Sign In

NGHỊ QUYẾT

Ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội

về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn,

tài sản Nhà nước tại tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước

_________________________

CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)


Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách,

pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ)

_____________________________________

Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ sáu đã thông qua Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU: 

1. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và đất đai tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; về đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Xây dựng Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh và sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để trình Quốc hội ban hành. Trong khi chưa ban hành luật, Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Nghiên cứu để sớm tách chức năng thực hiện các quyền của chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng việc thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

2. Rà soát, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đối với mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phân tích, đánh giá về vị trí, vai trò của tập đoàn, tổng công ty đối với nền kinh tế, ngành kinh tế kỹ thuật; mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động; hiệu quả hoạt động kinh doanh; việc quản lý, giám sát của Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty.

Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế mới được thành lập; sửa đổi, bổ sung các điều lệ tập đoàn cho phù hợp với Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Kiên quyết sắp xếp các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi; đồng thời, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc để tổng công ty thua lỗ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng kết việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và tìm ra biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh.

3. Xác định ngành, lĩnh vực cần thiết có tập đoàn kinh tế hoặc tổng công ty nhà nước trong 5 năm, 10 năm tới; trong đó, ngành, lĩnh vực nào Nhà nước giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối ở công ty mẹ.

Tổ chức, sắp xếp lại các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước để hình thành những tổng công ty nhà nước đủ mạnh chi phối nền kinh tế, có vị trí, vai trò ngày càng lớn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

4. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Có quy định và phương thức phù hợp để thực hiện cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có hiệu quả.

5. Rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức của các tập đoàn, tổng công ty để điều chỉnh bảo đảm các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh đa ngành nhưng phải tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính, các ngành kinh doanh khác phải được lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tập đoàn, tổng công ty với một tỷ lệ vốn đầu tư nhất định.

6. Quy định cụ thể chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng để làm cơ sở kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát.

Quy định rõ tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, tổng công ty; quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích; chế tài xử lý vi phạm; cơ chế thưởng, phạt cụ thể.

7. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đổi mới quản lý tiền lương, tiền thưởng trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

8. Sơ kết, đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước, xác định cơ quan đầu mối quản lý về nhân sự đối với đội ngũ cán bộ này. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để điều chỉnh phù hợp đối với hoạt động đặc thù của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ, nội dung công việc chủ yếu trên đây và Phụ lục kèm theo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổ chức triển khai ngay Chương trình hành động này để bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung Nghị quyết 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo của Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XII.

3. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện Chương trình hành động này; báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Chương trình được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả và đồng bộ./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng