cơ quan có thẩm quyền;

d) Bản sao thỏa thuận dùng chung hạ tầng đơn vị khác (nếu dùng chung);

đ) Các bản vẽ thiết kế tổng thể và chi tiết về tuyến cáp, tuyến cột trồng mới (nếu có); các bản vẽ bố trí cáp, tủ/ hộp cáp, măng-sông nối cáp, bộ chia tín hiệu;

e) Bản tổng hợp tuyến (theo mẫu tại Phụ lục IV);

f) Dự toán đền bù, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng ban đầu (nếu có);

g) Phương án thi công, trong đó bao gồm cả đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người và hạ tầng lân cận;

h) Văn bản cam kết cho các đơn vị khác dùng chung.

2. Số lượng hồ sơ: 02 bộ

3. Cơ quan phê duyệt và thời gian phê duyệt:

a) Sở Thông tin và Truyền thông thụ lý hồ sơ, lấy ý kiến thỏa thuận về vị trí tuyến cột trồng mới (nếu có), kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch viễn thông, thẩm tra phương án kỹ thuật và phê duyệt phương án thi công công trình cáp thông tin đi treo trong thời gian không quá 20 ngày làm việc.

b) Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Ban quản lý dự án xây dựng có ý kiến bằng văn bản khi nhận được yêu cầu phối hợp của Sở Thông tin và Truyền thông về việc xây dựng mới tuyến cột trong thời gian không quá 07 ngày làm việc.

Điều 16. Cấp phép công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm và công trình cáp chôn trực tiếp

1. Hồ sơ cấp phép bao gồm:

a) Công văn hoặc đơn đề nghị cấp phép;

b) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập, giấy phép hoạt động hoặc giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức đề nghị cấp phép;

c) Bản sao quyết định phê duyệt đầu tư công trình của cơ quan có thẩm quyền;

d) Bản sao thỏa thuận dùng chung hạ tầng đơn vị khác (nếu dùng chung);

đ) Bản vẽ thiết kế tuyến tổng thể, chi tiết, thể hiện mặt cắt ngang đại diện và vị trí tuyến;

e) Bảng tổng hợp tuyến (theo mẫu Phụ lục IV);

f) Dự toán đền bù, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng ban đầu (nếu có);

g) Phương án thi công, bao gồm cả đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người và hạ tầng lân cận;

h) Văn bản cam kết và xác định quy mô cho các đơn vị khác dùng chung.

2. Số lượng hồ sơ: 03 bộ.

3. Cơ quan cấp phép và thời gian cấp phép:

a) Sở Giao thông Vận tải thụ lý hồ sơ; lấy ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch viễn thông và phương án dùng chung, kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, thẩm tra phương án kỹ thuật và cấp giấy phép thi công công trình thuộc phạm vi quản lý trong thời gian không qúa 20 (hai mươi) ngày làm việc.

b) Sở Xây dựng và các Ban quản lý dự án xây dựng thụ lý hồ sơ; lấy ý kiến về sự phù hợp với hoạch viễn thông và phương án dùng chung, kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, thẩm tra phương án kỹ thuật và cấp giấy phép thi công công trình thuộc các dự án đang triển khai, quản lý trong thời gian không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc.

c) Ủy ban nhân dân các quận, huyện thụ lý hồ sơ và cấp phép công trình thuộc các tuyến đường giao thông, dự án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại UBND quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng.

d) Sở Thông tin và Truyền thông có ý kiến bằng văn bản về sự phù hợp quy hoạch viễn thông và phương án dùng chung, sau khi nhận được yêu cầu của các cơ quan nói trên trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc.

Chương V

SẮP XẾP, CHỈNH TRANG VÀ NGẦM HÓA CÁP THÔNG TIN

Điều 17. Lộ trình và nội dung sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin đi treo hiện có

1. Việc triển khai sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin treo hiện có phải tuân theo đúng lộ trình do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành.

2. Nội dung sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin treo hiện có phải đảm bảo theo Tiêu chuẩn TCN 68-254: 2006, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện QCVN01: 2008/BCT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Bộ Công Thương và các yêu cầu tại Chương II, Chương III, Chương IV Quy định này, bao gồm:

a) Thu hồi cáp hỏng, cáp không sử dụng, cáp thuê bao vượt đường;

b) Thay thế nhiều cáp thuê bao bằng cáp có dung lượng lớn;

c) Gia cố, chỉnh sửa, thay thế cột, tủ/ hộp cáp kém chất lượng hoặc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan đô thị;

d) Kéo căng, bó gọn cáp thông tin đi treo;

đ) Treo thẻ sở hữu cáp và thẻ báo độ cao cáp;

e) Từng bước ngầm hóa cáp thông tin đi treo hiện có.

Điều 18.  Triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin hiện có

1. Chủ sở hữu các tuyến cột treo cáp thông tin triển khai lắp xà và phân bổ vị trí lắp đặt cáp thông tin trên xà cho từng đơn vị dùng chung đối với từng tuyến đường; báo cáo kết quả triển khai cho Sở Thông tin và Truyền thông trước 40 (bốn mươi) ngày so với thời điểm phải hoàn thành việc sắp xếp, chỉnh trang.

2. Các chủ sở hữu cáp thông tin (đi treo) rà soát, thống kê cáp hiện có, thực hiện các nội dung sắp xếp, chỉnh trang quy định tại điểm a, b, c, d và điểm đ khoản 2 Điều 17 Quy định này; báo cáo kết quả triển khai cho Sở Thông tin và Truyền thông trước 20 (hai mươi) ngày so với thời điểm phải hoàn thành việc sắp xếp, chỉnh trang.

3. Sở Thông tin và Truyền thông lên kế hoạch sắp xếp, chỉnh trang toàn diện cáp thông tin trên từng tuyến đường cụ thể, thông báo cho chủ sở hữu cột, chủ sở hữu cáp thông tin và các cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện.

4. Các chủ sở hữu cáp thông tin, cột treo cáp phải bố trí nhân lực, phương tiện, công cụ và kinh phí cho việc sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin hiện có.

Điều 19. Triển khai ngầm hóa cáp thông tin hiện có

1. Các chủ sở hữu tuyến cột treo cáp thông tin và chủ sở hữu cáp thông tin rà soát, đề xuất với Sở Thông tin và Truyền thông các phương án ngầm hóa cáp thông tin đi treo (cả cáp thuê bao) để nâng cao chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị.

2. Trên cơ sở lộ trình ngầm hóa cáp thông tin do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành hoặc đề xuất của các chủ sở hữu, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lựa chọn phương án ngầm hóa cáp thông tin cho từng tuyến đường, lấy ý kiến thỏa thuận của Sở Giao thông Vận tải về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm để ngầm hóa cáp thông tin hiện có.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chọn một đơn vị xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm dùng chung theo Điều 12 Quy định này.

4. Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hạ tầng kỹ thuật đi ngầm hoàn thành thi công, tất cả cáp thông tin hiện có và cáp kéo mới phải được đi ngầm.

Điều 20. Xử lý cáp thông tin đứt; tủ/ hộp cáp, cống, bể, cột bị hỏng

1. Khi cáp thông tin đứt hoặc tủ/ hộp cáp, cống, bể, cột bị hư hỏng, chủ sở hữu phải có mặt kịp thời để phối hợp xử lý tạm thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông và thông tin. Nếu sau 01 (một) giờ, kể từ lúc nhận thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông (qua điện thoại), chủ sở hữu không có mặt sẽ không được khiếu nại về cách xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Khi cáp thông tin đi treo qua đường bị đứt, chủ sở hữu cột có trách nhiệm trồng cột mới (nếu cột bị gãy) hoặc kéo dây gia cường để treo tạm. Trong thời gian 07 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố, các chủ sở hữu cáp phải phối hợp lập phương án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm, gửi Sở Thông tin và Truyền thông và triển khai các bước ngầm hóa cáp vượt đường theo các khoản 3 và 4 Điều 19 Quy định này.

Điều 21. Xử lý đối với trường hợp không thực hiện sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin

1. Cáp thông tin, tủ/ hộp cáp, măng-sôngmăng-sông nối cáp, bộ chia tính hiệu, cột treo cáp không sử dụng; không xác định được chủ sở hữu; xây dựng sai quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc không được triển khai sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa đúng thời gian quy định sẽ bị cắt và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

2. Các chủ sở hữu cáp và chủ sở hữu cột không triển khai sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin treo đúng Quy định này sẽ không được cấp phép thi công công trình cáp thông tin mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN

Điều 22. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành danh mục các tuyến đường cần sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin và chủ trì triển khai khi được phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm tra, phê duyệt phương án đi treo mới cáp thông tin và giám sát việc triển khai thi công.

3. Chủ trì xử lý các trường hợp cáp treo bị đứt, rắm rối gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

4. Thu hồi cáp thông tin, tủ/ hộp cáp, măng-sông nối cáp, bộ chia tín hiệu, cột treo cáp không sử dụng; không xác định được chủ sở hữu; xây dựng sai quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc không được triển khai sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa đúng quy định.

5. Phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, cấp phép công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, công trình cáp thông tin chôn trực tiếp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

6. Tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên và xử phạt các hành vi vi phạm trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin và hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Sở Giao thông Vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, công trình cáp thông tin chôn trực tiếp theo phạm vi quản lý; đồng thời giám sát quá trình tổ chức thi công.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin đi treo hiện có và tạo điều kiện tốt nhất để kịp thời ngầm hóa các đoạn cáp thông tin treo bị đứt, rắm rối gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

3. Khi quy hoạch xây dựng các công trình giao thông phải kèm theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin như đường cống - bể cáp, hào, hầm, tuynel kỹ thuật, cột treo cáp.

4. Khi triển khai các dự án xây mới hoặc cải tạo tuyến đường giao thông phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương để kết hợp việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm đồng bộ.

5. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở chuyên ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư đường cống - bể, hào, hầm, tuynel kỹ thuật tại một số tuyến đường trọng điểm để đi ngầm cáp thông tin, cáp điện và cấp/ thoát nước.

6. Tổ chức công tác thanh, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm đối với việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, công trình cáp thông tin chôn trực tiếp theo phạm vi quản lý, đồng thời giám sát quá trình tổ chức thi công.

2. Khi quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư,... phải kèm theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin như đường cống - bể cáp, hào, hầm, tuynel kỹ thuật, cột treo cáp.

3. Khi triển khai các dự án xây mới, cải tạo các khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp,... phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm đồng bộ.

4. Chỉ đạo Công ty Quản lý và vận hành Điện chiếu sáng công cộng tăng cường quản lý hệ thống cột điện chiếu sáng; triển khai sắp xếp, chỉnh trang các tuyến cáp thông tin treo hiện có trên hệ thống cột điện chiếu sáng đúng các yêu cầu kỹ thuật và Quy định này.

5. Chỉ đạo Công ty Cây xanh phối hợp tỉa cành cây xanh để phục vụ việc sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin đi treo hiện có.

Điều 25. Sở Công Thương

1. Triển khai đi ngầm cáp điện đồng bộ với các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đường giao thông, khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp.

2. Hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng tăng cường quản lý các tuyến cột và sắp xếp, chỉnh trang lại đường dây điện, cáp thông tin hiện có treo trên hệ thống cột đúng Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 26. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, công trình cáp thông tin chôn trực tiếp thuộc các khu vực, đường giao thông và dự án thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Khi triển khai xây dựng các dự án mới hoặc cải tạo tuyến đường, khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp,... phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương biết để phối hợp triển khai hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp đồng bộ.

3. Giám sát việc xây dựng công trình cáp thông tin và các hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn quận, huyện.

Điều 27. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành hoặc hướng dẫn khung giá sử dụng chung các hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin.

Điều 28. Các Ban quản lý dự án xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin, công trình cáp thông tin chôn trực tiếp thuộc các dự án trong phạm vi đang triển khai, quản lý.

2. Khi triển khai xây dựng các dự án mới hoặc cải tạo tuyến đường, khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp,... phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương biết để phối hợp triển khai hạ tầng đi ngầm cáp đồng bộ.

Điều 29. Các đơn vị sở hữu cáp thông tin hoặc hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin

1. Đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin và hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Tham gia xây dựng và dùng chung hạ tầng kỹ thuật đi ngầm cáp thông tin.

3. Triển khai sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa các tuyến cáp thông tin đúng Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm quy định của pháp luật và các quy định tại Quy định Quản lý cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 31. Xử lý vi phạm

1. Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin và hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo chức năng quản lý Nhà nước và thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức và cá nhân là chủ đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cáp thông tin và hạ tầng kỹ thuật đi cáp thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát sinh, các tổ chức, cá nhân cần kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, điều chỉnh Quy định cho phù hợp./.

UBND thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Minh