• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2020

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg

ngày 28 tháng 12 năm 2011 của thủ tướng chính phủ về việc cấp một số

ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi,

vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015

__________________

 

Căn cứ Nghị định số 84/2008/NĐ-CP, ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP, ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền Thông;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP, ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015,

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 2472/QĐ-TTg).

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015; được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và cá nhân thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg.

Điều 2. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

1. 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và 07 huyện nghèo theo Quyết định số 615/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là 69 huyện nghèo).

2. Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo:

a) Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

b) Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

c) Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai doạn 1995-2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;

d) Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

đ) Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn lI;

e) Các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế danh sách các xã đặc biệt khó khăn (nếu có).

3. Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn:

a) Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

b) Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

c) Các quyết định khác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế danh sách các thôn đặc biệt khó khăn.

4. Các xã biên giới, chùa Khmer, trường dân tộc nội trú.

Điều 3. Đối tượng và mức nhận các ấn phẩm báo, tạp chí

Thực hiện theo Điều 2 Quyết định số 2472/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

1. Cấp tỉnh

a) Ban Dân tộc hoặc cơ quan công tác dân tộc tỉnh, mỗi đơn vị được cấp 01 cuốn Tạp chí Dân tộc/kỳ phát hành;

b) Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, mỗi đơn vị được cấp 01 cuốn Tạp chí Văn hóa các dân tộc/kỳ phát hành.

2. Cấp huyện

a) Phòng Dân tộc hoặc cơ quan công tác dân tộc huyện, mỗi đơn vị được cấp 01 cuốn Tạp chí Dân tộc/kỳ phát hành;

b) Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, mỗi đơn vị được cấp 01 cuốn Tạp chí Văn hóa các dân tộc/kỳ phát hành;

c) Phòng Dân tộc của 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 04 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ báo Văn hóa; 01 tờ báo Nông thôn ngày nay; 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Khoa học và Đời sống)/kỳ phát hành.

3. Cấp xã

a) Ủy ban nhân dân các xã vùng dân tộc, miền núi, mỗi đơn vị được cấp 02 ấn phẩm, gồm: 01 cuốn Tạp chí Dân tộc; 01 cuốn Tạp chí Văn hóa các dân tộc/kỳ phát hành;

b) Ủy ban nhân dân xã của 69 huyện nghèo, Ủy ban nhân dân xã đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 09 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ báo Văn hóa; 01 tờ báo Tin tức; 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Sức khỏe và Đời sống); 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Khoa học và Đời sống); 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Công Thương); 01 tờ chuyên đề Dân tộc và Miền núi (Báo Lao động và Xã hội); 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Tài nguyên và Môi trường); 01 tờ chuyên đề Dân tộc, miền núi (Báo Pháp luật Việt Nam)/kỳ phát hành;

c) Ủy ban nhân dân xã biên giới, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ phụ trương An ninh biên giới (Báo Biên phòng)/kỳ phát hành.

4. Các thôn bản

a) Thôn bản của 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 06 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát trển; 01 tờ báo Văn hóa; 01 tờ báo Tin tức; 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Sức khỏe và Đời sống); 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Khoa học và Đời sống); 01 tờ chuyên đề Dân tộc và Miền núi (Báo Công Thương)/kỳ phát hành;

b) Thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 04 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ báo Văn hóa; 01 tờ báo Tin tức; 01 tờ chuyên đề Dân tộc và Miền núi (Báo Lao động và Xã hội)/kỳ phát hành;

c) Thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 02 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ báo Văn hóa/kỳ phát hành;

d) Thôn bản thuộc các xã biên giới, mỗi đơn vị đưọc cấp 02 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển (trừ thôn bản các xã biên giới của 69 huyện nghèo); 01 tờ phụ trương An ninh biên giới (Báo Biên phòng)/kỳ phát hành.

5. Các đồn, trạm, đội công tác biên phòng, đội công tác 123 (Bộ Quốc phòng), mỗi đơn vị được cấp 03 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ phụ trương An ninh biên giới (trừ đội công tác 123); 01 cuốn Tạp chí Văn hóa các dân tộc (trừ đội công tác 123)/kỳ phát hành.

6. Chùa Khmer đưọc cấp 02 ấn phẩm, gồm: 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển; 01 tờ báo Văn hóa/kỳ phát hành.

7. Các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp

a) Hội nông dân xã, chi hội nông dân thôn bản của 69 huyện nghèo; hội nông dân xã đặc biệt khó khăn, chi hội nông dân thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn; chi hội nông dân thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ báo Nông thôn ngày nay/kỳ phát hành;

b) Khuyến nông xã, thôn bản của 69 huyện nghèo; khuyến nông xã đặc biệt khó khăn, khuyến nông xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ chuyên đề Dân tộc và Miền núi (Báo Nông nghiệp Việt Nam)/kỳ phát hành;

c) Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã, ban công tác mặt trận các thôn bản của 69 huyện nghèo; Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã đặc biệt khó khăn, ban công tác mặt trận các thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn; Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ chuyên đề Dân tộc, miền núi (Báo Đại đoàn kết)/kỳ phát hành;

d) Hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ thôn bản của 69 huyện nghèo; hội phụ nữ xã đặc biệt khó khăn, chi hội phụ nữ thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn; chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II; hội phụ nữ xã biên giới, chi hội phụ nữ thôn bản thuộc các xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ chuyên đề Dân tộc và Miền núi (Báo Phụ nữ)/kỳ phát hành;

đ) Hội khuyến học xã thuộc 69 huyện nghèo, hội khuyến học xã đặc biệt khó khăn, hội khuyến học xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo, mỗi đơn vị được cấp 01 tờ chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi (Báo Khuyến học và Dân trí)/kỳ phát hành.

8. Các trường học

a) Các trường tiểu học, các trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học thuộc các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, mỗi lớp được cấp 01 tờ chuyên đề Măng non (Báo Nhi đồng)/kỳ phát hành;

b) Các trường trung học cơ sở, các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở thuộc các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, mỗi lớp được cấp 01 tờ chuyên đề Thiếu nhi dân tộc (Báo Thiếu niên tiền phong)/kỳ phát hành;

c) Các trường phổ thông trung học dân tộc nội trú, mỗi đơn vị được cấp 02 ấn phẩm, gồm: 01 cuốn Tạp chí Dân tộc; 01 cuốn Tạp chí Văn hóa các dân tộc/kỳ phát hành.

9. Người có uy tín, mỗi cá nhân được cấp 01 tờ báo Dân tộc và Phát triển/kỳ phát hành.

Điều 4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh bổ sung đối tượng, phương thức cấp ấn phẩm báo, tạp chí

1. Hồ sơ:

a) Đơn đề nghị của các cơ quan, đơn vị có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung đối tượng cấp ấn phẩm báo, tạp chí kèm theo danh sách (mẫu ban hành theo thông tư này);

c) Văn bản, tài liệu chứng minh sự điều chỉnh, thay đổi về số lượng, đối tượng thuộc diện được cấp ấn phẩm báo, tạp chí (nếu có).

2. Trình tự, thủ tục:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổng hợp danh sách đề nghị với những đối tượng thuộc các ban ngành, huyện, xã, thôn bản, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, người có uy tín trên địa bàn; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và tổng hợp danh sách đề nghị với những đối tượng nêu tại Khoản 8 Điều 3; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo và tổng hợp danh sách đề nghị với những đối tượng là các đồn, trạm, đội công tác biên phòng, xã, thôn biên giới, gửi về Ủy ban Dân tộc trước ngày 25 tháng 11 hằng năm;

b) Ủy ban Dân tộc rà soát, tổng hợp, thông báo số lượng, địa chỉ đối lượng được cấp các ấn phẩm báo, tạp chí của các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan gửi Công ty Phát hành báo chí Trung ương (làm căn cứ để phát hành) và cơ quan công tác dân tộc tỉnh (làm căn cứ để kiểm tra, giám sát) trước ngày 30 tháng 12 hằng năm.

3. Phương thức:

Các đối tượng thụ hưởng được cấp ấn phẩm báo, tạp chí định kỳ theo thời gian như quy định tại Điều 2 của Quyết định số 2472/QĐ-TTg.

Điều 5. Số lượng phát hành, quảng cáo, đặc san ấn phẩm báo, tạp chí

1. Số lượng phát hành

a) Số lượng phát hành trong một kỳ của mỗi ấn phẩm báo, tạp chí xác định trên cơ sở số lượng Nhà nước đặt hàng theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg cấp cho các đối tượng, số lượng cung cấp ra thị trường (bán thu tiền) và số lượng nộp lưu chiểu, gửi các cơ quan quản lý theo quy định hiện hành;

b) Chi phí xuất bản, phát hành do cơ quan báo, tạp chí xây dụng trên cơ sở tổng số lượng xuất bản, phát hành (Nhà nước đặt hàng và đơn vị tự chủ) và báo cáo cơ quan đặt hàng trước khi thực hiện.

2. Quảng cáo, phụ trương tuyên truyền

a) Số lượng và nội dung các trang quảng cáo theo quy định Luật Quảng cáo, không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí;

b) Số lượng và nội dung các trang phụ trương tuyên truyền tuân thủ các quy định của Luật Báo chí, Luật Ngân sách Nhà nước và quy định hiện hành khác.

3. Đặc san

Cơ quan báo chí trước khi thực hiện các số đặc sản (số gộp) nhân dịp ngày Lễ, Tết, ngày truyền thống của ngành báo cáo Ủy ban Dân tộc sau khi được sự đồng ý của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Điều 6. Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả ấn phẩm báo, tạp chí

1. Hình thức

a) Trình bày hấp dẫn; chữ to, kết hợp ảnh; in đẹp, nét, đúng khuôn khổ, số màu, loại giấy đã được quy định;

b) Các báo phát hành chung trên phạm vi toàn quốc phải có ít nhất 01 trang in 4 màu chuyên đề về vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên mỗi số báo, thể hiện tên kèm lô-gô ở đầu trang;

c) Các chuyên đề (Nhà nước đặt hàng) của các báo có tên: “Dân tộc và Miền núi”, có thông tin về thứ, ngày, tháng, năm phát hành thể hiện ở măng-sét (đầu trang 1), ngoài bìa ghi rõ: “Ấn phẩm Nhà nước cấp không thu tiền những bạn đọc theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg”.

2. Nội dung tin, bài, ảnh

a) Giữ đúng tôn chỉ, mục đích, ngôn ngữ thể hiện trong Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Đồng thời bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tình hình thời sự chính trị và thực tiễn cuộc sống, phản ánh sinh động, chọn lọc, kịp thời mọi mặt hoạt động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; nhiều thông tin phổ biến kiến thức cuộc sống, kinh nghiệm sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

b) Viết, biên tập ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp trình độ dân trí, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc thiểu số, từng vùng dân tộc thiểu số khác nhau; tranh, ảnh phải rõ chủ đề, bố cục chặt chẽ, hình ảnh không mờ nhòe, chú thích đủ các yếu tố thông tin cần thiết;

c) Không sao chép của các ấn phẩm khác.

Điều 7. Phát hành, quản lý và sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí

1. Phát hành

Công ty Phát hành báo chí Trung ương (Tổng công ty Bưu chính Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông) có trách nhiệm phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí cho các đối tượng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm đủ số lượng, kịp thời gian, đúng địa chỉ, tên loại ấn phẩm theo danh sách do Ủy ban Dân tộc cung cấp, đồng thời có sự ký nhận của các đơn vị, cá nhân tham gia phát hành.

2. Quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí

a) Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các địa phương (huyện, xã, thôn bản):

- Cá nhân được cấp có trách nhiệm quản lý, sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo và tuyên truyền phổ biến cho đồng bào nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, ngoài ra còn có trách nhiệm đưa xuống cơ sở để mọi người cùng đọc;

- Các địa phương có thư viện, phòng đọc, điểm bưu điện văn hóa cần tập trung các ấn phẩm báo, tạp chí để đồng bào có điều kiện đến đọc hoặc sử dụng phương thức “đọc to, nghe chung”. Những địa bàn có trạm truyền thanh thì đọc trong các chương trình truyền thanh;

- Ủy ban nhân dân xã xây dựng và ban hành các quy định quản lý, sử dụng, bảo quản hiệu quả, phù hợp, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mọi người dân trên địa bàn được đến đọc các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp. Đồng thời có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và uốn nắn kịp thời việc quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho thôn bản; nắm bắt những nhận xét đánh giá và nguyện vọng của người đọc về chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả của từng ấn phẩm báo, tạp chí để phản hồi chính xác, kịp thời về các cơ quan đầu mối thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg.

b) Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đồn, trạm, đội biên phòng, đội công tác 123, các đơn vị tự bảo quản và tổ chức phòng đọc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận thông tin, nâng cao năng lực tuyên truyền vận động quần chúng;

c) Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các trường, lớp học, đưa về lớp để đọc trong các buổi sinh hoạt lớp, sau đó chuyển về thư viện của trường. Nhà trường có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất: để tất cả học sinh đều được đọc, được xem, được nghe;

d) Ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đoàn thể, quản lý tập trung tại các tổ chức đoàn thể. Các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm ban hành quy định quản lý, khai thác, sử dụng, tạo điều kiện cho các đoàn viên, hội viên đều được đọc, đồng thời dùng làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt tập trung.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban Dân tộc

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí cấp tới các đối tượng thụ hưởng;

b) Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt đúng kế hoạch thời gian;

c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí, đơn vị phát hành và các địa phương định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch xuất bản, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí. Đồng thời kiểm tra, rà soát, điều chỉnh số lượng, địa chỉ các đối tượng thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo được cấp ấn phẩm báo, tạp chí;

d) Tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tổng hợp xây dựng báo cáo đánh giá, kiến nghị chung trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho các cơ quan báo, tạp chí tham gia thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý thông tin, kiểm tra nộp lưu chiểu, giám sát các cơ quan báo, tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích;

b) Chỉ đạo, kiểm tra việc vận chuyển, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Chủ trì việc xây dựng cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ bưu tá xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;

c) Phối hợp Ủy ban Dân tộc, định kỳ mỗi quý tổ chức giao ban báo chí; 6 tháng, 1 năm tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả tuyên truyền của các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá về chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và hiệu quả việc thực hiện chính sách của các địa phương;

b) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, tạp chí tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên những nội dung mới trong công tác tuyên truyền phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, về văn hóa, phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số.

4. Cơ quan chủ quản các báo, tạp chí

a) Chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo các cơ quan báo chí hoạt động đúng theo các quy định của Luật Báo chí, Giấy phép hoạt động báo chí được cấp và các quy định pháp luật hiện hành khác;

b) Phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công về Ủy ban Dân tộc.

5. Cơ quan báo, tạp chí, đơn vị phát hành

a) Xây dựng quy chế hoạt động của bộ phận phụ trách, quy trình xuất bản, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí tới các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn khác;

b) Đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chi phí xuất bản, mức cước phí phát hành các loại báo, tạp chí theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg;

c) Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm tiến hành tự kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện việc cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí, chất lượng nội dung, hình thức theo các tiêu chí nêu tại Điều 6 cùng những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi báo cáo Ủy ban nhân dân Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh;

b) Giao cơ quan công tác dân tộc tỉnh là bộ phận thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí tại địa phương; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng và đánh giá chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp; rà soát, tổng hợp danh sách, địa chỉ các đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký gửi Ủy ban Dân tộc;

c) Định kỳ 6 tháng, 1 năm khảo sát lấy ý kiến của người dân về nhu cầu thông tin, đánh giá hiệu quả, chất lượng nội dung, hình thức của các ấn phẩm báo, tạp chí, báo cáo kết quả và khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

2. Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn quy định tại Thông tư này được tính thụ hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 và lồng ghép với các chính sách khác có cùng nội dung, mục đích đang thực hiện trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ủy ban Dân tộc để chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết./.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.