NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Về việc thi hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28-7-1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Nghị định này cụ thể hoá việc phân công, phân cấp, quản lý tài nguyên khoáng sản, nghĩa vụ của các tổ chức và công dân trong điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Điều 2. - Toàn bộ tài nguyên khoáng sản ở đất liền, các hải đảo, các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo thành vốn tài nguyên khoáng sản thống nhất của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Điều 3. - Trừ các khu vực hoặc loại khoáng sản có quy chế khác, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vốn, kỹ thuật vào việc thăm dò, khai thác mỏ, chế biến mua bán và xuất khẩu nguyên liệu khoáng ở Việt Nam.
Điều 4. - Bộ Công nghiệp nặng có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước về điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; Bộ có trách nhiệm xây dựng các chính sách, chế độ quản lý Nhà nước trong điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường liên quan, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chế độ nói trên; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện đối với tất cả các ngành các cấp trong cả nước.
Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo Điều lệ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành.
Điều 5. - Uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; giám sát việc chấp hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, các quy định của Hội đồng Bộ trưởng, của Bộ Công nghiệp nặng trong lĩnh vực điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; ngăn ngừa, đình chỉ và xử lý các vi phạm về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và môi trường liên quan.
Điều 6. - Các Bộ có chức năng quản lý Nhà nước ngành sản xuất có liên quan trực tiếp đến khai thác mỏ (dưới đây gọi tắt là Bộ quản lý ngành hữu quan) có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp nặng trong việc quản lý Nhà nước về khai thác mỏ những khoáng sản liên quan. Các quy định để chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành hữu quan không được trái với những quy định của Hội đồng Bộ trưởng và của Bộ Công nghiệp nặng về điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Điều 7. - Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp nặng ban hành chế độ thu nộp lệ phí cấp giấy phép và đăng ký Nhà nước trong điều tra địa chất và khai thác mỏ, chế độ hoàn trả ngân sách Nhà nước chi phí điều tra địa chất đã thực hiện.
Điều 8. - Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Công nghiệp nặng xây dựng, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Điều 9. - Bộ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ quản lý ngành hữu quan tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp nguyên liệu khoáng, quy hoạch và kế hoạch nghiên cứu địa chất lòng đất, tìm kiếm, thăm dò tài nguyên khoáng sản của cả nước, trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Điều 10. - Các Bộ quản lý ngành hữu quan chủ động xây dựng, phối hợp với Bộ Công nghiệp nặng trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách phát triển ngành sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu khoáng thuộc trách nhiệm quản lý ngành của Bộ.
Điều 11. - Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm giao, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước trong các lĩnh vực điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế biến khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và mội trường địa chất.
Điều 12. - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm thẩm tra các dự án quy hoạch, kế hoạch về điều tra địa chất, khai thác mỏ theo ngành, theo vùng lãnh thổ và phạm vi cả nước; cân đối các điều kiện cho những công việc do các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành bằng ngân sách Nhà nước và bằng các nguồn vốn khác do Nhà nước thống nhất quản lý.
Điều 13. - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Bộ Công nghiệp nặng theo chức năng của mình, phối hợp và thống nhất chỉ đạo việc hợp tác quốc tế về kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong các lĩnh vực điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế biến nguyên liệu khoáng.
Việc nước ngoài đầu tư vào công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác mỏ và chế biến nguyên liệu khoáng phải bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, thông qua trách nhiệm đầu mối của Bộ Công nghiệp nặng. Các tổ chức kinh tế trong nước chỉ được tiến hành đàm phán, lập dự án tiền khả thi và ký kết với bên nước ngoài đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác mỏ sau khi đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cho phép.
Điều 14. - Thẩm quyền cho phép điều tra địa chất và khai thác mỏ quy định như sau:
1. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc cho phép các công ty nước ngoài thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt; các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác các loại khoáng sản quý.
2. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép cho các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu địa chất lòng đất, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản các loại trừ việc cho phép các công ty nước ngoài thăm dò khai thác dầu mỏ và khí đốt và cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác các loại khoáng sản quý.
3. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Uỷ ban Nhân dân tỉnh) cấp giấy phép khai thác mỏ các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (sét gạch ngói, cát, cuội, sỏi xây dựng, đá dăm, đá hộc, đá ong) và than bùn với quy mô sản lượng không quá 30.000m3 hoặc 50.000 tấn nguyên khai mỗi năm; cấp giấy phép khai thác riêng lẻ nước dưới đất (trừ nước khoáng) với lưu lượng không quá 1.000 m3 ngày.
4. Việc đào giếng lấy nước sinh hoạt và khai thác vật liệu xây dựng thông thường cho nhu cầu đời sống của các hộ gia đình, không phải để bán thì không phải xin giấy phép khai thác mỏ.
Điều 15. - Bộ Công nghiệp nặng ban hành quy định thủ tục xin phép điều tra địa chất, khai thác mỏ, thủ tục đăng ký Nhà nước, nhiệm vụ điều tra địa chất, khu vực khai thác mỏ và khu vực tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đối với mọi loại tài nguyên khoáng sản, kể cả dầu mỏ, khí đốt và nước dưới đất; thủ tục đóng cửa mỏ đưa vào bảo quản hoặc thanh lý; quy định việc lưu trữ Nhà nước tài liệu và mẫu vật địa chất.
Điều 16. - Thẩm quyền phê duyệt hoặc đánh giá báo cáo điều tra địa chất quy định tại khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản như sau:
- Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản phê duyệt các báo cáo thăm dò tài nguyên khoáng sản thực hiện bằng vốn của Nhà nước, đánh giá các báo cáo thăm dò thực hiện bằng các nguồn vốn khác.
- Bộ Công nghiệp nặng phê duyệt các báo cáo nghiên cứu địa chất lòng đất, tìm kiếm tài nguyên khoáng sản.
- Các cơ quan nói trên ban hành thủ tục trình duyệt, đánh giá báo cáo điều tra địa chất theo thẩm quyền được giao.
Điều 17. - Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra Nhà nước chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản theo quy định tại các Điều 28, 29, 30 và 31 của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản và Pháp lệnh thanh tra ngày 29 tháng 3 năm 1990.
Điều 18. - Ngoài trách nhiệm chung về thanh tra an toàn và bảo hộ lao động của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; về thanh tra bảo vệ môi trường của Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Công nghiệp nặng và các Bộ quản lý ngành hữu quan có trách nhiệm thanh tra về kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ tài nguyên khoáng sản môi trường liên quan và an toàn trong điều tra địa chất, khai thác mỏ và chế biến nguyên liệu khoáng.
Điều 19. - Việc giao đất để khai thác mỏ tuân theo quy định của Luật đất đai và Điều 18 của Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản. Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lý đất đai theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm giải quyết khẩn trương thủ tục cho phép sử dụng đất đai để khai thác mỏ, đặc biệt đối với việc khai thác các tài nguyên khoáng sản quý, hiếm (đá quý, vàng, thiếc, vonfram...)
Điều 20. - Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phát hiện tố giác những hành vi vi phạm Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn những hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên khoáng sản và môi trường liên quan được khen thưởng về vật chất và tinh thần theo quy định chung.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện mỏ mới, giao nộp hoặc bán cho Nhà nước những mẫu vật địa chất quý, hiếm, có giá trị cao được khen thưởng theo chế độ đặc biệt do Hội đồng Bộ trưởng quy định riêng.
Điều 21. - Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những điều trong Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, các quy định trong Nghị định này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các Điều 11, 13, 14, 15 và 16 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989. Người nào cố ý không khai báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản hoặc Uỷ ban Nhân dân các cấp những phát hiện mỏ mới, những mẫu vật địa chất quý hiếm hoặc gây tổn thất nghiêm trọng về tài nguyên khoáng sản, môi trường liên quan, đều bị truy tố trước pháp luật.
Điều 22. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, quyền hạn của mình hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Nghị định này.
Điều 23. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ./.