• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 23/01/2018
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 04/2013/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày 23 tháng 1 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020

______________________

 

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được sửa đổi theo Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020; bố trí và quy định điều kiện sử dụng kênh tần số cho phát thanh FM băng tần 87-108 MHz và quy định điều kiện sử dụng tần số đối với các đài Truyền thanh không dây, các đài phát lại phát thanh FM.

Điều 2. Mục tiêu quy hoạch

Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020 nhằm sắp xếp việc sử dụng và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng ổn định, hạn chế nhiễu có hại giữa các thiết bị vô tuyến điện và bảo đảm sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện.

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ kênh tần số

1. Tính đến hiện trạng sử dụng của Việt Nam để bảo đảm việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí thấp nhất.

2. Phân bổ kênh tần số hợp lý, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phủ sóng các kênh chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước; hạn chế phủ sóng chồng lấn lẫn nhau giữa các đài phát sóng phát thanh FM phát cùng kênh chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. Các Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân bổ 01 kênh tần số phát thanh FM. Riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi địa phương được phân bổ 03 kênh tần số phát thanh FM.

Điều 4. Quy định về phân kênh, phân bổ kênh tần số phát thanh FM

1. Phân kênh tần số cho phát thanh FM được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phân bổ kênh tần số cụ thể để phát sóng các kênh chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Phụ lục II và III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Quy định về ấn định và sử dụng tần số vô tuyến điện

1. Căn cứ vào Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và nhu cầu sử dụng, các tham số phát sóng được tính toán ấn định và quy định cụ thể trong Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

2. Vùng phủ sóng phát thanh FM được tính toán với mức cường độ trường tối thiểu quy định tại mục 1; tỷ số bảo vệ tín hiệu trên nhiễu quy định tại mục 2, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phủ sóng phát thanh FM và bảo vệ khỏi nhiễu có hại chủ yếu trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó. Riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được phủ sóng sang địa bàn thuộc các tỉnh, thành phố liền kề nhưng không được gây nhiễu có hại cho các hệ thống phát thanh FM khác đã được phân bổ kênh tần số theo quy định tại Phụ lục II và III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đài phát sóng phát thanh FM phải sử dụng anten có hướng tính phù hợp để phủ sóng hiệu quả và không gây nhiễu có hại tới các đài phát sóng phát thanh FM và các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác.

5. Đài phát sóng phát thanh FM ở khu vực biên giới phải sử dụng anten có hướng tính phù hợp để bảo đảm vùng phủ sóng tuân theo thỏa thuận về phối hợp tần số biên giới giữa Việt Nam với nước láng giềng.

6. Đài phát sóng thử nghiệm, đài phát sóng kênh chương trình đặc thù, đài phát lại phủ sóng vùng lõm, vùng sâu, vùng xa và đài phát sóng phát thanh FM cấp huyện, được ấn định kênh tần số theo từng trường hợp trên cơ sở không gây nhiễu có hại cho đài phát thanh FM khác đã được phân bổ kênh tần số theo quy định tại Phụ lục II và III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Bổ sung kênh tần số đối với trường hợp đặc biệt

Căn cứ vào Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, Giấy phép hoạt động phát thanh và khả năng đáp ứng về tần số tại từng địa bàn, Cục Tần số vô tuyến điện xem xét ấn định bổ sung kênh tần số trong từng trường hợp cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển thêm kênh phát sóng phát thanh FM cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đài phát sóng phát thanh FM của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang hoạt động không phù hợp với phân bổ kênh tần số quy định tại Phụ lục II và III ban hành kèm theo Thông tư này không được bảo vệ khỏi nhiễu có hại và không được gây nhiễu có hại cho các đài phát sóng phát thanh FM theo quy hoạch; trường hợp gây nhiễu có hại thì phải áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật cần thiết để loại bỏ nhiễu có hại; trường hợp không loại bỏ được nhiễu có hại thì phải chuyển đổi ngay theo quy hoạch hoặc ngừng sử dụng.

2. Đài phát sóng phát thanh FM, đài phát lại phát thanh FM cấp huyện đang hoạt động và gây nhiễu có hại đến các đài được phân bổ kênh tần số theo quy định tại Phụ lục II và III ban hành kèm theo Thông tư này phải áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật cần thiết để loại bỏ nhiễu có hại; trường hợp không loại bỏ được nhiễu có hại thì phải chuyển đổi sang kênh tần số phù hợp.

3. Đối với đài truyền thanh không dây:

a) Không đầu tư mới, không cấp mới giấy phép cho đài truyền thanh không dây trong băng tần (87-108)MHz;

b) Các đài truyền thanh không dây đã được cấp phép trong băng tần (87- 108)MHz được tiếp tục gia hạn giấy phép với điều kiện không gây nhiễu có hại cho các đài phát thanh FM, đài phát lại phát thanh FM, các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác;

c) Khi gây nhiễu có hại tới các đài phát sóng phát thanh FM, đài phát lại phát thanh FM, các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác thì đài truyền thanh không dây hoạt động ở băng tần (87-108)MHz phải áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật để loại bỏ nhiễu có hại; trường hợp không loại bỏ được nhiễu có hại thì phải ngừng sử dụng;

d) Đài truyền thanh không dây được cấp mới giấy phép hoạt động trong băng tần (54-68)MHz.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) có trách nhiệm:

a) Phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư này;

b) Căn cứ vào quy hoạch, hiện trạng và các kế hoạch sử dụng băng tần dùng chung của các nghiệp vụ khác để ấn định tần số, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đài phát sóng phát thanh FM thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã (phường) và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với Thông tư này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Phát thanh truyền hình, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2013.

2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài tiếng nói Việt Nam, các Đài phát thanh, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.