Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa 

______________

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa là doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy nội địa”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến và điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch

Đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Điều khoản chuyển tiếp

Đơn vị đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy nội địa trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này thì vẫn được tiếp tục thực hiện kinh doanh”.

4. Bãi bỏ Điều 5, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra

Hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa, phòng học lý thuyết máy - điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản. Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Xưởng thực hành

Các xưởng thực hành phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Xưởng thực hành nguội - cơ khí, thực hành máy - điện.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy

1. Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Phương tiện thực hành phải có giấy tờ hợp pháp về đăng ký, đăng kiểm, các trang thiết bị phục vụ hành trình, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và phải treo biển "Phương tiện huấn luyện" ở vị trí dễ quan sát trong khi huấn luyện.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

Nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Đội ngũ giáo viên

1. Tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

2. Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy;

b) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp

Cơ sở đào tạo đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này thì tiếp tục được hoạt động đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận.

Trường hợp Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa chưa hết thời hạn nhưng có nhu cầu cấp mới thì chủ cơ sở tiến hành làm thủ tục theo quy định của Nghị định này”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa

1. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện thủy nội địa được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

3. Có nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể như sau:

a) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên; phương tiện không có động cơ nhưng có trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính từ 135 sức ngựa trở lên; phương tiện chuyên dùng như ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, khách sạn nổi, tàu cuốc, tàu hút và các loại phương tiện thủy nội địa khác có chiều dài thiết kế từ 10 m trở lên, phải có tối thiểu 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy;

b) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện thủy nội địa chở khách từ 13 người đến dưới 50 người; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 135 sức ngựa; phương tiện có chiều dài thiết kế từ 20 m trở lên và có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn; các phương tiện thủy nội địa chuyên dùng như ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, tàu cuốc, tàu hút và các loại phương tiện khác có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10 m, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 người tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành đóng tàu thủy hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 người tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành máy tàu thủy hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành máy tàu thủy;

c) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện có chiều dài thiết kế dưới 20 m; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính dưới 50 sức ngựa; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa và có sức chở đến 12 người phải có tối thiểu 01 người có chứng chỉ sơ cấp công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy;

d) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các phương tiện đóng bằng gỗ theo kinh nghiệm cổ truyền từ nhiều thế hệ nhân dân ở từng vùng và đã hoạt động an toàn được đăng kiểm công nhận (phương tiện dân gian) là các phương tiện có chiều dài thiết kế dưới 20 m; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính dưới 50 sức ngựa; phương tiện chở hàng trọng tải toàn phần dưới 100 tấn; phương tiện có sức chở dưới 12 người phải có tối thiểu 01 thợ lành nghề có kinh nghiệm trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa đóng bằng gỗ”.

2. Sửa đổi bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp

Các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện đã hoạt động trước ngày 01 tháng 5 năm 2015 thì vẫn được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; sau đó nếu muốn tiếp tục thực hiện hoạt động thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này”.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc