• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/12/2020
  • Ngày hết hiệu lực: 04/03/2022
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 13/2020/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 9 tháng 11 năm 2020

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (sau đây gọi tắt là Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT- BNNPTNT

  1. Khoản 1 Điều 4 được sửa đổi như sau:

“1. Thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên hàng ngày phải ghi nhật ký khai thác thủy sản theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; nộp nhật ký khai thác thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản qua cảng.”

  1. Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi như sau:

“1. Thuyền trưởng tàu thu mua, chuyển tải thủy sản hàng ngày phải ghi nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; nộp nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản qua cảng.”

  1. Khoản 2, khoản 3 Điều 7 được sửa đổi như sau: “2. Giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng

Khi nhận được đề nghị cập cảng của thuyền trưởng tàu cá, tổ chức quản lý cảng cá đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì không cho bốc dỡ thủy sản và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; trường hợp không nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và cử cán bộ giám sát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Trường hợp phát hiện sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế sai lệch trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi cập cảng thì lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

  1. Biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng

Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá kiểm tra thông tin khai trên Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, xác nhận khi các thông tin đúng với thực tế tàu cá cập cảng; lưu bản sao chụp tại tổ chức quản lý cảng cá.

Tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản từ mỗi tàu cá cập cảng được cấp 01 giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng khối lượng, thành phần loài đã thu mua.”

  1. Khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“1. Tàu cá bị đưa vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i, n và điểm o khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản;
  2. Bị xử phạt vi phạm hành chính do tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần đối với một trong các hành vi quy định tại điểm h, k, l và m khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản.
  1. Tàu cá được đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:

a. Tàu cá đã xóa đăng ký theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Thủy sản; ”

  1. Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi như sau:

“1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản; xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu; hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trong quá trình thực hiện các hoạt động lấy mẫu thẩm tra an toàn thực phẩm, thẩm định và chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu.”

  1. Khoản 8 Điều 17 được sửa đổi như sau:

“8. Trước ngày 20 hàng tháng, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản về kết quả xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo Mẫu số 03 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày xác nhận.

Cấp lại Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đề nghị của tổ chức cá nhân; số của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng được cấp lại  trùng với số của bản gốc của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng đã cấp và có thêm ký hiệu “R” ở phía sau phần số đã cấp; thời hạn của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng đã cấp tính từ ngày cấp lại.”

  1. Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi như sau:

“2. Lưu trữ đầy đủ hồ sơ để truy xuất nguồn gốc, phân biệt các lô nguyên liệu đã sản xuất, lô nguyên liệu chưa sản xuất, còn đang bảo quản trong kho của cơ sở, đảm bảo cơ sở chỉ tiếp nhận, chế biến nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp. Lưu trữ hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được xác nhận, chứng nhận. Được lựa chọn một trong các cơ quan thẩm quyền được quy định tại Phụ lục IV ban hành theo Thông tư này để nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.”

  1. Thay thế Mẫu số 02 Phụ lục I bằng Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục II bằng Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 04 Phụ lục II bằng Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục III bằng Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

  1. Thuyền trưởng tàu thu mua, chuyển tải đã ghi Nhật ký thu mua, chuyển tải theo mẫu tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được sử dụng để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận thủy sản cho chuyến biển đó.
  2. Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trên Giấy biên nhận đã được cấp.

Điều 3. Điều khoản thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng12 năm 2020.
  1. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc,   tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Tổng cục Thuỷ sản hoặc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp, báo cáo Bộ  Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn xem xét, quyết định./.

 

Nơi nhận:

  • Văn phòng Chính phủ;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
  • Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, TP trực thuộc TW;
  • Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
  • Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT;
  • Công báo Chính phủ;
  • Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
  • Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
  • Lưu: VT, TCTS (200 bản).

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phùng Đức Tiến

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.