QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo và Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động của Ban điều hành quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước và Ban điều hành quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
THỐNG ĐỐC
Đã ký
Lê Đức Thuý
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ
DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1278/2001/QĐ-NHNN
ngày 09 tháng 10 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban điều hành quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước (sau đây gọi tắt là Ban điều hành) được thành lập theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước và điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Điều hành hoạt động của Ban điều hành là Trưởng ban. Giúp việc Trưởng ban có Phó Trưởng ban.
Điều 3. Ban điều hành hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng. Các vấn đề được đưa ra thảo luận tập thể và thống nhất ý kiến trong cuộc họp. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì Trưởng ban là người quyết định cuối cùng.
CHƯƠNG II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Ban điều hành có chức năng và nhiệm vụ sau:
1. Tham mưu cho Thống đốc ngân hàng Nhà nước trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
a. Mức Dự trữ ngoại hối Nhà nước dự kiến hàng năm.
b. Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.
c. Việc điều chuyển từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.
d. Các hình thức, nghiệp vụ đầu tư dự trữ ngoại hối mới.
2. Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
a. Ban hành quyết định việc trích tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối cho Ngân sách Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng chính phủ;
b. Quyết định việc xuất, nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước;
c. Quyết định phương án can thiệp thị trường ngoại hối trong nước;
d. Theo định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi cần thiết, quyết định tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước và cơ cấu của Quỹ dự trữ ngoại hối.
3. Hàng năm hoặc khi cần thiết:
a. Thông qua các báo cáo “Tình hình thực hiện việc quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước” và “Tình hình thực tế sử dụng Dự trữ ngoại hối Nhà nước” để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Tài chính).
b. Thông qua báo cáo “Tình hình biến động Dự trữ ngoại hối Nhà nước” để trình Thống đốc ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng bản:
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Quy chế này.
2. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban điều hành.
3. Quyết định các nội dung cụ thể sau:
a. Quyết định cơ cấu của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.
b. Quyết định cơ cấu của Quỹ dự trữ ngoại hối trong từng thời kỳ theo uỷ quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
c. Quyết định phương án đầu tư, các khoản đầu tư (tiền gửi, uỷ thác đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ...) có giá trị tương đương từ 20.000.000 USD (hai mươi triệu đôla Mỹ) trở lên.
d. Quyết định việc mua bán ngoại tệ hàng ngày của ngân hàng Nhà nước trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
e. Quyết định điều chuyển ngoại hối từ Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng sang Quỹ dự trữ ngoại hối khi mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
f. Chỉ đạo các Vụ chức năng có liên quan và Sở Giao dịch tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư Dự trữ ngoại hối Nhà nước theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên khác trong Ban điều hành.
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Trưởng ban:
a. Giúp Trưởng ban trong việc điều hành một số mặt công tác của Ban theo sự phân công của Trưởng ban và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công.
b. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban điều hành.
c. Trong trường hợp Trưởng ban vắng mặt, Phó Trưởng ban thay mặt Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban uỷ quyền; triệu tập, chủ trì cuộc họp của Ban điều hành và chịu trách nhiệm về các công việc đã giải quyết khi được uỷ quyền đồng thời có trách nhiệm báo cáo lại khi Trưởng ban có mặt (hoặc báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến chỉ đạo thực hiện khi cần thiết).
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban điều hành:
a. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban điều hành. Trong trường hợp vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho cấp phó của mình tham gia cuộc họp của Ban điều hành khi được Trưởng ban hoặc người chủ trì cuộc họp chấp thuận. Thành viên của Ban điều hành phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc uỷ quyền này.
b. Chuẩn bị các nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và tham gia ý kiến trong cuộc họp của Ban điều hành.
c. Được bảo lưu ý kiến của mình khi ý kiến đó khác với quyết định của Trưởng ban.
d. Thực hiện các công việc khác do Trưởng ban phân công.
3. Nhiệm vụ của Thư ký Ban điều hành:
a. Chuẩn bị các tài liệu, thông tin liên quan để đưa ra cuộc họp của Ban điều hành; tham gia các cuộc họp của Ban điều hành; ghi chép Biên bản cuộc họp và được dự thảo các văn bản trình Ban điều hành.
b. Thực hiện các công việc khác do Trưởng ban phân công.
Điều 7. Tổ chức họp
1. Ban điều hành họp định kỳ 6 tháng một lần. Trường hợp cần thiết có thể họp bất thường.
2. Ban điều hành thảo luận dân chủ trong cuộc họp và thống nhất ý kiến để đưa ra quyết định. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì ý kiến của Trưởng ban là ý kiến quyết định. Các ý kiến khác với quyết định của Trưởng ban sẽ được bảo lưu và ghi trong Biên bản cuộc họp.
3. Người được uỷ quyền (thay mặt thành viên của Ban điều hành) được tham gia ý kiến trong cuộc họp.
4. Các Vụ chức năng có liên quan cử đại diện tham gia cuộc họp của Ban điều hành khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Trưởng ban yêu cầu.
5. Kết quả cuộc họp của Ban điều hành được lập thành Biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp bao gồm nội dung cuộc họp, thành viên tham gia họp, các vấn đề đã thông qua và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.